02 tháng 5 2024

Ông Nguyễn Phú Trọng và ‘Trách nhiệm chính trị’

02/05/2024 Lê Quốc Quân - VOA

VOA-05-08
Ông Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại cuộc họp báo ở Hà Nội ngày 1 tháng Hai, 2021. Sau hơn 13 năm cầm quyền, thực tiễn phơi bày ra trước mắt người dân là nỗ lực chống tham nhũng của ông không khả thi.

Ngày 26/4 Trung ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ “thôi giữ các chức vụ” với lý do ông Huệ đã vi phạm“Những điều đảng viên không được làm… và chịu trách nhiệm người đứng đầu”, sau khi có vụ bắt giữ ông Phạm Thái Hà và những quan chức tập đoàn Thuận An.

Cũng tương tự như vậy, ngày 20/3/2024, ông Võ Văn Thưởng đã thôi giữ các chức vụ vì những lùm xùm liên quan đến tập đoàn Phúc Sơn và các quan chức địa phương ở tỉnh Vĩnh Phúc. Trong tháng 1/2024, trưởng ban kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh buộc phải rời nhiệm sở.

Hơn 1 năm trước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và 2 phó thủ tướng là Vũ Đức Đam và Phạm Bình Minh cũng ngậm ngùi ra đi vì “chịu trách nhiệm chính trị”. Bộ chính trị của Đảng Cộng sản từ đầu nhiệm kỳ có 18 người nay chỉ còn lại 13.

“Trách nhiệm pháp lý” và “Trách nhiệm chính trị”

Trách nhiệm pháp lý, năng lực chịu trách nhiệm pháp lý và cơ sở truy cứu trách nhiệm pháp lý là những thuật ngữ pháp luật phức tạp. Nhưng tóm lại thì: Trách nhiệm pháp lý là hậu quả mà công dân phải gánh chịu khi vi phạm hoặc không thực hiện các hành vi mà pháp luật quy định.

Tuy vậy, không phải ai cũng phải gánh chịu trách nhiệm pháp lý vì nó còn thể hiện ở “năng lực chịu trách nhiệm pháp lý”. Một người được coi là không chịu trách nhiệm pháp lý khi: “Mắc bệnh tâm thần và không nhận thức được ý nghĩa xã hội của hành vi”.

Một trong những nguyên tắc quan trọng trong pháp lý là cá biệt hoá trách nhiệm, nghĩa là ai làm người đó chịu, nhưng xã hội còn có nhiều loại trách nhiệm khác như: Trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hành chính, trách nhiệm chính trị… thể hiện sự liên đới giữa các chủ thể với nhau.

Trách nhiệm chính trị là một khái niệm không rõ ràng và chưa có một văn bản nào quy định cụ thể nhưng gần đây nó được bàn thảo sôi nổi trên khắp các diễn đàn. Các cuộc bàn thảo kéo dài từ trung ương đến địa phương, từ đảng bộ tỉnh xuống chi bộ thôn. Nó còn xuất hiện trong mọi ngành nghề, lĩnh vực mà có nhân tố “đảng” lãnh đạo.

Trong một bài báo đăng trên báo Nhân dân, tiến sỹ Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng “Trách nhiệm chính trị là chế độ trách nhiệm đòi hỏi các quan chức chính trị phải có được sự tín nhiệm của nhân dân hoặc của những người đại diện cho nhân dân. Còn tín nhiệm thì còn chức quyền, hết tín nhiệm thì hết chức quyền”.

Luật pháp và Đảng quy không có điều khoản nào phản bác cũng như ủng hộ quan điểm này của tiến sỹ Dũng, nhưng Đảng CSVN có Quy định số 08/QĐ-TW để về “Trách nhiệm nêu gương” và tại Điều 1 ghi rõ là “Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu nêu gương”, mà muốn nêu gương được thì phải có tín nhiệm. Vậy ai đo mức độ tín nhiệm?

“Lấy phiếu tín nhiệm” và “Bỏ phiếu tín nhiệm”

Để đo mức độ tín nhiệm, Quốc hội dựa vào Nghị Quyết số 85/2014/QH13 ban hành vào năm 2014 về việc “Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn”.

Điều thú vị là Việt Nam luôn có cách làm “khác” với thế giới bằng những ngôn từ rất lạ mà đến các nhà ngôn ngữ học cũng phải đau đầu khó hiểu. Nghị Quyết này của Quốc hội đưa ra 2 khái niệm: “Lấy phiếu tín nhiệm’ và “Bỏ phiếu tín nhiệm”.

Trong “lấy phiếu” thì có 3 mức là: “tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp”. Còn “bỏ phiếu” thì chỉ có 2 mức là: “tín nhiệm hoặc không tín nhiệm”. Cùng một người, một sự việc có khi là “lấy phiếu” có lúc phải “bỏ phiếu”.

Việc đo lường mức độ tín nhiệm thì luôn phải có 3 chủ thể tham gia: Nhân dân, Người thay mặt nhân dân (Quốc hội) và Đảng cộng sản.

Trong mối quan hệ tay ba này, Đảng đã đặt nhân dân ra ngoài cuộc chơi. Đảng thao túng toàn bộ Người đại diện của dân bằng việc cài cắm hơn 97% đảng viên làm Đại biểu quốc hội, rồi qua đó, Đảng giành lấy quyền quyết định vào những thời điểm nhất định, ai là người có tín nhiệm, ai là người không.

Đảng chưa bao giờ có một cuộc trưng cầu dân ý để xác định sự tín nhiệm của Đảng và sự đồng nhất giữa mong muốn của người dân và ý chí của Đảng. Sự tín nhiệm của nhân dân chưa chắc đã là sự tín nhiệm của Đảng; ngược lại, sự bất tín nhiệm của nhân dân cũng có thể không nhất thiết là sự bất tín nhiệm của Đảng.

Độ tín nhiệm “mong manh”

Ví dụ như ông Võ Văn Thưởng đã được Quốc hội bầu làm chủ tịch nước với số phiếu tín nhiệm rất cao (487/488 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành). Ông Vương Đình Huệ thì 100% đại biểu tham gia tán thành bầu làm chủ tịch quốc hội.

Chúng ta còn nhớ hình ảnh Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đi giữa 2 bên là Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ. Ông nắm chặt tay Võ Văn Thưởng và nhân dân được dịp đồn đoán về một người kế vị cùng nghiên cứu “triết học Mác Lê Nin”.

Sau khi ông Thưởng về vườn, nhân dân lại xôn xao về ông Vương Đình Huệ như là người có khả năng thay thế Tổng bí thư vì đã “cơ cấu từ lâu” và chủ tịch Quốc hội thường là bước đệm để tiến lên chức Tổng bí thư, giống như ông Nông Đức Mạnh và ông Nguyễn Phú Trọng.

Cả hai ông đã đạt được phiếu tín nhiệm cao nhất để chọn làm chủ tịch nước và Chủ tịch quốc hội. Nhưng đây là sự tín nhiệm vô cùng mong manh vì không phản ánh đúng ý chí và nguyện vọng thực sự của dân hoặc người đại diện của dân.

Bởi thế cho nên, chỉ một thời gian sau, Đảng lại công bố họ “Vi phạm quy định và làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước”. Mọi sự là do đảng, thậm chí một số rất ít người trong đảng.

Có rất nhiều lời đồn đoán phía sau nhưng xét về mặt hình thức thì không có một bằng chứng rõ ràng minh bạch nào được đưa ra. Nhân dân không có quyền và không có cách nào để xác định mức độ tín nhiệm thật đã có và quá trình mất tín nhiệm của các ông như thế nào.

Nhân dân chỉ biết một cách chắc chắn rằng chỉ đảng viên mới được làm quan chức, và chỉ có quan chức mới có quyền lực để tham nhũng và hiện nay càng chống càng tăng, càng phơi bày một thực tế suy đồi nghiêm trọng. Niềm tin về mức độ tín nhiệm như đang vữa ra từng mảng.

Pandora Box và Hy vọng cuối cùng

Tổng bí thư, ông Nguyễn Phú Trọng xác định tham nhũng là giặc nội xâm và quyết tâm đánh nó để tạo ra được sự “trong sạch” và vững mạnh cho đảng và chế độ. Sau hơn 13 năm cầm quyền, thực tiễn phơi bày ra trước mắt người dân rằng nỗ lực chống tham nhũng của ông là không khả thi.

Ông đã tự mở chiếc “Pandora Box” ra và nay thì nhân dân đã thấy thật sự bộ máy của Nhà nước do Đảng cộng sản lãnh đạo là một tập hợp của những ổ tham nhũng lớn với sự băng hoại từ cấp cao nhất đến cấp thấp nhất. Trùm cuối được nhiều người xác định chính là thể chế và không bao giờ đập được chuột mà không vỡ bình vì chính cái bình đó là môi trường sinh ra chuột.

Một mặt, ta thấy “sự dữ” từ chiếc hộp Pandora do chính ông Trọng mở ra đang “bay là là” và phủ kín cả bầu trời vô minh, giống như bầu khí khuyển Hà Nội đang ô nhiễm nặng, đem đến viễn cảnh tồi tệ của tương lai dân tộc Việt Nam.

Nhưng mặt khác, thực tiễn cũng cho chúng ta những hy vọng giống như truyền thuyết về niềm hy vọng còn sót lại trong hộp Pandora. Chúng ta biết rằng tham nhũng luôn gắn liền “khuyết tật” của quyền lực và nếu giải quyết được thì có thể giúp quốc gia cất cánh.

Tham nhũng quan hệ hữu cơ với việc tạo dựng, tổ chức và sử dụng quyền lực. Vì vậy, nếu vì tương lai đất nước, Ông Nguyễn Phú Trọng nên tự nhận “Trách nhiệm chính trị”, rồi cho phép tự do báo chí, mở rộng không gian dân sự, xây dựng nhà nước pháp quyền, nâng cao trách nhiệm giải trình, minh bạch hoá chính sách, từng bước “nhốt quyền lực lại” trong một cơ chế “Check & Balance” (Kiềm chế và đối trọng) thì tự nó theo thời gian sẽ sửa chữa được khuyết tật của hệ thống.

Nếu được vậy, dân tộc Việt Nam sẽ tìm thấy niềm hy vọng để bình an đi tiếp vào tương lai.

Ông Trần Thanh Mẫn, người được phân công điều hành Quốc hội, là ai?

2.5.2024 - BBC


Ông Trần Thanh Mẫn trưởng thành từ hệ thống Đoàn và Đảng

Sau khi ông Vương Đình Huệ bị miễn nhiệm chức chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch thường trực Trần Thanh Mẫn đã được phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.

Chiều 2/5, ngay sau kỳ họp bất thường miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã có thông báo về việc phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội Việt Nam.

Theo đó, ông Trần Thanh Mẫn – Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội - sẽ điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội Việt Nam cho đến khi kiện toàn được chức danh Chủ tịch Quốc hội khóa 15 theo quy định.

Việc phân công ông Mẫn diễn ra ngay sau khi Quốc hội miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026, phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Hội đồng Quốc phòng-An ninh nhiệm kỳ 2021-2026 và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa 15 đối với ông Vương Đình Huệ.

Bình luận với BBC News Tiếng Việt hôm 26/4, sau khi Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi chức Chủ tịch Quốc hội trong một sự kiện được cho là chấn động chính trường Việt Nam, GS Carl Thayer (Úc) nhận định rằng ông Trần Thanh Mẫn sẽ lên làm chủ tịch Quốc hội thay ông Huệ.

Dựa trên Quy định 214-QĐ/TW 2020 về khung tiêu chuẩn cho các chức danh thì một trong những điều kiện để trở thành chủ tịch Quốc hội là phải tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên. Ông Mẫn tham gia Bộ Chính trị chưa đủ một nhiệm kỳ, nên chưa đủ tiêu chuẩn. Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Việt Nam có thể áp dụng trường hợp ngoại lệ nếu họ muốn chọn người chưa hội đủ tất cả các tiêu chuẩn theo quy định trên. Trong bối cảnh "thiếu người" như hiện nay, việc áp dụng ngoại lệ là có thể xảy ra.

Giáo sư Thayer chia sẻ: "Ban đầu tôi nghĩ Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị Trần Thanh Mẫn sẽ lên [làm chủ tịch Quốc hội]. Tuy nhiên, nguồn tin của tôi, tất nhiên chỉ là tin đồn, nói với tôi rằng bà Trương Thị Mai sẽ được bổ nhiệm làm người đứng đầu Quốc hội. Và điều đó an toàn vì bà ấy từng cho biết mình muốn nghỉ hưu (vào năm 2026)."

GS Carl Thayer nói rằng nếu bà Trương Thị Mai làm chủ tịch Quốc hội thì có khả năng ông Mẫn sẽ làm chủ tịch nước. Đây được coi là những giải pháp trước mắt để chờ tới Đại hội Đảng lần thứ 14 vào đầu năm 2026.

Do trong kỳ họp bất thường lần này, Quốc hội không tiến hành bầu ra người thay thế ông Vương Đình Huệ và ông Võ Văn Thưởng – người mất chức Chủ tịch nước chỉ trước ông Huệ hơn một tháng – có khả năng quốc hội sẽ bầu hai vị trí này trong kỳ họp thường kỳ sắp tới, khai mạc vào ngày 20/5, bế mạc ngày 28/6.


Việc ông Vương Đình Hụê mất chức được coi là một cơn địa chấn chính trị

Ông Trần Thanh Mẫn là ai?

Ông Trần Thanh Mẫn sinh năm 1962, quê ở Hậu Giang, là tiến sĩ kinh tế, cử nhân chính trị.

Ông là ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa 10; ủy viên Trung ương Đảng khóa 11, 12, 13; bí thư Trung ương Đảng khóa 12; ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 và là đại biểu Quốc hội các khóa 13, 14, 15.

Ông Trần Thanh Mẫn từng có thời gian dài làm công tác Đoàn Thanh niên tại các tỉnh Hậu Giang và Cần Thơ.

Từ tháng 7/1994, ông Trần Thanh Mẫn làm chánh văn phòng UBND tỉnh, sau đó làm phó chủ tịch UBND tỉnh Cần Thơ.

Từ năm 2008-2011, ông làm phó bí thư Thành ủy, chủ tịch UBND TP Cần Thơ.

Từ năm 2011-2015, ông Trần Thanh Mẫn làm bí thư Thành ủy Cần Thơ, trước khi giữ cương vị phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ông được bầu làm phó chủ tịch thường trực Quốc hội vào ngày 1/4/2021, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 14.

Tháng 7/2021, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 15, ông tiếp tục được bầu giữ chức phó chủ tịch Quốc hội và tiếp tục đảm nhiệm vai trò phó chủ tịch thường trực Quốc hội khóa 15.

Tháng 1/2021, tại Đại hội Đảng lần thứ 13, ông Mẫn được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng. Tại Hội nghị lần thứ nhất Trung ương Đảng khóa 13, ông được bầu vào Bộ Chính trị.

Với các đợt từ chức mới nhất, 'trò chơi vương quyền' của Việt Nam đang trở nên mạnh mẽ hơn

2.5.2024 - Cù Tuấn

Cù Tuấn biên dịch phân tích chính trị của The Diplomat - Tác giả: Huynh Tam Sang.

CuTuan-01-22

Tóm tắt: Cuộc trấn áp tham nhũng của Việt Nam, dẫn tới sự ra đi của hai nhà lãnh đạo cấp cao trong những tuần gần đây, phản ánh sự leo thang đáng báo động của chủ nghĩa thân hữu và đấu đá nội bộ trong Đảng.

Vào ngày 26 tháng 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), cơ quan ra quyết định hàng đầu của Việt Nam, đã chấp thuận đơn từ chức của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, theo yêu cầu cá nhân của ông. Theo Ủy ban, những vi phạm, khuyết điểm của ông Huệ đã "gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân ông".

Thông báo này theo sau tin đồn rằng ông Huệ sẽ từ chức sau khi trợ lý lâu năm của ông, Phạm Thái Hà, bị bắt giữ. Theo Bộ Công an, ông Hà, người từng giữ chức Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đã bị bắt vào tuần trước với cáo buộc lạm dụng quyền lực. Ông bị bắt vì liên quan đến cuộc điều tra hối lộ tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An có trụ sở tại Hà Nội và các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng liên quan. Trọng tâm của vụ bắt giữ hiện nay là việc Hà thể hiện mình là đồng minh trung thành của Huệ và là trợ lý đáng tin cậy trong Quốc hội.

Việc từ chức của ông Huệ diễn ra không lâu sau khi Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng từ chức chỉ sau một năm. Cuộc điều tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về việc ông Thưởng vi phạm điều lệ Đảng đã dẫn đến kết luận tương tự như trường hợp của ông Huệ: Những vi phạm, khuyết điểm của ông Thưởng đã gây bất bình trong dư luận, hạ thấp uy tín của Đảng, nhà nước và bản thân ông. Mặc dù chưa rõ ràng, nhưng những tin đồn về sự ra đi của ông đã lan truyền trong một thời gian liên quan đến nhiệm kỳ Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi năm 2011—2014 và trách nhiệm được cho là của ông về sự giả mạo, khai man sổ sách có chọn lọc đã diễn ra tại Công ty xây dựng và bất động sản hàng đầu Phúc Sơn trong và sau khi ông Thưởng giữ chức Bí thư Tỉnh ủy.

Đáng chú ý rằng ông Thưởng đã được chọn để kế nhiệm cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chỉ một tháng rưỡi sau khi ông đột ngột từ chức vào đầu năm ngoái, do vi phạm và làm sai của các quan chức cấp cao làm việc dưới sự giám sát của ông trong thời gian ông làm Thủ tướng.

Sự từ chức chưa từng có của hai trong tứ trụ — những chức vụ quyền lực nhất trong hệ thống chính trị Việt Nam — đã làm nổi bật nỗ lực chống tham nhũng với chiến dịch đốt lò do Tổng Bí thư 80 tuổi Nguyễn Phú Trọng, trụ mạnh mẽ nhất, khởi xướng.

Nhìn chung, nhiều nhà quan sát coi nỗ lực chống tham nhũng là một chiến dịch toàn diện chống lại nạn tham nhũng mà đã làm hoen ố danh tiếng của chính phủ Việt Nam, cả trong công chúng lẫn các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng. Năm 2022, ông Trọng tuyên bố không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong chiến dịch này. Và việc từ chức và truy tố các chính trị gia cấp cao và cấp dưới của Việt Nam cho đến nay là bằng chứng cho thấy Đảng không khoan nhượng đối với các nhà lãnh đạo và quan chức tham gia vào các hoạt động gây tranh cãi hoặc làm việc dưới tiêu chuẩn mong đợi. Do những hành vi sai trái và sai trái liên quan đến tham nhũng, hàng trăm quan chức cấp cao, trong đó có các quan chức cấp cao của Đảng, đã từ chức hoặc bị buộc phải từ chức.

Nhưng những vụ bê bối tham nhũng và những vụ từ chức sau đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm khi quan sát kịch bản đang diễn ra ở Việt Nam. Hai yếu tố cần được chú ý. Thứ nhất, các quan chức Đảng và nhà nước bị sa thải thường có quan hệ mật thiết với tham nhũng và hành vi sai trái của cấp dưới. Thứ hai, những cuộc thanh trừng này có mối liên hệ mật thiết với chủ nghĩa thân hữu về kinh tế: một hệ thống trong đó chính trị và kinh tế gắn bó với nhau, dẫn đến sự lạm dụng quyền lực của các quan chức Đảng và chính phủ.

Chủ nghĩa tư bản thân hữu, vốn phổ biến ở các nước đang phát triển, tạo ra một hệ thống không công bằng và không rõ ràng, với các mối quan hệ cá nhân giữa doanh nhân và quan chức chính phủ làm cản trở sự cạnh tranh công bằng. Ở một quốc gia độc đảng như Việt Nam, chủ nghĩa thân hữu — mối quan hệ cộng sinh giữa các cơ quan nhà nước tham nhũng với các quan chức và doanh nghiệp — hiện đóng vai trò then chốt trong việc phân bổ lợi ích kinh tế giữa những người giàu và các quan chức cấp cao. Quốc gia này từ lâu đã nổi tiếng với việc áp dụng chính sách ưu tiên trong việc cấp giấy phép, phân bổ trợ cấp của chính phủ và cấp ưu đãi thuế đặc biệt. Một ví dụ điển hình của chủ nghĩa thân hữu ở Việt Nam là việc phân bổ các chức vụ trong chính phủ hoặc sự thiên vị trong các doanh nghiệp nhà nước dành riêng cho các Đảng viên, người thân và bạn bè của họ.

Kể từ khi bắt đầu cuộc cải cách kinh tế được gọi rộng rãi là Đổi mới vào năm 1986, Việt Nam đã vươn lên từ hàng ngũ các quốc gia nghèo nhất thế giới trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình chỉ sau một thế hệ. Chính phủ Việt Nam cũng mong muốn đưa đất nước này trở thành một quốc gia phát triển với nền công nghiệp theo định hướng hiện đại vào năm 2025. Việt Nam được nhiều người ca ngợi là một nền kinh tế sôi động và đang phát triển, nhưng nền văn hóa chính trị của Việt Nam, vốn ưu tiên các mối quan hệ hơn là thành tích trong việc phân chia các lợi ích chính trị, chức vụ và lợi ích kinh tế, đang có khả năng củng cố cơ cấu quyền lực hiện tại và bóp nghẹt triển vọng kinh tế của đất nước này. Một khía cạnh nguy hiểm của thực tiễn lâu dài này là sự xuất hiện và củng cố của các nhóm và tổ chức dựa trên lợi ích của quan hệ thân hữu. Điều này có thể làm gia tăng tình trạng tham nhũng và chủ nghĩa bè phái ở một quốc gia vốn có sự lãnh đạo không minh bạch, từ đó có thể cản trở sự phát triển và bền vững kinh tế của Việt Nam.

Tuy nhiên, chiến dịch chống tham nhũng đã làm lu mờ uy tín của Đảng và gây nghi ngờ về tính liêm chính và ổn định chính trị của hệ thống. Xét đến cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra và sự bất ổn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, uy tín của nhà nước là vô cùng quan trọng, đặc biệt là khi xem xét những nỗ lực của Việt Nam trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Do sự thịnh vượng của nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào sự hỗ trợ đầu tư và công nghệ của phương Tây cũng như mối quan hệ chặt chẽ với các nền kinh tế khu vực, các cuộc trấn áp chống tham nhũng gần đây có thể khiến cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài lo lắng.

Bầu không khí chính trị ở Việt Nam ngày càng trở nên u ám hơn do sự từ chức gần đây của ông Thưởng và ông Huệ. Điều này đặt ra một câu hỏi không thể tránh khỏi: ai là người tiếp theo sẽ bị ném vào lò? Sức nặng lâu dài của chủ nghĩa thân hữu đối với Việt Nam có nghĩa là chúng ta có thể tiếp tục chứng kiến các quan chức cấp cao và cấp dưới bị sa thải và bắt giữ trong một thời gian khá dài nữa. Nhưng vấn đề hấp dẫn nhất hiện nay là xung đột phe phái có thể đã nổ ra sau khi hai vị trí trong số tứ trụ bị bỏ trống.

Trong khi việc các ông Phúc, Thưởng và Huệ từ chức có thể được coi là nỗ lực do Đảng khởi xướng nhằm giữ thể diện cho họ, thì việc hạ cánh nhẹ nhàng của họ cũng làm Trò chơi vương quyền của Việt Nam ngày càng nóng lên. Với việc chỉ còn lại hai thành viên trên ngai vàng — Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Phạm Minh Chính — khoảng trống chính trị này có thể sẽ châm ngòi cho nhiều cuộc đấu đá nội bộ hơn trong Đảng.

Sau sự ra đi của ông Huệ, Bộ Chính trị hiện nay gồm 13 ủy viên (một con số rất kém may mắn ở Việt Nam), giảm 5 so với con số 18 người vào đầu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 năm 2021. Ngoài Huệ, Thưởng, Phúc, 5 ủy viên bị cách chức cũng có Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương.

Khủng hoảng lãnh đạo ở Việt Nam có nhiều nguyên nhân, nhưng căn nguyên có lẽ là nạn tham nhũng trắng trợn và xung đột phe phái trong nội bộ ĐCSVN. Trong bối cảnh đó, những đồn đoán nảy lửa về việc ai sẽ được bổ nhiệm làm Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội tiếp theo là điều khó tránh khỏi. Sự thống trị, thỏa hiệp, đồng thuận và thậm chí cả cạnh tranh, tất cả đều diễn ra trong hậu trường, chắc chắn sẽ đặc biệt gay gắt, vì cuộc đua giành các vị trí hàng đầu trước Đại hội Đảng tiếp theo vào đầu năm 2026 đã bắt đầu. Trong khi ĐCSVN có thể sẽ cố gắng duy trì sự cân bằng quyền lực trong nước thông qua cơ cấu lãnh đạo tập thể đã được thử nghiệm trong thực tế, khả năng duy trì tăng trưởng kinh tế đồng thời ngăn chặn nạn tham nhũng trong các quan chức cấp cao vẫn còn chưa chắc chắn.

Đồng thời, các cuộc tranh giành với tham vọng ngày càng gia tăng và nguy cơ gia tăng của các cuộc chiến chính trị này trong bối cảnh chiến dịch chống tham nhũng, cuối cùng có thể làm lung lay cán cân quyền lực nội bộ mong manh của Đảng, với những hậu quả nghiêm trọng tiềm tàng cho tương lai.

Quốc hội Việt Nam ra nghị quyết đồng ý bắt giam bí thư tỉnh Bắc Giang

02/05/2024 - VOA

VOA-05-07
Ông Dương Văn Thái, Bí thư tỉnh Bắc Giang. Photo: Nhân Dân.

Hôm 1/5, Quốc hội Việt Nam thông báo rằng cơ quan chức năng đã bắt giam ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, “theo quy định của pháp luật”, nhưng không nêu rõ tội danh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành một nghị quyết từ hôm 26/4 theo đề nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái, đại biểu Quốc hội khóa XV theo quy định của pháp luật, báo Nhân Dân loan tin.

Thông tin trên được ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội Việt Nam, phát thông cáo cho biết hôm 1/5.

Các trang mạng báo nhà nước không nói rõ ông Thái bị bắt ngày nào.

Truyền thông nhà nước tường thuật rằng nghị quyết ngày 26/4 cũng tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với ông Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang kể từ ngày có quyết định khởi tố.

Ông Thái, 54 tuổi, giữ chức bí thư tỉnh Bắc Giang từ ngày 14/10/2020, là ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII từ tháng 7/2021 đến nay.

Cổng thông tin của Đảng Cộng sản Việt Nam cho hay ông Thái có bằng tiến sĩ kinh tế, vào đảng hồi tháng 12/1995.

Trước đó, hôm 15/4, Bộ Công an bắt giam 3 cán bộ tại tỉnh Bắc Giang do dính tới vụ án Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An và 2 lãnh đạo của công ty này về các tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “đưa, nhận hối lộ”.

Cũng liên quan đến công ty này, hôm 22/4, Bộ Công an đã bắt thêm ông Phạm Thái Hà, trợ lý của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”. Vụ bắt này được cho là nguyên nhân đã dẫn đến việc ông Huệ phải từ chức vào tuần trước.

Công cuộc đốt lò của ông Trọng ra sao sau khi hai ông Thưởng & Huệ từ chức?

2024.05.01 - RFA

Công cuộc đốt lò của ông Trọng ra sao sau khi hai ông Thưởng & Huệ từ chức?
Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Reuters

Với những xáo trộn về nhân sự ở thượng tầng chính trường Việt Nam, đặc biệt khi hai ông Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ từ chức, một số nhà quan sát chính trị, xã hội nhận định rằng công cuộc đốt lò của ông Nguyễn Phú Trọng hiện đang “vượt tầm kiểm soát” và người tiếp quản có thể là ông Tô Lâm –Bộ trưởng Bộ Công an.

Nguyễn Phú Trọng “mất kiểm soát” việc “đốt lò”?

Nhà báo Lê Trung Khoa, chủ bút Thoibao.de nhận định rằng qua vụ hai lãnh đạo tối cao của Việt Nam lần lượt mất chức chỉ trong vòng khoảng một tháng cho thấy cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay dường như không còn nằm trong tầm kiểm soát của ông Nguyễn Phú Trọng nữa. Việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ “về hưu sớm” cũng không phải là chủ ý của ông Trọng, mà là do Bộ trưởng Công an Tô Lâm đứng sau điều khiển.

Có hai chỉ dấu khiến ông Khoa nhận định như vậy. Thứ nhất là vì sức khỏe ông Nguyễn Phú Trọng quá yếu, không thể điều hành công việc một cách bình thường. Thứ hai, cả hai ông Thưởng và Huệ đều được ông Trọng ủng hộ, cất nhắc lên vị trí lãnh đạo trong tứ trụ. Việc hai ông này dính bê bối tham nhũng, tiêu cực thì uy tín ông Trọng cũng bị ảnh hưởng xấu. Ông Khoa nói:

“Tôi cũng có thông tin được biết là ông Nguyễn Phú Trọng tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay sức khỏe rất yếu, thường xuyên phải vào bệnh viện để khám chữa bệnh. Thời gian còn lại thì ông ấy cũng không đủ sức để giữ tất cả các cuộc họp quan trọng.

Chính vì vậy mà các cán bộ cấp cao khác trong tứ trụ hoặc Bộ Chính Trị thường đưa ra những quyết định. Mà bây giờ với quyền lực rất lớn của Bộ Công an Việt Nam thì những quyết định đó dường như nó đến từ bộ công an Việt Nam là chủ yếu.

Ngoài ra, cũng còn nhiều thông tin cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng là người phải chịu trách nhiệm về việc đề bạt những cán bộ cấp cao vì ông là Trưởng ban nhân sự của Đại hội Đảng khóa 13 và trong khóa 14 thì ông ta cũng muốn đảm trách phần nhiệm vụ này.”

Có thể thấy từ khi tin đồn sức khỏe ông Nguyễn Phú Trọng nguy kịch xuất hiện rầm rộ trên mạng xã hội hồi tháng 1/2024, tới nay, ông Trọng rất ít khi trực tiếp xuất hiện trên truyền thông hô hào chống tham nhũng, tiêu cực như trước đây.

Ông Tô Lâm sẽ tiếp quản chống tham nhũng?

TLam.jpeg
Bộ trưởng công an Tô Lâm. Ảnh: courtesy Chinhphu.vn

Nếu ông Trọng không còn kiểm soát được cuộc chiến chống tham nhũng do chính mình khởi xưởng từ năm 2016, thì câu hỏi đặt ra là vậy ai là người chỉ đạo xử lý các vụ án tham nhũng liên quan đến cấp dưới của hai ông Huệ và Thưởng, khiến hai ông này đột ngột mất chức. Trả lời câu hỏi này, nhà báo Lê Trung Khoa cho rằng không ai khác ngoài ông Tô Lâm - người được cho là đang nắm thực quyền cao nhất tại Việt Nam hiện nay.

Theo ông Khoa, ban đầu, Bộ công an được ông Trọng sử dụng như một công cụ cho chiến dịch đốt lò, thanh trừng các quan chức tham nhũng. Bộ công an trực tiếp làm việc, điều tra xét hỏi cũng như bắt các quan chức của Đảng Cộng sản Việt Nam bị cho là có dính líu tới tiêu cực, tham nhũng. Tuy nhiên, dần dần, ông Nguyễn Phú Trọng không còn kiểm soát được lực lượng công an và ông Tô Lâm vẫn lợi dụng danh nghĩa “chống tham nhũng” để loại bỏ các đối thủ chính trị của mình. Ông Khoa nói tiếp:

“Bộ Công an hiện nay dường như đã tụt khỏi tay của Nguyễn Phú Trọng. Nó sẽ làm cho tình hình nội bộ của Việt Nam tới đây thêm rối ren.

Tiếp tục sẽ còn những con người khác của Đảng, đặc biệt là cán bộ cấp cao sẽ bị đưa ra xét xử trong thời gian tới. Vì vậy, mà chúng ta có thể thấy được sự hoạt động rất nhiệt tình, năng động, mạnh mẽ của Bộ Công an Việt Nam, mà đứng đầu là bộ trưởng công an Tô Lâm hiện nay đang thực hiện việc đó.”

Luật sư Nguyễn Văn Đài từ nước Đức nhận định rằng có thể việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ buộc phải nghỉ hưu là chủ đích của ông Tô Lâm. Tuy nhiên, theo Luật sư Đài, vẫn còn quá sớm để kết luận ông Nguyễn Phú Trọng không còn kiểm soát được cuộc chiến chống tham nhũng. Ông nói:

“Nói tới quyền lực và khả năng của ông Trọng, theo quan điểm của tôi thì ông ấy không mất kiểm soát đâu. Bởi vì ông ấy vẫn đang nắm Bộ Quốc phòng, vẫn là Bí thư Quân ủy Trung ương; và những người như hai nhân vật trong Bộ chính trị như Phan Văn Giang và Lương Cường là những người ủng hộ mạnh mẽ ông Trọng.”

Vì sao ông Trọng không chịu trách nhiệm người đứng đầu?

2024.05.01 - RFA

Vì sao ông Trọng không chịu trách nhiệm người đứng đầu?
Tổng Bí thư đảng CSVN - Nguyễn Phú Trọng. AFP PHOTO

Hàng loạt lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) mất chức vì để cấp dưới có những sai phạm và phải chịu trách nhiệm người đứng đầu…Mới nhất phải kể đến là trường hợp của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Dư luận xôn xao

Ông Huệ hôm 26/4/2024, đã phải từ chức do “Những vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Vương Đình Huệ đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân.” Tuy nhiên, dư luận cho rằng ông Huệ phải rời vị trí Chủ tịch Quốc hội do trước đó (hôm 21/4), trợ lý của ông là Phạm Thái Hà –Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã bị bắt.

Trước ông Huệ, vào ngày 20/3/2024, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Khóa XIII ra thông báo đồng ý việc để ông Võ Văn Thưởng thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương đảng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng- An ninh.

Lý do được nêu là ông Võ Văn Thưởng ‘đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước.’

Truyền thông Nhà nước không đưa tin cụ thể những sai phạm của ông Thưởng là gì nhưng trước đó, Bộ Công an đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn. Đây là tập đoàn có các dự án lớn tại tỉnh Quảng Ngãi từ thời ông Thưởng còn là Bí thư tỉnh này khoá 2011 - 2014.

Trước vụ ông Thưởng là vụ Chủ Tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh. Những người này cũng đã lần lượt từ chức vì “phải chịu trách nhiệm người đứng đầu”. Cùng lúc các Bí thư Tỉnh ủy -cấp dưới trực tiếp của ông Trong thời gian qua cũng bị khởi tố, bắt tạm giam, bị truy tố rất nhiều.

Trong khi hàng loạt cấp dưới của ông Trọng phải từ chức, bị bắt giam trong liên tục nhiều tháng qua, thì mọi người thấy ông Trọng vẫn bình thản (?!). Dư luận không dám bàn “to” nhưng “theo tư duy logic” và cả theo đúng quy định thì ông Trọng lẽ ra sẽ không thể bình thản như vậy?

Với nguyên tắc tập thể lãnh đạo, thành ra các chức vụ Chủ tịch nước hay Chủ tịch Quốc hội… thì ông Trọng không có quyền quyết định. Nên không thể nói ông Trọng phải chịu trách nhiệm người đứng đầu.
-Một Nhà báo ở Việt Nam

Một Nhà báo ở Việt Nam không muốn nêu tên vì lý do an toàn hôm 1/5/2024 nhận định với RFA, rằng tất cả những văn bản do Bộ Chính trị ban hành về việc miễn nhiệm, từ chức và trách nhiệm người đứng đầu chỉ có giá trị tương đối thôi. Có nghĩa, theo vị nhà báo này, khi ông Thưởng, ông Huệ hay các ông trước đó tự nguyện từ chức, thì chắc chắn phải có bằng chứng về những vi phạm của các ông đó với tư cách người đứng đầu. Nhà báo này nói tiếp:

“Đối với bộ chính trị là cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng CSVN họ vẫn theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách… do đó việc các ông Thưởng, ông Huệ, ông Phúc và các ông khác thì họ tự nguyện xin thôi chức, là do tập thể quyết định căn cứ sự tự nguyện của các ông đó, chứ không ai ép.”

Theo nhà báo này, vì việc tự nguyện nên Đảng CSVN, Bộ chính trị mới mở ra một con đường thoát cho chính đồng chí thuộc hàng cao cấp nhất của họ. Vì nếu họ không tự nguyện mà căn cứ theo những bằng chứng thì chắc chắn sẽ phải đưa ra trước Ban chấp hành Trung ương Đảng với khoảng 200 con người thì sẽ rất ê chề. Riêng với trường hợp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà báo này nói:

“Ông Trọng hiện nay vẫn không chịu trách nhiệm người đứng đầu, theo tôi có mấy lý do sau. Tôi tin rằng không có bằng chứng nào mà ông Trọng bao che, dung túng, thỏa hiệp với các ông kia. Với nguyên tắc tập thể lãnh đạo, thành ra các chức vụ Chủ tịch nước hay Chủ tịch Quốc hội… thì ông Trọng không có quyền quyết định. Nên không thể nói ông Trọng phải chịu trách nhiệm người đứng đầu.”

Ngoài ra, theo vị nhà báo này, ông Trọng đã già, đặc biệt bệnh rất nặng đi lại khó khăn… Nếu trong trường hợp căng thẳng nhất mà lôi ra buộc từ chức vì trách nhiệm người đứng đầu thì không có lợi gì cho Đảng CSVN, mà nó còn tự phơi bày ra trước toàn dân, cũng như trước thế giới tính “sát máu” của “tính đảng” của người CSVN.

Vị ký giả này cho rằng, Đảng CSVN hiện nay đang đối diện một cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử kể từ ngày thành lập, cả về đối nội lẫn đối ngoại, do mô hình độc đảng toàn trị không còn phù hợp với tình hình hiện nay của Việt Nam. Ông nói tiếp:

“Nếu họ muốn giải quyết tình trạng mất đoàn kết nội bộ trầm trọng như hiện nay thì Đảng CSVN buộc phải chuyển từ mô hình độc đảng toàn trị, sang mô hình độc tài toàn trị như người bạn Trung Quốc của họ. Tức là Bộ trưởng công an (TQ) không nằm trong Bộ Chính trị. Đây là điểm khác biệt và lỗ hổng quá lớn của VN khi để ngành công an nói chung trở thành một lực lượng có thể khuynh loát cả thượng tầng kiến trúc của Đảng CSVN. Như những gì đã thấy trong vài tháng qua, khiến ai cũng giật mình và bàng hoàng về cái ổn định chính trị của Việt Nam.”

a8366cb7-dfdc-4f35-bfef-1ad0ddf211ec.jpeg
Ông Vương Đình Huệ khi còn là Chủ tịch Quốc hội Việt Nam hôm 23/10/2023. AFP.

Ông Trọng phải từ chức?

Cùng vấn đề trên, luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài từ nước Đức hôm 1/5/2024 khi trao đổi với RFA thì cho rằng, ông Trọng phải chịu trách nhiệm khi các Bí thư đảng ủy địa phương sai phạm, vì những người đó là cấp dưới trực tiếp của ông:

“Theo quy định 41, khi những người cấp dưới trực tiếp bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì với tư cách là người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, hình thức nhẹ nhất là phải từ chức. Ông Nguyễn Phú Trọng là Tổng Bí thư đảng CSVN, các Bí thư Tỉnh ủy đều là cấp dưới trực tiếp của ông. Trong thời gian vừa qua có rất nhiều Bí thư Tỉnh ủy đã bị khởi tố, bắt tạm giam, bị truy tố, bị xét xử về các tội danh liên quan tham nhũng như Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hải Dương, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre, rồi mới đây nhất là Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Lâm Đồng và Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc…”

Nhưng chưa từng bao giờ ông Nguyễn Phú Trọng có một lời nào xin lỗi với toàn thể hơn năm triệu đảng viên, chưa nói gì đến 100 triệu người dân, ông Trọng hoàn toàn phủi phui trách nhiệm của mình.
-Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài

Theo luật sư Đài, lẽ ra với tư cách là người đứng đầu thì ông Nguyễn Phú Trọng phải chịu toàn bộ trách nhiệm về tất cả những Bí thư đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự:

“Theo quy định 41 thì ông Trọng phải từ chức. Nhưng đến giờ phút này, chúng ta thấy trong hơn 10 năm ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư đã có rất nhiều các Bí thư Tỉnh ủy bị kỷ luật, từ nhiệm kỳ lần thứ nhất đại hội lần thứ 11, 12 và 13. Nhưng chưa từng bao giờ ông Nguyễn Phú Trọng có một lời nào xin lỗi với toàn thể hơn năm triệu đảng viên, chưa nói gì đến 100 triệu người dân, ông Trọng hoàn toàn phủi phui trách nhiệm của mình.”

‘Người đứng đầu’ theo Quy định số 41-QĐ/TW ngày 3/11/2021, gồm toàn bộ các chức danh, chức vụ đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo các tổ chức cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước từ Trung ương đến cơ sở. Lực lượng vũ trang có quy định riêng.

Điều 7 của Quy định 41 ghi rõ: “Cho từ chức đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng.”

Ý kiến quanh tuyên bố “trả lại tiền gửi cho dân” sau ngày 30/4/1975

2024.05.02 - RFA

Ý kiến quanh tuyên bố “trả lại tiền gửi cho dân” sau ngày 30/4/1975
Bộ đội Bắc Việt tại trung tâm thành phố Sài Gòn ngày 30/4/1975. AFP

Sau 49 năm kết thúc chiến tranh, truyền thông Nhà nước vừa đăng bài viết “Cựu binh kể thời khắc mở cửa hầm, tiếp quản 16 tấn vàng ngày giải phóng”. Bài viết nhắc đến việc ông Lữ Minh Châu, Phó Ban Tài chính đặc biệt của Trung ương Cục, công bố trước hàng trăm nhân viên Ngân hàng quốc gia Việt Nam lệnh tiếp quản và lệnh ngưng hoạt động tất cả các ngân hàng vào lúc 8 giờ sáng ngày 1/5/1975.

Hiểu thế nào cho đúng?

Ngoài công bố lệnh tiếp quản, ông Châu đồng thời công bố các chính sách về quyền lợi và nghĩa vụ trong quan hệ đối nội, đối ngoại của các ngân hàng chế độ cũ, trong đó bao gồm cả việc xác nhận nợ, tiếp quản các kho thế chấp, trả lại tiền gửi cho nhân dân và các tổ chức trong ngoài nước. Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận định vấn đề này với RFA:

“Nếu họ công bố thế thì cũng đúng thôi. Tức là tôn trọng các khoản nợ của ngân hàng đối với người gửi tiền; nợ của ngân hàng với nước ngoài. Đó là điều đúng, nhưng bảo là để trả lại tiền gửi cho nhân dân và các tổ chức trong ngoài nước thì ông ấy ‘bao sân’ quá. Ông ấy không có khả năng làm việc đấy bởi lúc đấy là lúc thay đổi một chế độ, ông ấy nhân danh gì mà phát biểu như thế? Nói chung, đấy là một phát biểu mang tính chính trị chứ không phải của một nhà ngân hàng.

Qua công bố đấy và qua vài lần tiếp xúc với ông ấy, tôi thấy ông Lữ Minh Châu chắc không được đào tạo bài bản về ngân hàng, vì ông ấy từng kể, do thiếu tiền mặt nên đi mượn máy in của một công ty in ở Sài Gòn để in tiền.”

Trung tá quân đội Đinh Đức Long nhận định rằng “không bao giờ họ tuyên bố trong ngày 1/5 đâu”, ông lý giải:

“Tôi không phải là người làm trong lĩnh vực ngân hàng nhưng tôi có đọc một số tài liệu về việc này. Tôi thấy một số điều:

Thứ nhất, ngày 1/5, tức chỉ một ngày sau ngày thống nhất đất nước, ban quân quản không thể kiểm soát hết mọi việc được. Họ chủ yếu lo về vấn đề an ninh thôi. Mà văn bản tuyên bố hay thông báo của ban quân quản nếu có thỉ nó còn đấy cả, đọc lại sẽ biết ngay là trong nội dung của tuyên bố ban đầu có hay không vấn đề liên quan tiền gửi trong ngân hàng. Theo tôi biết là không có. Thứ hai, có một cuộc bàn giao giữa chuyên gia tài chính ngân hàng của chế độ VNCH với quân giải phóng. Ông ấy là người bàn giao chìa khóa, bàn giao sổ sách bao nhiêu tấn vàng cho bên kia. Ông ta xong trách nhiệm từ ngày hôm ấy. Tôi nghĩ tiền là một kênh riêng, ban quân quản không biết được đâu.

Tóm lại, chuyện bàn giao là có. Còn chuyện xử lý như thế nào thì không bao giờ họ tuyên bố trong ngày 1/5 đâu vì vừa tiếp quản xong, bao nhiêu vấn đề, nói ra hớ thì sao?

Xử lý ra sao thì phải xin ý kiến cấp trên, cao nhất là Bộ chính trị. Tài sản trong ngân hàng quốc gia đâu phải dễ dàng để quyết định trong vài tiếng đồng hồ? Ngay cả ông Lữ Minh Châu cũng không có thẩm quyền tuyên bố giải quyết tiền đó như thế nào. Chỉ nhận bàn giao mà thôi.”

Theo tư liệu từ bài viết “Những ngày đầu tiếp quản” trên báo Sài Gòn Giải phóng hôm 27/4/2015, vào tháng 4 năm 1975, để chuẩn bị tiếp quản Sài Gòn, Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định được thành lập gồm 11 thành viên do đồng chí Trần Văn Trà làm Chủ tịch; Phó Chủ tịch gồm các ông Võ Văn Kiệt, Hoàng Cầm, Trần Văn Danh, Mai Chí Thọ, Cao Đăng Chiếm. Ủy ban này có nhiệm vụ được nói là quân quản, bảo vệ thành quả cách mạng, khắc phục hậu quả chiến tranh và xây dựng, tổ chức lại quân đội tương thích với điều kiện thời bình.

Người trong cuộc nói gì?

Hầu hết những người dân có tiền gửi trong các ngân hàng trước ngày 30/4/1975 mà RFA trò chuyện đều cho biết, họ mất trắng cả tiền lẫn vàng. Không có chuyện chính quyền mới trả lại cho họ.

RFA-04-03
Bộ đội Bắc Việt tràn vào Dinh Độc lập ngày 30/4/1975. AFP

Một người hiện ở Sài Gòn, từng là một doanh nhân kinh doanh gỗ thành đạt đến năm 1975 khẳng định với RFA rằng, không hề có chính sách trả lại tiền dân gửi như lời công bố của ông Lữ Minh Châu trên báo nhà nước:

“Tôi chắc chắn không có chuyện ông Lữ Minh Châu công bố chính sách về quyền lợi và nghĩa vụ trong quan hệ đối nội, đối ngoại của các ngân hàng chế độ cũ. Lý do là quân giải phóng vô tiếp quản với chính sách quân quản, tất cả đặt dưới sự quản lý của quân đội, cụ thể là tướng Trần văn Trà, cho một Sài Gòn hỗn loạn lúc bấy giờ, thì không bao giờ có chuyện công bố chính sách trả tiền gửi lại cho dân vào lúc đó.

Khi họ kéo quân vô Sài Gòn như một đội quân ô hợp. Khi Tổng thống VNCH Dương Văn Minh nói chờ bàn giao một chính phủ hợp pháp sang cho họ, thì họ nói không bàn giao gì hết mà phải đầu hàng. Làm gì có chuyện họ công bố trả lại tiền gửi cho dân!

Ở chế độ VNCH, về phương diện kinh tế và tài chánh nó tương đương với các nước phương tây. Người dân không để tiền ở nhà mà gửi trong nhà băng rồi thanh toán các giao dịch qua ngân hàng hết. Lúc bấy giờ tôi là một thương gia. Tôi mất trắng số tiền gửi trong nhà băng lúc đó. Cho đến bây giờ cũng chưa có chuyện họ trả lại tiền dân gửi trong ngân hàng từ trước 30/4/1975”.

Ngày 14 /3/1979, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 114 về việc xử lý hệ thống ngân hàng của chế độ cũ ở miền Nam, do phó thủ tướng Phạm Hùng ký. Theo Quyết định này, “hệ thống Ngân hàng dưới chế độ Mỹ ngụy ở miền Nam là công cụ của chủ nghĩa thực dân kiểu mới, của bè lũ tay sai và của giai cấp tư sản phục vụ chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, lũng đoạn nền kinh tế miền Nam nước ta, là công cụ để bóc lột, làm giàu trên xương máu của nhân dân ta”.

Ở chế độ VNCH, về phương diện kinh tế và tài chánh nó tương đương với các nước phương tây. Người dân không để tiền ở nhà mà gửi trong nhà băng rồi thanh toán các giao dịch qua ngân hàng hết. Lúc bấy giờ tôi là một thương gia. Tôi mất trắng số tiền gửi trong nhà băng lúc đó. Cho đến bây giờ cũng chưa có chuyện họ trả lại tiền dân gửi trong ngân hàng từ trước 30/4/1975. - một doanh nhân

Do đó, Hội đồng Chính phủ quyết định “quốc hữu hoá toàn bộ hệ thống Ngân hàng của chế độ cũ; tất cả tài sản của hệ thống Ngân hàng cũ là tài sản của Ngân hàng Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Bộ tài chính và Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm kiểm kê toàn bộ tài sản, kiểm tra lại sổ sách, xác định rõ tài sản được quốc hữu hoá, trình Chính phủ biện pháp quản lý và sử dụng.

Đối với các loại tiền gửi Ngân hàng, bao gồm tiền gửi có kỳ hạn, không kỳ hạn (ký thác định kỳ, hoạt kỳ) và tiền gửi tiết kiệm ở tất cả các Ngân hàng cũ (kể cả Ngân hàng công), từ nay đình chỉ việc chi trả; Đối với tài sản gửi trong các tủ sắt Ngân hàng cũ của bọn tư sản mại bản, tư sản gian thương, bọn cầm đầu các đảng phái phản động, bọn ngụy quân, ngụy quyền có nhiều tội ác, của những người chạy ra nước ngoài, của kiều dân các nước đến nay vẫn chưa có quan hệ ngoại giao với nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì tịch thu toàn bộ”.

Cựu binh Hoàng Minh Duyệt, người trong ban quân quản kể câu chuyện tiếp quản 16 tấn vàng ngày giải phóng, được truyền thông trích lời cho biết: “Lúc đó chỉ nghĩ là làm sao để không mất đồng xu cắc bạc nào của Nhà nước. Với cả, mình đứng giữa các nhân viên chế độ cũ mà lại có gì không đàng hoàng thì họ sẽ khinh thường cho. Phải làm gương trước những người chế độ cũ”.