19/02/2024
Nguồn: Nicholas Kristof, “What Feckless Americans Can Learn From Navalny’s Bravery,” New York Times, 16/02/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Nước Nga của Vladimir Putin vừa trở nên ảm đạm và vô hồn hơn kể từ khi xuất hiện tin tức về cái chết ở nhà tù Bắc Cực của Aleksei Navalny, nhà bất đồng chính kiến 47 tuổi, người đã thể hiện lòng dũng cảm và tính hài hước trong nỗ lực mang lại nền dân chủ cho quê hương mình.
Sức mạnh, sự kiên cường, và lòng dũng cảm của Navalny tương phản với sự vô trách nhiệm của rất nhiều người Mỹ khi đối phó với Putin. Từ Donald Trump đến Tucker Carlson, một số lượng đáng kể các nhà lãnh đạo Mỹ và người phát ngôn của họ đã chấp nhận “cúi đầu” trước tổng thống Nga.
“Tại sao Trump và những người ủng hộ ông ấy ở Quốc hội lại muốn xoa dịu tên bạo chúa Nga này?” Thượng nghị sĩ Dick Durbin, Đảng viên Dân chủ đại diện bang Illinois, đã đặt câu hỏi sau khi có tin Navalny qua đời.
Tôi hy vọng tấm gương của Navalny sẽ củng cố sức mạnh cho người Mỹ cũng như người châu Âu, vì dù sở hữu nhiều nguồn lực, chúng ta vẫn chưa thể hiện được một chút sức mạnh nào như ông ấy đã từng thể hiện.
Bài kiểm tra cơ bản nhất về sức mạnh của chúng ta rất đơn giản: Liệu Mỹ có tiếp tục hỗ trợ Ukraine khi nước này cố gắng chống lại quân xâm lược Nga không? Tôi hy vọng sự hy sinh của Navalny giúp chúng ta tìm ra ý chí để đứng lên chống lại Putin.
Navalny là lãnh đạo phe đối lập và nhà bất đồng chính kiến hàng đầu ở Nga, nhưng cũng nổi lên như một Mandela của thời đại này. Dù đã bị đầu độc và nhiều lần bị trừng phạt bằng những đợt biệt giam kéo dài trong những nhà tù xa xôi, Navalny vẫn đứng vững. Ông đã tiếp tục chế nhạo Putin và tố cáo việc xâm lược Ukraine.
Sự hóm hỉnh và không chịu khuất phục trước quyền lực đã khiến ông trở thành cơn ác mộng của Điện Kremlin. Bị đưa đến trại cải tạo, ông đã cố gắng đoàn kết các tù nhân cùng lính canh.
Chỉ mới hôm thứ Năm, ông còn xuất hiện qua video trong một phiên tòa và đùa giỡn đòi một phần lương của thẩm phán. “Vì tôi sắp hết tiền rồi, cũng là do phán quyết của ông đấy,” Navalny giải thích, đề cập đến số tiền phạt mà mình phải trả.
Không có gì ngạc nhiên khi Navalny được cho là đã chết. Rất nhiều người Nga dũng cảm – nhà báo, luật sư, nhân vật chính trị – đã lần lượt qua đời sau khi thách thức chính quyền. Thật khó hiểu khi nhiều người Mỹ lại phản ứng theo cách ngược lại, hành động như thể cún cưng của Putin.
Trong tháng này, Tucker Carlson đã thực hiện một cuộc phỏng vấn dài 127 phút với Putin, nhưng không hề hỏi một câu nào về Navalny. Buổi phỏng vấn dễ dàng đến mức Putin tỏ ra bực bội trước thái độ cung kính của phóng viên và nói rằng mình muốn được hỏi những câu hỏi sắc bén hơn.
Carlson thậm chí còn tham gia một chuyến du lịch quảng cáo tới nước Nga của Putin, ca ngợi Moscow. “Nó đẹp hơn rất nhiều so với bất kỳ thành phố nào ở đất nước tôi,” ông nói. “Nó sạch hơn, an toàn hơn và đẹp hơn, về mặt thẩm mỹ, kiến trúc, thức ăn, dịch vụ, nó đều hơn bất kỳ thành phố nào ở Mỹ.”
Còn tàu điện ngầm Moscow thì sao? “Không có hình vẽ bậy. Không có bụi bẩn. Không có mùi hôi,” Carlson nói. “Không có kẻ lang thang, nghiện ma túy, kẻ hiếp dâm, hay kẻ nào chờ đợi để đẩy bạn vào đường ray xe lửa và giết bạn. Không, mọi thứ đều sạch sẽ và ngăn nắp.”
Và mua sắm hàng hóa? Chắc chắn là một món hời! Carlson đã đi mua sắm ở Moscow, tiêu ít tiền hơn dự kiến, và nói rằng trải nghiệm đó đã khiến ông trở nên cực đoan hơn trong việc chống lại các nhà lãnh đạo Mỹ. Ông dường như không hiểu rằng so với người Mỹ, người Nga chi gấp 4 lần thu nhập của họ cho thực phẩm, và giá cả rẻ chỉ vì Nga là một nước nghèo với đồng tiền yếu.
Tất nhiên, đúng là Moscow có một hệ thống tàu điện ngầm tuyệt đẹp, và tôi không phản đối việc các nhà bình luận chỉ ra điều đó – hoặc tự hỏi tại sao các thành phố của Mỹ không thể có hệ thống giao thông công cộng tốt như vậy. Nhưng thật đáng lo ngại khi những kẻ nịnh hót người Mỹ lại mong muốn minh oan cho sự tàn bạo của Putin, phớt lờ các nạn nhân của ông ta và cố gắng ghi điểm chính trị ở quê nhà khi tôn vinh chế độ độc tài Nga và làm suy giảm nền dân chủ Mỹ.
(Sau tin tức về cái chết của Navalny, Carlson lại bất ngờ đổi ý. “Những gì đã xảy ra với Navalny thật kinh hoàng,” ông nói với tờ Daily Mail. “Toàn bộ sự việc thật man rợ và khủng khiếp. Không một người tử tế nào lại biện minh cho điều đó.”)
Con gái của Navalny, Dasha, một sinh viên tại Stanford, nói với tôi vào năm ngoái rằng cô đã rất lo lắng khi cha mình quyết định tự nguyện trở về Nga vào năm 2021, sau khi các điệp viên Nga đầu độc và suýt giết chết ông. Navalny biết những rủi ro mình phải đối mặt nhưng vẫn tiếp tục. “Theo ý riêng của tôi, tôi muốn cha ở lại với mình,” cô nói. “Nhưng tôi chưa bao giờ nghi ngờ quyết định quay về của ông ấy.”
Cô nói thêm: “Tôi lúc nào cũng cực kỳ lo lắng cho ông ấy, vì tôi là con gái của ông. Tôi đã nghĩ rằng có lẽ cha tôi không nên làm việc này. Nhưng đó là điều ông ấy mong muốn và vì lợi ích lớn hơn của đất nước.”
Tình cảm của cánh hữu ngày nay dành cho Putin là một sự lặp lại của thói quen hâm mộ thiển cận mà những người bị tư tưởng chi phối thường dành cho các nhà độc tài nước ngoài, bao gồm cả sự yêu thích trước đây của cánh tả đối với Mao Trạch Đông. Phiên bản hôm nay, do chính Trump dẫn đầu, rất nguy hiểm – gần đây, Trump đã gợi ý rằng ông có thể mời Nga tấn công các đồng minh NATO không chịu chi đủ tiền cho vũ khí – và nó cũng phớt lờ lịch sử tàn bạo lâu dài của Putin ở cả trong và ngoài nước.
Putin đã củng cố quyền lực vào năm 1999, sau một số vụ đánh bom bí ẩn ở chung cư khiến hơn 300 người thiệt mạng. Putin đổ lỗi cho những kẻ khủng bố Chechnya và phát động cuộc chiến ở Chechnya, qua đó thể hiện ông là một người yêu nước kiên quyết và cứng rắn bảo vệ lợi ích quốc gia của mình. Tuy nhiên, từ lâu đã có nghi ngờ rằng các vụ đánh bom là do chính cơ quan an ninh Nga dàn dựng, nhằm tạo cớ cho Moscow trấn áp. Chúng ta vẫn không biết chắc chắn, nhưng quan điểm của tôi và của nhiều người khác là các bằng chứng cho thấy chính quyền Nga nhiều khả năng đã lên kế hoạch cho các vụ đánh bom, chứ không phải những kẻ khủng bố Chechnya.
Nói cách khác, ngay từ những ngày đầu cầm quyền, Putin đã gắn liền với sự đàn áp, lừa dối, và tàn bạo đối với chính người dân của mình. Nga cũng đã gây bất ổn hoặc tấn công các nước láng giềng, từ Gruzia đến Moldova, Estonia, và Ukraine, và theo FBI, họ còn can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Đó chính là nước Nga mà Navalny đã chống lại. Đó cũng chính là nước Nga mà quá nhiều người Mỹ đã củng cố bằng cách phản đối viện trợ cho Ukraine.
Có thể hiểu tại sao người ta xem việc mất đi nhân vật đối lập quan trọng nhất của Nga là dấu hiệu cho thấy quyền lực tối cao của Putin, nhưng tôi tự hỏi liệu đó có phải là dấu hiệu cho thấy ông ấy cũng đang bất an hay không.
Cách đây vài ngày, một nhà bất đồng chính kiến người Nga khác, Vladimir Kara-Murza, đã viết trên tờ Washington Post: “Ngay cả khi ở trong nhà tù ở Nga, tôi cũng có thể nhìn thấy điểm yếu của Putin.” Và chính Navalny đã từng nói: “Nếu họ quyết định giết tôi, điều đó có nghĩa là chúng tôi vô cùng mạnh. Cần phải tận dụng sức mạnh này.”
Đó là những lời mà người Nga cũng như người Ukraine nên ghi nhớ, nhưng đó cũng là một thông điệp gửi đến các thành viên Quốc hội Mỹ và những người theo cánh hữu vốn đã trở thành những người bạn đồng hành của Moscow. Cầu mong sự hy sinh anh dũng của Navalny thức tỉnh họ.
Nicholas Kristof là nhà bình luận của New York Times từ năm 2001. Ông từng giành hai giải Pulitzer nhờ các phóng sự về Trung Quốc và nạn diệt chủng ở Dafur.
À partir de l’adresse <nghiencuuquocte>
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét