Đăng ngày: 18/02/2024 - 14:12
Kẻ thù số 1 của điện Kremlin, nhà đối lập Alexei Navalny, 47 tuổi, qua đời hôm 16/02/2024 tại nhà tù IK-3 ở Kharp, khu tự trị Yamalo-Nenets, miền bắc Nga. Mẹ của ông đã đến nhà tù nhưng vẫn chưa nhận được thi thể của con trai. Trang France 24 điểm lại sự nghiệp đấu tranh của luật sư dũng cảm dám trực tiếp thách thức chính quyền Nga của tổng thống Vladimir Putin.
Người dân Nga tại Saint-Peterburg đặt hoa tưởng nhớ nhà đối lập Alexei Navalny, qua đời hôm 16/02/2024 trong nhà tù IK-3. AP - Dmitri Lovetsky
Vợ và hai con của Alexei Navalny hiện sống tị nạn ở Đức. Danh tiếng của vị luật sư theo Chính Thống giáo không ngừng gia tăng trong những năm gần đây, theo số lần ông bị bắt và bị cầm tù. Tuy nhiên, ông nổi tiếng ở phương Tây hơn là trên chính quê hương của mình.
Nhà hoạt động chống tham nhũng trên mạng
Mọi chuyện bắt đầu năm 2007 khi ông tung chiến dịch chống tham nhũng thông qua mạng xã hội LiveJournal, tiếp theo là trên blog cá nhân trên trang Rospil.info từ năm 2009. Hoàn toàn vô danh ở Nga, Alexei Navalny dốc sức để tố cáo quy mô nạn tham nhũng hoành hành đất nước và trong giới tinh hoa Nga. Năm 2010, ông cáo buộc Transneft, một tập đoàn công nghiệp năng lượng khổng lồ của Nga, đã biển thủ 4 tỉ đô la khi xây hệ thống đường ống chất đốt nối Siberi và Thái Bình Dương. Cách làm việc và những tiết lộ của ông được truyền thông phương Tây đặt biệt danh “Julian Assange Nga”, ý muốn nói đến nhà sáng lập trang WikiLeaks.
Năm 2011, ông thành lập tổ chức Quỹ chống tham nhũng (FBK) để theo dõi, công bố các vụ biển thủ trong các công ty nhà nước và tình trạng tham nhũng trong các đại tập đoàn Nga. Các cuộc điều tra của Alexei Navalny và đội ngũ của ông, rất chi tiết và tỉ mỉ, thu hút hàng triệu lượt xem trên YouTube, và gây lo ngại không chỉ trong giới chính trị. Thù hận đổ vào nhà đối lập khi ông không ngần ngại tấn công cả những đầu tầu của nền kinh tế Nga, dù là Gazprom, nhà khổng lồ độc quyền khai thác khí đốt tự nhiên ở Nga, hay Rosneft, công ty dầu khí chính của đất nước, cũng như ngân hàng VTP.
Tổ chức FBK nhiều lần bị gây khó dễ hành chính, bị điều tra “rửa tiền” và bị phong tỏa tài khoản. Đến tháng 10/2029, tổ chức bị bộ Tư Pháp Nga liệt là “tác nhân nước ngoài”.
Bị bác tư cách ứng cử đến năm 2028
Song song với uy tín ngày càng được củng cố nhờ đấu tranh chống tham nhũng, Alexei Navalny tham gia nhiều hơn vào chính trường, nơi đối lập bị gạt bên lề và bị truyền thông hoạt động cho chính quyền phớt lờ. Sau khi đảng Nước Nga Thống nhất của tổng thống Putin giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc Hội năm 2011, Alexei Navalny bắt đầu trận chiến mới với “đảng của những kẻ cắp và lừa đảo”, đồng thời tố cáo những gian lận bầu cử được ghi nhận trong suốt cuộc bầu cử.
Tài diễn thuyết cũng như sức lôi cuốn của Alexei Navalny đã đẩy ông lên hàng những người đứng đầu cuộc phản đối mùa đông 2011-2012. Phe đối lập huy động được vài trăm nghìn người biểu tình chống chính quyền. Ông có mặt trên khắp các mạng xã hội nhưng chính sự nhiệt huyết đã khiến ông gặp rắc rối với tư pháp, bị triệu tập không biết bao nhiêu lần, trở thành đối tượng của các chiến dịch bội nhọ, thậm chí đến mức bị cáo buộc là đặc vụ của CIA.
Năm 2012, ông bị kết án 15 ngày tù giam sau khi xô xát với cảnh sát trong một cuộc biểu tình, sau đó bị quản thúc tại gia gần một năm (từ tháng 02/2014-02/2015) trong khuôn khổ một vụ tố tụng nhắm đến em trai Oleg Navalny. Hai anh em cũng bị kết án biển thủ 27 triệu rup (394.000 euro) từ nhà sản xuất mỹ phẩm Pháp Yves Rocher. Ông bị kết án tù treo 3,5 năm. Tuy nhiên, Alexei Navalny phản đối kịch liệt mọi cáo buộc tham nhũng, liên tục “trêu tức” khi cố tình vi phạm lệnh quản thúc tại gia, tham gia biểu tình dưới chân tường điện Kremlin tháng 12/2014 hoặc cắt vòng theo dõi điện tử vào đầu tháng 01/2015.
Sức mạnh phiền toái cho chính quyền
Nhà đối lập không để bị chèn ép và ra tranh cử đô trưởng Matxcơva năm 2013 và nhận được 27% phiếu bầu, theo số liệu chính thức. Nhưng theo ông, kết quả này thấp hơn so với con số thực. Ông yêu cầu kiểm lại phiếu nhưng không được đáp ứng. Năm 2018, Alexei Navalny đăng ký tranh cử tổng thống nhưng đã bị Ủy ban Bầu cử Trung ương bác vì ông từng bị kết án 5 năm tù treo trong một vụ biển thủ quỹ năm 2009. Ông cũng bị cấm ra ứng cử cho đến năm 2028. Alexei Navalny lên án điện Kremlin bác tư cách ứng viên của ông để bóp nghẹt đối lập.
Nhưng ngay cả khi bị tuyên bố là không đủ tư cách, nhà hoạt động - một thời thân với các nhóm theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan - vẫn kêu gọi phe đối lập giữ nhiệt huyết, liên tục kêu gọi biểu tình và tạo được một sức mạnh quấy rối chính quyền. Tháng 09/2019, trong khi khoảng 60 ứng viên đối lập, trong đó có nhiều người là đồng minh của ông, bị loại khỏi cuộc bầu cử bầu Nghị Viện Matxcơva, Alexei Navalny kêu gọi người ủng hộ bỏ phiếu có ích : bầu cho ứng viên trung lập hơn là cho ứng cử viên của chính quyền. Chiến lược này đã mang lại kết quả, đảng Nước Nga thống nhất mất 19 trên 45 ghế ở thủ đô.
Trong khi đang chuẩn bị cho một chiến dịch vận động tranh cử cho cuộc bầu cử Quốc Hội Nga vào tháng 09, ngày 20/08/2020, Alexei Navalny được đưa vào một bệnh viện ở Siberi điều trị đặc biệt trong tình trạng nghiêm trọng sau khi cảm thấy không khỏe khi lên máy bay. Đây là điểm khởi đầu cho nghi án đầu độc theo lệnh. Bị cộng đồng quốc tế kêu gọi chỉ trích, Nga chấp nhận để nhà đối lập được điều trị ở Đức. Nhưng ngay khi hồi phục, thay vì sống tị nạn, Alexei Navalny về nước ngày 17/01/2021 dù biết chắc chắn sẽ bị bắt. Ngay khi đặt chân xuống sân bay, nhà đối lập bị bắt trước ống kích của truyền thông thế giới.
Hai ngày sau, Alexei Navalny tung ra một cú mới. Trong một video được vài chục triệu lượt xem trên YouTube, ông cáo buộc tổng thống Putin sở hữu một cung điện nguy nga ngay bên bờ Hắc Hải. Video gây chấn động đến mức tổng thống Nga phải đích thân phủ nhận.
Bất chấp những thành công đó cũng như vụ đầu độc nhà đối lập, cuộc vận động quần chúng ở Nga vẫn còn rụt rè, các cuộc biểu tình nhanh chóng bị đàn áp. Chính quyền cố hủy hoại nhà đối lập nhưng Navalny không chùn bước. Tháng 09/2022, sau 12 ngày bị biệt giam vì lên án Nga xâm lược Ukraina, ông tuyên bố trước tòa : “Tôi sẽ không bao giờ im lặng và tôi hy vọng những người nghe thấy tôi cũng sẽ không im lặng”.
Những ngày cuối đời
Navalny thụ án 19 năm tù, liên tục bị chuyển trại giam. Đến cuối tháng 12/2023, trên mạng xã hội, ông cho biết “vẫn khỏe” sau khi bị chuyển đến nhà tù IK-3 ở miền bắc Nga, được mệnh danh là “con sói vùng cực”, nơi nhiệt độ ban đêm có thể xuống đến -30°C. “Nhà tù không thể trốn thoát” này là di sản trại giam (goulag) thời Liên Xô. Ngày 01/02/2024, ông kêu gọi biểu tình trong cuộc bầu tổng thống Nga từ ngày 15-17/03 : “Tôi thích ý tưởng là những người bỏ phiếu chống Putin đến phòng phiếu cùng một giờ, vào giữa trưa. Buổi trưa chống Putin”.
Leonid Solovyov, luật sư của Navalny, cho biết “mọi việc đều bình thường” trong lần gặp cuối giữa hai người ngày 14/02. Nhà đối lập cũng đăng những lời nhắn gửi đến vợ trên mạng Telegram nhân ngày Valentin. Ngày 15/02, Navalny xuất hiện tươi cười, dù hốc hác, trong đoạn video ghi lại phiên tòa được triệu tập sau khi xảy ra “tranh cãi” vì một quản ngục tìm cách tịch thu bút của ông. Navalny thậm chí còn châm chọc các thẩm phán : “Thưa tòa, tôi sẽ gửi số tài khoản cá nhân để các ngài có thể dùng lương thẩm phán liên bang lớn của mình để tiếp tế cho tôi. Bởi vì tôi đang sắp hết tiền” do các khoản phạt.
Ngay hôm sau, 16/02, nhà đối lập Alexei Navalny qua đời. Cơ quan quản lý nhà tù thuộc khu tự trị Yamalo-Nenets, đăng thông báo trên trang web : “Ngày 16/2, tại trại giam số 3, tù nhân Alexei Navalny cảm thấy không khỏe sau khi đi dạo, gần như bất tỉnh ngay lập tức. Nhân viên y tế của cơ sở đã hỗ trợ ngay lập tức và đội cấp cứu được gọi đến. Chúng tôi đã thực hiện tất cả các biện pháp hồi sức cần thiết nhưng không mang lại kết quả khả quan. Các bác sĩ của đội cấp cứu kết luận tù nhân đã qua đời”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét