15/02/2024
Trân Văn
Bản nội quy và mức thu ở Chợ Trường Sơn.
Thiếu những yếu tố này, chắc chắn không có chuyện một người... “oai phong” như ông Nguyễn Bạch Long lại hạ cố đến tận tư gia một thường dân như ông Thái Hạo...
Ông Thái Hạo vừa cho biết, ông Nguyễn Bạch Long – chủ doanh nghiệp Long An, nơi đang kiểm soát chợ Trường Sơn (tọa lạc ở xã Trường Sơn, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) đã tìm đến tư gia của ông Thái Hạo để “trao đổi”. Ngoài việc cám ơn ông Thái Hạo đã phản ánh đúng sự thật về những gì đang xảy ra ở chợ Trường Sơn, ông Long hứa sẽ điều chỉnh cả công tác quản lý và thu phí ở chợ Trường Sơn lẫn cách ứng xử. Dù ông Long đề nghị ông Thái Hạo gỡ các bài ông đã viết, đã đưa lên mạng xã hội nhưng ông Thái Hạo từ chối song hứa sẽ cập nhập thông tin khi ông Long thực hiện đúng quy định pháp luật về thu phí chợ. Cũng theo ông Thái Hạo, ngay sau đó, doanh nghiệp Long An đã niêm yết nội quy và bảng giá phía trước chợ Trường Sơn (1)...
***
Hôm 9/2/2023, ông Thái Hạo đưa lên trang Facebook của ông video clip dài 1:50 kèm bài viết kể những chuyện ông chứng kiến tại chợ Trường Sơn: Một người đàn ông có tên là Long đi vòng vòng trong chợ thu tiền và cách thu như cướp bóc. Người chỉ có vài thùng xốp đựng trái cây bị thu 200.000, người mang khoảng một tạ thịt vào chợ bán bị thu 500.000,... trong khi quy định của tỉnh chỉ cho phép chợ xã thu từ 10.000 đến 25.000 mỗi tháng nếu thuê sạp và từ 1.000 đồng đến 2.000 đồng đối với một lượt vào chợ bán hàng theo kiểu vãng lai... Ông Thái Hạo kể thêm rằng suốt quá trình theo chân người đàn ông tên Long để xem ông ta thu tiền chợ, ông chứng kiến ông Long quát nạt người bán, vừa chửi rủa, vừa giật tiền trên tay, thậm chí liên tục chỉ tay và phán “Cút”! Những người mang hàng hóa đến chợ bán chỉ phân trần và van xin, không ai dám nói lại tiếng nào (2)!
Ở kỳ thứ hai về chợ Trường Sơn, người ta được chứng kiến ông Long chỉ vào mặt mấy người phụ nữ bán cá và bảo họ: “Cút lên tê nhá, ngồi đây chết với tau. Con ni nữa, cho ngồi hôm nay nhá, còn cút lên tê nhá. Nhớ nhá!”. Ông Thái Hạo cho biết, tuy đã nộp cho ông Long hai triệu nhưng những phụ nữ bán hải sản bị ông Long xếp vào góc khuất, ế ẩm, lại đã cận tết (30 tháng chạp âm lịch) nên họ dời mấy mẹt bày cá, mực, ngao ra phía ngoài nhưng ông Long không chấp nhận nếu họ không đóng thêm một triệu nữa. Ngoài tiền mua chỗ ngồi trong chợ, những người đến chợ Trường Sơn bán hàng còn phải trả tiền quét chợ (ngày thường từ 20.000 đến 30.000/ngày, dịp tết là 100.000/ngày). Ông Thái Hạo kể thêm rằng, nếu bán hết mớ cá. mực, ngao bày trên mẹt, ông không rõ những người phụ nữ bán hải sản có kiếm nổi một triệu đồng hay không (3)?
Trong kỳ thứ ba, ông Thái Hạo giới thiệu một bài mà hệ thống truyền thông chính thức từng đề cập về chợ Trường Sơn và xã Trường Sơn: “Nơi trẻ con cũng phải lo chỗ chết: Đến cái chợ cũng bất thường”(4). Theo đó lạm thu tại xã Trường Sơn và chợ Trường Sơn được ví von... “như cường hào ác bá” ngày xưa (trẻ con buộc phải đóng tiền xây dựng nghĩa địa, thu cả giường của người nghèo để trừ các khoản phí còn thiếu, giữ “Giấy chứng nhận hộ nghèo” của gia đình liệt sĩ để ép nộp phí...) và cách ông Nguyễn Bạch Long trúng thầu, đầu tư - quản lý chợ hết sức bất thường Ông Thái Hạo nhận định, hóa ra chủ chợ Trường Sơn đã thu phí như cướp từ cách nay tám năm và mức độ tàn bạo càng ngày càng tăng. Ông Thái Hạo nhấn mạnh, quản lý và thu phí tại các chợ truyền thống tại Thanh Hóa không còn là chuyện của xã hay huyện mà tỉnh phải vào cuộc (5).
***
Nhìn một cách tổng quát, câu chuyện về chợ Trường Sơn cho thấy, không chỉ “chính quyền cách mạng” mà “báo chí cách mạng” đã cũng như đang... nghỉ dưỡng vô thời hạn. Nếu chính quyền và báo chí hoạt động một cách bình thường thì ông Nguyễn Bạch Long khó có cơ hội trở thành... “chủ” một ngôi chợ sử dụng công thổ và quản trị - điều hành ngôi chợ ấy theo kiểu vừa tùy tiện, vừa càn rỡ như vậy. Nếu chính quyền và báo chí hoạt động một cách bình thường, những người như ông Long phải trả đúng, trả đủ các khoản thuế thì có lẽ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền không cần phải trăn trở xem nên buộc những người bán vé số, bán trà đá ở Việt Nam phải nộp bao nhiêu phần trăm thuế thu nhập để bù đắp phần công quỹ bị thiếu hụt...
Nếu “chính quyền cách mạng” và “báo chí cách mạng” hoạt động một cách bình thường thì những thành phần yếu thế dựa vào chợ để mưu cầu cơm áo không bị bức hại đến mức như vậy trong thời gian dài như vậy. Không may là chính quyền và báo chí chỉ... nghỉ dưỡng để có thể nhận đầy đủ các đặc quyền, đặc lợi chứ cương quyết không... nghỉ hẳn. Không may là đa số dân chúng Việt Nam vẫn còn sử dụng Facebook và có những Facebooker mà số người xem các status như những status về chợ Trường Sơn lên tới vài chục ngàn. Thiếu những yếu tố này, chắc chắn không có chuyện một người... “oai phong” như ông Nguyễn Bạch Long lại hạ cố đến tận tư gia một thường dân như ông Thái Hạo để đề nghị gỡ bài và biểu diễn thiện chí nhằm “giải độc dư luận” vốn đang hết sức bất lợi không chỉ cho ông mà cho cả chính quyền.
Chú thích
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét