27 tháng 2 2024

NVCC - 4 - Vì sao Nguyễn Công Khế bị bắt?

Kim Văn Chính

17-1-2024

Capture à partir de :baotiengdan

1. Tin nhà báo Nguyễn Công Khế bị bắt ngay trước thềm năm mới, gây chấn động dư luận. Những người thạo tin thấy đây là vụ án lớn, đánh dấu bước tiến đáng kể của công cuộc chống các thế lực hắc ám, còn dân thường có khi không hiểu ông Khế là ai, bắt ông ấy vì tội gì?

Các báo công khai chỉ đăng tin về việc ông Khế bị bắt thôi, ít báo viết về nguyên do bắt và phân tích các hệ lụy của việc này.

Tuy nhiên, đây là vụ án lớn và phức tạp sẽ liên quan đến rất nhiều quan chức, thế lực…

2. Khế là cựu tổng biên tập báo Thanh Niên, khi Khế đến tuổi nghỉ hưu thì đệ tử của Khế là Nguyễn Quang Thông làm tổng biên tập. Ông Thông cũng bị bắt cùng Khế trong đợt này.

Báo Thanh Niên thành lập năm 1986 khi bắt đầu “đổi mới”. Nó cũng là báo quốc doanh nhưng hồi đó có sáng kiến thành lập các tổ chức vỏ ngoài là phi nhà nước, phi cộng sản nhưng thực chất vẫn là quốc doanh: Liên hiệp Thanh niên ra đời (song hành với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh), và báo Thanh Niên chính là cơ quan ngôn luận của Liên hiệp Thanh niên (bên cạnh báo Tuổi Trẻ là cơ quan ngôn luận của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh). Nhiều cơ quan còn có sáng kiến lấy hai tên như Học viện Kỹ thuật Quân sự, còn có tên là Đại học Lê Quý Đôn…

Dưới ảnh hưởng của không khí đổi mới thời Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh, Trần Độ… báo Thanh Niên (cả Tuổi Trẻ nữa) trở thành hai tờ báo “song kiếm hợp bích” nhanh chóng giành thế thượng phong trên mặt trận báo chí quyền lực thứ tư (trong bối cảnh các báo chính và lớn như Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Tiền Phong… quá trì trệ và không đáp ứng nhu cầu cực lớn của truyền thông báo chí ở phía Nam nói chung, và TP.HCM nói riêng).

Báo Thanh Niên trở thành cơ quan không những quyền lực, mà còn rất giàu có. Và Công ty Cổ phần Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên ra đời, Khế hiện nay vẫn là chủ tịch HĐQT Tập đoàn này. Công ty này thực chất là bộ máy kinh tài tư nhân núp sau báo Thanh Niên mà Khế là người có cổ phần lớn nhất. Do vậy, Khế không chỉ là nhà báo nhà nước, mà còn là một doanh nhân tư nhân tầm cỡ…

Tài sản riêng của Khế hiện nay không ai có thể đo tính được, vì một người khôn lanh như Khế đủ hiểu luật chơi của chế độ này, và hắn ta đã tẩu tán tài sản riêng sang các dạng tài chính và bất động sản để ở nước ngoài (con Khế hiện đang ở Mỹ và theo nguồn tin từ Bùi Thanh Hiếu có bằng chứng, riêng mảng bất động sản, con Khế sở hữu ít nhất ba căn biệt thự).

Ở Việt Nam, báo chí không lộ rõ là cơ quan quyền lực thứ tư nhưng trên thực chất, quyền lực báo chí có khi còn lớn hơn cả thứ quyền lực thứ tư gán cho nó. Thử hỏi ai cũng sợ công an, nhất là công an giao thông; nhưng công an sợ duy nhất là nhà báo?

Nhiều tay lừa đảo gần đây kinh doanh thứ quyền lực này bằng cách nhân danh nhà báo bảo kê các xe tải chở quá trọng, quá khổ, dán lô gô bảo kê, đi suốt tuyến, công an phải sợ. Ai không sợ chúng gọi điện dọa dẫm ngay công an liền…

Chỉ nhà báo mới dọa được cho công an sợ… Nhiều vụ án lớn, khó, cơ quan quyền lực muốn kết tội, bắt bớ, toàn phải dựa vào báo chí khởi động dư luận rồi mới dám vào cuộc…

Vụ Năm Cam nổi tiếng nhất thì có nhà báo Trần Mai Hạnh, lúc đó là Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam (đồng phạm), là người bảo kê cho năm Cam.

Tôi dạy ở một trường đại học, thấy các lãnh đạo, thầy giáo có tên tuổi đều nể một tay ở tỉnh xa, chuyên chạy mánh tuyển sinh và mở lớp đào tạo rất phạm quy các lớp tại chức. Tìm hiểu thấy tay này có một học trò khuynh loát các thầy. Các thầy có xe hơi đều cần một tấm thẻ nhà báo để đi lại, đỡ bị công an áo vàng hoạnh họe, vậy là hắn ta phát hành một loại thẻ “cộng tác viên” trang web của một hội rất vớ vẩn do hắn lập nên, nhưng thẻ in y như màu và mẫu thẻ nhà báo… Vậy mà thẻ đó có giá trị thật đối với công an giao thông. Mỗi khi có lỗi chỉ việc rút thẻ giơ ra là được xí xóa liền… (Giống chuột dù là chuột cống cũng luôn sợ mèo đến mức chỉ nghe thấy tiếng kêu là bủn rủn chân tay dù cho mèo chỉ là mèo non nhút nhát).

Do vậy, trong một số đường dây quyền lực, báo chí có khi được làm “trùm cuối”. Một trong “trùm cuối” hiếm hoi đó ở Việt Nam chính là người mang tên Nguyễn Công Khế. (Các nhà báo khác thường chỉ đóng vai tay chân, chịu sai khiến đắc lực cho các trùm quyền lực).

3. Bắt Khế không dễ vì cáo già đó, qua các vụ bắt và xử tội các “đồng nghiệp” như Trần Mai Hạnh, Trương Duy Nhất… đã rất cảnh giác, tinh khôn trong các hoạt động bảo kê gây tội ác…

Ví dụ, vụ Việt Á rõ ràng là Khế liên quan, nhưng các bằng chứng không đủ để kết tội…

Sơ hở chính của Khế là tài sản. Khế đủ tinh khôn để giấu tài sản thật và biến báo sổ sách kế toán của công ty hắn làm Chủ tịch…

Nhưng dấu vết thì khó xóa. Một trong những dấu vết đó là khu đất vàng hơn 7.000 m2 tại bến Vân Đồn, quận 4, TP.HCM. Đất này trước của nhà máy Thuốc lá Sài Gòn. Khế nhân danh báo Thanh Niên, xin cấp cho báo làm trụ sở… Nhưng do bản chất lưu manh và muốn ăn xổi ở thì, sau khi được giao đất, Khế bán liền cho tập đoàn bất động sản Novaland để họ xây building văn phòng cao tầng mà không nộp lại tiền quyền sử dụng đất, cũng như thuế cho Nhà nước…

Hiện nay lý do để bắt Khế và Thông là tội đó…

4. Chúng ta chờ xem các bước tiếp theo của vụ án này… Nó khá hấp dẫn vì liên quan đến nhiều quan chức và người chịu tội chính không phải là các tội phạm tầm thường như các vụ án khác. Tội phạm Khế là trùm cuối rất điển hình của xã hội hiện nay…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét