PHẦN 1
TRIẾT HỌC MÁC-LÊ
Khủng hoảng Phương pháp luận
Trước cảnh đổ vỡ ý thức hệ, một số nhà lý luận Mác xít thức thời nhất đã chịu lùi tới cỡ này : Cứ cho mọi điều đã nói là sai hết đi, thì Mác-Lê vẫn còn để lại cho nhân loại một tài sản tư tưởng vô giá là phương pháp luận Mácxít-Lêninít.
Tôi thấy nên nhận thức lại rằng: Cứ cho mọi điều Mác-Lê đã nói là đúng hết đi (để khỏi cần kiểm tra) thì vẫn còn một sai lầm không thể chối cãi là sai lầm về phương pháp luận!.
(Trước khi trình bày những nội dung,tôi xin phép được lưu ý người đọc mấy điểm :
- Việc phân tích Mác-Lênin của tôi dù triệt để đến đâu cũng không nhằm mục đích"đánh đổ" Mác -Lênin, vì tôi hiểu: trên nhận thức toàn nhân loại thì Mác-Lê là cái đãõ đổ rồi. Vả lại lý luận mà lúc nào cũng nhằm để "phục vụ chính trị" thì không còn tỉnh táo để thấy quy luật khách quan ,lý luận ấy có thể phục vụ một "sự nghiệp" chính trị nào đó rất đắc lực nhưng dùng xong người ta vứt nó đi . Bởi vậy,việc phân tích Mác-Lê hoặc phân tích Khổng Mạnh hay các tôn giáo ở đây chỉ nhằm lấy cái điểm tựa để trình bày những tư duy mới.
- Vì mục đích ấy, chưa cần tách bạch Mác với Ăng-ghen,Lênin,Xtalin...hay những người khác, khi ta đã biết tất cả vẫn thuộc một dòng; và sự chuyển hóa từ người nọ sang người kia ,về cả những điều kế thừa và sai biệt , đều là hệø quả tất yếu của cái gốc ban đầu. Mặt khác do tính không nhất quán trong hệ lý luận Mác xít nên khi khảo sát một nguyên lý cũng không cần ,và không nên, cộng vào đó tất cả những biện giải về sau ,thiên kinh vạn quyển, xuôi ngược đủ màu, có tính chất chữa cháy, có khi chống lại chính nguyên lý đó.
Các nhà lý luận Mácxít thường cứng nhắc,không cho ai cựa quậy ra ngoài khuôn mẫu, nhưng khi ở thế bị phê phán thì lại viện dẫn từ trong chủ nghĩa của mình tính linh động ,"mềm đến mức có thể uốn được".
Chúng ta sẵn sàng "linh động" nên chỉ xoay quanh cái gốc nguyên lý thôi. Nếu cái nguyên lý cũng linh động nốt thì còn gì nữa mà lý luận!
Trước hết, chúng ta cần nhận biết thế nào là đúng thế nào là sai. Còn cái sai đúng ấy thuộc về ai, đó là công việc các nhà nghiên cứu lịch sử tư tưởng và chính trị chuyên nghiệp.
- Tuy về nội dung, không tán thành thứ "triết học thực dụng", nhưng trong cách trình bày, nói chung tôi xin phép người đọc để tạm dùng cách viết vắn tắt : HỎI và ĐÁP.
Khi tìm quy luật khách quan, người khoa học không được định hướng trước theo ý muốn của nhà chính trị. Nhưng khi nhận thức khách quan ấy đã đi đến kết luận rồi thì người khoa học cũng như mọi người khác hoàn toàn có quyền ứng dụng kết luận khoa học ấy vào thực tế đời sống , trong đó có đời sống chính trị, mà không sợ mâu thuẫn với tính khoa học khách quan. Có làm được cả hai điều ấy hay không là tùy thuộc khả năng phân thân của người khoa học. Tôi đã cố gắng và tự tin vào khả năng phân thân ấy của mình, còn kết quả đến đâu xin người đọc phán xét.
Trước hết hãy đẩy nhận thức tới tận cùng xem chân lý ra sao, chân lý không thể uốn. Sau đó ứng xử với thực tế thế nào lại là chuyện mềm dẻo. Không sợ nhận thức rành mạch thì thái độ sẽ cực đoan. Trái lại, có hiểu thấu đáo mới tránh được cực đoan và tùy tiện !
Mục đích bài viết của tôi trước hết là trình bày nhận thức.
Mong muốn dùng nhận thức ấy để làm tốt xã hội trước mắt lại là chuyện sau. Nếu chỉ nhằm những mục tiêu thực tế trước mắt ấy thì không ai dại dột đi theo con đường dài dòng từ "vật chất và ý thức" trở đi làm gì cho mất thì giờ vô ích. Con đường kinh tế và Chính trị nhanh gọn hơn nhiều !.
1) HỎI: Nên đánh giá khái quát thế nào về phương pháp luận Mác xít ?
ĐÁP: Triết học Duy vật và Biện chứng chứa nhiều yếu tố tiến bộ, trong đó đâu là phần Mác kế thừa, đâu là phần Mác sáng tạo, đâu là điểm thống nhất và sai biệt giữa Mác và Ăng-ghen... đều đã được nghiên cứu khá đầy đủ.
Nhưng điều cần nói là: Ngay trong cái gốc Duy vật và Biện chứng Mácxít rất tiến bộ ấy đã có những kẽ hở mang màu sắc phân tích cực đoan ,duy tâm chủ quan, tách rời , máy móc, mà quan niệm "vật chất và ý thức" là một ví dụ điển hình. Càng đem vận dụng thì cái khiếm khuyết ấy cứ lớn mãi ra, từ chỗ tưởng như vô hại đến chỗ trở nên trầm trọng không cứu vãn được nữa. Cái tiến bộ khi xưa , nay không còn là tiến bộ.
Người đầu tiên chịu tác hại của khiếm khuyết ấy chính là Mác và Ăng-ghen, khi các ông phát triển tinh thần "duy vật" và "biện chứng" của mình vào xã hội để hình thành nên phương pháp luận "duy vật lịch sử". Có thể nói "Duy vật lịch sử" đã phản lại "duy vật biện chứng". Duy vật biện chứng về cơ bản là tích cực, duy vật lịch sử về cơ bản là tiêu cực.
Trên đà trượt ấy, những người Mác xít về sau đã rơi tuột vào một cõi vừa duy tâm giáo điều vừa duy vật thực dụng, lại mang thêm hội chứng thần kinh phân lập và phát xít. Càng về sau triết học Mácxít càng chìm sâu vào con đường chính trị hóa, đại chúng hóa và tôn giáo hóa. "Tha hóa" đến mức không còn là triết học. Về mặt chính trị thì chủ nghĩa Mác đã chịu các quá trình Lênin hóa, Xtalin hóa, Mao hóa... và Việt nam hóa nữa.
Một nhà Mác-học than phiền với tôi rằng chỉ tại người ta không trung thành với lý thuyết của Mác. Tôi nói: Ngay cả Mác cũng không thể trung thành với một lý thuyết như thế. Lý thuyết ấy như một cô gái cực đẹp nhưng lẩn thẩn, chắc chắn sẽ được người ta vồ lấy và sau đó tất yếu là sự phản bội.
2) HỎI: Nghĩ gì về phạm trù "Vật chất và ý thức" ?
ĐÁP: Đây là "vấn đề cơ bản của Triết học" mà các triết gia vẫn dùng để phân biệt triết học
Duy vật với triết học Duy tâm. Các triết gia Mácxít cho mình là đúng khi khẳng định vật chất là
"cái có trước", ý thức là "cái có sau". Vật chất "quyết định" ý thức. Vật chất "phản ánh" vào ý
thức, sau đó ý thức "tác động trở lại" vào thế giới vật chất...v.v. Có lẽ toàn bộ đảng viên Cộng sản và hầu hết cán bộ do hệ thống này đào tạo đều đinh ninh rằng quan niệm ất là tuyệt đối khoa học rồi !
Tôi xin góp một ý kiến vào cuộc thảo luận :
Quan niệm Mác xít ấy rõ ràng vẽ ra hai thế giới. Bởi càng 'phản ánh' vào nhau, càng 'tác
động' vào nhau mãnh liệt bao nhiêu, cái thế giới 'có trước' càng 'quyết định' cái thế giới 'có sau' bao nhiêu thì điều ấy càng khẳng định đó là hai chứ không phải là một !
Tin vào sự tồn tại vững chắc của cái cặp "vật chất và ý thức" ấy các ông đã dùng cái này làm chỗ tựa để định nghĩa cái kia một cách luẩn quẩn: 'Ý thức' của con người là cái 'tồn tại' (tức vật chất) được ý thức; còn cái 'vật chất' (tức tồn tại) kia thì chính là 'cái thực tại khách quan ... được cảm giác của chúng ta chép lại, chụp lại, phản ánh...'
Như vậy, nói cho dễ hiểu thì ý thức là cái vật chất đã được phản ánh vào đầu óc con người, còn vật chất thì là cái tồn tại bên ngoài mà ý thức đã phản ánh. Sự phản ánh ấy ngày càng tiệm cận với sự thật.
Tinh thần cơ bản của 'phản ánh luận Mácxít' là vậy. Cứ song song như một người thật và cái bóng của hắn ta trên tường. Bóng là cái hình của hắn ta in vào tường, còn hắn thì là cái bản thể mà cái bóng kia phản ánh. Hắn ta có trước, cái bóng có sau, hắn quyết định cái bóng của hắn..v.v. (chỉ có điều khác là cái bóng ở đây là ý thức thì nó năng động, nó có thể vươn ra khỏi tường và tu sửa lại hình dung của hắn ta).
Nội dung cái cặp "vật chất và ý thức" ấy bắt nguồn từ một ý niệm rất rành mạch nhưng rất sơ khai khi ta phân biệt cái bên trong với cái bên ngoài, phân biệt cái ta với cái khác ta, phân biệt con người có ý thức với cái thế giới vật chất vô ý thức, phân biệt vật chất với tinh thần, phân biệt quy luật khách quan với ý chí chủ quan...
Trong trực cảm, tất cả những ranh giới ấy tồn tại hiển nhiên đến mức chẳng cần bàn cãi, song thực ra tất cả những ranh giới đó là 'vớ vẩn' cả; khẽ nhích vấn đề sang một bình diện khác lập tức những ranh giới ấy biến mất.
Nếu đã hiểu thuộc tính quan trọng nhất của ý thức là tính phản ánh thì phải biết rằng thuộc tính ấy là của vật chất nói chung, biểu hiện ở tất cả mọi mức độ từ thấp lên cao. Cục sắt và thanh nam châm, vật nọ phát tín hiệu và phản ánh vào vật kia và tác động trở lại vào vật kia. Giữa các phân tử ôxy và hydro cũng như vậy... chúng 'nhận thức' lẫn nhau và 'tác động' lẫn nhau. Đã đành quan hệ ấy còn rất đơn giản nhưng từ cái đơn giản ấy đến ý thức của con người đã có vô vàn mức độ tiến hóa trung gian nối liền lại. Không thể tách ý thức của con người ra khỏi khả năng phản ánh và tác động của thế giới vật chất nói chung. Không phải đến con người thì cái ý thức thiêng liêng ấy mới đột nhiên xuất hiện.
Nói cách khác, Ý thức cũng tiến hóa như Vật chất. Con người là mức độ tiến hóa cao nhất của Vật chất nên nó được bao hàm trong khái niệm Vật chất nói chung, Vật chất là một khái niệm "lớn" nhất, bao quát nhất, điều đó đúng.
Nhưng về Ý thức cũng có vấn đề tương tự. Ý thức của con người cũng là mức độ cao nhất của sự tiến hóa về 'Ý THỨC' nói chung và được bao hàm trong cái Ý THỨC nói chung ấy. Nếu dùng chữ "Ý thức" chỉ với nghĩa Ý thức của con người thôi thì sao có thể coi đó cũng là một khái niệm "lớn" nhất, bao quát nhất, tương tự như khái niệm Vật chất được?
Thừa nhận sự tiến hóa của Vật chất nhưng lại không thừa nhận sự kế thừa và tiến hóa của Ý thức, coi Ý thức chỉ là chuyện của thế giới loài người thì thật là siêu hình và duy tâm chủ quan.
Những nghiên cứu về các tập tính và các hoạt động có tính chất tinh thần của động vật nói riêng và cả giới sinh vật nói chung, những nghiên cứu về cơ chế sinh học của hoạt động tinh thần, cơ chế vật lý hết sức đơn giản của máy tính hiện đại ... đã mở đường cho con người "tung hoành" vào thế giới của Ý THỨC, một thế giới mà những nhà triết học từ Mác trở về trước chỉ có đứng ngoài chiêm ngưỡng và suy luận.
Chẳng thể đòi hỏi gì nhiều hơn ở Mác, nhưng khi ta đã có trong tay những máy tính siêu đẳng mà chẳng học được ở những máy tính ấy điều gì hơn triết học của Mác thì thật đáng tiếc biết bao nhiêu!
Ý thức, Tinh thần cũng là thuộc tính vốn có của thế giới vật chất, tiến hóa từ thấp lên cao.
Nếu hiểu theo nghĩa chung nhất ấy thì không thể có cái thứ vật chất không có tinh thần, cũng không có thứ tinh thần ngoài vật chất. Tách thành Vật chất và Tinh thần để rồi cho rằng cái này có trước, cái kia có sau, tức là tách Vật chất ra khỏi thuộc tính của nó thì vô nghĩa biết chừng nào ? Thử hỏi thanh nam châm và cái thuộc tính hút sắt của nó thì cái nào có trước? Vật chất và thuộc tính "phản ánh" của nó cũng vậy.
Không thể có "Vật chất và Ý thức", chỉ có thế giới Vật chất đang vận động, đang tự ý thức, tự tác động phần này vào phần kia và tự biến đổi. Con người của ta lẫn ý thức của ta cũng hoàn toàn thuộc về cái thế giới ấy rồi, cái thế giới vật chất nhưng không hề là "vật chất tầm thường", "vật chất giản đơn" hay "vật chất thô bỉ" mà đủ sức dung nạp bao điều huyền bí mà triết học "Duy vật" trước đây không dung nạp nổi. Không phải cái xác của ta thì thuộc thế giới 'Vật chất', còn ý thức của ta lại như cái gì đó đứng bên ngoài để chụp ảnh...
Và như vậy thì cả triết học duy tâm lẫn triết học duy vật đều đã bị thời đại của chúng ta vượt qua rồi.
Muốn cho nhận thức luận được sáng tỏ trước hết phải đưa vào đó khái niệm 'lát cắt' hay 'mặt cắt' mà nội hàm của nó là cái ranh giới giả tạo mà con người 'bịa' ra để làm một phương tiện nhận thức thế giới. Đứa trẻ nhìn cái bánh trưng chỉ thấy cái bề ngoài, nó cắt đôi cái bánh ra, và từ đó trí tưởng tượng của nó về cái bánh trưng đầy đủ hơn trước, thấy cả ruột bánh bên trong, nhưng trong nhận thức của nó cái mặt cắt nhân tạo kia phải được xóa đi. Cái bánh vẫn nguyên vẹn mà vẫn bộc lộ được cái ruột bên trong, đó là sự khác nhau căn bản giữa nhận thức và thực nghiệm. Mỗi kiểu lát cắt cung cấp thêm cho ta một mẩu nhận thức, nhưng rồi tất cả các lát cắt đều cần được xóa đi khỏi nhận thức, nếu không nó làm sai lệch đối tượng ta muốn nhận thức.
Ranh giới giữa Vật chất và Ý thức cũng là một 'lát cắt' nhân tạo thông minh mà ta 'bịa' ra, không hề có thật. Ranh giới giữa ta với thế giới ngoài, ranh giới giữa chủ thể tác động và đối tượng hay kết quả tác động... cũng chỉ rất tạm thời, rất 'tương đối', suy cho cùng cũng đều giả tạo. Cái 'ta' là 'chủ thể nhận thức' nhưng đồng thời cũng đang bị cái bên ngoài 'nhận thức' đúng vào lúc 'ta' đang 'nhận thức' chúng.
Đừng tưởng mình là đại diện cho Ý thức, đang đem quy luật đi cải tạo thế giới vật chất mà quên rằng cùng lúc đó mình cũng đồng thời là cái sản phẩm rất vật chất, đang là nạn nhân, nạn vật một cách rất vô ý thức. Đừng tưởng mình là cái bên ngoài mà quên mình cũng đồng thời là cái bên trong.
Về điều này có lẽ nhận thức của Mác mềm dẻo hơn so với Aênghen và Lênin, song cũng chưa đủ để bứt phá, nên cứ quanh quẩn để cuối cùng vẫn bị cuốn vào một quyết định luận mang nhiều tính phân ly máy móc, đơn giản và cực đoan. Tôi trộm nghĩ nếu Mác được ảnh hưởng nhiều hơn của lối tư duy tổng hợp Đông phương (chứ không phải chất phong kiến và cù nhầy của Đông phương) và quy luật tiến hóa sinh học thì tình hình có thể khá hơn. Song lịch sử làm gì có chữ "nếu" ! ...
Chẳng hạn, nếu vậy... thì làm sao Mác có thể tưởng tượng ra một 'Đảng tiền phong' với một 'ý thức' trong suốt như pha lê và kiên định như kim cương, để nhân loại có thể trao hết vận mệnh của cái thế giới 'vật chất' ngoắt ngoéo đầy sự tha hóa bẩn thỉu này cho Đảng dìu dắt tới thiên đường Cộng sản xa xôi kia ?. Nếu thực sự duy vật và biện chứng hẳn các ông phải hiểu như thế là 'gửi trứng cho ác', là 'mỡ treo miệng mèo', nửa đường nó không sài luôn thì để làm gì ? (bất giác tôi nghĩ tới chuyện Mã Giám Sinh hộ tống Kiều).
Tưởng quá duy vật, khách quan mà thành duy tâm chủ quan !.
Về nhận thức luận thì "Vật chất và Ý thức" là phạm trù bao trùm, nhưng cũng là đề tài để muôn đời tranh cãi. Rất may là dù "duy vật" hay "duy tâm" mọi người vẫn có thể chung sống với nhau hòa thuận. Trong thực tiễn không phải sự đúng sai nào về suy nghĩ cũng như hành động cũng đều gắn với sự "đúng sai" về quan niệm này.
Nhưng khi con người ngộ nhận rằng quan niệm của mình (về phạm trù này) là duy nhất đúng, và thiếu một độ dung hòa cần thiết, thì khi ấy nhận thức này sẽ phát huy vai trò "nền tảng" của nó, trở thành phương pháp luận cho một hệ tư duy và ứng xử mang tính chủ quan, áp đặt và phân liệt.
Chúng ta đã phải "thấm nhuần" quan niệm duy vật Mácxít kinh điển ấy vào mọi hoạt động và mọi tư duy văn hóa, khoa học, nghệ thuật mà còn phải liên hệ nó với việc đánh giá toàn bộ phẩm chất con người: chẳng những đánh giá về ý thức giai cấp mà từ đó còn có thể quy kết nhau là tiến bộ hay lạc hậu, và đôi khi liên quan đến chuyện yêu nước hay "phản động" nữa ... Ví dụ khi chúng tôi học môn Di truyền học, chỉ một chi tiết rằng Mendel là một thầy tu là đủ làm bằng chứng hùng hồn để phủ định rồi!).
3) HỎI: Tại sao nói Chủ nghĩa Duy vật Lịch sử mang tính Duy tâm và Siêu hình?
ĐÁP: Nói cách khác : chủ nghĩa Duy vật lịch sử Mác xít đã chống lại tinh thần Duy vật Biện chứng, Cái nhìn của chủ nghĩa Duy vật lịch sử Mácxít đối với con người và xã hội luôn cắt rời, cực đoan và phiến diện. Ví dụ:
+ "Con người" có thuộc tính cá nhân và thuộc tính xã hội thì về lý luận Mác-Lê để cho "con người xã hội" nuốt chửng mất "con người cá nhân". (để trong thực tế tạo tiền đề cho một vài cá nhân nuốt chửng xã hội !).
+ Đảng Cộng sản, cũng như "Con người", đều có mặt phải mặt trái, mặt thiện mặt ác, thì Mác Lê chỉ thấy mặt thiện. Trong khi đó xã hội "tư bản" cũng có hai mặt thì Mác Lê chỉ thấy mặt ác, mặt trái của nó.
+ Nhà nước bao giờ cũng có hai mặt công ích và tư lợi, nhưng Mác-Lê chỉ nhìn thấy bản chất tư lợi xấu của Nhà nước nên phấn đấu làm tiêu vong Nhà nước, kết quả là cái Nhà nước quá độ mà các ông tạo ra lại quá nhiều tính tư lợi mà không ai làm tiêu vong nó được. (trừ khi xã hội ấy nhất tề từ chối chủ nghĩa Mác-Lê như Liên xô và Đông Âu).
+ Sở hữu tư nhân hay sở hữu tập thể đều có hai mặt tích cực và tiêu cực, nhưng Mác Lê chỉ nhìn thấy mặt tiêu cực của tư hữu và chỉ nhìn thấy mặt tích cực của công hữu, nên phá tư hữu, lập công hữu. Hệ quả là tạo điều kiện cho một số người chiếm của công thành của tư và đang trở thành những nhà tư sản thực thụ.
+ Sự "chiếm hữu" trong xã hội như cái sào huyệt mafia gồm hai buồng: chiếm hữu tư liệu sản xuất và chiếm hữu quyền lực. Nhưng Mác Lê chỉ nhìn thấy một kẻ thù là chiếm hữu tư liệu sản xuất, bèn nống cái quyền lực lên để dùng nó diệt cái chiếm hữu tư liệu sản xuất. Ai ngờ cái chiếm hữu quyền lực còn tai ác gấp vạn lần.
+ Vấn đề "giá trị thặng dư" cũng vậy. Cũng có 2 mặt : phát triển kinh tế và tạo nguy cơ mất công bằng. Nhưng Mác-Lê chỉ nhìn thấy mặt "bóc lột" của giá trị thặng dư mà không thấy mặt tích cực và hợp lý của nó. Kết quả là bây giờ các đảng viên vừa được khuyến khích "làm giầu" (thực chất là không tránh khỏi bóc lột giá trị thặng dư), lại vừa phải nói khéo để khỏi làm tủi vong linh tác giả "Tư bản luận".
+ Vấn đề "đấu tranh giai cấp" cũng có 2 mặt, mặt làm đối trọng tích cực để làm xã hội phát triển và mặt phá phách làm nhiễu xã hội. Nhưng Mác Lê tâng bốc đấu tranh giai cấp thành động lực duy nhất thúc đẩy tiến hóa để có sức mạnh mà giành chính quyền, đến lúc mình cầm quyền rồi, quan hệ giai cấp vẫn còn đó thì xử lý với chuyện "đấu tranh giai cấp là động lực của tiến hóa" ra sao để cái ghế của mình được yên? Cái thuyết "đấu tranh giai cấp" và chống kinh tế thị trường của cụ Mác bây giờ lại làm ta "kẹt" quá, vậy thì nó phải "mềm đến mức có thể uốn được"! Nên bây giờ cụ Mác đang bị uốn, lý thuyết Mác xít buộc phải biến dạng, và xem chừng nếu cụ Mác chịu uốn không nổi nữa thì đến lượt cụ Hồ...
+ Chủ nghĩa Mác-Lê nói "Trong xã hội có giai cấp thì đấu tranh giai cấp là động lực của tiến hóa" . Nhưng xã hội có giai cấp chỉ là một giai đoạn trong lịch sử loài người (chính Mác-Lê đã nói thế). Vậy xin hỏi: Trong toàn bộ lịch sử loài người nói chung, kể cả khi có giai cấp và khi không có giai cấp, thì động lực của tiến hóa nói chung là gì?
Bởi chưa quan tâm đúng mức đến cái toàn bộ đã quyết đoán về cái cục bộ, nên tiến trình cách mạng Vô sản lên chủ nghĩa Cộng sản cứ như một ngoại lệ, ngang phè phè, trật khớp ra khỏi lịch sử. Ăng ghen lại biện bạch điều đó bằng tính cách mạng "đoạn tuyệt một cách triệt để nhất..." (!).
Nếu biết nhìn lịch sử một cách thật biện chứng như một quá trình thống nhất ắt các ông phải thấy "trí tuệ" mới là động lực (động lực mang tính khách quan, khác với động cơ mang tính chủ quan), và không dựng ra một học thuyết đấu tranh giai cấp rùm beng như thế.
+ Tính cực đoan, phiến diện ấy khi thì gây ra bệnh quá tả như trên vừa nói, khi thì gây bệnh hữu khuynh: Đấu tranh sinh tồn (trong đó đấu tranh giai cấp là một biểu hiện) là quy luật phổ biến,bao giờ hết được. Vậy mà các ông định làm một " cuộc chiến đấu cuối cùng" là nghĩa làm sao? Dựa vào ý tưởng hữu khuynh về đấu tranh giai cấp ấy những người cầm quyền Cộng sản đã kìm hãm tối đa sự đấu tranh giai cấp của những giai cấp và tầng lớp lao động mới.
+ Công trình lớn nhất của Mác là tập "Tư bản", rất công phu, rất nhiều kiến thức nhưng điều mấu chốt thì lại không giúp gì cho việc giải bài toán xã hội. Chẳng những thừa mà còn có hại cho mục đích này bởi nó gây sự hiểu lầm, tưởng rằng tội lỗi sinh ra là ở chỗ có giá trị thặng dư. Nhà triết học đập vào "giá trị thặng dư" thì khác nào người công nhân trút căm thù vào máy móc. Tách bài toán phân chia sản phẩm ra khỏi bài toán phân chia quyền lực và bài toán phát triển sản xuất thì làm sao tìm ra đáp số cho bài toán xã hội?
Nhiều người vẫn nghĩ rằng việc đề cao yếu tố kinh tế như trên và việc tìm ra một lực lượng vật chất là giai cấp công nhân là bằng chứng về tính duy vật của chủ nghĩa. Song, như trong phần bàn về "vật chất và ý thức" tôi nhận thấy nếu duy vật một cách phiến diện, cắt rời, mang tính định hướng chủ quan và lãng mạn thì lại chạy sang duy tâm.
Nói "duy vật", "duy tâm" là dùng hệ ngôn ngữ chúng ta đã quen dùng. Theo ý riêng tôi trong hệ tư duy mới thì ranh giới duy vật duy tâm không thể tồn tại như ta quan niệm, và khi ấy vấn đề sẽ được diễn đạt một cách khác.
Tóm lại toàn bộ nhãn quan "duy vật lịch sử" Mác xít là một nhãn quan phi biện chứng, đầy tính duy tâm chủ quan. Những điều này tôi đã phân tích trong một tài liệu có tính chất lý luận cơ bản:"Đôi điều suy nghĩ của một công dân." (ĐĐSN...) (1).
Nhiều luận lý Mác xít là những "tam đoạn luận" máy móc, xuất phát từ một tiên đề chủ quan nên kết thúc phi lý. Ra đời trong giai đoạn chưa chín của Văn minh Công nghiệp, phương pháp luận Mác xít đã mang nhiều dấu ấn của "bệnh Công nghiệp": "công nghiệp" hơn cả Công nghiệp, thể hiện ở xu hướng thích quy mô lớn, thích đồng loạt, thích cơ chế một cách máy móc (thậm chí biện chứng một cách máy móc, "uyển chuyển" một cách máy móc), thích kinh tế, cực đoan hóa tính "vật chất", cực đoan hóa sự phân tích và loại trừ...
Nói "công nghiệp" hơn cả Công nghiệp là vì: Công nghiệp sản xuất đại trà trên cơ sở sảnxuất chính xác từng đơn vị sản phẩm. Còn Mác quan tâm đến "tổng thể những quan hệ xã hội" , quan tâm giải phóng xã hội, mà vi phạm sự giải phóng cá nhân (nên coi nhẹ vấn đề Quyền Con người, vì nghĩ rằng Xã hội là đã có Con người nằm trong đó rồi !) (2).
Nói "công nghiệp" hơn cả Công nghiệp là vì trong quy trình vận hành của Công nghệ bao giờ cũng phải có "cơ chế ngược" (feedback) để tự kiểm tra, tự khống chế, tự dừng, tự sửa chữa..., nhưng Chuyên chính Vô sản là bộ máy máy chỉ vận hành theo chiều thuận mà hoàn toàn không có những "cơ chế ngược" ấy, nên lúc đầu thì ổn mà về sau quyền lực cứ bành trướng vô hạn độ, đến nỗi người thiết kế ra nó cũng trở thành nạn nhân!
Những điều này cùng với những đặc điểm mang tính lãng mạn và phong kiến (sẽ phân tích sau) chắc cũng đủ cho nhận định rằng Chủ nghĩa Xã hội Mácxít chỉ là đại biểu cuối cùng của dòng các chủ nghĩa Xã hội không tưởng.
Hệ lý luận Mác xít càng phát triển càng tự mâu thuẫn, càng xa thực tế và càng lúng túng, bởi xây dựng trên những tiên đề và phương pháp luận chủ quan,phiến diện. Nói đến sai lầm của học thuyết này thì sai lầm đầu tiên và bao trùm hết thảy chính là sai lầm về phương pháp luận ! Đảng Cộng sản buộc phải thừa nhận những sai lầm khác nhưng lại kiên quyết bảo vệ phương pháp luận (!). Xem cái cung cách mà cả một đội ngũ các nhà chính trị và lý luận Mác xít bây giờ đang hì hục nai lưng ra vá víu, che chắn, người ta không khỏi phì cười vì thấy hiện ra một đám anh hề, cố sức lau nhà cho khô nhưng lại cứ để cái rô-bi-nê phía sau ồ ồ phun nước !
4) HỎI: Nhận định gì về tính Tiền phong và những Dự đoán Mácxít?
ĐÁP: Tính Khoa học, tính Tiền phong và khả năng Dự đoán là một bộ ba liên hoàn.
Nếu có tính Khoa học thật sự, ắt có tính Tiền phong và khả năng Dự đoán. Ngược lại nếu Dự đoán luôn luôn sai hay chủ yếu là sai thì bản chất khó lòng là Tiền phong và Khoa học được.
Một khi chủ nghĩa Mác -Lê đã tự xác định mình là "Chủ nghĩa Xã hội Khoa học" thì việc tự xưng là Đảng Tiền phong và tiến hành những Dự đoán như đinh đóng cột cũng là hợp với tư duy lôgic và "phép biện chứng tự nhiên".
Nhưng ngược lại, nếu những dự đoán như đinh đóng cột ấy đổ thì đương nhiên không ai dám nhận mình là Khoa học và Tiền phong nữa, vì đó là cũng là lôgic tự nhiên và là sự tự trọng tối thiểu.
Người Cộng sản rất tài giỏi trong thực tế tranh đấu, trong đó có sự ứng dụng khoa học thật sự, do đó những dự đoán chiến thuật thường là đúng, nếu không thì sao thắng được. Nhưng dự đoán chiến lược lại là một vấn đề khác hẳn.
Dự đoán Mác xít có tính chiến lược bao trùm nhất , kết tinh của tư duy Cộng sản toàn thế giới là tuyên bố của 81 đảng Cộng sản về "nội dung thời đại" : ... ''Thời đại ngày nay là thời đại quá độ từ Chủ nghĩa Tư bản lên Chủ nghĩa Xã hội trên phạm vi toàn thế giới,mở đầu bằng Cách mạng Xã hội chủ nghĩa tháng 10 vĩ đại. ... Là sự sụp đổ của chủ nghĩa Đế quốc và sự tan rã của hệ thống thuộc địa, là sự xuất hiện ngày càng nhiều dân tộc tiến lên con đường XHCN. Giai cấp Công nhân quốc tế, mà đại diện là những Đảng Mác xít Lênin nít chân chính, đang đứng ở vị trí trung tâm của Thời đại mới, đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa Xã hội !".
Đảng Cộng sản Việt nam còn đi xa hơn, không phải "dự đóan" nữa mà đã nhìn thấy "ba dòng thác":dòng thác tan rã của chủ nghĩa Tư bản, dòng thác sinh sôi của chủ nghĩa Xã hội và dòng thác của thế giới thứ ba.
Đối chiếu với thực tế ngày nay, liệu còn gì để bình luận?
Hãy chú ý rằng đấy là trí tuệ tập trung của cả thế giới Cộng sản, trí tuệ ở vào lúc khá nhất của phong trào Cộng sản (khá nhất vì trong đó tính giai cấp kiêu ngạo cực đoan phi thực tế đã được điều chỉnh đi rất nhiều), khá đến mức bị những người Cộng sản khác lên án là "xét lại", mà còn sai đến mức lộn ngược như thế thì hệ thống lý thuyết ấy ở dạng "chân chính" còn khủng khiếp biết chừng nào?
Vậy mà đến tận hôm nay, những trí thức gọi là tiên tiến nhất của thế giới tư duy Cộng sản vẫn chưa nhìn ra được cái sai từ nơi gốc rễ, vẫn cứ xưng là "Khoa học", là "Tiền phong" thì đủ biết khả năng "ngu hóa" của lý thuyết ấy đã đến độ tuyệt hảo vậy.
Có người không đồng ý với tôi, lại bảo: Người ta chẳng dốt đâu, người ta biết cả đấy !
Nếu vậy thì còn kinh khủng hơn. Đẩy được trí tuệ ra khỏi đầu những nguời vốn thông minh đã là điều tài tình, thì việc đẩy được lương tâm và danh dự ra khỏi những trái tim vốn đầy tính lương thiện và lý tưởng quả là một siêu ma lực đáng để loài người muôn đời nghiền ngẫm .
Kẻ làm chính trị mà dùng được "ngu lực" hay ma lực này thì lo gì không vô địch?
Và người vô địch không bao giờ ngu dốt, trái lại, tinh khôn tuyệt vời.
Thông minh và ngu dốt luôn song song trong mỗi con người,bởi lượng trí khôn mà Tạo hóa ban cho mỗi con người bình thường gần là một hằng số như nhau (Trừ những người bất thường thì không kể. Chỉ số thông minh IQ cũng chỉ là một mặt của trí khôn thôi). Dùng hết tinh khôn cho việc này thì ngu dốt trong việc khác. Vô địch trong điều kiện này thì đại bại trong điều kiện khác. Thoạt nhìn thì Chân lý mang tính "cù nhầy".
Nhưng nếu lấy sự Tiến hóa và Hạnh phúc chung của cả Nhân quần làm chuẩn thì Chân lý có những tiêu chuẩn xác định, không thể lộn ngược.
Trong cuộc chiến tranh Vệ quốc, Đảng Lao động Việt nam gồm những người yêu nước nhất, dám hy sinh, biết tổ chức và có sách lược nên có vai trò tiền phong thật sự. Nhưng bước vào giai đoạn "cách mạng" tức cuộc đấu tranh giai cấp nhằm mục đích tối hậu là xây dựng chủ nghĩa Cộng sản thì tình hình dần dần xoay ngược trở lại.
Dựa trên một lý thuyết phi khoa học thì chủ trương và hành động sẽ chống quy luật, sẽ bị thực tế phủ định. Bản chất của lý thuyết dẫn đường là lạc hậu, không tiền phong, nhưng muốn giành vị trí tiền phong thì quy trình giành lấy tiền phong phải diễn ra theo 4 bước tuần tự:
Bước 1 : Thấy cái "tiền phong thật" ngược với mình, nên coi là phản động.
Bước 2 : Không chống được, đành buông lỏng, để cái "tiền phong thật" tồn tại không chính thức .
Bước 3 : Thấy cái "tiền phong thật" hữu hiệu , hợp lý nên phải làm theo.
Bước 4 : Tuyên bố cái "tiền phong thật" ấy là do mình khởi xướng.
Và mỗi bước chuyển đổi ấy đều được coi là một bước khám phá, sáng tạo trên con đường tiền phong !
Trong thực tiễn "Cách mạng" Việt nam, từ việc to việc nhỏ đều có thể dẫn ra vô số sự kiện đã diễn ra theo kiểu ấy, tức là lếch thếch chạy theo thực tiễn để đoạt lấy tiền phong: từ chủ trương khoán sản, thị trường tư nhân, tự do luyến ái, y phục thời trang, quan hệ với người nước ngoài, hòa hợp dân tộc, xóa bỏ hận thù, nhân quyền, pháp trị, xã hội công dân, tự do lập hội, trí tuệ là động lực ... ... , rồi chẳng bao lâu nữa sẽ là những thứ mà ngày hôm nay đang coi là phản động, như : từ bỏ Chuyên chính Vô sản, Dân chủ đa nguyên, tự do báo chí, tự do truyền bá tư tưởng, thông tin Internet, tự do xuất bản, hủy hệ thống "trường Đảng", nhìn nhận lại bản chất tư tưởng Mác-Lê, nhìn nhận lại vấn đề "tư tưởng Hồ chí Minh" và lăng Hồ chủ tịch, Đảng đối lập, Tổng thống chế, tự do vận động tranh cử...vân vân...(xin nhắc lại: nhiều vấn đề ấy đang bị coi là cấm kỵ, nhưng vì khuôn khổ của bài viết nên xin chưa thảo luận ở đây).
Ngay những bài viết của tôi cũng như của nhiều trí thức tiến bộ, hôm nay còn bị "thông báo nội bộ" coi là phản động thì rồi đây chắc chắn sẽ được 'biến thành' quan điểm của Đảng (!). Kể ra, nếu rồi đây Đảng cũng nghĩ như thế thật thì rất đáng mừng, vì điều quan trọng đối với xã hội không phải ỡ chỗ quan điểm ấy là của ai, mà ở chỗ quan điểm tiến bộ ấy được thực hiện như thế nào, do thực tâm muốn đổi mới vì đất nước hay vì buộc phải thích nghi để duy trì được quyền lợi của tập đoàn. Và từ đó sẽ phát sinh những hệ quả rất khác nhau.
Trong những phần sẽ trình bày sau , có đề cập đến một số Dự đoán mang tính hiện thực và Tiền phong bởi nó dựa trên tư duy Khoa học thực sự.
GHI CHÚ:
(1) HÀ SĨ PHU, Đôi điều suy nghĩ của một công dân, Nhà xuất bản TIN, Paris 1993.
(2) HOÀNG VĂN HÀO, CHU THÀNH : Quyền Con người, quyền Công dân-Khái lược lịch sử và lý luận. (Sách: Quyền Con người trong thế giới hiện đại, Tài liệu tham khảo nội bộ, Viện Thông tin khoa học xã hội, HÀ NỘI 1995).
Trích : ..."Về mặt lý luận, trong một thời gian dài lý luận về Quyền Con người, Quyền Công dân trong chủ nghĩa Xã hội đã không có quan điểm kế thừa những giá trị Nhân quyền trong lịch sử." ... ..." Điều đó thể hiện trong cương lĩnh, đường lối của các đảng cầm quyền cũng như trong hiến pháp, pháp luật ở các nước Xã hội chủ nghĩa." , "...khi các nước phương Tây dùng ngọn cờ Nhân quyền để tiến công chủ nghĩa Xã hội, các nước Xã hội chủ nghĩa thường tỏ ra lúng túng, bị động, chỉ đối phó khi bị công kích, đánh đâu đỡ đấy...". (trang 39).
" Trước đây, ở các nước Xã hội chủ nghĩa, Quyền Con người ít được nói đến, mặc nhiên đồng nhất Quyền Con người với Quyền Công dân ! Trong các văn kiện pháp lý (hiến pháp, luật) chỉ tồn tại thuật ngữ Quyền Công dân! Khi khởi xướng công cuộc cải cách, đổi mới, những tri thức hợp lý của nhân loại được tiếp thu !" (trang 21).
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét