01 tháng 3 2024

Chia Tay Ý Thức Hệ - Lời mở đầu

CHIA TAY Ý THỨC HỆ

Hà Sĩ Phu

Sự IM LẶNG nuôi dưỡng ÁP BỨC ! -FRANCOIS MITTERRAND

Kính tặng những người Cộng sản Việt Nam

Lời mở đầu

Kỷ nguyên Văn minh Tin học chẳng những đem lại một cuộc canh tân tuyệt vời về thông tin và điều khiển, một thị trường năng động toàn cầu, một trào lưu dân chủ đa nguyên, một chủ nghĩa quốc tế mới nhân bản và khoa học...mà bao trùm lên hết thảy là ánh sáng của một phương pháp tư duy mới tương xứng với thời đại. Nhưng cùng với một nền Nhân văn mới, thì một cục diện đấu tranh sinh tồn mới và một phản lực "thú hóa" mới cũng bắt đầu. Một sự đảo lộn ghê gớm với cả mặt phải,mặt trái .Và từ cả hai mặt đều cần một hệ tư duy mới để ứng xử, để thích nghi.

Những xã hội chẳng may bị lịch sử buộc chặt vào những khuôn vàng thước ngọc của những quốc giáo,những ý thức hệ, thì về lý luận đang đứng trước một cuộcï khủng hoảng sinh tử về phương pháp luận, và về thực tiễn đang đứng trước một cuộc đấu tranh về phương pháp ứng xử để tìm lối ra.

Để giữ yên cái ghế thống trị của mình, giới tăng lữ hoặc lãnh tụ của các nước ấy một mặt cố sức trói buộc xã hội ở tình trạng ngu dân bằng phương pháp tư tưởng cũ và nhất là đạo đức cũ dưới bàn tay bảo trợ của bạo lực; nhưng một mặt họ cũng như tất cả mọi người, đang lao như điên vào cuộc "đổi mới" kinh tế và ngoại giao mà thực chất là cuộc đấu tranh sinh tồn để mau chóng thích nghi, để khỏi bị gạt ra bên lề dòng chảy. Miệng nói một đằng tay làm một nẻo. Chẳng cần thông minh gì lắm cũng nhận ra rằng "sự nghiệp đổi mới" do Đảng ta "khởi xướng" và lãnh đạo,dưới ánh sáng Mác-Lê và tư tưởng Hồ chí Minh, làm kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội chủ nghĩa chính là một ví dụ điển hình của cái cục diện xã hội ấy.

Ở nước ta, hệ tư tưởng Mác xít cũng không khác gì một "quốc giáo", thực chất chỉ là biến tướng của tư tưởng phong kiến. Nhân dân mang tiếng là người làm chủ xã hội, nhưng không được biết gì về sự thật to lớn ấy ; ai nói sự thật ấy là làm lộ "bí mật quốc gia". Người dân không có thông tin ắt không hiểu vì sao giữa lúc bộ mặt đất nước đang rạng rỡ chưa từng có, (như vẫn hiện ra trên mọi phương tiện truyền thông nhà nước) thì Ông Cộng sản Ba-son Nguyễn Hộ, cả nhà và cả đời làm Cộng sản, đã từng sát cánh với các ông Nguyễn văn Linh, Võ văn Kiệt, lại quyết ly khai Đảng vì đã "chọn nhầm lý tưởng" ; không hiểu vì sao ông Cộng sản trí thức Ba-Lê Nguyễn Khắc Viện , người đã rời nước Pháp hoa lệ để theo cụ Hồ về nước kháng chiến, bỗng dưng lại kêu lên "Hãy bước vào cuộc kháng chiến mới"! Tiếng kêu chìm nghỉm như tiếng sỏi rơi xuống ao tù lạnh tanh !

Cuộc kháng chiến nào?

Mỉa mai thay cho những người Cộng sản bảy-tám mươi tuổi gần đất xa trời ấy phải chống gậy bước vào "cuộc kháng chiến từ bỏ ý thức hệ" !

Nhưng khốn thay, ý thức hệ đang trói buộc ta ấy không phải từ trên trời rơi xuống, lúc đầu không do ai áp đặt. Nó là sản phẩm lịch sử của nhân loại trong cơn "Khủng hoảng do tăng tốc" (thế kỷ 18-19) của con tàu Văn minh. Về lý luận, nó không là gì cả ( sẽ phân tích sau), nhưng về thực tiễn nó đã là người mang "thông điệp Giải phóng" của Nhân dân. Hơn thế nó đã luyện khát vọng và sức mạnh của Nhân dân thành chiếc gậy thần của Tôn Ngộ Không, giáng vào mặt bọn vua chúa Tư bản, và dạy cho chúng (cũng là dạy cho cả nhân loại) biết rằng : không thể hướng sức mạnh của nền văn minh mới để phục vụ cho mưu đồ cá nhân, hòng thiết kế những ngai vàng mới trên đầu nhân loại!. Và dẫu còn điều này điều khác thì vai trò lịch sử ấy của trào lưu Cộng sản mãi mãi vẫn được ghi nhận. Và cùng với hiệp sĩ ấy, nhân dân ta đã có những ngày sống đẹp thanh khiết như thần tiên. Và phải nhận rằng Người "anh hùng áo vải" này đã ôm trong vòng tay của mình cả mấy thế hệ những người Việt nam tử tế, rất tử tế, số đông đến hôm nay vẫn còn tử tế và tội nghiệp !

Bi kịch là: sứ giả mang "thông điệp giải phóng" ấy lại lên ngôi báu. Ở ngôi báu anh ta đã phản lại chính "thông điệp" này. Trừ một số tồi tệ ma quái ra, nhìn chung sự phản bội lúc đầu không tự ý thức. Bởi tất cả đã được "chương trình hóa" ở trong cẩm nang, mà chính người viết cẩm nang thì cũng không vượt ra khỏi được sự "chương trình hóa" của thời đại. Chỉ có cái khát vọng là vượt bay lên phía trước.

Theo điều tôi nhận thức được thì... ... bản chất của dòng tư tưởng Mác-Lê về xã hội là dòng tư tưởng Phong kiến phục hưng, cộng với ảo tưởng Cộng sản nguyên thủy (hoặc ảo tưởng Nô lệ) trong cơn khủng hoảng tăng tốc của nền Văn minh Công nghiệp.

Học thuyết Mác-Lê không phải là cái gì cao xa chưa tới mà chỉ là cái hoài vọng đã bị vượt qua, chỉ là biến tướng mới mang cái mốt công nghiệp của chủ nghĩa phong kiến đã bị lịch sử vượt qua trước đây nhiều thế kỷ. Nó không phải là thứ cẩm nang dẫn đường đầy tính súc tích huyền bí đến mức hàng thế kỷ sau chưa có ai hiểu đúng, mà chỉ là những dự đoán lẩm cẩm không bao giờ có thực trên đời.

Một hệ tư tưởng như thế, trong thế giới Văn minh Tin học chẳng cần ai đánh cũng tự tan rã.

Về mặt hệ tư tưởng mà nói, chủ nghĩa Mác-Lê đang rút chạy ra khỏi đời sống xã hội, Đảng Cộng sản vẫn còn đó, nhưng cái hồn Mác-Lê cứ từng bước rút chạy khỏi những Đảng viên của mình. Có hương khói, chiêng trống thanh la gọi hồn cũng không ích gì.

Chủ nghĩa Mác-Lê suy tàn, chạy về cố thủ ở những vùng còn ít ánh sáng dân chủ, nơi mà tư tưởng phong kiến vẫn cứ sống lai rai trong núi rừng châu Á hết đời nọ sang đời kia. Trong cuộc sống lưu vong này của chủ nghĩa Mác-Lê (vì quê hương của chủ nghĩa ấy không dung nạp nó nữa), nó đã mất tư cách là ngọn cờ để tuyên chiến với cái gọi là Chủ nghĩa Tư bản giẫy chết, mà được dùng như một thuật trị dân, một công cụ để trị dân. Từ một chủ nghĩa Quốc tế nó thu dần về thành một thể chế Quốc gia, mang tính quốc nội là chính. Nó trút bỏ tính mục đích mà nhận lấy tính phương tiện.

Chẳng những là phương tiện để trị dân, nó chuyển sang làm phương tiện chở những người "Vô sản" cầm quyền vào cõi Tư bản, phản lại mục đích tự thân ban đầu của nó. Giai cấp cần lao không sớm ý thức được điều này thì sẽ đắm đuối như kẻ bị phụ tình,bơ vơ trước hang hùm nọc rắn của một thế giới cạnh tranh như điên của Tư bản buổi đầu tích lũy, nhất là khi thế hệ những người Cộng sản khởi lập không còn nữa. Sự lộn ngược tình thế như vậy mới thực là một cuộc "diễn biến hòa bình" vĩ đại, nó "lật đổ" hết thảy một cách êm đềm.

Sự thể của lịch sử đã như thế thì chút lòng thương người của cái chủ nghĩa Đạo đức liệu sẽ xoay chuyển được gì , hay chỉ là sự vỗ về, là liều ma túy, là tấm màn che cho cuộc diễn biến hòa bình kia, cho cuộc phụ tình vĩ đại kia được muôn phần êm thấm, và để lại sau nó cả một khoảng trống ghê rợn?...

Che đậy điều ấy là bất nhân.

Không nhận thức tới nơi, không có những phút dừng...để nghe thêm những điều khác với báo, với đài..., để sống với cái gì đó xa hơn,lớn hơn cuộc sống cá nhân trước mắt thì người trí thức, cán bộ, đảng viên ... chúng ta bây giờ khó có thể tìm cho mình một phép ứng xử đàng hoàng, đẹp đẽ trước cuộc chia tay ý thức hệ lịch sử này.

Dẫu cho bạn chưa hài lòng với lời nói của tôi...

Nhưng sự đời, cái gì phải đến cứ đến, bịn rịn nữa cũng không được.

Đánh xong giặc Ân, thánh Gióng phải lên trời. Gióng ở lại Gióng sẽ gây tội ác, và ta sẽ mất thánh Gióng.

Tôn Ngộ Không của Ngô Thừa Ân "nhân bản" hơn Tôn Ngộ Không của Mác: dạy xong bài học cho các vua chúa và thánh thần, Ngộ Không không tiếp tục múa cây thiết bảng để đập vào đầu đàn khỉ của mình ở Hoa quả sơn, để thiết lập ở đấy một thiên đường nhất khoảnh.

Tôi, chúng ta, các anh các chị...
Chúng ta vẫn sống với nhau hòa thuận
Chỉ cái ý thức hệ của chúng ta chắc chắn phải ra đi, đang ra đi rồi.
Hãy là cuộc chia tay bi tráng!. Bậc anh hùng hãy chọn cái "bi" (nếu không, nó sẽ thành "hài"), một thứ bi kịch của nhận thức, bi kịch của khát vọng nhân văn, bi kịch trong tự tôn nhân phẩm ! Bi kịch trong sự trưởng thành, biểu hiện của trưởng thành, mở đầu cho trưởng thành !

Trào lưu Cộng sản đã xuất hiện như một tất yếu lịch sử và vô cùng chính đáng, nhưng phải nhận rằng đó chỉ là một nấc thang Văn hóa thấp của tiến trình đấu tranh bất tận cho Quyền Con người. Muốn tìm lối ra lại phải bắt đầu bằng cái nhìn Văn hóa, ở tầm Văn hóa cao hơn.

Nếu đủ tầm văn hóa, chúng ta sẽ làm cho Ý thức hệ ấy một dấu son để lại.

Bằng không,nếu chúng ta không đủ tầm văn hóa, Ý thức hệ sẽ được chia tay trong uất hận, hoặc ngược lại, cứ len lén rút lui khỏi lịch sử không một lời tuyên bố như một kẻ khôn vặt hay một tên đại bịp nào đó ra đi, không trống không kèn. Để lại trên non nước này một món nợ.

Tôi là người Việt nam, tôi không muốn cái lịch sử "tiên rồng" lắm thông minh và nhiều quằn quại này của chúng ta, giữa vận hội hôm nay lại chọn cách "hóa rồng" lươn lẹo đó.

Bạn đọc kính mến.

Có thể có người coi bài viết này là quá lạ tai, nhưng nhiều người lại bảo: thực tiễn đã chạy trước nhận thức của anh lâu rồi.

Đà lạt ngày 22- 4- 1995

HSP
4E - Bùi thị Xuân , Đàlạt


Nội dung

Trang
Lời nói đầu ........................... 1
Nội dung ........................... 4
Phần 1 : Triết học Mác-Lê : khủng hoảng phương pháp luận . ........................5
Phần 2 : Chính trị Mác-Lê : Phong kiến biến tướng . .....................................14
Phần 3 : Tính Văn hóa thấp của trào lưu Cộng sản ............................ 25
Phần 4 : Đổi mới là tự vượt qua mình. ............................................. 35
Thay lời kết : Triều đại Phong kiến cuối cùng
và chiếc bình phong ...................................... 56

Phụ lục 1 : Sơ bộ tập hợp Ý kiến độc giả về những bài viết của HSP
Phụ lục 2 : Hồi ức về cuộc khủng bố Chủ nghĩa xét lại ở Việt nam
Phụ lục 3 : Ba bài thơ di cảo của Chế Lan Viên
Phụ lục 4 : Lời những người Cộng sản lão thành gửi Đảng và toàn dân.

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét