2024.02.23
Khán giả xếp hàng mua vé xem phim Đào, phở và piano. Báo Lao Động
Một nhạc sĩ nổi tiếng tin rằng Nhà nước hoàn toàn có thể làm một bộ phim hay tuyên truyền về lịch sử, sau "Đào, phở và piano" hãy làm phim về cuộc chiến Việt Nam với Trung Quốc ở Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa.
Bộ phim được Cục Điện ảnh đặt hàng cho Công ty cổ phần phim truyện I sản xuất với kinh phí khoảng 20 tỷ đồng đang làm mưa làm gió trên các trang truyền thông Nhà nước và các trang mạng xã hội ủng hộ Chính phủ. Người ta cũng nhìn thấy hàng dài những người trẻ xếp hàng đợi mua vé xem phim ở thành phố Hồ Chí Minh ngày 22/2.
“Đào, phở và piano” lấy bối cảnh những ngày cuối cùng của trận chiến với quân Pháp sau khi Quân đội và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà rút lui lên Việt Bắc. Vào ngày 16/2/1947, tại một chiến lũy bên trong khu phố cổ, các dân quân tự vệ phải chống chọi với một cuộc tấn công bằng xe tăng và súng hiện đại của quân Pháp. Họ đã đáp trả bằng vũ khí thô sơ, trong đó có bom ba càng để cầm chân quân Pháp.
Trong một chương trình của VTV, ông Phi Tiến Sơn - đạo diễn của bộ phim nói: “Điện ảnh chúng tôi còn nợ khán giả nhiều lắm về mảng đề tài lịch sử này. Hi vọng sắp tới đây các đồng nghiệp của tôi sẽ trả dần món nợ ấy.”
Nhạc sĩ Tuấn Khanh hôm 23/2/2024 bình luận với Đài Á Châu Tự Do (RFA):
“Tôi đề nghị mở rộng một dự án nhân dân góp tiền để xây dựng một bộ phim điện ảnh về Trung Quốc xâm lược đảo Gạc Ma một 1988 để tưởng nhớ những người hi sinh gần nhất của Việt Nam để bảo vệ tổ quốc, để giúp giải bớt món nợ phim chủ đề lịch sử như đạo diễn của phim đã nói!”
“Đào, phở và piano” được nhiều người săn tìm vì dường như ít được bố trí các suất chiếu vào giờ thuận lợi cho người xem trong ngày. Thay vào đó, các rạp chiếu các phim thương mại “Mai” của Trấn Thành hay các phim của nước ngoài như “Thanh Gươm Diệt Quỷ: Phép Màu Tình Thân, Cho Đến Chuyến Đặc Huấn Của Đại Trụ.”
Khi nhu cầu xem phim tăng cao, một số rạp chiếu phim ở TPHCM như Beta và Cinestar cũng xin phép được chiếu phim này với hình thức phi lợi nhuận và diễn ra vào lúc nửa đêm.
Với mục đích tuyên truyền, Nhà nước Việt Nam thường bỏ tiền ngân sách ra làm nhiều phim về đề tài lịch sử hay ca ngợi lãnh tụ trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, các phim này thường bị xếp vào kho lưu trữ sau một vài buổi chiếu giới thiệu, hoặc được đưa chiếu miễn phí trên truyền hình quốc gia.
“Đào, phở và piano” chỉ là một trong nhiều phim Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch đặt hàng trong năm 2022 với tổng kinh phí lấy từ ngân sách Nhà nước lên đến 65 tỷ đồng. Theo báo chí, doanh thu của phim đến nay đã được hơn 1 tỷ đồng, một hiện tượng đối với thể loại phim kiểu này.
Bình luận về bộ phim, nhạc sĩ Nguyễn Tuấn Khanh từ thành phố Hồ Chí Minh nói với RFA:
“Sau nhiều năm Nhà nước đã tung ra một cuốn phim được tài trợ về chủ đề mang tính lịch sử và tuyên truyền với cái giá 20 tỷ để đến với công chúng. Mục đích được nói rõ là nhằm nhắc lại lịch sử, không thể để lãng quên.
Nhưng cách làm một cuốn phim tuyên truyền trong thế kỷ 21 vẫn không khác gì những năm tháng ở miền Bắc trước năm 1975 là cứ làm xong thì thôi, phó mặc chuyện phát hành và quảng bá cho đời sống, nếu không có sự vận động của các trang mạng xã hội thì bộ phim này có lẽ cũng đã chết trong im lặng.”
Ông đặt câu hỏi về thực tâm muốn nhắc lại lịch sử và trân trọng nó của cơ quan đặt hàng bộ phim, ở đây là Cục Điện ảnh, hay “chỉ là một dự án làm ăn lấy đủ tiền rồi thôi?”
Đây là phim hư cấu, không phải lịch sử!
Bà Nguyễn Hoàng Ánh, một nữ trí thức ở Hà Nội sau khi xem phim “Đào, phở và piano” nêu ý kiến với RFA:
“Người ta không nói rõ. Khi xem phim thì người xem phải hiểu rằng đây là một câu chuyện dựng lên thôi, nó không phải là một bộ phim kiểu mô tả lại lịch sử. Nó chỉ là một câu chuyện tiểu thuyết, không phải là một bài dựng lại lịch sử.”
Một cảnh trong phim Đào, phở và piano (Thanhuytphcm)
Bà Ánh có gia đình nội ngoại đều ở Hà Nội trong thời điểm mà bộ phim nói đến, cho rằng những gì diễn ra trong phim không đúng thực tế.
Theo bà, lẽ ra những người làm phim phải nói rõ nội dung chỉ là "hư cấu" của để tránh sự ngộ nhận cho thế hệ trẻ, những người sinh ra nhiều thập niên sau thời điểm mà bộ phim nhắc đến.
Bà dẫn chứng về sự hiểu lầm có thể gây ra bởi bộ phim này:
“Cái mình sợ nhất ở phim này là cách dựng phim nó làm cho người ta tưởng nhầm Pháp định giết hết mọi người, và người nào ở lại cũng đều chết cả. Nhưng gia đình mình cả hai họ đều sống thời gian đó. Nó vẫn có sự lựa chọn cho người ở lại và người ra đi mà!”
Cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ bằng việc quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hoà bắt đầu tấn công các đơn vị Pháp ở Hà Nội vào đêm 19/12/1946. Khi đó, Chính phủ và các cơ quan nhà nước đã di dời lên chiến khu Việt Bắc, chỉ còn lại một số đơn vị quân sự và đa số là du kích ở lại cầm chân quân viễn chinh Pháp. Nhiều người dân thủ đô sau đó cũng tản cư về vùng nông thôn. Tuy nhiên, vẫn có nhiều gia đình ở lại trong thành.
Bà cảnh báo người xem phải thận trọng với các chi tiết đưa ra bởi “Đào, phở và piano.”
“Cho nên mình khuyến cáo mọi người hãy coi đây là một câu chuyện có thể có một chút sự thật nhưng mà nó chắc chắn không phải là lịch sử. Cái đấy đáng ra các nhà làm phim làm rõ, giống như các bộ phim lúc đầu người ta nói luôn là cái này không liên quan đến công ty, con người hay gì gì đó. Với một bộ phim tuyên truyền người ta có thể không có nhu cầu làm chuyện đó (cảnh báo- PV) do vậy người xem phim phải có ý thức nhất.”
Bà cũng nhặt ra những hạt sạn của bộ phim này, như cảnh quay chiến trận không thật, lời thoại lại "kịch hóa," và nhiều nhân vật được sao chép lại từ nhân vật trong tác phẩm văn học khác, hoặc nhiều chi tiết vô lý của bộ phim.
Tuy nhiên, theo bà, bộ phim cũng có thành công nhất định, như nói lên nét đặc trưng hào hoa lãng mạn của Hà Nội những năm đó:
“Trên chiến hào, cô gái chơi nhạc cũng vẫn là chơi nhạc Pháp, người ta vẫn hát với bài hát Pháp. Điều mà người Hà Nội thích hay là ít nhất là người ta chỉ có cảm giác rằng nó đúng là tính hào hoa lãng mạn và có một chút Tây phương hoá vào khoảng những năm 1945-1950.”
Bà cho biết cảm xúc mà phim này mang lại lớn khiến bà “chưa từng xem phim gì mà mình khóc quá trời khóc như vậy” cho dù bộ phim “bịa từ đầu đến cuối.” Theo bà, đạo diễn đã rất thành công trong việc tạo nên một khung cảnh bi tráng, hào hoa và lãng mạn, một bài thơ đậm chất Hà Nội đi vào lòng người.
* Cập nhật lúc 8 giờ 32 ngày 23/02/2024
Đính chính tên nhân vật: Sửa Nguyễn Thị Ánh thành Nguyễn Hoàng Ánh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét