02 tháng 3 2024

CQ - 3 - Sao những sự kiện liên quan Trung Quốc bị loại khỏi chương trình kỷ niệm?

Diễm Thi

2024.02.07

RFA

Người dân biểu tình chống Trung Quốc ở trung tâm thành phố Hà Nội vào ngày 22 tháng 7 năm 2012. AFP

Đầu năm 2024, trang thông tin điện tử Ban dân tộc tỉnh Bình Thuận đăng kế hoạch kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong năm.

Nằm đầu danh sách là kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Những ngày được kỷ niệm sau đó là 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ; 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 79 năm Ngày cách mạng tháng Tám; Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…

Ngoài ra còn có kỷ niệm ngày sinh của một loạt lãnh đạo quá cố của Đảng, Nhà nước như Trần Phú; Nguyễn Chí Thanh; Nguyễn Lương Bằng… Sau cùng là kỷ niệm ngày sinh Vladimir Lenin; Karl Marx; Friedrich Engels.

Trang web nói rõ, việc tổ chức kỷ niệm nhằm tuyên truyền sâu rộng về truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng của dân tộc; lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng, ý chí tự lực, tự cường và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc; góp phần củng cố, bồi đắp niềm tin của Nhân dân vào sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Máu của đồng bào, của chiến sĩ không phải là nước lã. Tôi không biết lãnh đạo Việt Nam sợ cái gì mà lặng im trong khi Trung Quốc vẫn tưởng niệm ba ngày này. Họ vẫn ca ngợi cái mà họ gọi là phản kích tự vệ, thu hồi lãnh thổ về cho Trung Quốc. Nếu mà hành xử như vậy thì làm sao mà giáo dục cho thế hệ trẻ? Nếu mai này mà có chiến tranh xảy ra, ai sẽ là người cầm súng? - Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc

Điều đáng nói là ngày Việt Nam mất Hoàng Sa vào tay Trung Quốc 19 tháng 1; Ngày Trung Quốc đem quân xâm lược sáu tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam 17 tháng 2; Ngày Trung Quốc chiếm một số đảo của Việt Nam ở Trường Sa 14 tháng 3 không có trong danh sách kỷ niệm của tỉnh Bình Thuận.

Cảnh sát giải tán người biểu tình trong một cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở trung tâm thành phố Hà Nội vào ngày 9 tháng 12 năm 2012. AFP

Nhiều năm trước đây, vào ngày 19 tháng 1 và ngày 14 tháng 3, nhiều người dân tập trung tại tượng đài Lý Thái Tổ ở trung tâm Hà Nội và tượng đài Đức Thánh Trần ở bến Bạch Đằng, Sài Gòn để thắp hương tưởng niệm các tử sĩ, nhưng thường xuyên bị chính quyền ngăn cản. Năm nay, kỷ niệm 50 năm ngày mất Hoàng Sa, an ninh chặn những nhân vật bất đồng chính kiến ngay tại nhà nên không có cuộc tưởng niệm đông người và công khai nào diễn ra.

Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên trưởng ban nghiên cứu - Ban dân Vận Trung ương nói với RFA suy nghĩ của ông sáng 7 tháng 2 năm 2024:

“Hiện nay, nói chung là người ta chú trọng đến những ngày kỷ niệm của Đảng Cộng sản hơn là những ngày tưởng niệm của dân tộc. Những ngày như trận hải chiến Hoàng Sa của hải quân VNCH, hay ngày 17 tháng hai khi Trung Quốc đem quân xâm lược sáu tỉnh biên giới phía Bắc… Đó là những sự kiện lịch sử nhưng lại không dám tổ chức kỷ niệm. Người dân đã phản đối, đã chê trách nhưng họ vẫn cứ lỳ ra không chịu sửa. Như thế là quá sợ Tàu, trong khi Tàu vẫn lấy những ngày đó để kỷ niệm chiến thắng oanh liệt để tuyên truyền. Việt Nam thì im re. Như thế là có tội với nhân dân Việt Nam, có tội với dân tộc Việt Nam.”

Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc bày tỏ quan điểm của ông trong cùng ngày:

Đầu năm 2023, tôi đã rất ngạc nhiên khi các chương trình kỷ niệm cho năm đăng trên trang web của Bộ Công thương không hề có ngày 19 tháng giêng, 17 tháng 2 và 14 tháng 3. Và năm nay, trên trang web chính thức của tỉnh Bình Thuận, ba sự kiện này đã bị gạt ra ngoài lề.

Chúng ta nên nhớ, cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc ở biên giới phía Bắc và biên giới phía Tây Nam cũng như cuộc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông hết sức là gay go. Máu của đồng bào, của chiến sĩ không phải là nước lã. Tôi không biết lãnh đạo Việt Nam sợ cái gì mà lặng im trong khi Trung Quốc vẫn tưởng niệm ba ngày này. Họ vẫn ca ngợi cái mà họ gọi là phản kích tự vệ, thu hồi lãnh thổ về cho Trung Quốc. Nếu mà hành xử như vậy thì làm sao mà giáo dục cho thế hệ trẻ? Nếu mai này mà có chiến tranh xảy ra, ai sẽ là người cầm súng?

Bạn bè là bạn bè, đồng chí là đồng chí nhưng quyền lợi quốc gia là tối thượng. Tôi xin nhắc lại, năm 2014, khi phát biểu tại Manila, Thủ tướng Việt Nam lúc đó là ông Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu rất đanh thép: Không đánh đổi chủ quyền lấy tình hữu nghị viển vông. Đấy là khẩu hiệu chúng ta phải nhớ”.

Tháng 5 năm 2014, thủ tướng Việt Nam lúc đó là ông Nguyễn Tấn Dũng có chuyến thăm và làm việc tại Philippines. Trả lời báo chí quốc tế về hành xử của Việt Nam về tình hình Biển Đông, ông Dũng nhấn mạnh: “Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”.

Thế nhưng, điều mà tôi thật sự thất vọng sâu sắc khi không đề cập gì đến các sự kiện mất Hoàng Sa và Trường Sa. Điều đó chứng tỏ chế độ không hề có ý chí khôi phục lãnh thổ bị đánh chiếm. Không những thế, họ xem trọng ngày sinh lãnh tụ của họ hơn là khôi phục lại lãnh thổ bị chiếm mất. - Luật sư Đặng Đình Mạnh

Với việc tỉnh Bình Thuận bỏ ba ngày liên quan đến Trung Quốc ra khỏi danh sách kỷ niệm năm 2024, luật sư Đặng Đình Mạnh nêu quan điểm của ông với RFA:

“Đọc bản kế hoạch tuyên truyền về các ngày lễ trong năm 2024, trong đó, bao gồm việc tuyên truyền kỷ niệm ngày sinh của các lãnh đạo Cộng sản đã mất. Thế nhưng, điều mà tôi thật sự thất vọng sâu sắc khi không đề cập gì đến các sự kiện mất Hoàng Sa và Trường Sa. Điều đó chứng tỏ chế độ không hề có ý chí khôi phục lãnh thổ bị đánh chiếm. Không những thế, họ xem trọng ngày sinh lãnh tụ của họ hơn là khôi phục lại lãnh thổ bị chiếm mất.

Với giặc ngoại xâm từ phương bắc, không phải thế hệ chúng ta mới phải đối diện với điều đó. Nào là Hán, Tống, Nguyên, Minh, Thanh… Thế hệ nào bị ngoại xâm, thế hệ đó đứng lên đánh đuổi, khôi phục nền độc lập, thu hồi lại lãnh thổ một cách sòng phẳng, dứt khoát. Chỉ đến thế hệ chúng ta, với sự cai trị của Cộng Sản mới nhu nhược, đớn hèn với chủ trương để lại di sản chống ngoại xâm cho thế hệ con cháu… Tôi đã nghĩ, lãnh thổ thiêng liêng của đất nước, thì chỉ có người dân mới quan tâm, chứ nó không phải là sự quan tâm của đảng Cộng sản.”

Một người lính Hải quân Việt Nam đứng canh gác tại đảo Thuyền Chài thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Reuters

Vào ngày 19 tháng 1 năm 2024, tròn 50 năm ngày mất Hoàng Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng phát biểu trước báo giới rằng, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa được xác lập ít nhất từ thế kỷ 17, phù hợp với luật pháp quốc tế và được các nhà nước kế tiếp nhau của Việt Nam thực hiện một cách hòa bình, liên tục, công khai.

Một tuần sau, ngày 24 tháng 1 năm 2024, phát ngôn nhân Bộ ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói trong cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh rằng, Trung Quốc là nước đầu tiên phát hiện, đặt tên, phát triển, quản lý các đảo và quần đảo, và tiếp tục thực thi quyền chủ quyền đối với những đảo và quần đảo đó. Trung Quốc luôn luôn phản đối tuyên bố chủ quyền phi pháp của các nước liên quan đối với lãnh thổ Hoa Lục và sẽ tiếp tục bảo vệ vững chắc chủ quyền của nước mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét