15-2-2024
Tháng 2-2023, trong buổi ra mắt cuốn sách được viết bằng cả tâm sức của mình, tác giả Nguyễn Thái Long xúc động nói:
“Hôm nay cuốn sách Tiếng vọng đèo Khau Chỉa đã đưa tôi đến đây, trước quý vị cử tọa khả kính và các độc giả thân mến. Cùng tôi đến đây hôm nay là những đồng đội của tôi - CCB Trung đoàn 567, họ ngồi ở khán phòng này, bên cạnh tôi. Và, ngoài kia, vong hồn các liệt sỹ Trung đoàn 567. Hơn 500 con người, 44 năm trước đã vĩnh viễn nằm lại ở những cánh rừng, ngọn núi, ven suối, suốt một dải biên giới Cao Bằng, Vị Xuyên. Suốt mấy chục năm sau đó, không mấy ai biết đến họ, nhớ đến họ. Họ bị chìm đi trong quên lãng…”.
567 là một trung đoàn địa phương quân. Nhiệm vụ của họ là làm đường. Họ không được chuẩn bị về tinh thần, không được trang bị đủ vũ khí cho một cuộc chiến tranh như cuộc chiến Trung Quốc tấn công Việt Nam trên toàn tuyến Biên giới vào rạng sáng 17-2-1979.
Nhưng ở Khau Chỉa, Tà Lùng, Cao Bằng, Trung đoàn 567 đã chặn đứng mũi tấn công của Quân đoàn 42, Quân khu Thành Đô, Trung Quốc, gồm 2 sư đoàn bộ binh, 1 lữ đoàn xe tăng T59, 1 lữ đoàn pháo binh. Chiến đấu trong một tương quan vô cùng chênh lệch, nhưng suốt 12 ngày đêm, họ đã không để cho quân xâm lược Trung Quốc vượt qua được đèo Khau Chỉa, hướng tấn công chủ yếu vào Đông Bắc Cao Bằng.
Trong cuốn “Mười Năm Chiến Tranh Việt Trung” [NXB Đại học Tứ Xuyên 1993], Trung Quốc đã gọi con đường tiến vào thị xã Cao Bằng này là những “khe núi đẫm máu”.
Khau Chỉa - Tà Lùng là những Bạch Đằng, Chi Lăng của Thế kỷ 20.
Chưa có cuốn sách nào viết về cuộc chiến tranh Biên giới khốc liệt và sống động như Tiếng Vọng Đèo Khau Chỉa. Cuốn sách tuy chỉ nói về những trận đánh của Trung đoàn 567 và tập trung ở mặt trận Cao Bằng, nhưng nó vừa rất cận cảnh vừa rất khái quát. Cuốn sách vừa đưa người đọc can dự cái ngột ngạt của những trận đánh, vừa chứng kiến những người lính quả cảm, vừa hình dung rất rõ kẻ thù và cuộc chiến tranh này.
Nhưng cuốn sách còn khiến ta lắng lại bởi rất nhiều thân phận, đặc biệt là câu chuyện của “Bố Hoan”, vị Trung đoàn trưởng Trung đoàn 567.
Bố Hoan quê ở xã Chính Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam. Ông nhập ngũ 1949. Ông cầm quân mưu lược, xả thân, sát cánh cùng những “đứa con” của mình. Ông trở về không phải đi qua những khải hoàn môn, mà một mình, lầm lũi trên một cỗ xe ngựa ông tự đóng.
Bố Hoan mang cỗ xe ngựa về để thỉnh thoảng chở thóc, chở ngô giúp bà con trong làng; tự chở dần vật liệu để thực hiện niềm khao khát có một căn nhà của riêng mình. Niềm khao khát của một người lính già trận mạc hơn ba mươi năm binh nghiệp.
Hình ảnh vị Trung đoàn trưởng xuất ngũ được một người lính lái xe bắt gặp trên Đèo Gió, là hình ảnh của một thế hệ:
“Bố Hoan, trong bộ quân phục cũ, bạc màu, chiếc mũ cối cũ, chiếc bình tông nước đeo bên người sứt sẹo và đôi dép rọ sĩ quan cũng cũ mòn vẹt gót. Chỉ có chiếc khăn mặt lính màu cỏ úa vắt trên vai là còn mới và ướt, không rõ là do mồ hôi hay cụ vừa rửa mặt. Khuôn mặt Bố Hoan đỏ bừng và đẫm mồ hôi lẫn bụi đường đỏ quạch trong cái nắng buổi trưa hè ngột ngạt oi nồng. Bên đường, dưới bóng cây là hai con ngựa đang uể oải nhai bó cỏ…”
Nguyễn Thái Long là một người lính 567 cầm súng trong ngày 17-2, không chỉ anh mà những người lính sống sót trong cuộc chiến ấy đã viết nên Tiếng Vọng Đèo Khau Chỉa.
Tiếng Vọng Đèo Khau Chỉa, có thể nói là cuốn sách đầu tiên của Việt Nam viết về cuộc chiến tranh năm 1979. Mấy năm trước đó cũng có một cuốn tự truyện của thiếu tướng Nguyễn Đức Huy. Cuốn sách cung cấp một tư liệu khá hay về Mặt Trận Vị Xuyên nhưng chỉ xoay quanh vai trò của ông và các chỉ huy trong một chiến thắng phá vỡ bế tắc ở Mặt trận này năm 1985. Cuốn sách của tướng Huy không nhắc đến vai trò của những người lính.
Những người lính làm nên chiến thắng ấy cũng của Trung Đoàn 567, họ đã đánh chiếm và bám trụ cao điểm A6b, “Lò Vôi Thế Kỷ”.
Sau Hội Nghị Thành Đô, người Trung Quốc vẫn cho xuất bản sách [khá phiến diện] về cuộc chiến tranh mà họ phát động, xâm lược nước ta [1993]. Nhưng, cho đến tận hôm nay, dù chỉ còn 2 ngày nữa là tròn 45 năm ngày nổ ra chiến tranh, chưa thấy báo đài Việt Nam nhắc gì về nó.
Bản thảo của cuốn sách này đã phải đi qua khá nhiều nhà xuất bản và chỉ Nhà Xuất Bản Phụ Nữ mới in nó nhưng vẫn rất dè dặt khi không có một dòng nhỏ ngoài bìa nói về nội dung cuốn sách. Khá nhiều người Việt Nam nhìn thấy Tiếng Vọng Đèo Khau Chỉa trên giá sách, nhưng có rất ít người Việt Nam biết là cuốn sách nói về cuộc chiến tranh 17-2, cuộc chiến mà người Việt đã đổ không biết bao máu xương để bảo vệ biên cương trước quân Trung Quốc.
Chính những người lính là những người khát khao hòa bình nhất. Nhưng không thể có một biên giới hòa bình bằng cách vụng về che đậy quá khứ. Chỉ khi hiểu trung thực về quá khứ mới kiến tạo được một nền hòa bình vững chắc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét