Capture à partir de :baotiengdan
Lê Quang Ngọ và Lê Quí Trọng
16-1-2024
Thời gian trôi qua nhanh quá, mới đó mà quần đảo Hoàng Sa đã không còn thuộc về đất mẹ Việt Nam của chúng ta đúng nửa thế kỷ. Sự kiện hải chiến Hoàng Sa là sự đụng độ giữa Hải quân Trung Quốc và lực lượng Hải quân Việt Nam Cộng đang hòa trấn giữ quần đảo lúc bấy giờ, nhưng lại ảnh hưởng đến nhận thức và tư duy của bên thứ ba liên quan, đó là chính quyền Hà Nội.
Sự kiện đau buồn đó diễn ra vào những ngày giáp Tết Nguyên Đán, bởi vậy không khí đón Xuân Giáp Dần 1974 ở Hà Nội có phần đặc biệt hơn so với những những năm trước. Tuy đài Tiếng nói Việt Nam cùng với đài Phát thanh Hà Nội và hàng loạt số báo Tết đưa tin, khả năng thắng lợi đang cận kề cho phe mình, nhưng người dân Hà Nội vốn nhạy bén với tình hình chính trị bởi thường xuyên nghe lén “đài địch”, cho nên bên cạnh việc chúc tết nhau, họ cũng sầm sì kể cho nhau nghe tin thời sự nóng hổi đang diễn ra.
Đó là cuộc chiến diễn ra trên một quần đảo, mà cho đến thời điểm đó, đa số người dân Hà Nội cũng như người dân miền bắc Việt Nam mới biết rằng, lãnh thổ Việt Nam không chỉ một dải đất hình chữ S với những hòn đảo nằm trải dài gần đó, mà còn có một phần lãnh thổ với tên Hoàng Sa xa xôi. Giống như phần lớn người dân trên thế giới chỉ biết đến cái tên Titanic sau khi con tàu này đắm chìm năm 1912, người dân miền bắc Việt Nam lúc đó cũng chỉ biết đến cái tên Hoàng Sa khi nó không còn thuộc về lãnh thổ Việt Nam, bởi nó vừa bị người láng giềng “vừa là đồng chí, vừa là anh em” (1) cưỡng chiếm.
Trong những ngày nghỉ tết năm Giáp Dần 1974 đó, ngoài các đơn vị thuộc các lực lượng vũ trang bận rộn với việc trực chiến bảo vệ an ninh thủ đô, còn có một cơ quan dân sự không được phép nghỉ, mà phải làm việc với tinh thần khẩn trương, đó là Thư viện Khoa học Xã hội, có trụ sở tại số 26 phố Lý Thường Kiệt, thuộc khu Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Theo lời kể của bác Lê Công Quảng (đã mất) – khi đó đang làm việc tại thư viện này và trú quán tại số 48 phố Hàng Bài – cho tác giả bài này biết rằng: Theo chỉ thị của thủ tướng Phạm Văn Đồng, trong những ngày đầu năm, bác Quảng cùng với những người có chuyên môn trong thư viện được huy động cấp tốc, lục tìm trong các thư tịch cổ mà thư viện quản lý, kiểm tra xem có văn bản nào nêu rõ Hoàng Sa thuộc chủ quyền đất nước ta hay không?!
Ảnh: Nơi đây từng là địa chỉ của Thư viện Khoa học Xã hội thời bao cấp. Nguồn: Tác giả gửi Tiếng Dân
Khi chỉ thị cho Thư viện Khoa học Xã hội tìm kiếm bằng chứng chủ quyền của Việt Nam với cái tên Hoàng Sa, có thể ông Phạm Văn Đồng đã giật mình và phần nào nhận ra sai lầm lớn nhất trong sự nghiệp chính trị của ông ta. Ngày 14-9-1958, do thiếu hiểu biết, cũng như thói quen muốn lấy lòng “thiên triều” của một nước chư hầu đã thành nếp, nên ông Đồng vội vã thảo công hàm “ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, quyết định về hải phận của Trung Quốc”.
Như vậy, Phạm Văn Đồng không chỉ một lần bị tai tiếng liên quan đến bức Công hàm năm 1958, khiến Việt Nam rơi vào thế bất lợi trong các giải pháp đòi lại Hoàng Sa bị phía Trung Quốc cưỡng chiếm. Việc cho kiểm tra xem Hoàng Sa có thực sự thuộc về chủ quyền Việt Nam hay không vào những ngày đầu xuân Giáp Dần 1974, cho thấy, điều mà nhà báo Lê Phú Khải viết trong hồi ký Lời Ai Điếu của ông về Phạm Văn Đồng là hoàn toàn chính xác: “Dưới mắt tướng Qua thì Phạm Văn Đồng là con người chủ quan, bốc đồng và rất vô tích sự”, bởi ông ta “Tuy là thủ tướng nhưng không làm gì” (2).
Việc Phạm Văn Đồng cho kiểm tra chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, còn cho thấy “những bộ óc siêu việt” của chính quyền Hà Nội đã bị “sốc” nặng và niềm tin “kiên định” mù quáng vào sự giúp đỡ chí tình của “đồng chí, anh em” Trung Quốc với sự nghiệp giải phóng dân tộc đã bị lung lay. Cộng sản Bắc Việt bị rơi vào tình thế khó xử, không những bị đối phương lên án, mà còn bị dân chúng chê trách.
Tuy vậy, hoặc là do sự ngây thơ chính trị cố hữu, hoặc do ngu dốt và để trấn an những người thuộc cấp, Lê Đức Thọ lúc đó vẫn lên gân phát biểu rằng: “Hãy yên tâm, Hoàng Sa trong tay các đồng chí Trung Quốc còn hơn là trong tay ngụy quyền tay sai của đế quốc Mỹ”, theo lời nhà báo Bùi Tín (3).
Còn theo lời kể của GS Hà Văn Thịnh với RFA, Hoàng Tùng, từng là Tổng Biên tập báo Nhân Dân, nói rằng: “Vì ta bận đánh Mỹ, không có thời gian và chưa đủ khả năng để giải phóng Hoàng Sa nên nhờ bạn Trung Quốc giải phóng. Sau này mình thống nhất đất nước rồi phía bạn sẽ trả cho mình” (4).
Nhưng dù sao thì sự thật phũ phàng đó cũng đã giúp cho nhà cầm quyền Hà Nội sáng mắt, hiểu rõ thêm bản chất tham lam vô hạn của người hàng xóm phương Bắc, cho nên Bộ Quốc phòng Bắc Việt đề ra kế hoạch giải phóng quần đảo Trường Sa ngay từ tháng 10 năm 1974. Theo lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Sự kiện Trung Quốc tiến công quân ngụy, đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa ở phía bắc ngày 20-1- 1974, càng cho thấy tầm chiến lược của những mảnh đất xa xôi, chập chờn trên sóng gió Biển Đông. Nhãn quan chiến lược quân sự của Bộ thống soái tối cao, đã nhìn rõ vấn đề. Cần tổ chức giải phóng kịp thời phần đất này. Nếu chậm, để quân đội nước khác xâm chiếm nơi đây, tình hình sẽ rất phức tạp” (5).
Cứ tưởng rằng sau đó chính quyền Hà Nội sẽ rất cảnh giác với người láng giềng “núi liền núi, sông liền sông, chung một biển Đông, mối tình hữu nghị sớm như rạng đông” này, nhưng không! Năm 1988, Việt Nam lại bị Trung quốc cưỡng chiếm mất thêm bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa. Việc phán ứng yếu ớt của Hải quân Nhân dân Việt Nam, cũng như những tổn thất trước sự tấn công của Trung Quốc đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi về việc: Không được nổ súng hay không được nổ súng trước (6). Nhưng nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự cưỡng chiếm này vẫn là do phía Việt Nam chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Tháng 9 năm 1988, những người viết bài này có cơ duyên gặp một người lính Hải quân Việt Nam đóng trên quần đảo Trường Sa, vừa xuất ngũ. Anh kể lại rằng, ba thực thể mà Trung Quốc muốn chiếm là những rạn đá san hô ngầm, khi nổi khi chìm theo sự lên xuống của thủy triều, những rạn đá san hô này đang được nâng dần lên khi kiến tạo của vỏ trái đất hoạt động. Lực lượng trấn giữ quần đảo đã phát hiện điều đó, nên báo cáo về đất liền để tìm cách gấp rút dựng bia chủ quyền của Việt Nam lên trên những rạn đá san hô đó.
Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam khi đó là tướng Đoàn Khuê, cho rằng các thực thể san hô này đang nằm trong vùng biển kiểm soát của Việt Nam, sau khi phía ta xây dựng và tôn tạo, nâng cao bề mặt rồi dựng bia chủ quyền cũng chưa muộn.
Vẫn theo lời kể của người cựu binh này thì Trung Quốc lúc đó đã hơn hẳn ta trình độ hiểu biết về hải dương học trên biển Đông, nên họ có những âm mưu được tính toán từ lâu. Ngày 14-3-1988 Trung Quốc nhanh chân đi trước một bước, “khi các tàu vận tải cùng bộ đội Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đảo Cô Lin, Gạc Ma và Len Đao thì nhiều tàu chiến Trung Quốc ngang ngược lao đến, dùng pháo lớn bắn vào các tàu HQ-604 (đảo Gạc Ma), HQ-605 (đảo Len Đao) và HQ-505 (đảo Cô Lin). Quân Trung Quốc sau đó đổ bộ lên đảo Gạc Ma nhổ cờ Việt Nam, nổ súng vào bộ đội” (7).
Ảnh: Từ trái sang phải: Ba rạn đá san hô có tên là đá Cô Lin, Gạc Ma và Len Đao. Ngày 14-3-1988, một cuộc đụng độ quân sự đã diễn ra tại đây giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nguồn: Wikipedia
Ảnh: Xung đột giành quyền kiểm soát tại Quần đảo Trường Sa năm 1988. Nguồn: Wikipedia
Nhân dịp 50 năm sự kiện Hoàng Sa, chúng tôi xin được kể bổ sung đôi chuyện bên lề, cũng là để tất cả những người Việt Nam chúng ta, dù ở chân trời góc biển nào trên trái đất này, biết thêm những góc khuất của lịch sử đất nước và cũng thấu hiểu thêm giá trị của câu nói: “Mình phải như thế nào thì người ta mới … thế chứ”, bởi nó hoàn toàn đúng khi được vận dụng để giải thích mọi sự việc trên đất nước này.
Chú thích:
1. Câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mối quan hệ hữu nghị Việt - Trung mãi nguyên giá trị
2. Lời Ai Điếu – Hồi ký Lê Phú Khải (chương 05) (Phần: Nhân vật thứ hai được tướng Qua luôn nhắc đến là Phạm Văn Đồng, thủ tướng lâu năm)
3. 40 năm trận Hoàng Sa Oanh Liệt
5. Ký sự: Giải phóng Trường Sa - Cánh quân thứ sáu trong mùa xuân toàn thắng
6. Phê phán các quan điểm sai trái, xuyên tạc về sự kiện Gạc Ma năm 1988
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét