17 tháng 2 2024

50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Chủ quyền Hoàng Sa và luật pháp quốc tế

20 tháng 1 2024

Capture à partir de :BBC

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Tiến sĩ Trịnh Khắc Mạnh thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, một cơ quan thuộc chính phủ Việt Nam, giới thiệu bản đồ liên quan tới quần đảo Hoàng Sa trong một sự kiện vào tháng 6/2014

  • Thái Văn Cầu
  • Viết cho BBC từ Hoa Kỳ
  • 20 tháng 1 2024

Chính phủ Việt Nam cần chọn giải pháp nào cho vấn đề Hoàng Sa ngoài những tuyên bố ngoại giao? Từ Hoa Kỳ, nhà khoa học không gian Thái Văn Cầu gửi cho BBC News Tiếng Việt bài viết dưới đây.

Người viết đã có nghiên cứu về hành xử chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa (chủ quyền) của Việt Nam qua các thời đại, từ vua chúa nhà Nguyễn đến khi đất nước thống nhất, và về tư cách quốc gia của Việt Nam trong thời gian chiến tranh. Nghiên cứu cho thấy học giả phương Tây có lập luận khác nhau về hai đề tài này.

Tiêu biểu cho nhóm có lập luận dựa trên chứng cứ lịch sử và luật pháp quốc tế, thuận lợi cho Việt Nam, là Monique Chemillier-Gendreau, Bill Hayton; tiêu biểu cho nhóm có lập luận dựa trên thông tin không rõ ràng, đầy đủ, chính xác, thuận lợi cho Trung Quốc, bất lợi cho Việt Nam, là Marwyn Samuels, Greg Austin.

Theo Google Scholar, sách của Samuels và Austin được trích dẫn 491 lần ở phương Tây trong hàng chục năm qua nhưng không có phản biện nghiêm túc từ Việt Nam.

Để bù đắp cho khoảng trống này, bài viết này tập trung đánh giá về một số lập luận sai lầm của Austin, chủ yếu dựa vào Samuels. Bài cũng nhận định về giới hạn của phản đối ngoại giao, biện pháp thường được sử dụng trong tranh chấp chủ quyền.

Biển Đông yên tĩnh từ ngàn xưa cho đến thế kỷ 20. Trong nửa đầu thế kỷ 20, đã có những trao đổi ngoại giao về chủ quyền, phần lớn giữa chính quyền Pháp và Trung Hoa.

Tình hình thay đổi khi Trung Hoa trở thành nước cộng sản năm 1949.

Tại Hội nghị San Francisco năm 1951, đề nghị của Liên Xô để Nhật Bản trao chủ quyền cho Trung Quốc bị 48 nước trong 51 nước tham dự hội nghị bác bỏ. Thủ tướng Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu tuyên bố chủ quyền trước toàn thể hội nghị, với sự hiện diện của các nước lớn Anh, Pháp, Mỹ, và Liên Xô; không nước nào phản đối.

Theo hiệp ước ký ở hội nghị, Nhật Bản từ bỏ mọi yêu sách chủ quyền.

Khi Pháp rời Việt Nam sau Hiệp định Genève 1954, lợi dụng khoảng trống quyền lực, Trung Quốc đưa quân chiếm giữ những đảo phía đông Hoàng Sa năm 1956; Đài Loan đưa quân chiếm giữ đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa.

Đầu tháng 6 năm 1956, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Cộng Hòa Vũ Văn Mẫu lên tiếng khẳng định chủ quyền.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Cụm Lưỡi Liềm thuộc quần đảo Hoàng Sa, nơi xảy ra trận hải chiến vào năm 1974

Sau khi Mỹ rời Việt Nam sau Hiệp định Paris 1973, một lần nữa lợi dụng khoảng trống quyền lực, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa ngày 19 tháng 1 năm 1974, khiến 75 chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) hy sinh.

Cuối thập niên 1980, khi Liên Xô, đồng minh then chốt của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) trong hai cuộc chiến tranh nhiều năm trước đấy, thay đổi chính sách đối ngoại, chủ trương không can thiệp, Trung Quốc đi bước kế tiếp trong chiến lược Biển Đông: đánh chiếm một số đảo đá ở Trường Sa ngày 14 tháng 3 năm 1988, khiến 64 chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam hy sinh.

1. Lập luận sai lầm của Austin

Austin đưa ra các lập luận chính sau:

Vì Công hàm 1958 của Thủ tướng VNCDCH Phạm Văn Đồng công nhận chủ quyền của Trung Quốc, và vì Việt Nam là kế thừa của VNDCCH, Việt Nam bị estoppel về chủ quyền.

Vì sự thụ động của phong kiến Trung Hoa về hành xử chủ quyền từ thế kỷ 13 cho đến thế kỷ 19, Trung Hoa đánh mất chủ quyền Hoàng Sa có từ trước. Vì sự thụ động của Pháp và Việt Nam trong 30 năm đầu thế kỷ 20, Việt Nam đánh mất chủ quyền Hoàng Sa có từ năm 1816.

Trong nghiên cứu của người viết, các chứng cứ sau được nêu lên:

Theo Hiệp định Genève năm 1954, hành xử chủ quyền thuộc VNCH, chính quyền phía nam vĩ tuyến 17.

Đầu năm 1957, Liên Xô đề nghị Liên Hợp Quốc (LHQ) thu nhận VNDCCH và VNCH làm thành viên. Đề nghị không thành nhưng trong gần 20 năm kế tiếp, lần lượt hơn 120 nước thành viên LHQ, bao gồm Liên Xô, Trung Quốc và Mỹ, công nhận có hai Việt Nam, hội đủ những quy định về tư cách quốc gia trong Công ước Montevideo năm 1933: VNCH và Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (CHMNVN) ở phía nam, VNDCCH ở phía bắc vĩ tuyến 17.

CHMNVN và VNDCCH sáp nhập thành một Việt Nam thống nhất năm 1976. Theo luật pháp quốc tế, vì VNDCCH không phải là quốc gia có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trong giai đoạn 1954-1976, không hành động nào của VNDCCH có thể ảnh hưởng đến chủ quyền của VNCH và CHMNVN.

Sau khi sáp nhập, Việt Nam chọn hành xử chủ quyền của VNCH và CHMNVN, thể hiện trong công hàm Đại sứ Hà Văn Lâu gửi LHQ năm 1979.

Các chứng cứ trên bác bỏ lập luận của Austin về Công hàm 1958 và estoppel (không được nói ngược).

Nguồn hình ảnh, AFP

Công hàm Phạm Văn Đồng đã để lại nhiều hệ lụy trong lập luận về chủ quyền đối với Việt Nam

Cũng trong nghiên cứu của người viết, các chứng cứ sau được nêu lên:

Theo nguồn tài liệu cổ của Việt Nam và của phương Tây, Việt Nam hành xử chủ quyền ở Hoàng Sa muộn nhất là từ thời chúa Nguyễn đầu thế kỷ 17. Năm 1816, vua Gia Long tuyên bố chủ quyền Hoàng Sa.

Theo Trung Quốc, năm 1883, nhà Thanh “phản đối” nhóm khảo sát Hoàng Sa-Trường Sa của Đức khiến họ phải ngưng. Thực tế là nhóm này khảo sát Hoàng Sa, không phải Trường Sa, và họ đã công bố kết quả cuộc khảo sát.

Năm 1898, chính quyền Quảng Châu lại nói do Hoàng Sa là “đất không chủ”, họ không có trách nhiệm về vụ cướp phá hai tàu ngoại quốc bị đắm ở Hoàng Sa của ngư dân Trung Quốc.

Theo Trung Quốc, năm 1909, quan chức hải quân nhà Thanh đến thăm Hoàng Sa trong một ngày để “xác nhận” chủ quyền. Thực tế là triều đình nhà Nguyễn hành xử chủ quyền Hoàng Sa cho đến giữa thế kỷ 19 thì đất nước đối diện với chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp. Hoàng Sa hầu như bị quên lãng cho đến thập niên 1920.

Theo Trung Quốc, năm 1921, chính quyền Quảng Đông tuyên bố sáp nhập Hoàng Sa vào đảo Hải Nam. Thực tế là chính quyền Quảng Đông không được chính quyền trung ương của Trung Hoa hay các nước lớn công nhận.

Năm 1925, sau khi Thượng thư Bộ Binh (tương đương với bộ trưởng Bộ Quốc phòng ngày nay) Thân Trọng Huề của nhà Nguyễn xác nhận chủ quyền Hoàng Sa, Toàn quyền Đông Dương tuyên bố chủ quyền.

Theo luật pháp quốc tế, sự kiện triều đình nhà Nguyễn dưới sự đô hộ của thực dân Pháp không tích cực hành xử chủ quyền Hoàng Sa trong một thời gian không cấu thành yếu tố Hoàng Sa bị Việt Nam từ bỏ chủ quyền.

Các chứng cứ trên bác bỏ lập luận của Austin về Việt Nam mất chủ quyền vì sự thụ động của Pháp và Việt Nam trong 30 năm đầu thế kỷ 20.

2. Giới hạn của phản đối ngoại giao trong tranh chấp

Trong khoảng 10 năm nay, qua người phát ngôn chính phủ và qua công hàm gửi LHQ, Việt Nam và Trung Quốc đã có hàng chục lần lên tiếng phản đối các hoạt động của nhau trên Biển Đông. Do tầm quan trọng của nó, giới hạn của phản đối ngoại giao (phản đối) là điều rất cần được xem xét.

Trước thế kỷ 20, ngoài việc dùng vũ lực hay chiến tranh để cản trở chiếm giữ hay giành lại đất đai bị chiếm giữ bởi nước khác, phản đối là biện pháp cuối cùng để bảo vệ chủ quyền trong tranh chấp.

Sau khi Tòa án Thường trực Công lý Quốc tế được thành lập năm 1920, và nhất là sau khi tòa án này được thay thế bởi Tòa án Công lý Quốc tế, cơ quan tài phán thuộc LHQ năm 1945, điều này không còn đúng.

Trong hơn 50 năm qua, chuyên gia phương Tây (Levi Carneiro, D. H. N. Johnson, Yehuda Z. Blum, v.v.) đã nói về biện pháp kế tiếp sau phản đối: sử dụng hệ thống tòa án quốc tế để giải quyết tranh chấp. Nếu không, theo họ, với thời gian, phản đối sẽ trở thành “phản đối giấy”, “phản đối hình thức”, “vô dụng”, v.v. Khi một nước chỉ dùng biện pháp phản đối trong tranh chấp, chủ quyền đất đai bị nước khác chiếm giữ có khả năng mất hẳn.

Tại hội thảo quốc tế ở Đà Nẵng vào tháng 6 năm 2014, đã có ít nhất hai tham luận đề nghị Việt Nam sử dụng hệ thống tòa án quốc tế. Dù Trung Quốc không đồng ý tham gia, đây là bước cần thiết trong giải quyết tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.

Tham luận 1, của Jerome A. Cohen, giáo sư Khoa Luật Đại học New York, có đoạn:

“Bằng cách bác bỏ phán quyết khách quan của những định chế đối với tất cả các tranh chấp và nhấn mạnh vào đàm phán song phương như là phương tiện duy nhất để giải quyết những tranh chấp mà họ công nhận, Trung Quốc, quốc gia mạnh hơn nhiều so với bất cứ nước láng giềng Đông Nam Á nào, đang tìm cách tận dụng lợi thế có được trong quyền lực chính trị, kinh tế và quân sự của họ và giảm thiểu sự thích đáng của luật pháp quốc tế.”

Tham luận 2, của người viết, có đoạn:

“Khi sử dụng luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc, Việt Nam không chỉ giải quyết vấn đề chủ quyền lãnh hải giữa riêng hai nước mà còn giúp mang lại an ninh và ổn định cho tất cả các nước phụ thuộc vào giao thông hàng hải ngang qua một khu vực quan trọng hàng đầu thế giới. Cách hành xử như trên chứng minh mạnh mẽ cho thế giới thấy rằng Việt Nam là một nước tôn trọng luật pháp và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.”

Trong giai đoạn 1947-1923, đã có hơn 190 tranh chấp giữa các nước được đưa ra Tòa án Công lý Quốc tế. Hơn 10 năm trước, chính quyền Nhật Bản và Philippines đã công khai kêu gọi Trung Quốc để hệ thống tòa án quốc tế đưa phán quyết trong tranh chấp.

Một tuyên bố phản đối hoạt động của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa được đăng trên website Chính phủ Việt Nam

Tóm lại, do giới hạn của phản đối trong 100 năm qua, đặc biệt là sau khi LHQ thành lập cơ quan tài phán sau Thế chiến II, sử dụng hệ thống tòa án quốc tế là biện pháp hòa bình cuối cùng để Việt Nam thể hiện sự tin tưởng vào công lý, sự tin tưởng vào bản lãnh, quyết tâm của chính mình, và để Việt Nam thoát khỏi cái bẫy “thời gian” của Trung Quốc trong nỗ lực bảo vệ chủ quyền, bảo vệ quyền lợi đất nước.

Trong 2.000 năm qua, đất nước nhiều lần phải đối diện với tham vọng bành trướng và xâm lược của phong kiến Trung Hoa. Khó khăn, thử thách gấp nhiều lần hơn so với khó khăn, thử thách trong tranh chấp Biển Đông, nhưng tiền nhân đã vượt qua được. Vì thế, giải quyết tranh chấp qua hệ thống tòa án quốc tế là trách nhiệm của chính quyền hôm nay, 50 năm kể từ khi Trung Quốc chiếm giữ toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Nó không thể là trách nhiệm của thế hệ mai sau, như lập luận một số người đưa ra.

Bài viết thể hiện góc nhìn của tác giả Thái Văn Cầu, nhà khoa học không gian từ Hoa Kỳ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét