17 tháng 2 2024

50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Chuyện từ một quán cà phê

18 tháng 1 2024

Capture à partir de :BBC

Nguồn hình ảnh, AFP PHOTO / HOÀNG ĐÌNH NAM/Getty Images

Người biểu tình hô khẩu hiệu chống Trung Quốc khi tuần hành về phía đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội vào ngày 1 tháng 7 năm 2012

  • Nguyễn Anh Tuấn
  • Gửi bài cho BBC News Tiếng Việt từ Tonronto, Canada
  • 18 tháng 1 2024, 07:50 +07

Làm sao để Hoàng Sa thực sự sống trong tâm hồn mỗi người Việt? Từ Canada, nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ những suy nghĩ của mình.

Sân trước Nhà Trưng bày Hoàng Sa ở Đà Nẵng có một quán cà phê nhỏ mà tôi ghé mỗi chiều khi còn ở thành phố. Một phần vì quán vắng vẻ gần nhà, lại nhìn trực diện ra biển, phần khác vì muốn quan sát dòng người vào ra để cảm nhận chút gì đó tương liên giữa người dân và một quần đảo mà với đa số họ chỉ nằm trong tâm tưởng chứ chưa hề đặt chân đến.

Thành thật mà nói, tôi không nghĩ người ta có thể dễ dàng cảm thấy gắn bó với một vùng đất chỉ qua kể lại. Chẳng phải Chế Lan Viết từng viết:

Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn

Mảnh đất chỉ có thể trở thành một phần tâm hồn mình với điều kiện mình từng ở đó. Nhưng Hoàng Sa là nơi mà việc đến được còn khó huống gì là ở, không phải chỉ bởi sự xa xôi về khoảng cách địa lý mà còn vì phần lãnh thổ này đang bị ngoại bang chiếm đóng.

50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Câu chuyện ứng xử với 74 tử sĩ và các di sản VNCH

50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai đã hành động như thế nào?

Vậy bằng cách nào Hoàng Sa lại có một vị trí đặc biệt trong tâm tưởng của nhiều người Việt? Có lẽ lý do quan trọng nhất là vì đã có những người Việt từng chết vì nó. Lần gần nhất, 74 binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã nằm lại nơi đây trong một trận hải chiến ngắn ngủi nhưng đẫm máu với quân xâm lược Trung Quốc.

Khác với nhiều năm về trước, khi mà việc nhắc đến Hoàng Sa, Trường Sa trên mặt báo có thể khiến người ta gặp rắc rối, thì mươi năm vừa qua, dưới áp lực của công chúng, chính quyền đã dần thay đổi cách tiếp cận. Thay vì bưng bít, chính quyền đã cho phép báo chí được viết về hải chiến Hoàng Sa và thảm sát Gạc Ma.

Tuy nhiên, để những người trẻ như chúng tôi và thế hệ sau này kết nối với Hoàng Sa, cần nhiều hơn chỉ là những bài báo.

Nguồn hình ảnh, HOÀNG ĐÌNH NAM/AFP QUA GETTY IMAGES

Người biểu tình chống Trung Quốc vào năm 2014 ở Hà Nội cầm biểu ngữ với chân dung hạm trưởng HQ-10 Ngụy Văn Thà, người nằm trong số 74 lính VNCH tử trận trong Hải chiến Hoàng Sa ngày 19/1/1974

Từ bảo tàng…

Bảo tàng là nơi có thể giúp được phần nào. Cũng là kể câu chuyện Hoàng Sa, song bảo tàng sẽ “kể” bằng hiện vật, khiến cho người xem cảm giác như được cầm nắm những gì đã xảy ra.

Nhà Trưng bày Hoàng Sa từng có tên gọi là Bảo tàng Hoàng Sa ở giai đoạn đề xuất, được khởi công từ 2015 nhưng phải mất gần ba năm để hoàn thành, trễ hai năm so với kế hoạch, dù rằng chỉ là một tòa nhà 4 tầng tương đối nhỏ với diện tích khoảng 700m2.

Không rõ lý do gì khiến tiến độ công trình quan trọng này chậm đến như vậy, nhưng tôi vẫn nhớ lúc đó mỗi lần chạy ngang công trường ngổn ngang cứ thầm hỏi không hiểu vì sao chẳng có công nhân nào làm việc và cứ thế này thì bao giờ mới xong.

Những người trong cuộc khi đó chắc cũng chẳng trả lời được. Bằng chứng là vào ngày khánh thành, Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng kiêm Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa lúc ấy là ông Đặng Văn Ngữ, người tâm huyết với dự án, đã tâm sự rằng đến lúc này ông mới “nhẹ gánh trong lòng”.

50 năm Hải chiến Hoàng Sa: 'Ukraine và Đài Loan là bài học cho Việt Nam'

50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Ai sẽ cùng hẹn ‘Năm sau đến Hoàng Sa’?

Nguồn hình ảnh, AFP/Getty Images

Một người biểu tình chống Trung Quốc đứng trước lực lượng cảnh sát cơ động đang chặn tuyến đường dến lãnh sự quán Trung Quốc trong một cuộc biểu tình ở trung tâm thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 11 tháng 5 năm 2014

…đến đài tưởng niệm

Đài tưởng niệm đóng một vai trò quan trọng không kém khi đây là nơi kết nối tâm linh giữa người viếng thăm và những bậc tiền nhân đã sống và chết cho Hoàng Sa.

Dù chậm tiến độ nhưng cuối cùng thì Nhà Trưng bày Hoàng Sa cũng đã đi vào hoạt động, nghĩa là vẫn may mắn hơn nhiều Khu Tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa.

Được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khởi công từ năm 2016 trên đảo Lý Sơn, song đã 8 năm trôi qua, Khu Tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa vẫn chưa có gì ngoài viên đá đầu tiên được đặt trong lễ khởi công nằm trơ trọi giữa um tùm cỏ lau.

Khó có lý do kĩ thuật nào cho sự chậm trễ này khi mà công trình tương tự cũng do Tổng Liên đoàn Lao động chủ trì là Khu Tưởng niệm Gạc Ma đã hoàn thành vào năm 2017, chỉ sau hai năm khởi công, và từ đó đến nay liên tục đón các đoàn viếng thăm, kể cả các lãnh đạo cấp cao.

Chỉ có thể giải thích là vì những người ngã xuống ở Gạc Ma thuộc Quân đội Nhân dân Việt Nam, còn những người nằm lại ở Hoàng Sa lại thuộc Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Trong mắt những người nắm quyền hiện tại, tưởng niệm và vinh danh những binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa tử trận ở Hoàng Sa sẽ gián tiếp thừa nhận chính thể này cũng yêu nước và không ngần ngại chiến đấu để bảo vệ chủ quyền đất nước - điều không hợp với tuyên truyền lâu nay của “bên thắng cuộc” về một chế độ mà họ coi “ngụy quyền”.

Ý thức được sự nhạy cảm của vấn đề, những người chủ trương dự án cũng đã khéo léo chọn tên khu tưởng niệm là Nghĩa sĩ Hoàng Sa - một cái tên đủ rộng để bao trùm hết những người có công lao với phần lãnh thổ này của đất nước, nhưng có lẽ vẫn chưa thuyết phục được những cặp mắt dò xét từ Hà Nội.

Chụp lại video ▶️

50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Một lịch sử đầy xung đột

Và trên đường phố

Nếu như những không gian như bảo tàng và đài tưởng niệm giúp người ta tìm sự kết nối với Hoàng Sa ở vị trí người quan sát, thì những cuộc biểu tình trên đường phố có thể cho người ta cảm giác của một người tham gia. Thay vì “nhìn”, người ta “làm” một điều gì đó.

Cao trào biểu tình chống Trung Quốc xâm lược nhân sự kiện Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh năm 2011 và kéo giàn khoan vào sâu thềm lục địa Việt Nam năm 2014, hoặc những dịp tưởng niệm hải chiến Hoàng Sa, thảm sát Gạc Ma là những cơ hội như vậy.

Khi những tiếng hô vang “Hoàng Sa! Trường Sa! Việt Nam!” bị đáp lại bằng dùi cui và nắm đấm, khi máu và nước mắt những người biểu tình đổ xuống trong những ngày tưởng niệm, người ta thấy mình gần hơn với những hòn đảo xa xôi nơi tiền đồn Tổ quốc, vì dù sao thì họ cũng đã làm chút gì đó.

Cái giá phải trả kỳ thực cũng không nhỏ. Xem lại những bức hình của những ngày tháng sôi nổi đó, không khó để nhận ra những gương mặt chỉ mấy năm sau đã trở thành tù nhân lương tâm của một chế độ khăng khăng độc quyền yêu nước.

Đó cũng là mâu thuẫn tự thân của chính quyền: Một mặt muốn thế hệ trẻ quan tâm đến Hoàng Sa, Trường Sa, nhưng khi người ta quan tâm đủ tới mức muốn hành động, họ sẽ bị trừng phạt nếu không hành động theo cách mà chính quyền muốn.

Nó làm tôi nhớ lại một khoảnh khắc đáng quên khi ghé quán cà phê của Nhà Trưng bày Hoàng Sa một ngày tháng 6 năm 2018 dịp biểu tình chống dự Luật Đặc khu. Dù Đà Nẵng khi đó biểu tình không nổ ra, nhưng nhiều công an mặc cảnh phục lẫn thường phục đã đợi sẵn để ngăn chặn bất kỳ ai định hành động nơi đây.

Nguồn hình ảnh, AFP PHOTO/HOÀNG ĐÌNH NAM/Getty Images

Những bông hồng trắng được những người biểu tình chống Trung Quốc đặt dưới tượng vua Lý Công Uẩn ở trung tâm thủ đô Hà Nội vào ngày 19/1/2014, trong một cuộc biểu tình kỷ niệm 40 năm ngày Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa

Ngay lúc đó tôi tự hỏi đây có phải nguyên nhân khiến công trình có ý nghĩa quan trọng này bị chậm tiến độ hay không? Phải chăng có những người trong chính quyền muốn giữ lửa quan tâm chủ quyền đất nước cho thanh niên, nhưng cũng có những người khác trong chính quyền, thường là quyền lực hơn, lại sợ ngọn lửa đó bởi những ám ảnh thường trực về an ninh chế độ?

Không rõ nữa, song tôi chợt nhớ đến một trưa nắng cách đây mấy năm cũng ở quán cà phê này khi bàn bên là nhóm các ông lão rôm rả bàn chuyện gì đó sau khi tham quan Nhà Trưng bày. Bỗng một cụ ông trong số đó, bằng chất giọng Quảng Nam đậm đặc không lẫn vào đâu, ngâm nga:

Đời con cho tới đời cha

Hễ còn cộng sản Hoàng Sa của Tàu

Tôi còn chưa kịp hỏi ý ông cụ là cộng sản nào? Mà chắc cũng chẳng cần phải hỏi.

---

Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả Nguyễn Anh Tuấn, một nhà hoạt động xã hội từng tham gia các hoạt động biểu tình chống Trung Quốc từ năm 2011 đến năm 2018.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét