Capture à partir de :baotiengdan
Phạm Vũ Hiệp
28-10-2023
Kinh tế thị trường XHCN định hình nên tầng lớp quý tộc trong vương triều cộng sản. Giới lãnh đạo chóp bu của đảng trở thành những hoàng tộc thu nhỏ. Ở đó, các “công chưa”, “phò mã” được nâng niu, thăng tiến và hưởng thụ cuộc sống xa hoa, quyền quý. Vài “phò mã” thời đại 4.0 gần đây nhất ở Việt Nam:
1. Nguyễn Bảo Hoàng
Nguyễn Bảo Hoàng (tức Henry Nguyễn) sinh năm 1973 tại Sài Gòn, rời Sài Gòn năm 1975, khi mới 22 tháng tuổi, sau mang quốc tịch Hoa Kỳ. Henry Nguyễn có bằng cử nhân từ trường đại học Harvard, sau đó tốt nghiệp thạc sĩ ngành y và quản trị kinh doanh tại trường Northwestern University, theo báo Washington Post.
Năm 2008, Henry Nguyễn kết hôn cùng “công chúa” Nguyễn Thanh Phượng, sinh năm 1980, quê Cà Mau. Bà Phượng là con gái ông Nguyễn Tấn Dũng với bà Trần Thanh Kiệm. Ông Dũng giữ chức Thủ tướng chính phủ từ năm 2006 đến 2016.
Ngày 18-11-2015, trong bức thư dài 7 trang gửi Bộ Chính trị, yêu cầu phải điều tra về tài sản, quan hệ sui gia của ông Nguyễn Tấn Dũng trước thềm đại hội 12 của Đảng; ông Phan Diễn, cựu Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư khoá 10 tiết lộ: Nguyễn Bảo Hoàng là con trai của Nguyễn Bá Bang, cựu Thứ trưởng Bộ Kinh tế của chính phủ Việt Nam Cộng Hoà và từng là “Đại tá tình báo Mỹ ở Sài Gòn”.
Tuy nhiên, cuộc tranh giành quyền lực của các phe nhóm trong đảng cộng sản đã dẫn đến thoả hiệp, buộc ông Nguyễn Tấn Dũng viết “Đơn xin không tái cử” và rời khỏi chính trường. Đổi lại, phe nhóm Nguyễn Phú Trọng bảo đảm sự bình an của gia đình ông Dũng và sự thăng tiến của các con ông trong bộ máy cầm quyền. Vụ việc tố cáo nêu trên khép lại, “huề cả làng” với Kết luận số 122-KL/TW, ngày 21-1-2016 của Bộ Chính trị “Về giải quyết thư phản ánh, kiến nghị đối với đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ”.
Ảnh: Kết luận số 122-KL/TW ngày 21/1/2016 của Bộ Chính trị, do ông Lê Hồng Anh ký. Nguồn: Phạm Vũ Hiệp/ Tiếng Dân
Henry Nguyễn được biết với vai trò Tổng giám đốc điều hành của IDG Ventures Vietnam (IDGVV), công ty chuyên đầu tư vào các công ty thuộc lĩnh vực tiêu dùng, công nghệ, truyền thông và viễn thông ở Việt Nam. Henry Nguyễn từng tham gia ban lãnh đạo một số công ty như CTCP VCCorp, CTCP Vật Giá, CTCP Truyền thông trực tuyến VTV, Tập đoàn Công nghệ Vega, VinaPay và CTCP Truyền thông Mặt Trời Vàng. Henry Nguyễn cũng là Giám đốc Nhượng quyền Phát triển của Tập đoàn McDonald’s tại Việt Nam. Hiện nay, Henry Nguyễn là Chủ tịch điều hành Ngân hàng số Timo (Timo Digital Bank).
Nguyễn Thanh Phượng tốt nghiệp cử nhân ngành Tài chính – Ngân hàng, Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội). Sau đó học Thạc sĩ chuyên ngành Quản trị tài chính Đại học Quốc tế tại Geneva (International University in Genava), Thụy Sĩ.
Quyền lực từ ông bố Nguyễn Tấn Dũng, cùng với tiền bạc “nhiều hơn lá rừng” đã giúp Nguyễn Thanh Phượng mua lại Ngân hàng Gia Định năm 2012, đổi tên thành Ngân hàng Bản Việt – Viet Capital Bank. Phượng là thành viên sáng lập của Công ty Quản lý Quỹ Đầu tư chứng khoán Bản Việt (Viet Capital Asset Management – VCAM) và Công ty Chứng khoán Bản Việt (Viet Capital Securities – VCSC). Nguyễn Thanh Phượng hiện là Phó Chủ tịch HĐQT Viet Capital Bank, Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC), Chủ tịch HĐQT CTCP Bất động sản Bản Việt.
Vợ chồng Nguyễn Thanh Phượng – Nguyễn Bảo Hoàng. Nguồn: Phạm Vũ Hiệp/ Tiếng Dân
2. Vũ Chí Hùng
Vũ Chí Hùng sinh năm 1979, quê Thái Bình. Hùng là con trai ông Vũ Chí Kiên, cựu cán bộ Bộ Thương mại và bà Nguyễn Thị Ái Xuân, từng là bác sĩ tại bệnh viện Chợ Rẫy, thành Hồ. Mặc dù có thời gian khá dài du học ở Mỹ từ năm 1997-2003 và ở Anh từ năm 2003-2007, nhưng khi về nước Hùng khởi nghiệp cũng chỉ làm nhân viên của công ty chứng khoán VNDirect.
Năm 2009, Vũ Chí Hùng kết hôn với Nguyễn Thị Xuân Trang, sinh năm 1986, quê Quảng Nam. Trang là con gái ông Nguyễn Xuân Phúc và bà Trần Nguyệt Thu. Ông Phúc lúc đó là Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, sau này làm thủ tướng Chính phủ (từ tháng 4/2016 – d4/2021), chủ tịch nước (từ tháng 4/2021 – 1/2022).
Từ khi kết hôn với Nguyễn Thị Xuân Trang, cuộc đời Hùng bước sang trang mới, hoạn lộ phất lên như diều gặp gió. Anh ta lần lượt nắm giữ: Thành viên HĐQT Công ty CP Dịch vụ Cơ khí Hàng Hải (PTSC M&C), Công ty CP Dịch vụ Khai thác dầu khí (PTSC PPS), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cảng Dịch vụ Dầu khí Tổng hợp Phú Mỹ, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Phó vụ trưởng, rồi Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế – Tổng cục Thuế. Hiện nay, Vũ Chí Hùng giữ chức Phó Bí thư đảng uỷ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.
Với thế lực của bố Nguyễn Xuân Phúc, “công chúa” Nguyễn Xuân Trang tham gia cổ phần kinh doanh trong nhiều lĩnh vực. Trang có 48% cổ phần trong Công ty SNB Distribution, thành lập 2017, kinh doanh những sản phẩm chất lượng trong lĩnh vực chăm sóc mẹ và bé, cùng mảng hàng tiêu dùng của các thương hiệu hàng đầu thế giới ở Việt Nam. Công ty này do Nguyễn Bạch Thuỳ Linh làm giám đốc. Nguyễn Bạch Thuỳ Linh là bị can, bị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố trong đại án Công ty Việt Á, về tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”.
Ngoài ra, Trang cũng có cổ phần trong Công ty Cổ phần Tập đoàn giáo dục Quốc tế Edufit. Ngoài lĩnh vực kinh doanh chính là giáo dục mầm non, Edufit còn kinh doanh bất động sản và bán buôn nước hoa, hàng mỹ phẩm và chế phẩm vệ sinh. Công ty này do Trần Thị Hồng Hạnh (sinh năm 1982) cháu ruột của Trung tướng công an Trần Văn Vệ, điều hành.
Ngày 17-1-2023, tại hội nghị Trung ương bất thường, ông Nguyễn Xuân Phúc bị quy kết phải chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có 2 phó thủ tướng, 3 bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Ngoài ra, vợ con ông Phúc cũng bị cáo buộc “dính rất sâu” trong Vụ án test kit Việt Á.
Một thoả hiệp chính trị từ cung đình cộng sản nhanh chóng được thiết lập, ông Nguyễn Xuân Phúc chấp nhận bị tước bỏ tất cả quyền lực, rời chính trường. Đổi lại, gia đình ông được an toàn. Nhờ đó, ông Phúc tự tin, công khai trên truyền hình, khẳng định: “Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á, chưa bao giờ gặp giám đốc Việt Á. Điều này đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận rõ ràng“.
Bố vợ rớt đài, “phò mã” Vũ Chí Hùng cũng mất luôn cơ hội ngoi lên cái ghế Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế. Một kẻ “vô danh”, không hề được quy hoạch, từ Tổng cục Hải quan nhảy ngang vô giành chức Tổng cục trưởng, đó là Mai Xuân Thành.
Cặp đôi Vũ Chí Hùng – Nguyễn Thị Xuân Trang. Nguồn: Phạm Vũ Hiệp/ Tiếng Dân
3. Hoàng Ngọc Phương
Hoàng Ngọc Phương sinh năm 1984, quê Thái Nguyên. Bố là PGS – TS Hoàng Văn Phụ, Phó trưởng Khoa Quốc tế, Đại học Thái Nguyên. Mẹ là Tiến sĩ Đỗ Thị Ngọc Oanh, giảng viên trường Đại học Nông Lâm, thuộc Đại học Thái Nguyên. Hoàng Ngọc Phương tốt nghiệp Cử nhân khoa Đầu tư, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội. Ra trường, Phương được tuyển dụng vào làm tại một ngân hàng ở Hà Nội.
Năm 2010, Phương có được học bổng du học Thạc sỹ Quản trị kinh doanh ở Dublin, Ireland. Năm 2012, Phương về nước, làm việc cho Standard Chartered Bank một thời gian, sau đó xin vào làm nhân viên nhân sự Phòng Tổ chức Cán bộ và Đào tạo của VietinBank.
Năm 2013, Phương kết hôn với Phạm Lê Bảo Chinh, sinh năm 1985, quê Thanh Hoá. Phạm Lê Bảo Chinh là con gái của ông Phạm Minh Chính và phu nhân Lê Thị Bích Trân. Ông Chính khi đó là Thứ trưởng Bộ Công an, được đưa về làm Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh. Cũng như “công chúa” Vương Hà My con Vương Đình Huê, hay “quận chúa” Tô Hà Linh con gái Tô Lâm, Phạm Lê Bảo Chinh từng du học Anh quốc và là cô nàng khá kín tiếng. Chỉ biết rằng Bảo Chinh hiện là cán bộ trong Văn phòng Chính phủ.
Thế lực nhà vợ đã đưa nhân viên Hoàng Ngọc Phương lên, lần lượt nắm các chức vụ: Thư ký HĐQT Trụ sở chính, Phó Phòng Quản lý hoạt động kinh doanh, Phó Phòng Khách hàng doanh nghiệp lớn, Phó Giám đốc VietinBank TP Hà Nội.
Tháng 2-2016, ông Phạm Minh Chính được vào Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Một tháng sau, Hoàng Ngọc Phương được Chủ tịch HĐQT, Tổng giam đốc VietinBank Nguyễn Văn Thắng đưa lên ghế Giám đốc Vietinbank Sông Nhuệ.
Tháng 5-2022, tròn một năm ngày bố vợ Phạm Minh Chính nhậm chức Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Quản trị VietinBank bổ nhiệm “phò mã” Hoàng Ngọc Phương vào ghế Phó Tổng giám đốc VietinBank.
Ảnh chụp quyết định bổ nhiệm Hoàng Ngọc Phương vào chức Phó TGĐ VietinBank. Nguồn: Phạm Vũ Hiệp/ Tiếng Dân
Ảnh: “Phò mã” Hoàng Ngọc Phương và “công chúa” Phạm Lê Bảo Chinh. Nguồn: Phạm Vũ Hiệp/ Tiếng Dân
Đến đây, có thể thấy rằng công chúa, phò mã ở triều đại nào cũng luôn được bảo bọc, nâng niu và tạo bệ phóng hết mực. Triều đại cộng sản cũng không ngoại lệ, các “phò mã” nghiễm nhiên được trọng vọng, hoạn lộ thênh thang, thăng tiến thần tốc, sống vương giả trong vàng son, nhung lụa…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét