30 tháng 4 2024

Bộ Công an cáo buộc bà Nhàn ‘thông đồng’ với Việt Á phạm tội trong vụ án thứ 4

29/04/2024 - VOA

VOA-05-03
Thông báo truy nã của Bộ Công an Việt Nam đối với Chủ tịch AIC nguyễn thị Thanh Nhàn đề ngày 10/5/2022.

Bộ Công an vừa đề nghị truy tố thêm tội danh đối với Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn, hiện đang bị Việt Nam truy nã, và cáo buộc bà đã thông đồng với lãnh đạo công ty Việt Á trong vụ án liên quan đến đấu thầu mua sắm thiết bị cho 12 phòng thí nghiệm ở TPHCM, theo truyền thông trong nước.

Ghi nhận của VietNamNet và Thanh Niên hôm 27/4 cho biết Cơ quan Cảnh sát Điều tra của Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án vi phạm quy định đấu thầu, đưa nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ khi thi hành công vụ xảy ra tại Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và Trung tâm Công nghệ sinh học (CNSH) TPHCM của nhà nước Việt Nam.

Trong vụ án này, Cục Cảnh sát kinh tế (C03) của Bộ Công an đề nghị truy tố bà Nhàn, người đã bị xét xử vắng mặt trong 2 vụ án trước với mức án tổng cộng lên đến hàng chục năm tù, cùng 13 người khác, trong đó có nhiều lãnh đạo của AIC và các quan chức nhà nước.

Kết luận điều tra được Thanh Niên trích dẫn cho biết Trung tâm CNSH được phê duyệt kế hoạch chọn nhà thầu cung cấp thiết bị dự án trị giá khoảng 424 tỷ đồng vào năm 2014. Bà Nhàn, theo kết luận, đã đề nghị và được Giám đốc Trung tâm CNSH Dương Hoa Xô đồng ý cho AIC tham gia cũng như tạo điều kiện để công ty này trúng thầu.

Vẫn theo kết luận của Công an, cũng được VietNamNet trích dẫn, bà Nhàn đồng ý cho Công ty Cổ phần Việt Á, do ông Phan Quốc Việt là tổng giám đốc, cùng một công ty y dược phẩm khác lập nhóm “quân xanh” tham gia đấu thầu.

Kết luận nói rằng do đã thông đồng với bà Nhàn, ông Xô thuê công ty định giá các thiết bị cần mua ở mức 169 tỷ đồng, trong khi dự kiến ban đầu là 149 tỷ đồng, theo Thanh Niên. Các bị can bị cáo buộc đã thông thầu trong nhiều gói thầu của 3 giai đoạn của dự án. Cơ quan điều tra xác định ông Xô đã làm sai quy định, gây thiệt hại hơn 94 tỷ đồng tại 8 gói thầu và nhận hối lộ 6 lần với tổng số tiền là hơn 14 tỷ đồng từ AIC.

Trong quá trình điều tra, theo Thanh Niên, ông Việt khai rằng ông đưa công ty của ông tham gia vào liên danh với AIC và chỉ đạo cấp dưới tìm cách xây dựng hồ sơ mời thầu theo hướng có lợi cho cả nhóm. Tuy nhiên, ông Việt – người đã bị tuyên 54 năm tù trong hai vụ án trước đây liên quan đến vụ thổi phồng giá kit xét nghiệm của Việt Á – không bị xử hình sự trong vụ án này.

Trong 2 vụ án trước đây được xét xử vào năm ngoái, bà Nhàn, người được cho là một “nhân vật quan trọng” trong việc thúc đẩy và môi giới các hợp đồng mua bán vũ khí giữa Israel và Việt Nam, đã bị kết án tổng cộng 30 năm tù vì những tội vi phạm quy định đấu thầu và đưa hối lộ liên quan đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh. Cũng trong năm 2023, bà Nhàn bị khởi tố về tội vi phạm quy định đấu thầu trong vụ án xảy ra tại Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Vụ án tham nhũng mà bà Nhàn, hiện đang sinh sống ở Đức theo như tiết lộ của báo Taz, bị xét xử ở Quảng Ninh, xảy ra trong thời gian ông Phạm Minh Chính giữ chức Bí thư Tỉnh ủy của tỉnh.

Theo quan sát của VOA tiếng Việt, tới nay, bà Nhàn chưa có tuyên bố công khai nào về các cáo buộc đối với bà. Bộ Công an đưa ra lệnh truy nã quốc tế đối với bà từ ngày 10/5/2022.

Việc đề nghị truy tố thêm tội danh đối với bà Nhàn của bộ Công an, do ông Tô Lâm lãnh đạo, được đưa ra trong bối cảnh cuộc chiến chống tham nhũng tiếp tục mở rộng.

Sau khi Bộ Công an bắt các lãnh đạo bị cáo buộc “vi phạm về quy định đấu thầu” và “đưa nhận hối lộ” tại các tập đoàn xây dựng Phúc Sơn và Thuận An, hai lãnh đạo trong “tứ trụ” của Việt Nam đã phải xin thôi chức giữa nhiệm kỳ.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đều xin thôi chức trong vòng chỉ hơn 1 tháng qua vì cùng “vi phạm những điều Đảng viên không được làm.”

Ông Thưởng bị miễn nhiệm chức vụ sau khi Bộ Công an khởi tố vụ án Phúc Sơn và ông Huệ xin thôi chức sau khi trợ lý của ông, Phạm Thái Hà, bị bắt giữ để điều tra liên quan đến vụ Thuận An.

Ông Nguyễn Xuân Phúc, người tiền nhiệm của ông Thưởng, cũng bị cho thôi chức giữa nhiệm kỳ vì trách nhiệm đối với những sai phạm của cấp dưới vào đầu năm ngoái. Hai phó thủ tướng, Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam, trước đó cũng bị buộc phải từ nhiệm vì trách nhiệm liên quan đến các đại án tham nhũng xảy ra trong thời gian đại dịch.

Chiến dịch chống tham nhũng, do Tổng bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng phát động, đã đưa nhiều quan chức, gồm cả Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng, vào tù nhưng cũng bị giới quan sát và báo chí nước ngoài cho là cuộc đấu đá giành quyền lực trong nội bộ Đảng.

Vụ ông Vương Đình Huệ từ chức dưới góc nhìn quốc tế

28 tháng 4 2024 - BBC


Chiến dịch "đốt lò" đã khiến 5 ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 "thôi chức"

Vụ việc Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ “thôi chức” một lần nữa cho thấy những xáo trộn ở thượng tầng Việt Nam. Nhiều chuyên gia và báo chí quốc tế đã lại đặt lên câu hỏi về tính ổn định chính trị.

“Bất ổn chính trị” lại một lần nữa là cụm từ được nhiều tờ báo quốc tế sử dụng khi nói về Việt Nam. Chiến dịch chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng bị đặt dấu hỏi.

Nhìn vào tình hình chính trị Việt Nam hiện tại, Giáo sư Carl Thayer, nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam và bang giao quốc tế, nhận định với BBC rằng “các nhà đầu tư nước ngoài sẽ thấy lo lắng mỗi ngày”.

Tờ New York Time có đánh giá tương tự, cho rằng việc ông Huệ thôi chức sẽ gây ra lo lắng cho các nhà đầu tư nước ngoài vừa tới Việt Nam vài năm gần đây.

Trong khi đó, Bloomberg cho rằng những biến chuyển này “không ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế của Việt Nam hay thay đổi các chính sách của chính phủ”.

Ông Vương Đình Huệ xin thôi chức vào ngày 26/4, vài ngày sau khi trợ lý của ông là ông Phạm Thái Hà bị bắt và chỉ hơn một tháng sau khi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bị miễn nhiệm.

Trong thông báo của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về trường hợp Vương Đình Huệ, những cụm từ quen thuộc lại xuất hiện, như “chịu trách nhiệm người đứng đầu” và “vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm”.

‘Xáo trộn chính trị chưa từng có’

Tính từ tháng 12/2022, đã có hai chủ tịch nước, hai phó thủ tướng, một trưởng ban Kinh tế Trung ương và bây giờ là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thôi chức.

Tức là đã có sáu lãnh đạo cấp cao, trong đó có 5 ủy viên Bộ Chính trị, thôi chức trong vòng 17 tháng.

Đánh giá về việc này với BBC News Tiếng Việt, Giáo sư Zachary Abuza từ trường National War College, Đại học National Defense (Mỹ), nhận định rằng Việt Nam đang ở trong “một thời kỳ xáo trộn chính trị chưa từng có”.

"Trong 30 năm theo dõi chính trị Việt Nam, tôi chưa từng thấy thời kỳ nào mà đấu đá nội bộ lại mạnh và quy mô rộng khắp như thế này. Tôi chưa từng thấy nhiều người bị xử lý đến như vậy," Giáo sư Abuza nói.

Hôm 26/4, sau khi có tin ông Huệ từ chức, AP News đã có bài viết về sự kiện này.

Trong bài viết, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu viên khách mời thuộc Viện ISEAS (Singapore), nhận định việc ông Huệ từ chức “cho thấy rõ sự bất ổn cực độ trong một môi trường chính trị thường tự hào về sự ổn định”.

Ông Giang cho rằng sự ra đi của ông Huệ sẽ “khiến cuộc khủng hoảng kế nhiệm ở Việt Nam càng trở nên trầm trọng”.

Tương tự, tờ New York Times viết rằng việc ông Huệ từ chức “rất có thể sẽ gây thêm nhiều lo lắng cho quan chức ở Việt Nam về một cuộc đấu đá quyền lực ngày càng gay gắt trước cuộc chuyển giao lãnh đạo sắp tới vào năm 2026”.

Tháng 1/2026, Đại hội Đảng lần thứ 14 sẽ diễn ra. Hiện nay, công tác nhân sự cho khóa tới đang được triển khai.

“Vẫn còn nhiều thời gian cho cạnh tranh và đấu đá nội bộ. Và mọi việc đang ngày một trở nên tồi tệ,” Giáo sư Abuza nói khi nhắc tới thời điểm diễn ra Đại hội Đảng 14.

Công cuộc xây dựng Đảng ‘thất bại’


Ông Vương Đình Huệ từng là ứng cử viên sáng giá cho vị trí chủ tịch nước sau khi ông Võ Văn Thưởng từ chức

Theo Reuters, các nhà ngoại giao, quan chức và giới quan sát cho rằng những cuộc cải tổ nhân sự mạnh mẽ tại Việt Nam hiện nay nằm trong nỗ lực chuẩn bị người kế nhiệm cho “vị lãnh đạo già nua” Nguyễn Phú Trọng.

Đánh giá tình hình hiện tại, Giáo sư Carl Thayer cho rằng công cuộc xây dựng đảng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “đã thất bại”.

“Rõ ràng là ông Trọng không thể chọn được người kế nhiệm khi các bè phái đấu đá. Ông Huệ đáng lẽ ra đã có thể giữ chức vì phe của ông ấy sẽ bảo vệ ông Trọng,” ông nói.

Một số nhà quan sát chính trị từng đánh giá với BBC rằng ông Thưởng và ông Huệ là hai ứng cử viên sáng giá kế nhiệm vị trí tổng bí thư.

Theo Giáo sư Thayer, ông Trọng hiện không còn nhiều sức ảnh hưởng và sẽ nghỉ hưu vào cuối nhiệm kỳ.

Ngày 23/3, ngay sau khi ông Thưởng bị miễn nhiệm, BBC đã có cuộc trò chuyện với giáo sư Carl Thayer.

Khi đó, ông nhận định rằng việc ông Thưởng bị miễn nhiệm một lần nữa cho thấy sự không hiệu quả của công tác xây dựng đảng qua ba nhiệm kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

"Sẽ rất khó giải thích việc số lượng ủy viên Bộ Chính trị giảm từ 18 xuống còn 14 trong vòng hai năm. Bởi vậy, người lãnh đạo cấp cao nhất sẽ phải chịu một phần trách nhiệm về việc này," ông nói.

Giờ đây, với sự ra đi của ông Huệ, số lượng ủy viên Bộ Chính trị chỉ còn 13 người.

Nhiều người có thể bất ngờ với sự ra đi của ông Vương Đình Huệ.

Hồi tháng 10/2023, ông Vương Đình Huệ từng đạt mức phiếu “tín nhiệm cao” thứ nhì trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn.

Cụ thể, ông Huệ nhận được 437 phiếu “tín nhiệm cao” (gần 90,04%), cao hơn nhiều so với 373 phiếu (khoảng 77%) của Thủ tướng Phạm Minh Chính và 329 phiếu (khoảng 68%) của Bộ trưởng Công an Tô Lâm.

Số phiếu “tín nhiệm cao” của ông Huệ chỉ đứng sau Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang (93,14%).

‘Công an đang dần nắm quyền’


HOANG DINH NAM/AFP via Getty Images
Ảnh chụp năm 2016 khi ông Tô Lâm (áo trắng) mới được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị

Theo Quy định 214-QĐ/TW năm 2020 của Bộ Chính trị, Đại tướng Tô Lâm là một trong số rất ít thành viên Bộ Chính trị đủ tiêu chuẩn để nắm giữ một chức vụ trong “Tứ Trụ”.

Đánh giá về ông Tô Lâm, Giáo sư Abuza cho rằng vị bộ trưởng Công an này đang “lợi dụng chiến dịch chống tham nhũng và biến nó thành vũ khí để lần lượt hạ bệ các đối thủ của mình”.

“Đối với ông Lâm, cách phòng thủ tốt nhất chính là tấn công và rõ ràng là ông ấy đã tham gia vào chiến dịch ‘đốt lò’ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

“Ông ta đã hạ gục hết nhà lãnh đạo này tới nhà lãnh đạo khác, hết doanh nhân này nối tiếp doanh nhân khác. Ông ta thực sự đang ở một vị trí bất khả xâm phạm,” Giáo sư Abuza nói với BBC.

Về vấn đề này, ông David Hutt nhà nghiên cứu từ Viện Trung Âu về Nghiên cứu châu Á (CEIAS) nhận định với BBC vào hôm 26/4 như sau:

"Công an đang dần nắm quyền. Đây không phải là một điều tốt đẹp cho người dân Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp và sự kiềm chế lẫn nhau trong nội bộ Đảng Cộng sản.

“Quan ngại của tôi là về những gì sẽ diễn ra sau Đại hội Đảng năm 2026 nếu các cuộc thanh trừng vẫn còn tiếp diễn. Chính những người có thể leo lên đỉnh cao quyền lực như ông Tô Lâm lại tự thân chẳng hề trong sạch.”

Theo Tổ chức ổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International), chỉ số nhận thức tham nhũng của Việt Nam năm 2023 là 41/100 – xếp hạng 83/180 quốc gia.

‘Đốt lò’ là nỗ lực vô vọng

Chiến dịch “đốt lò” là chương trình hành động trọng tâm của ông Nguyễn Phú Trọng.

Tuy nhiên, với cơ chế độc đảng, với việc Đảng Cộng sản Việt Nam không chịu sự giám sát, không có trách nhiệm giải trình, với một quy trình tuyển chọn nhân sự thiếu minh bạch và chỉ tập trung trong nội bộ đảng, nhiều chuyên gia cho rằng chiến dịch “đốt lò” hay những lời kêu gọi kiểu quan chức tham nhũng “phải biết xấu hổ” của ông Trọng là vô vọng. Tức là, những vụ bắt giữ, những chiến dịch hạ bệ, những lời đe dọa, những lời kêu gọi không thể giúp khắc phục được lỗi mang tính hệ thống, lỗi về thiết kế hệ thống được.

Nhận định về tương lai của chiến dịch chống tham nhũng, ông David Hutt đặt vấn đề:

“Liệu chiến dịch ‘đốt lò’ có khiến Đảng Cộng sản sụp đổ? Liệu ném chuột có làm chiếc bình bị vỡ? Hay liệu rằng chiến dịch chống tham nhũng này sẽ chững lại và khiến nhiều quan chức tham nhũng thoát tội?”

Giáo sư Thayer cho rằng sẽ có hai phe hình thành, một phe của ông Tô Lâm ủng hộ chiến dịch “đốt lò” và một phe muốn chiến dịch này giảm bớt quy mô và sự quyết liệt.

Cũng theo ông Thayer, mục tiêu của chiến dịch “đốt lò” không còn chỉ là loại bỏ nạn tham nhũng mà còn là để tìm ra người ngồi vào chiếc ghế tổng bí thư.

“Hiện tại, những ủy viên Bộ Chính trị chỉ cần có ý nghĩ muốn trở thành tổng bí thư sẽ bị đưa vào tầm ngắm và xem xét đánh giá tiêu chuẩn. [Khi đó], việc điều tra sẽ không bị giới hạn bởi bất kỳ quy chế nào,” ông nói.

‘Bộ máy quan liêu trì trệ’

Những diễn biến trên chính trường Việt Nam có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài lo lắng.

“Chúng ta đã thấy trong quá khứ, mỗi khi Đại hội Đảng đến gần, bộ máy quan liêu càng trở nên cứng nhắc và bảo thủ.

“Đây không phải điều mà các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn. Đấy cũng không phải thời điểm mà họ sẵn sàng đầu tư. Họ muốn các quy trình vận hành suôn sẻ để họ đầu tư và triển khai dự án một cách nhanh chóng. Do đó, Việt Nam đang tự đặt mình vào một thế khó,” Giáo sư Carl Thayer đánh giá.

Về sự ra đi của ông Huệ, bài viết trên Nikkei Asia nhắc tới những lo lắng mới về tính ổn định chính trị của Việt Nam – quốc gia phụ thuộc lớn vào vốn đầu tư nước ngoài và thương mại.

Bài viết nhắc tới việc ông Huệ là tiến sĩ kinh tế, từng làm phó thủ tướng và trưởng ban kinh tế trung ương.

Viết về môi trường đầu tư của Việt Nam sau khi ông Huệ thôi chức, các báo nước ngoài thường nhắc lại vụ án Vạn Thịnh Phát và bà Trương Mỹ Lan.

Trong khi vụ việc của ông Huệ, và trước đó là ông Thưởng, cho thấy sự bất ổn ở cấp cao nhất, thì vụ án Vạn Thịnh Phát cho thấy sự vô năng của cơ quan quản lý nhà nước khi để sai phạm xảy ra trong một thời gian dài. Các vụ việc này có tác động rất lớn vào chính trường, vào nền kinh tế, vào bộ máy hành chính, khiến các nhà đầu tư lo ngại.

Quay trở lại thời điểm ông Thưởng thôi chức chủ tịch nước, đã có nhiều bài báo đề cập tới “sự trì trệ của bộ máy quan liêu” ở Việt Nam.

Khi đó, Reuter đã dẫn lời các chuyên gia cho rằng việc ông Thưởng thôi chức chỉ sau hơn một năm cho thấy chuyển biến khó lường của chính trị Việt Nam, có thể làm giảm uy tín Đảng Cộng sản và khiến bộ máy quan liêu cồng kềnh ngày càng trở nên trì trệ.

Reuters dẫn lời ông Florian Feyerabend, trưởng đại diện tại Việt Nam của Viện KAS (Konrad-Adenauer-Stiftung), nhận định rằng diễn biến gần đây trên chính trường Việt Nam đặt ra câu hỏi về "tính có thể lường trước được, về độ tin cậy và hoạt động nội bộ của hệ thống", những yếu tố quan trọng đối với các quyết định đầu tư.

Ngày 26/3, chưa tới một tuần sau khi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng từ chức, Bộ trưởng Ngoại Giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã phải trấn an Mỹ về “ổn định chính trị”.

Sau một tháng, Việt Nam lại mất thêm một “trụ” nữa trong “Tứ Trụ”.

“Những con lợn bình đẳng hơn”

2024.04.30 - RFA


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chụp hình tại Quốc hội ở Hà Nội hôm 13/12/2023. AP

Tin đâu như sét đánh ngang
Bác Huệ đương chức chuyển sang về vườn

Quý vị thế nào cũng có người hỏi bác Huệ ấy là bác nào?

Còn bác nào nữa ngoài cái bác mà từ quán chè chén đến hàng xôi người ta cứ kể vanh vách ra trước khi có thông báo của Ban chấp hành Trung ương Đảng đến cả tuần trời ấy.

Trên báo chí Nhà nước, vỏn vẹn chỉ có mấy dòng thông báo cho biết Ban chấp hành Trung ương Đảng đã đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Quốc hội. Quyết định này được đưa ra trên nguyện vọng của ông Huệ.

Kỳ thật, hai năm nay chẳng hiểu phong thủy nước Nam ta bất ổn thế nào mà trước sau liên tiếp đến năm vị lãnh đạo cao cấp nhất của Nhà nước có nguyện vọng trả chức về vườn. Mà kỳ bí hơn cả là trước đó các vị chẳng hề có dấu hiệu băn khoăn nào về hoạn lộ, không có biểu hiện mệt mỏi hay chán chường gì với cái gánh nặng chức vụ. Nhưng cứ đánh uỳnh một phát một đêm ngủ dậy toàn dân bỗng thấy các đồng chí được cho thôi giữ tất cả các chức theo nguyện vọng vậy thôi.

Tuy thế, nói thì nói, dân Việt Nam vốn là dân tộc giỏi giang chữ nghĩa nên từ trong câu chữ ngắn gọn của các bản thông báo, người ta nhận ngay ra sự bất thường.

Hoa Huệ đã rụng như thế nào?

Ông Vương Đình Huệ có nguyện vọng trả chức thật không?

Bản tin trên các báo trích dẫn thông báo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng viết:

-Theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, ông (Huệ) đã vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Những vi phạm, khuyết điểm của ông Vương Đình Huệ đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân ông.

À thôi hiểu rồi, hóa ra có phốt. Mà phốt nặng nha, gây ảnh hưởng đến cả uy tín của Đảng và Nhà nước cơ mà. Uy tín của cá nhân lãnh đạo thì có thể châm chước; ai cũng là con người, có ái ố sân si cả. Nhưng Đảng và Nhà nước thì phải tuyệt đối trong sạch vững mạnh. Nên đụng tới Đảng và Nhà nước tức đã đụng tới bàn thờ rồi, không thể tha thứ.

Nhưng nếu đã vi phạm nặng đến mức ấy thì quý vị có tin là ông Huệ thật sự tự nguyện trả chức về vườn không? Hay, sự thật chính là điều ai cũng tự hiểu: chẳng có tự nguyện gì ở đây cả. Là bị ép phải về.

Nhưng đây lại chính là điều khiến người ta ấm ức.

Trung ương kết luận ông Huệ vi phạm những điều Đảng viên không được làm, nhưng lại không nói rõ vi phạm điều gì, mức độ ra sao. Thành thử tôi phải tự tìm. Nhưng càng tìm càng hoang mang.

Quy định có 19 điều Đảng viên không được làm.

Vậy ông Huệ đã nói, viết, làm trái hay không thực hiện Cương lĩnh chính trị của Đảng (điều 1)? Phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh (điểu 3)? Sáng tác, sản xuất, tàng trữ, tán phát các công trình văn hóa nghệ thuật không lành mạnh, trái thuần phong mỹ tục Việt Nam (điều 5)? Biểu tình, tụ tập đông người gây mất trật tự an ninh (điều 7)? Tổ chức, xúi giục các hoạt động bè phái gây mất đoàn kết nội bộ (điều 8)? Kê khai tài sản không trung thực, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, sử dụng văn bằng chứng chỉ giả (điều 9)? Chạy chức, chạy quyền (điều 12)? Tham ô, đưa, nhận, môi giới hối lộ, rửa tiền (điều 14)? Tham gia đánh bạc, sử dụng ma túy, sử dụng rượu bia không đúng quy định hoặc đến mức bê tha (điều 18)? Mê tín, tham gia các tôn giáo bất hợp pháp (điều 19)?...

Ông Huệ đã có hành vi nào trong số những hành vi kể trên?

Các bác Trung ương sơ hở lắm! Nếu các bác không nêu cụ thể thì bọn phản động nó tha hồ thêu dệt, nào là trồng bầu ở nhà ca sĩ nọ được hai trái, nào nuôi được anh trợ lý nhận tiền (từ doanh nghiệp) giùm… Mà chẳng ai phản bác (để bảo vệ lãnh đạo) được, vì các bác có thèm cho biết cái gì để làm cơ sở phản bác đâu!

Chả lẽ vi phạm điều “Tuyệt đối trung thành với tổ quốc, với nhân dân…”?

Trung ương Đảng lại cũng thông báo ông Huệ đã vi phạm quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên và trách nhiệm người đứng đầu.

Ông Huệ được thông báo đã vi phạm trách nhiệm nêu gương của Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương. Quy định này được Ban Chấp hành trung ương Đảng ban hành ngày 15/10/2018, gồm bốn điều với tất cả 16 khoản nêu rõ những hành vi, tư tưởng, việc làm được xem là thuộc trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, trước hết là các chức vụ chủ chốt đã nêu ở trên.

Thế thì tương tự, ông Huệ có thể đã vi phạm hành vi nào trong số những hành vi dưới đây?

-Tuyệt đối trung thành với tổ quốc, với nhân dân, với Đảng Cộng sản Việt Nam (khoản 1 điều 2).

-Độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa dân, thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân (khoản 2 điều 3).

-Tham nhũng, hối lộ dưới mọi hình thức, tặng quà, nhận quà vì vụ lợi (khoản 5 điều 3).

Vân vân…

Bây giờ là thời đại thông tin. Bất cứ ai cũng có thể tìm kiếm các quy định nói trên trên mạng internet và tự đối chiếu nó với nội dung thông báo của Trung ương Đảng và suy luận giống như tôi vừa thử đặt vấn đề. Nếu suy luận thế là oan cho ông Huệ thì trách Trung ương ấy, ai bảo không nói rõ?

Cái máy photo của Trung ương thật tốt

Vào năm 2022, xảy ra trường hợp thật hiếm có là hai Phó Thủ tướng cùng lúc được thông báo “xin thôi giữ các chức vụ lãnh đạo, nghỉ công tác, nghỉ hưu theo quy định”, là Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Cũng đột ngột, bất ngờ, không hề có dấu hiệu nào báo trước từ chính chủ.

Thậm chí thông cáo báo chí về trường hợp của hai ông cũng gần giống hệt thông báo của Trung ương Đảng về sự việc ông Vương Đình Huệ, là xin thôi chức “theo nguyện vọng cá nhân”.

Vâng, lại là “nguyện vọng cá nhân”.

Đến tháng 1/2023, lại đùng một cái như tiếng sét giữa trời quang, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc “thôi giữ các chức vụ Chủ tịch nước, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng quốc phòng-an ninh”.

Lý do lại vẫn là “theo nguyện vọng cá nhân”.

Thế nhưng lần này “nguyện vọng cá nhân” của ông Phúc lại có những chi tiết liên quan đến những người khác.

Thông báo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về trường hợp ông Nguyễn Xuân Phúc nêu rất cụ thể:

(…) Ông (Nguyễn Xuân Phúc) chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có 2 phó thủ tướng, 3 bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng; 2 phó thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ, 2 bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự”.

Ra thế!

Té ra là hai Phó Thủ tướng đã có những vi phạm, khuyết điểm gây hậu quả rất nghiêm trọng. Chứ không phải vì tự dưng cảm thấy yêu cuộc sống điền viên, nuôi thêm cá và trồng thêm rau hấp dẫn hơn cuộc sống làm Phó thủ tướng.

Tức là, cái lý do “theo nguyện vọng cá nhân” được nêu ra để giải thích cho việc hai vị Phó thủ tướng bỗng dưng từ chức-chỉ là lý do cuội. Bề ngoài có vẻ như để giữ gìn danh dự uy tín cho hai vị, nhưng bên trong thì là thao tác vụng về một cách cố ý để khơi lên bao tò mò, thắc mắc…

Chỉ hơn một năm sau, đến tháng 3/2024, người kế nhiệm của nguyên chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp tục lặp lại nguyên văn bản thông báo thôi chức truyền thống của Trung ương Đảng, không sai một chữ cả về “theo nguyện vọng cá nhân” lẫn “gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân đồng chí”.

(Đến đây phải dừng lại để khen cái máy photo của Trung ương thật là tốt, qua hết năm vị lãnh đạo to mà nó sao y bản chánh không sai một chữ nào).

Vậy là vỏn vẹn trong vòng hơn một năm, đã có hai chủ tịch nước, một chủ tịch quốc hội “tự nguyện thôi giữ các chức vụ” vì… có vi phạm nghiêm trọng.

Thôi vòng vo mỏi mồm quá, túm lại cho gọn là trong tứ trụ, trước sau đã có đến ba cái trụ lần lượt gãy lìa tức tưởi vì thiếu chức trách gây hậu quả rất nghiêm trọng. Chưa kể còn hai phó trụ cũng gãy ngang vì lý do y chang.

Nhưng, tại sao gây hậu quả nghiêm trọng đến thế mà tất cả bọn họ đều được hạ cánh an toàn?


Tứ trụ của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Quốc hội hôm 20/7/2021: (từ trái qua phải) Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thủ tướng Phạm Minh Chính. AFP

“Bình đẳng và bình đẳng hơn”

Cứ cho là sứt mẻ danh dự uy tín đi, nhưng trên dư luận công khai họ đều là chủ động từ chức chứ không bị kỷ luật cách chức. Xem như trọn vẹn khí tiết người đảng viên cộng sản.

Trong khi đó, vô số cấp dưới của họ lần lượt vào lò, thân tù tội, tài sản bị tịch thu, hoàn toàn thân bại danh liệt.

Hành xử của Ban chấp hành Trung ương Đảng trong năm vụ việc cụ thể liên quan đến năm cá nhân lãnh đạo cao cấp trên, nói theo phong cách Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thì vừa trái pháp luật, vừa thiếu tình người.

Trái pháp luật là vì đã xác định rõ hành vi vi phạm, xác định sự thiếu nêu gương gây thiệt hại nặng nề cho đất nước… nhưng người liên quan lại không bị truy tố, làm rõ từng vụ việc, soi xét từng hành vi bị cáo buộc là vi phạm. Họ sai phạm cụ thể ra sao, gây thiệt hại bao nhiêu tiền? Tại sao họ được an toàn về vườn-dù khá nhục nhã nhưng không bị mất đồng nào? Phần tài sản của Nhà nước đã bị thiệt hại do các vi phạm của họ sẽ tính vào cho ai, cho lĩnh vực nào? Nhà nước có được đền bù không hay mất trắng? Tại sao các lãnh đạo cao cấp lại được công nhiên đứng trên pháp luật?

Sự bưng bít nói trên rõ ràng là tắm nhưng không gội đầu, xát xà bông chỉ từ cổ trở xuống, công nhiên xác định vùng cấm.

Còn thiếu tình người vì, trong một xã hội luôn tự xưng là thượng tôn pháp luật, bất cứ việc gì, do cá nhân nào gây ra đều phải được cân nhắc và phán quyết hình phạt dựa trên pháp luật, bằng cách xét xử công khai. Đương sự được quyền thuê luật sư bảo vệ. Trên cơ sở tranh luận công khai tại phiên tòa, công và tội của các cá nhân bị cáo buộc vi phạm sẽ được làm rõ. Nguyên nhân, động cơ, bối cảnh, hậu quả, hệ quả, những dây dưa liên quan… cũng được làm rõ. Có như vậy mới hy vọng đạt được sự công bằng tối thiểu cho đương sự, cũng như vạch ra được bức màn đen phía sau những diễn biến sân khấu, phát hiện các nguyên nhân sâu xa để kịp thời ngăn chặn và dự phòng.

Đằng này không điều tra, không khởi tố, không làm rõ, không công khai các vi phạm, khuyết điểm (đã bị đánh giá là cực kỳ nghiêm trọng) mà u u minh minh, nửa nói nửa không, che đậy còn kích thích tò mò hơn phô bày, vừa giống như kéo bức màn the che bãi nôn ô uế, vừa bóp chết mọi khả năng bào chữa, thanh minh, giải thích, cứu vớt danh dự của đương sự. Họ có thể chỉ có lỗi/tội một phần, phần còn lại là của những người khác, có những nguyên nhân khác… nhưng không bao giờ họ còn có cơ hội để nói lên điều đó hay đòi hỏi sự công bằng đáng lẽ phải có.

Cho nên mới nhìn thì tưởng được bao biện, che đậy, bưng bít giùm. Nhưng kỳ thực bên trong lại là một sát chiêu đầy oán độc, vĩnh viễn đóng đinh các đương sự vào vị thế thật hèn hạ, có miệng mà không thể ra lời.

“Mọi con vật đều bình đẳng, nhưng một số con vật bình đẳng hơn các con khác” (Trại súc vật-George Orwell). Trong trại súc vật của Orwell, có đủ bò dê lợn cừu, nhưng những con lợn đã giành được vị trí lãnh tụ.

Nhưng xem ra, sự “bình đẳng hơn” này giống như kẻ hầu hạ bị căn bệnh trào ngược, cổ họng ợ đầy nước chua nóng rát nhưng vẫn phải nhoẻn cười và gập người nói “Cảm ơn các đồng chí”.

_____________

Tham khảo:

https://tuoitre.vn/ly-do-mien-nhiem-pho-thu-tuong-pham-binh-minh-vu-duc-dam-2023010916265009.htm

https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/quy-dinh-so-08-qditw-ngay-25102018-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-ve-trach-nhiem-neu-guong-cua-can-bo-dang-vien-truoc-het-la-4811

https://stc.bacgiang.gov.vn/documents/21419/11799035/1635494264986_37-QD_TW.pdf/96319acc-12b0-49b9-9e3c-2cc57614eb5a

https://tuoitre.vn/trung-uong-dang-dong-y-de-ong-vuong-dinh-hue-thoi-giu-cac-chuc-vu-2024042613221248.htm

* Nguyễn Nhơn là nhà báo Việt Nam hiện đang sống ở Thái Lan. Nhà báo Nguyễn Nhơn quan tâm đến tình hình đất nước và viết nhiều bài về các vấn đề chính trị và xã hội trong nước.

Bốn mươi chín năm, nhìn lại...

Thứ Ba, 04/30/2024 - 10:27 — VietTuSaiGon

Tuổi trẻ của tôi đi qua một mùa lúa không thể nào quên, mùa lúa đen đúa và hôi hám, năm ấy lụt toàn miền, các hợp tác xã chính thức bỏ đồng, người nông dân đua chen nhau gặt mót những bông lúa thối, đương nhiên, nó sẽ được phơi khô, sấy, giã lấy gạo để nấu cháo. Và đương nhiên, tôi không thể nào quên mùi cháo đó, nó còn đáng sợ hơn rất nhiều so với mùi cơm độn khoai mì khô xắt lát hay hạt kê. Nhưng đó là bữa cháo may mắn toàn gạo thời kinh tế tập trung bao cấp, cái thời mà cả nước rồng rắn nối đuôi, bà lương thực như bà chúa, ông thuế vụ tợ ông vua.

Thế rồi cái thời khốn nạn và kinh hoàng ấy cũng đi qua, thay vào đó là thời kinh tế thị trường, mở cửa nhưng phải theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc thống soái, điều hành đất nước và lãnh đạo tiên phong của đảng Cộng sản.

Năm 1986, năm mở cửa kinh tế bắt đầu, cũng là năm bắt đầu mùa bội thu của những kẻ biết cơ hội và cán bộ Cộng sản.

Khi kinh tế mở cửa, có nhiều thứ được nới lỏng, trong đó cơ hội làm giàu của người thuộc chế độ cũ cũng được mở ra. Tuy nhiên, nó chỉ mở rộng và dễ chịu với những kẻ biết cơ hội, những kẻ trước 30 tháng 4 còn là cán bộ miền Nam, sau 30 tháng 4 bỗng chốc đội nón cối, mang túi xách theo đoàn đi lùng sục nhà từng người để tịch biên tài sản.

Cú đánh vào tư sản sau 30 tháng 4 khiến cho gia đình ông bác họ của tôi lụn bại đúng nghĩa, cả nhà bị tịch biên mọi thứ, ông là người liều lĩnh và thông minh, trước đó đã cho một ít vàng vào nồi canh khi nghe đoàn công tác tới. Đoàn tới ngay bữa cơm trưa, vậy là đoàn tha hồ khám xét và kê biên, cả nhà chỉ còn biết ngồi như tượng đất, và chẳng ai dám múc canh vì sợ tiếng leng keng.

Thế rồi người cán bộ - cũng là đồng nghiệp cũ của ông, người thuộc cấp của ông và bây giờ đã theo cơ hội mới - liếc thấy gia đình không ai dám múc canh cả, ông ta hoài nghi, lấy cái vá khuấy vào nồi canh, tiếng leng keng khiến ông ta cười đắc chí, còn ông thì ngã ngửa vì đau đớn, gia đình thì mất mọi thứ và mất cả nồi canh hến, thứ rất quí hiếm sau ngày 30 tháng 4.

Sau đó gia đình ông bác tôi trở nên bần hàn đúng nghĩa, kéo nhau về quê, lam lũ, vất vả với đám ruộng tập thể, đất đai ở quê cũng bị tịch biên sung công cả, tự mình đi làm công điểm trên đám ruộng của mình. Đương nhiên, gia đình ông bị xếp vào diện tư sản và phong kiến, bị đẩy vào những chỗ dơ dáy, rác rưởi và đầy phân heo, phân bò để đứng cấy, đứng cào cỏ.

Người anh cả trong gia đình cũng không được thi vào đại học vì lý lịch đen, may sao đến thời tôi thì nhà nước đã bỏ thứ qui định quái quỉ ấy nên các anh họ khác cùng lứa với tôi vào đại học. (Thực tâm mà nói, tôi cho rằng nhà nước bỏ thứ qui định đó là còn biết khôn, chứ nếu cứ giữ, chả có mấy đứa đi học đại học, trường đại học cũng không còn bao cấp như xưa, có mà phá sản à. Đó là chưa muốn nói đến lượng chất xám bị vứt đi một cách ngu xuẩn!).

Thời gian trôi qua, khốn cùng trôi qua, thế rồi gia đình ông bác tôi cũng gượng dậy dưới thời kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Lúc này, những đứa cơ hội bắt đầu toa rập, áp phe với cán bộ địa phương, rồi leo dần lên những nấc thang cao hơn để qua lại, áp phe làm ăn. Những đại gia mọc ra như nấm sau đêm mưa, sau một trận mưa thị trường nhà đất thì người ta đếm đại gia không xuể, toàn tiền tỉ này tỉ nọ, thậm chí trăm tỉ, ngàn tỉ...

Tất cả các đại gia trên đều không có khả năng sản xuất nổi một con ốc hay gói mì tôm theo dây chuyền đúng nghĩa, tất cả các đại gia trên đều trở thành ăn mày nếu như đất có sự cố thị trường, nếu như cái dù che họ bị bật gốc, hay nói khác đi là nếu như kẻ chống lưng quyền lực bị rớt, mọi thứ coi như xong.

Cho đến lúc này, hàng loạt các đại gia bị tó, kèm theo việc này là hàng loạt quan chức cấp cao, cao khủng khiếp cũng bị tó, nếu không bị tó thì bị xua về vườn một cách nhục nhã. Mọi thứ đã nói lên vấn đề, chắc không nên bàn thêm.

Nghe con số vài ngàn tỉ, thậm chí vài triệu tỉ đồng cứ như giấy lộn, lá mít, những con số đầy nhức nhối ấy mọc ra giữa một mặt bằng dân sinh hết sức lổm chổm, có nhiều người vì nợ vài chục triệu đồng (khoản tiền tương đương một miếng bò dát vàng ăn lót bụng của giới quan chức) mà phải bỏ nhà đi biệt xứ.

Có nhiều người cả đời loay hoay với căn nhà vá chằng vá đụp, chẳng biết bao giờ có được bữa cơm, và miếng ăn ngon, bữa no vẫn là nỗi ám ảnh khôn nguôi.

Mà đâu riêng gì những người thiếu ăn, thiếu mặc mới bị ám ảnh về miếng ăn. Ngay cả những kẻ giàu nứt đố đổ vách hay những người thuộc hạng trung lưu, tiền bạc rủng rẻng vẫn cứ bị ám ảnh về miếng ăn. Văn hóa về miếng ăn như một tập khí dân tộc, mọi thứ hoạt động văn hóa, mọi thứ sinh hoạt đều qui về miếng ăn cho đến lúc này.

Thử nghĩ có quốc gia nào giống quốc gia của chúng ta, một quốc gia có quá nhiều kỉ lục về miếng ăn, từ chiếc bánh chưng nặng hàng tấn cho đến bát hủ tiếu nặng cả tấn, rồi dĩa bê thui cho cả ngàn người ăn, tô mì Quảng cũng cho cả ngàn người ăn, một cái bánh xèo cho cả ngàn người ăn, và gần đây nhất là cây chả mực nặng hơn hai trăm ký, dùng hơn bốn ngàn lít dầu để chiên... Tất cả đều có chung một nghi thức: Dâng lên tổ tiên! Lẽ nào tổ tiên của chúng ta phàm ăn tục uống đến vậy?!

Tôi nghĩ là không, chính nỗi ray rứt, cơn ám thị về cái đói, miềng ăn của một dân tộc đã tạo ra những thứ kỉ lục quái thai và bế tắc trên. Khi nhìn những thứ kỉ lục của Việt Nam, người ta chỉ còn biết lắc đầu ngán ngẫm, nhẹ thì cho rằng cụt ý tưởng, nặng hơn thì cho rằng đó là biểu hiện của sự dốt nát, chưa thoát khỏi miếng ăn. Nhưng, sâu xa hơn nữa, nó cho thấy căn tính của dân tộc, một căn tính rỗng nhưng ưa vĩ đại.

Thứ căn tính rỗng nhưng ưa vĩ đại này hiện rõ trong hành xử thô lỗ và kệch cỡm của giới quan chức, cho đến lúc này, có quá nhiều nhân vật để ví dụ chứ chẳng còn tính chất đại diện hay điển hình nữa rồi!

Sau bốn mươi chín năm, đất nước có phát triển về kinh tế, đất nước được thống nhất hai miền Nam - Bắc, người miền Nam có thể thăm Hà Nội, thăm các tỉnh thành phía Bắc và người miền Bắc có thể thăm Sài Gòn, thăm Huế, thăm Đà Nẵng và thăm mọi nơi trên đất nước này. Đó là một sự thành công về địa lý.

Nhưng, có một thứ địa lý khác đã ăn chết trong tâm hồn người Việt, hễ cứ người miền Nam, cụ thể là Nam vĩ tuyến 17 đều không ưa người miền Bắc, ngược lại, người miền Bắc cũng coi thường người miền Nam vì họ cho rằng “người miền Nam hời hợt, không sâu sắc”. Tất cả những biểu hiện trên chiếm con số đại trà chứ không riêng lẻ.

Ranh giới, khoảng cách và hố ngăn chia rẽ tâm hồn Nam - Bắc ngày càng nặng nề, sự tổn thương và có cả thù hận của bên thua cuộc sau một quá trình dài bị phân biệt đối xử, bị tịch biên tài sản, gia đình tứ tán, bỏ mạng trên biển Đông, bỏ mình nơi rừng thiêng nước độc trại cải tạo và mất cơ hội tương lai do chính sách phân biệt lý lịch... Mọi vết thương, mọi nỗi đau dường như vẫn còn đó, vẫn còn mưng mủ và rưng đau khi trái gió trở trời.

Trong khi đó, một mặt kêu gọi hòa hợp hòa giải dân tộc, một mặt phân biệt đối xử và ưu tiên cho con ông cháu cha, thái tử đảng xử sự như một ông kễnh địa phương, thậm chí chẳng coi ai ra gì, ăn chơi bạt mạng, trác tán, cán bộ chỉ biết hưởng lạc và sẵn sàng bóp chết tương lai, số phận của bất kì người dân nào thấp cổ bé miệng...

Với tất cả những gì có được sau bốn mươi chín năm kẻ buồn thối ruột, người vui ngoác miệng như vậy thì e rằng, không có câu nào để mô tả đúng bản chất hơn câu của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đất nước có bao giờ được như hôm nay!”.

Đúng, sau bốn mươi chín năm, kinh tế có phần phát triển, phát triển nhanh và một số kẻ quyền thế, cơ hội giàu phất lên. Nhưng, cũng sau bốn mươi chín năm, cả dân tộc bị thụt lùi vào hố lạc hậu, chúng ta đứng qua xa sự văn minh, tiến bộ.

Có phát triển mà không có tiến bộ, ấy là sự phát triển của chuồng trại. Thế giới loài người cần văn minh và tiến bộ trước, rồi sau đó phát triển trên nền tảng văn minh, tiến bộ đã đạt được. Còn chúng ta, hoàn toàn ngược lại sau gần nửa thế kỉ!

Tản Mạn 30.4.2024: Học Lấy Chữ Khôn

Thứ Ba, 04/30/2024 - 07:16 — Nguyễn Hữu Vinh

Đến hẹn, lại lên của con nghiện

Kỷ niệm biến cố Sài Gòn thất thủ trước đội quân Miền Bắc Cộng sản - kết thúc một giai đoạn tồn tại của chính thể Việt Nam Cộng Hòa - vào ngày 30.04.1975 là một dịp để “Bên Thắng cuộc” hàng năm có dịp thể hiện “tầm vóc, vĩ đại, thành quả” của sức mạnh của “Chiến tranh nhân dân do đảng lãnh đạo”.

Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, việc nhà cầm quyền Việt Nam hàng năm diễn đi diễn lại các màn kịch, bài viết, hoạt động nhằm kỷ niệm một ngày mà Võ Văn Kiệt, nguyên Thủ tướng Việt Nam (không bị đuổi) đã nói: “Đó là ngày mà có triệu người vui, nhưng cũng có triệu người buồn” đã trở thành một thói quen, một “phản xạ có điều kiện”. Các màn diễn ấy hàng năm, được tung hứng, được ca ngợi, được thể hiện bằng nhiều hình thức để kỷ niệm cái gọi là “Chiến thắng vĩ đại” do Đảng CSVN là “Người tổ chức và lãnh đạo”.

Đó là cuộc chiến mà người Cộng sản Miền Bắc gọi là “Giải phóng” cho đồng bào Miền Nam thoát khỏi sự “xâm lăng của Đế quốc Mỹ” và “Ngụy quyền Sài Gòn” làm tay sai cho Mỹ. Tuy nhiên, nhìn lại bản chất, thì đó là một cuộc xâm lăng trắng trợn của Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa là quốc gia cộng sản vào Việt Nam Cộng Hòa là một quốc gia được công nhận tại Miền Nam.

Điều khác nhau ở hai quốc gia ấy, là ở Miền Bắc có một chính quyền độc tài do phe đảng Cộng sản, là thành viên của Cộng sản Quốc tế dựng lên. Còn Miền Nam, có một chính quyền được bầu chọn từ người dân bằng những cuộc bầu cử tiến bộ và dân chủ hơn nhiều. Chính vì vậy, chế độ Việt Nam Cộng Hòa lúc đó, dù có thể là một chế độ chưa đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu của người dân, vẫn có những khuyết tật của nó, nhưng ở đó, quyền con người, quyền công dân được tôn trọng, được thể hiện bằng hành vi của chính phủ chứ không chỉ bằng mấy tờ giấy như ở Miền Bắc Cộng sản dưới chế độ “Độc lập, Trừ Tự do, Trừ Hạnh phúc” như trên cái gọi là Quốc hiệu đã ghi và trở thành câu chuyện tiếu lâm thời Cộng sản trong dân chúng.

Hậu quả của cuộc chiến mà Đảng CSVN là “Người tổ chức và lãnh đạo” tiến hành. Bởi khi đó Việt Nam tự nhận là “Tiền đồn của Phe Xã hội Chủ nghĩa” để chống lại Đế quốc, thực dân ấy, đã gây ra cái chết cho khoảng từ 2 đến 4 triệu người Việt (tính cả binh lính và dân thường tùy theo từng nguồn thống kê khác nhau).

Và cuộc chiến ấy không chỉ có sự tổn thất của người Việt. Theo số liệu hiện nay được công bố từ wikipedia, thì ngoài Việt Nam, các quốc gia liên quan đã tổn thất tại đó những con số không nhỏ về người và của. Hoa Kỳ có số thương vong cao nhất với khoảng 58.200 binh sĩ chết và hơn 305.000 người bị thương (trong đó 153.000 bị thương nặng hoặc tàn phế). Hàn Quốc có từ 4.400 đến 5.000 binh sĩ chết và khoảng từ 11.000 đến 17.000 người bị thương, Trung Quốc có 1.446 binh sĩ chết (Trong đó 18 người chết và 67 bị thương trong Hải chiến Hoàng Sa cướp lãnh hải, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam).

Australia có khoảng 500 binh sĩ chết và hơn 3.000 người bị thương, New Zealand có 38 binh sĩ chết và 187 người bị thương, Thái Lan có 351 binh sĩ chết, Liên Xô có 16 cố vấn quân sự chết, Bắc Triều Tiên có 14 phi công chết, còn Philippines có 9 binh sĩ chết và 64 người bị thương.

Đó là chưa nói đến sự tàn phá cơ đồ đất nước được xây dựng từ bao đời bị xóa sạch, nguồn lực quốc gia tan hoang bởi chiến tranh với mấy chục năm bom đạn.

Và điều đau đớn nhất, lớn lao nhất là vết thương hận thù trong nội tại của một quốc gia đã trải qua cuộc chiến huynh đệ tương tàn chỉ vì những lý tưởng, vì những hệ tư tưởng viễn vông giữa hai miền Bắc – Nam Việt Nam với mục đích rõ rệt là để bảo vệ, gieo rắc và chống lại hệ thống tư tưởng Cộng sản lan truyền ở khu vực Đông Nam Á.

Lẽ thường, người ta vẫn quan niệm rằng mọi cuộc chiến tranh là một nỗi bất hạnh, dù đó là những cuộc chiến tranh chính nghĩa. Và vì thế, sau mỗi cuộc chiến, dù là cuộc chiến chính nghĩa hay phi nghĩa, thì người ta coi như đó là một hoạn nạn và mong xóa nó ra khỏi ký ức đau đớn của mình, để xây dựng lại đất nước, non sông.

Vậy nhưng, ở Việt Nam, nơi có một chính quyền cộng sản, điều đó đã không xảy ra, mà ngược lại. Đã gần nửa thế kỷ nay, cứ mỗi lần đến ngày này, khi mà hai miền đất nước, tại hàng triệu gia đình, khói hương đang nghi ngút tưởng nhớ đến những nạn nhân của cuộc chiến, thì trên Tivi, báo chí, đường phố, loa công cộng và mọi nơi, mọi lúc, nhà cầm quyền lại lên gân hò hét, ca ngợi, tự sướng đủ mọi cách, mọi thể loại, mọi hình thức như để khoét thêm một lần nữa vết thương của từng cá nhân, từng gia đình đã mấy chục năm qua chưa được hàn miệng.

Và đảng coi những hành động như vậy, là sự vinh danh cho đảng qua những ngôn từ xủng xoảng tiếng súng gươm là “Chiến thắng”, là “Giải phóng”, là “Tiêu diệt” là “Xóa sổ”, là “Trừng trị”…

Quan sát hiện tượng này, người ta có cảm giác rằng đảng giống như một con nghiện. Nhân tố gây nghiện ở đây là bạo lực, là hình ảnh của sự tàn bạo, sự giết chóc để thỏa mãn bản chất bạo lực của Đảng của Giai cấp vô sản” chuyên nghề lật đổ và cướp từ chính quyền cho đến lợi ích, tài sản.

Hết thiêng hay cơ hội?

Năm nay, là kỷ niệm lần thứ 49 biến cố “Giải Phóng” trên đất nước Việt Nam không được hò hét, tung hứng bằng những màn trình diễn, bằng văn nghệ, bằng tuyên truyền như mọi năm.

Quan sát trên lĩnh vực báo chí, người ta thấy rõ điều đó.

Hàng năm, cứ đến những ngày này, Tuyên giáo cộng sản đều có kế hoạch hò hét cả ngàn tờ báo với chỉ tiêu rõ ràng, mục đích cụ thể cho mỗi tờ báo, mỗi tạp chí, đài truyền hình, thậm chí là từng chi bộ, phố xóm, từng loa phường… phải có bao nhiêu bài viết “Cúng cụ” để nâng đảng lên thành thánh, thần và đủ mọi trò nhiều khi đến hài hước.

Đọc qua các báo năm nay, hầu như không mấy tờ đề cập đến biến cố “Giải phóng” và “Chiến thắng” dày đặc như mọi năm. Mặc dù theo quán tính, thì tờ báo Đảng Cộng sản và tờ Công an Nhân dân vẫn lên gân lên cốt bằng vài bài viết với tư duy “cả vú lấp miệng em” nói lấy được về cái gọi là “Ý nghĩa của chiến thắng 30.04”. Tuy nhiên, đọc những bài viết ấy, người ta thấy cái sự đuối, sự lúng túng, sự gượng gạo bất ổn ngay cả trong tư duy người viết.

Mặc dù trên các đường phố Hà Nội và nhiều nơi, hệ thống quan chức địa phương vẫn coi đây là một cơ hội để có thể rỉa rói ngân sách quốc dân bằng cờ, bằng khẩu hiệu, bằng cổng chào… như một căn bệnh kinh niên. Nhưng, tâm trí người dân hầu như không coi điều đó như một sự lạ hay để gây chú ý cho ai. Cũng bởi từ xưa đến nay, người dân Việt đã quen với cảm giác cứ chỗ nào nhiều cờ đảng, cờ đỏ và băng rôn, khẩu hiệu thì phản xạ đầu tiên là cẩn thận, cảnh giác. Bao nhiêu cuộc cướp bóc tài sản, đất đai của người dân đã chẳng tràn ngập cờ đỏ, ảnh Hồ Chí Minh và khẩu hiệu đó sao.

Nhiều người tỏ ra ngạc nhiên và tự hỏi là tại sao, có vẻ như năm nay, đảng quên mất ngày “Chiến thắng, Giải phóng miền Nam”? Nhưng lập tức đã có người phản bác rằng làm sao có chuyện đảng lại quên đi được việc ăn mày dĩ vãng đó được. Đó là nghề của đảng xưa nay.

Bởi đảng có gì để lấy làm tự hào nữa, nếu không lôi ra mà gặm nhấm mấy cái cuộc chiến và mấy cái “Chiến thắng” ấy. Chẳng lẽ đảng lại lôi mấy cái thành tích như đã ký văn bản Hiệp định với giặc để mất đi cả chục ngàn cây số vuông lãnh thổ trên bộ rồi cả các di tích quốc gia như Ải Nam Quan, Thác Bản Giốc.

Chẳng lẽ đảng lại tự hào rằng sau nửa thế kỷ Tổng Bí thư Đảng tuyên bố: “Tổ quốc chúng ta từ nay vĩnh viễn sạch bóng xâm lăng” thì bây giờ cả một Quần đảo Hoàng Sa và một loạt đảo Trường Sa đang nằm dưới gót giày quân xâm lược mà quân ấy, lại là bạn vàng, là quan thầy của đảng?

Nhiều người giải thích rằng: Chẳng phải vậy, mà đảng đang tập trung nhân tài, vật lực để kỷ niệm “Giải phóng Điện Biên” vì đây là năm chẵn. Nhưng lại có người đáp trả rằng: Vậy thì cái ngày kỷ niệm lần thứ 45 đảng gọi là “Chiến thắng” ở cuộc chiến Biên giới phía Bắc năm 1979 mới qua đây, sao không thấy đảng hé răng nửa lời.

Và câu giải thích khả dĩ được mọi người thấy đúng, đó là làm sao Đảng có thể dám mở miệng nói về cuộc chiến ấy hay những hành vi của giặc với biển, đảo quê hương với lãnh thổ đất nước hiện nay. Bởi những hành vi đó, đều do quan thầy của đảng, đều do bạn vàng của đảng gây ra. Mà Tổng bí thư đã khẳng định: “Nếu có đụng độ trên biển, liệu có thể ngồi bàn Đại hội Đảng được không?”. Trong khi đảng lại đang chuẩn bị cho Đại hội đảng, thì việc lên án kẻ thù xâm lược lãnh thổ, lãnh hải cũng bằng việc xúi đảng “sờ dái ngựa”.

Nhưng, đảng thì không dại đến thế. Mất lãnh thổ là của quốc gia, còn cái ghế cai trị là của đảng.

Và người ta lại đặt câu hỏi rằng: Tại sao, cũng sự kiện ấy, nghĩa là cũng là “Giải phóng Miền Nam” cũng là “Chiến thắng Sài Gòn” mà mỗi năm, Đảng lại có thái độ khác nhau? Phải chăng, năm trước thì có ý nghĩa trọng đại, quan trọng và nhất định phải gào lên cho cả thế giới biết là chúng tao tài giỏi, đánh đâu thắng đấy, là vĩ đại, là bất khả chiến bại… còn năm nay nó không còn vĩ đại nữa, không còn ý nghĩa nữa?

Cũng có người giải thích rằng: Không hề, đảng vẫn nhớ, vẫn cứ tự hào, nhưng năm nay tự hào trong im lặng vậy thôi. Không ồn ào, vì đảng mới cố gắng thiết lập được mối quan hệ với Mỹ ở tầm cao hơn, ở mức độ “Chiến lược Toàn diện” nên đảng im, đảng lượng tình cho kẻ thù của mình.

Và người khác đáp lại: À, thì ra vậy, điều đó có nghĩa là cái vĩ đại, cái tuyệt đối, cái giòn giã, cái quan trọng ấy nó phụ thuộc vào thời điểm, vào đối tượng ấy khi nào đảng cần và khi nào đảng không cần chứ không phụ thuộc vào chính sự kiện đó nó ra sao.

Có nghĩa rằng đó là một sự kiện mang tính cơ hội như đảng ta vẫn là đám cơ hội xưa nay. Để rồi nếu ngày mai, mối quan hệ xấu đi hoặc cần cho mục đích nào khác, thì những sự kiện bị bỏ qua hôm nay, lại có ý nghĩa ngay lập tức trên miệng của đảng.

Học lấy cái khôn

Nhiều người coi rằng việc đảng không lên gân, không hò hét nhai lại món ăn đã quá ôi thiu gọi là “Chiến thắng” là “Giải phóng” ấy, vì mỗi lần nhai lại, thì không gây đau bụng cũng gây ngộ độc trong xã hội nên đảng từ bỏ.

Nhưng cũng có người cho rằng, đó là cái khôn, nhưng cái khôn đó không xuất phát từ nhận thức vì nó đem lại điều có hại cho xã hội, mà cái chính là từ đảng.

Bởi đảng càng hò hét bao nhiêu, thì người ta hỏi lại những câu hỏi mà chắc chắn là đảng chỉ biết… ngọng. Chẳng hạn:

Rằng: Vậy thì qua nửa thế kỷ sau “Chiến thắng” ấy, đảng đã lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối cả đất nước “Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Thiên đường Xã hội Chủ nghĩa” thì nó đi đến đoạn nào rồi?

Liệu con đường mà “Đảng và bác đã chọn” ấy, có đi đến XHCN theo các định nghĩa mà người dân đã đưa ra – nghĩa là Xuống Hố Cả Nút? Hay Xuống Hàng Chó Ngựa?

Rằng: Tại sao đảng đã lãnh đạo tài tình, sáng suốt đưa cả nước tiến lên Thiên đường XHCN đã nửa thế kỷ, vậy mà con dân Việt hễ cứ có cơ hội là bằng mọi cách để thoát khỏi “sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của đảng quang vinh là vì sao”? Vậy thì có khác gì dân Việt ngầm bảo rằng tránh xa đảng ra như tránh hủi?

Rằng: Vậy đảng “tài tình, đạo đức, văn minh” thì con số hàng trăm ngàn đảng viên tham nhũng, ăn cắp, ăn cướp kia nó thuộc thành phần nào? Ai đẻ ra cái đống ấy và vì sao đảng tử tế vậy mà sản phẩm đảng lại thối tha đến thế?

Rằng: Tại sao đảng vẫn ra rả là đảng chiến thắng, đảng chửi Mỹ, chửi đế quốc như hát hay, vậy mà đảng hành động ngược lại: Con cái của đảng, gia đình của lãnh đạo đảng cứ sểnh ra là đến Mỹ, đến các quốc gia đế quốc sài lang, là tư bản giãy chết.

Rằng: Còn cái nội bộ đảng trong sạch, vững mạnh và là đội quân tiên phong của Giai cấp, của dân tộc. Vậy sao trong cái đội quân ấy, tiên phong ở mức nào mà hễ sểnh ra là người ta biết đều là một lũ ăn cắp, ăn cướp công quỹ, ngân sách hơn cả đám lục lâm thảo khấu, đầu đường xó chợ.

Rằng: Cách nào mà đảng dạy được cái đám từ Ủy viên Trung Ương và thậm chí là Ủy viên Bộ Chính trị như Đinh La Thăng, Phạm Bình Minh, Nguyễn Xuân Phúc. Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ… nếu chưa hiện nguyên hình là kẻ cướp, thì đều là những chính trị gia lão luyện, những người thầy giảng dạy, rao giảng đạo đức cho cả dân tộc mà không hề biết ngượng?

Với những câu hỏi đó, nếu đảng đối diện, e rằng sẽ “Sập nguồn” nếu cón chút liêm sỉ và tự trọng.

Thế nên, đảng im lặng, cũng là cách để may ra học được phần nào cái chữ “Khôn”.

30.04.2024

J.B Nguyễn Hữu Vinh

UBND Đà Lạt bất ngờ chỉ đạo rạp phim, tụ điểm ca nhạc đóng cửa từ trưa 30/4

2024.04.30 - RFA


Thông báo của Cinestar Đà Lạt và Mây Lang Thang. Chụp màn hình/ RFA edited

Rạp Cinestar Đà Lạt và Mây Lang Thang đột nhiên thông báo đóng cửa từ trưa ngày 30/4 viện dẫn "chỉ đạo từ UBND thành phố Đà Lạt".

Fanpage Cinestar Vietnam (Đà Lạt) có gần 80 ngàn người theo dõi trưa 30/4 đăng tải thông báo khẩn, theo đó "do sự cố bất đắc dĩ, theo chỉ đạo từ UBND TP Đà Lạt , Cinestar Đà Lạt xin phép đóng cửa từ 13h chiều - 30.04.2024."

Rạp chiếu phim nằm ở quảng trường Lâm Viên, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng nói sẽ giải quyết hoàn tiền cho những ai mua vé cho đến hết ngày 3/5.

Phóng viên gọi điện thoại cho rạp phim này thì nhân viên trực máy xác nhận, việc đóng cửa từ trưa 30/4 theo sự chỉ đạo khẩn từ lãnh đạo thành phố nhưng không cho biết thêm thông tin.

Người này cho biết, ngày mai (1/5) rạp phim sẽ mở lại và người dân muốn xem phải đến tận nơi để mua vé.

Trong khi đó, Fanpage Mây Lang Thang cũng đột ngột thông báo "tạm ngưng các hoạt động biểu diễn diễn nghệ thuật trong dịp lễ (29/4, 30/4 & 1/5)" theo chỉ đạo khẩn từ UBND thành phố Đà Lạt.

Mây Lang Thang là một chương trình ca nhạc ăn khách ở các tỉnh thành trong đó nổi tiếng nhất là ở Đà Lạt, theo như quảng cáo trên trang web thì chiều 30/4 có chương trình của ca sĩ Bằng Kiều, Lương Bích Hữu và Đan Trường, trong khi ngày 1/5 có chương trình của ca sĩ Lệ Quyên sẽ được tổ chức ở đây.

Hiện chưa rõ ngoài hai địa điểm này ra còn khu vực nào khác phải buộc bị đóng cửa theo chỉ đạo hay không.

Phóng viên RFA liên hệ với UBND Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng theo số điện thoại hiển thị trên cổng thông tin, tuy nhiên không có ai nghe máy.

Theo thống kê của google trending, các cụm từ như "bạo động Đà Lạt", "phản động" hay "khủng bố" có lượt tìm kiếm tăng đột biến ở tỉnh Lâm Đồng trong cùng ngày.

Chiều 30/4, hai fanpage đăng tải thông báo khẩn từ UBND thành phố Đà Lạt đều đã gỡ bỏ thông tin liên quan mà không đưa ra bất kỳ giải thích nào.

Trong khi đó, trang Facebook mang tên Lực Lượng An Ninh Mạng Và PCTP Sử Dụng Công Nghệ Cao Lâm Đồng có 50 ngàn người theo dõi phát đi thông cáo khẳng định: "thông tin Đà Lạt xảy ra biến lớn, bạo động là sai sự thật".

Theo đó, Công an tỉnh phát hiện trên không gian mạng đang lan truyền thông tin cho rằng “ Đà Lạt xảy ra biến lớn”, “Đà Lạt xảy ra vấn đề, cấm người dân ra đường”, “Đà Lạt xảy ra bạo động, bắn súng...”, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Công an tỉnh khẳng định các thông tin nêu trên là sai sự thật, vi phạm pháp luật, đồng thời đang tiến hành điều tra, xác minh các trường hợp lan truyền, phát tán thông tin trên để xử lý theo quy định pháp luật.

Có gì trong báo cáo nhân quyền của LHQ khiến Việt Nam phản ứng?

30 tháng 4 2024, 10:44 +07 - BBC


Các nhà hoạt động nhân quyền và blogger hiện đang bị chính quyền Việt Nam giam giữ. Hàng trên từ trái sang phải: Hoàng Thị Minh Hồng, Trần Huỳnh Duy Thức, Phạm Đoan Trang. Hàng dưới: Phạm Chí Dũng, Cấn Thị Thêu, Nguyễn Lân Thắng

Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc vừa công bố báo cáo mới nhất về tình hình nhân quyền tại Việt Nam trong giai đoạn bốn năm qua.

Báo cáo này là bản tổng hợp dựa trên các báo cáo đệ trình từ những bên có liên quan khác (gồm cả các tổ chức xã hội dân sự) trước kỳ kiểm điểm nhân quyền phổ quát (UPR) chu kỳ 4 đối với Việt Nam vào ngày 7/5/2024 tại Geneva.

Trước đó, hôm 11/4, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã "bày tỏ sự thất vọng vì báo cáo riêng của các cơ quan Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Việt Nam theo cơ chế UPR chu kỳ 4 có nhiều nội dung sai sự thật, không kiểm chứng".

Tuy nhiên, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam không nói cụ thể những nội dung đó là gì.

Báo cáo của LHQ nói gì?


Getty Images
Tình hình nhân quyền Việt Nam năm qua được giới bảo vệ nhân quyền quốc tế nhận định là "u ám"

Một số nội dung chính trong báo cáo của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc về tình hình nhân quyền của Việt Nam trong thời gian qua:

  • Việt Nam đã không gia hạn lời mời đối với báo cáo viên đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền LHQ. Một số yêu cầu thăm Việt Nam của báo cáo viên đặc biệt của LHQ vẫn chưa được phía Việt Nam hồi đáp. Báo cáo viên đặc biệt về quyền phát triển đã đến thăm Việt Nam từ ngày 6-15/11/2023.
  • Án tử hình vẫn được áp dụng tại Việt Nam đối với 18 tội danh, bao gồm các tội liên quan đến ma túy. Dữ liệu về các bản án tử hình và các vụ hành quyết được coi là bí mật nhà nước. LHQ khuyến nghị Việt Nam tạm dừng thi hành án tử hình và sửa đổi Bộ luật Hình sự để giảm hơn nữa số tội danh có thể áp dụng hình phạt tử hình, nhằm xóa bỏ hình phạt tử hình đối với tất cả các tội. LHQ cũng khuyến nghị Việt Nam công khai dữ liệu về tất cả các tội phạm tử hình.
  • LHQ khuyến nghị Việt Nam thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để xóa bỏ tra tấn và ngược đãi. Ủy ban chống tra tấn của LHQ bày tỏ quan ngại sâu sắc về các báo cáo về tình trạng tra tấn và ngược đãi tràn lan, đặc biệt là trong thời gian tạm giam trước khi xét xử, đôi khi dẫn đến tử vong trong khi bị giam giữ.
  • Ủy ban Nhân quyền LHQ bày tỏ quan ngại về việc Việt Nam sử dụng thuật ngữ hết sức mơ hồ trong luật chống khủng bố, đặc biệt là tội “Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” tại Điều 113 Bộ luật Hình sự, vốn có phạm vi rộng và có thể dẫn đến bắt giữ và kết tội tùy tiện. Ủy ban khuyến nghị Việt Nam đảm bảo rằng luật chống khủng bố hoàn toàn phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và chỉ giới hạn ở những tội rõ ràng có thể coi là hành động khủng bố và định nghĩa những hành động đó một cách chính xác và chặt chẽ.
  • Ít nhất 150 nhà báo độc lập, những người bảo vệ nhân quyền và các nhà hoạt động dân chủ, đất đai và tôn giáo vẫn bị giam giữ vì thực thi một cách ôn hòa các quyền cơ bản của họ về các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường, quyền của người thiểu số và phát triển dân chủ. Nhiều người đã bị giam giữ và kết án tù dài hạn theo những quy định mơ hồ của Bộ luật Hình sự. Nhóm quốc gia của Liên Hợp Quốc khuyến nghị Việt Nam bãi bỏ các điều khoản của Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự không phù hợp với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế và trả tự do ngay lập tức cho tất cả những người bị giam giữ tùy tiện vì thực hiện các quyền tự do cơ bản của họ một cách ôn hòa.
  • Trong khi Bộ luật Tố tụng Hình sự có các nguyên tắc như suy đoán vô tội, tiếp cận luật sư,v.v.., thì hệ thống tư pháp Việt Nam nhìn chung vẫn mang tính chất thẩm tra. Bộ luật Tố tụng Hình sự cũng hạn chế thủ tục tố tụng hợp pháp, cho phép biệt giam cá nhân bị cáo buộc phạm tội về an ninh quốc gia trong thời gian dài mà không cần xét xử hoặc không được tiếp cận luật sư bào chữa.
  • Quyền tự do ngôn luận và tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt thông tin vẫn bị hạn chế. Nhiều tội liên quan đến phát ngôn có thể phải chịu án tù dài hạn theo Bộ luật Hình sự. Luật Báo chí năm 2016 vẫn đặt báo chí dưới sự quản lý của Nhà nước và Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 hạn chế quyền tiếp cận thông tin của công dân. Luật An ninh mạng năm 2018 hạn chế quyền tự do ngôn luận trên mạng bằng những điều khoản mơ hồ, không xác định rõ những gì có thể vi phạm “lợi ích quốc gia” hay “truyền thống tốt đẹp”.

Chuyên gia nhân quyền quốc tế nói gì?

Phil Robertson

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực châu Á của HRW

Trước phản ứng của Việt Nam, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Nhân quyền Quốc tế (HRW), nói rằng ông “hoàn toàn không ngạc nhiên”.

“Toàn bộ phản ứng của Hà Nội đối với UPR có thể tóm gọn trong một từ, đó là phủ nhận. Ở mỗi bước của quá trình này, chính phủ Việt Nam đều phủ nhận những hành vi lạm dụng, tấn công những người chỉ trích và làm các vấn đề nhân quyền trong nước trở nên u ám."

“Chính phủ Việt Nam rõ ràng tin rằng họ có thể làm giảm sức mạnh các chỉ trích từ Liên Hợp Quốc bằng sự kết hợp giữa sự kiêu căng và phản bác, vì vậy có thể thấy rằng phản ứng này là một phản ứng cố ý, mang tính chiến lược của các nhà lãnh đạo tại Hà Nội nhằm làm dịu những chỉ trích mà họ, rốt cuộc, sẽ nghe tại Geneva,” ông Robertson cho hay.

Ông Robertson nói rằng sẽ có rất nhiều vấn đề nhân quyền được đề cập tại phiên họp UPR với Việt Nam tại Geneva.

Ông khuyến nghị chính phủ các nước nên tập trung sự chú ý vào “những nỗ lực có hệ thống của Hà Nội nhằm bóp nghẹt các quyền tự do dân sự và chính trị, như tự do ngôn luận, lập hội và biểu tình ôn hòa”.

Theo ông, những điều này mâu thuẫn trực tiếp với nghĩa vụ của chính phủ Việt Nam với tư cách là quốc gia phê chuẩn Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị.

Ông nhận định rằng chính phủ Việt Nam đã ưu tiên bắt giữ và bỏ tù những người chỉ trích, với hàng chục trường hợp các nhà hoạt động và bất đồng chính kiến bị đưa vào tù trong bốn năm qua kể từ phiên họp UPR gần đây nhất về Việt Nam.

“Nói thẳng ra, thực sự không có diễn biến tích cực nào về nhân quyền ở Việt Nam trong năm qua. Thay vào đó, ngày càng có nhiều sự đe dọa và bắt giữ những người chỉ trích, luật pháp hà khắc hơn và một cuộc truy quét rộng rãi hơn đối với các nhà hoạt động môi trường và các nhóm xã hội dân sự."

“Chính phủ Việt Nam thực sự đã tập trung vào việc đối phó với các chỉ trích trên mạng về các chính sách và hoạt động của họ, vì vậy việc đăng bài trên Facebook thậm chí cũng trở nên nguy hiểm. Tóm lại, năm nay đã là một năm rất tồi tệ đối với nhân quyền tại Việt Nam,” ông Phil Robertson nói với BBC News Tiếng Việt.

Cơ chế kiểm điểm Định kỳ Phổ quát là gì?


Bốn nhà hoạt động (từ trái qua): Mai Phan Lợi, Đặng Đình Bách, Bạch Hùng Dương, Ngụy Thị Khanh cùng chịu án tù. Trong số này, bà Khanh và ông Lợi đã được trả tự do.

Theo Ủy ban Luật gia Quốc tế, thông qua một cơ chế gọi là Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát, Hội đồng Nhân quyền LHQ kiểm điểm, trên cơ sở định kỳ, việc mỗi thành viên trong số 193 quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc thực thi các nghĩa vụ và cam kết nhân quyền của họ.

Bản kiểm điểm một nhà nước căn cứ vào ba tài liệu: một báo cáo quốc gia do Nhà nước bị kiểm điểm nộp; một hồ sơ thông tin của Liên Hợp Quốc về nhà nước đó, do Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR) soạn thảo; và một bản tóm tắt các thông tin được nộp từ những bên có liên quan khác (gồm cả những người hoạt động xã hội dân sự), cũng được OHCHR chuẩn bị.

Bản thân cuộc kiểm điểm diễn ra tại Geneva trong một phiên họp của Nhóm Làm việc về UPR, bao gồm 47 quốc gia thành viên của Hội đồng Nhân quyền.

Kiểm điểm có hình thức một cuộc đối thoại tương tác kéo dài ba tiếng rưỡi giữa nhà nước được kiểm điểm và các nước thành viên, quan sát viên của Hội đồng.

Một vài ngày sau buổi đối thoại tương tác, Nhóm Làm việc sẽ thông qua bản báo cáo của cơ chế này.

Một hồ sơ đầu ra cuối cùng, chứa báo cáo của nhóm làm việc và quan điểm của quốc gia bị kiểm điểm về các khuyến nghị được đưa ra, sẽ được thông qua vào phiên họp toàn thể tiếp sau đó của Hội đồng Nhân quyền, vài tháng sau kỳ kiểm điểm.

Tại phiên họp định kỳ, tiếp sau việc Hội đồng Nhân quyền thông qua hồ sơ đầu ra UPR là đến phiên thảo luận chung về kỳ Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát. Đôi khi, các nhà nước được kiểm điểm theo cơ chế UPR sẽ cung cấp thông tin cập nhật về tiến bộ họ đạt được trong việc thực hiện các cam kết mà họ từng đưa ra và những khuyến nghị mà họ từng chấp thuận trong quá trình bị kiểm điểm theo cơ chế UPR.

Mỗi kỳ UPR được tiến hành sau mỗi 4 năm.

Việt Nam bắt ba người vì ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ’

30/04/2024 VOA Tiếng Việt - VOA

VOA-05-01
Từ trái sang: Dương Hồng Hiếu, Bùi Thị Linh, Dương Minh Cường, bị bắt theo Điều 331, từ ngày 26-28/2024. Photo: CAND, ANTV.

Chính quyền Việt Nam vừa bắt ba người với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” trong các vụ án riêng biệt tại Kiên Giang, Điện Biên và Hà Nội.

Công an tỉnh Kiên Giang ngày 26/4 bắt tạm giam Facebooker Dương Hồng Hiếu, 46 tuổi, với tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Khoản 2, Điều 331 của Bộ luật Hình sự vì chỉ trích một chức sắc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở tỉnh này.

Theo cổng thông tin Bộ Công an, từ năm 2020 đến khi bị bắt, ông Hiếu, đã sử dụng các danh khoản mạng xã hội “Dương Hồng Hiếu,” “Dương Hiếu” và “Phù Dung” để “tự kêu oan, đăng tải nhiều nội dung không đúng sự thật, bịa đặt, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kiên Giang và nhiều cá nhân tu sĩ, chức sắc trong Ban trị sự”.

Truyền thông Việt Nam cho hay trước khi bị bắt, ông Hiếu - một Facebooker và YouTuber - đã bị cơ quan chức năng mời làm việc nhiều lần, nhưng ông “vẫn coi thường pháp luật”.

Cũng với tội danh trên, hôm 27/4, Công an tỉnh Điện Biên bắt giam bà Bùi Thị Linh, 35 tuổi, vì đã đăng 50 bài viết, “livestream” trên Facebook liên quan việc chồng bà bị cơ quan chức năng bắt giữ do liên quan đến ma túy.

Cơ quan chức năng cho rằng các bài viết và nội dung livestream của bà Linh “đưa ra các thông tin bịa đặt, không có căn cứ”, và cáo buộc bà “có những lời lẽ xúc phạm danh dự, nhân phẩm của một số cán bộ chiến sỹ công an”.

Hôm 28/4, chính quyền Hà Nội bắt giam ông Dương Minh Cường, 28 tuổi, cũng với tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”, theo trang Công an Nhân dân. Tuy nhiên, cơ quan chức năng và truyền thông trong nước không nêu cụ thể các vi phạm của ông Cường.

Điều luật “lợi dụng quyền tự do dân chủ” thường bị các chuyên gia nhân quyền Liên Hiệp Quốc và các tổ chức nhân quyền quốc tế cho là “mơ hồ’, được Việt Nam sử dụng để “bịt miệng” những người chỉ trích chính quyền. Tuy nhiên, Hà Nội bác bỏ cáo buộc này, cho rằng họ chỉ bắt giam và xét xử những ai “vi phạm pháp luật”.

Hà Nội: Giáo xứ Thái Hà phản đối Bệnh viện Đống Đa xây mới toà nhà 8 tầng trên đất nhà thờ

2024.04.30 - RFA


Bệnh viện Đống Đa và vị trí định xây toà nhà mới. Truyền thông Gx Thái Hà

Bệnh viện Đống Đa vấp phải sự phản đối khi lên kế hoạch xây dựng một toà nhà mới bao gồm hai tầng hầm và sáu tầng nổi trong khuôn viên vốn trước đây thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội.

Kế hoạch này nằm trong dự án “Đầu tư cải tạo, nâng cấp Bệnh viện đa khoa Đống Đa” và toà nhà mới có diện tích mặt sàn mỗi tầng là 1.220 mét vuông, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 264 tỷ đồng. Vị trí tòa nhà này sẽ nằm ở khu vực giáp công viên, phía sau Tu viện của Nhà Dòng mà hiện nay đang được dùng làm Bệnh viện Đống Đa.

Linh mục Giuse Nguyễn Văn Toản, Phụ trách truyền thông của Tu viện DCCT Hà Nội, cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết bệnh viện và ban quản lý dự án tổ chức một buổi lấy ý kiến nhân dân vào sáng ngày 25/4 tại trụ sở UBND phường Quang Trung, quận Đống Đa.

Ông thay mặt nhà thờ cùng ba giáo dân đến tham dự buổi họp này, một số tổ trưởng tổ dân phố và đại diện các tổ chức chính trị xã hội địa phương cũng được lựa chọn tham dự.

Trả lời phỏng vấn RFA trong ngày 30/4, linh mục Giuse Nguyễn Văn Toản nói:

Dự án không chỉ thay đổi cảnh quan và môi trường mà nó còn đang đi ngược lại những cái mà Nhà nước nói là tôn trọng các tôn giáo, các tôn giáo được luật pháp luật bảo vệ và Nhà nước tạo điều kiện cho các tôn giáo đáp ứng nhu cầu của người dân.”

Ông nói rằng, đây là khu vực nhà nước đã mượn của Nhà Thờ Thái Hà, nên khi có bất kỳ dự án nào, chính quyền thành phố Hà Nội và Bệnh viện Đống Đa cần gặp gỡ với đại diện của Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam và Nhà thờ Thái Hà để đưa ra những giải pháp nhằm đảm bảo quyền lợi cho cộng đồng người Công giáo.

Ông cho biết DCCT và Nhà thờ Thái Hà đang soạn thảo nhiều văn bản để gửi các cơ quan hữu trách với đề nghị dừng thực hiện dự án, giữ nguyên hiện trạng để các bên có thể gặp gỡ và đưa ra những giải pháp đồng thuận.

Trong buổi họp, Bệnh viện Đống Đa cho biết họ đã được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2016, tuy nhiên, theo linh mục Giuse Nguyễn Văn Toản thì việc cấp sổ đỏ này không hợp pháp và không minh bạch, vì phần đất này thuộc quyền sở hữu của giáo xứ Thái Hà và Dòng Chúa Cứu Thế.

Hai ngày sau cuộc họp này, Linh mục Bề trên Chính xứ Giuse Nguyễn Văn Hội của Giáo xứ Thái Hà ra thông báo khẳng định:

Từ khi nhà nước mượn, bằng văn bản và qua các lần gặp gỡ, chúng tôi luôn yêu cầu nhà nước trả lại Tu viện này, bởi vì chưa bao giờ chúng tôi hiến cho Nhà nước hay Nhà nước có văn bản thu hồi. Vậy mà hiện nay Nhà nước lại có dự án xây dựng toà nhà mới trong khu vực Tu viện này.

Thông báo được các linh mục đọc sau các thánh lễ diễn ra trong hai ngày 27 và 28/4 khẳng định, "thật không hợp lý khi một bệnh viện có các khoa truyền nhiễm lại được xây dựng trong khu vực dân cư đông đúc và bên cạnh cơ sở tôn giáo hàng ngày có rất đông người đến tham dự Thánh lễ và cầu nguyện."

Đồng thời, đề nghị nếu Nhà nước có dự án xây dựng thì "xin hãy chuyển Bệnh viện Đống Đa ra khu vực khác, theo đúng chủ trương của UBND thành phố Hà Nội, đó là di dời ra ngoại thành các bệnh viện truyền nhiễm..."

Phóng viên gọi điện cho UBND thành phố Hà Nội, quận Đống Đa, và Bệnh viện Đống Đa để hỏi thêm thông tin về dự án xây khu nhà nói trên nhưng không có ai nghe máy. Phóng viên cũng gửi email tới hai cơ quan chính quyền địa phương nhưng chưa nhận được ngay phản hồi.

Theo các tu sỹ của Nhà thờ Thái Hà, Bệnh viện Đống Đa hiện nay vốn là Tu viện DCCT Hà Nội được xây dựng trong thời gian 1930-1939. Năm 1959, UBND quận Đống Đa lấy một phần tu viện làm trường học cho dù không có sự đồng ý của linh mục và giáo dân của giáo xứ cũng như bề trên của họ.

Đến năm 1972, chính quyền tiếp tục lấy phần còn lại của tu viện để “chăm sóc y tế cho các nạn nhân của trận Điện Biên Phủ trên không.” Ngoài hai tòa nhà chính, nhà nước còn mượn một số cơ sở khác (nhà nguyện, nhà ăn…) cho các hợp tác xã sử dụng sản xuất trên diện tích hơn 6 hecta đất ban đầu của Tu viện.

Từ năm 1990 đến nay, nhiều lần Tu viện DCCT Hà Nội đã gửi đơn yêu cầu UBND thành phố Hà Nội trao trả lại cơ sở của Nhà Dòng mà nhà nước đã mượn. Tuy nhiên, mọi yêu cầu của cơ sở tôn giáo này không được đáp ứng.

Có những lúc Bệnh viện Đống Đa hỏi ý kiến Nhà thờ Thái Hà trước khi định tiến hành sửa chữa tu viện, nhưng cũng có khi họ tảng lờ, ví dụ như lần sửa chữa tu viện vào tháng 11/2023.

Theo báo mạng Tri thức và Cuộc sống, dự án Đầu tư cải tạo, nâng cấp Bệnh viện đa khoa Đống Đa với tổng kinh phí 314,9 tỷ đồng là một trong sáu dự án được giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố làm chủ đầu tư theo nghị quyết của Hội đồng Nhân dân thành phố trong cuộc họp vào giữa tháng 3/2023.

Ngày 30/4: Người trẻ có tin vào hòa giải?

29 tháng 4 2024 - BBC

  • Tác giả, Khải Đơn
  • Gửi cho BBC News Tiếng Việt từ Sài Gòn


Emily Nguyen (trái) và Nguyễn Thành Minh Tâm (phải)

Tìm cách giải thích cuộc chiến khác đi, mỗi người trẻ trong bài viết này đang đi tìm chân dung cuộc chiến khác với cách nhìn ở hai ngả xung đột mà cha mẹ và ông bà họ trải qua.

Khái niệm “hòa giải” thường vấp phải sự hồ nghi, dưới dạng thức của thái độ "nói vậy như không phải vậy" hoặc hòa giải không thể xảy ra với nợ máu và thù cũ.

Năm 2022 và 2023, nhiều tờ báo ở Việt Nam chạy hàng loạt bài viết "hòa giải" khi dịp 30/4 đến, và vấp phải sự phản đối dữ dội khi có nhiều ý kiến chỉ ra rằng sự hòa giải này là "không thật lòng" từ chính quyền Việt Nam ở trong nước và chỉ là lời nói trên truyền thông khi thông điệp "gác lại quá khứ" được dùng làm minh họa cho ý tưởng này.

Vì sao chính quyền Việt Nam e ngại các biểu tượng VNCH?

VNCH - VN Cộng sản: Mỗi cuộc chiến phải nhiều lần chảy máu

Tuy nhiên, Sổ tay Hòa giải sau Xung đột của Viện Quốc tế về Dân chủ và Trợ giúp Tuyển cử (The International Institute for Democracy and Electoral Assistance, IDEA) ở Thụy Sĩ nhìn hòa giải là "tìm cách để có thể sống bên cạnh kẻ thù cũ - không nhất thiết phải yêu quý, tha thứ hay quên đi quá khứ theo bất cứ cách nào, mà là cùng tồn tại bên cạnh, cùng phát triển sự hợp tác đến cần thiết để chia sẻ xã hội của ta với họ, để chúng ta có thể sống tốt hơn cùng nhau thay vì tách biệt".

Người viết bài này tìm đến những người trẻ sống ở Việt Nam, ở Mỹ và ở cả Việt Nam và Mỹ, ở khoảng tuổi gần tương đương nhau từ 24-30 tuổi với sự quan tâm rất khác về cuộc chiến, và đặt câu hỏi về quá trình chung sống với quá khứ mà họ lớn lên.

Đứt gãy ký ức

Emily Nguyen sống ở Placentia, California. Cô là hế hệ người Việt trẻ thứ hai sinh ra ở Mỹ, hoàn toàn không gánh vác cuộc chiến mà hơn một triệu người Việt thuyền nhân trải qua trong thập niên 70-80.

Cô nhớ lại: "Cha mẹ tôi không bao giờ kể về cuộc chiến. Tất cả những gì họ nói với tôi là ‘nhà mình ra đi vì chiến tranh’."

Cha Emily Nguyen sinh năm 1964, mẹ cô sinh năm 1967. Cha cô vượt biên khi mới học lớp 5. Mẹ của cô đến Mỹ khi bà vừa tròn 20 tuổi. Như với nhiều gia đình Việt Nam trải qua hành trình vượt biển đầy bạo lực, họ không muốn nhắc lại câu chuyện.

Người Việt trẻ 'vượt rào cản' để nhìn lại sự kiện 30/4/1975

30/4: ‘Đỏ’, ‘Vàng’ và sự phân cực giữa giới trẻ Việt Nam

Emily kể: "Mẹ tôi chỉ kể hồi xưa ở quê mẹ nấu ăn, hái trái cây, sống với anh chị em thế nào, lúc nào kể mẹ cũng nói ‘bằng tuổi con mẹ đã biết làm việc này rồi’, để so sánh với con gái, lớn lên ở Mỹ và chưa biết tự xoay xở nhiều việc.” Chiến tranh ở Việt Nam trong những gì cô được biết có hai phần, phần “trước khi cha mẹ đi” và “sau khi đến Mỹ”. Những phần này được kể thành chuyện về kỹ năng sống nhiều hơn là kỷ niệm mà cha mẹ không muốn truyền lại cho cô:

“Hỏi về chiến tranh là chuyện cấm kỵ, giống như ngọn lửa âm ỉ nằm trong ngực tôi, dù tôi không cảm thấy nóng trên da thịt mình, tim tôi đau và có một nỗi buồn mà tôi không thể lý giải.”

Khi Emily xuất hiện ở một chương trình học về kể chuyện chiến tranh mà tôi gặp, cô không biết nói tiếng Việt. Ngôn ngữ Tiếng Việt để gắn bó về cảm xúc cuộc chiến đã mất đi hoặc giảm sự quan trọng chỉ sau chưa đầy hai thế hệ.


Getty Images
Dinh Độc Lập trong ảnh chụp ngày 3/5/1975

Chiến tranh Việt Nam, theo người lớn dặn Emily suốt thời niên thiếu của cô, là: "Con được ở Mỹ, con phải tận dụng cơ hội dành cho con." Đây là cuộc chiến cho cô "cơ hội", khác với cuộc trường kỳ ra đi của hàng triệu thuyền nhân Việt Nam trên biển để đến bến bờ của tự do mà họ tìm kiếm.

Cách Emily Nguyên nửa vòng trái đất, Nguyễn Thành Minh Tâm (24 tuổi, ở thời điểm phỏng vấn) gọi lịch sử là "con vi mạch cài vào cơ thể" vì mọi câu chuyện về chiến tranh Tâm được biết đều qua những người kể chuyện thứ cấp. Là một người thực hành viết và nghiên cứu lịch sử nghệ thuật, Tâm chia sẻ: “Tôi cực kỳ chú ý đến cách người trẻ suy nghĩ về lịch sử, đặc biệt là với cách kể chuyện chính thống khiến người ta cảm thấy đau thương và gợi ra cảm xúc nhất định về phần lịch sử mà họ không hề có mặt hay tham dự... ví dụ như cách người trẻ chia sẻ cảm xúc 30/4 trên mạng những ngày này.”

Tương tự Emily, Tâm nhớ lại: “Chiến tranh là chuyện tôi chỉ nghe cha mẹ kể lại. Cha mẹ tôi đều là trẻ sinh ra trong chiến tranh.” Tâm được đào tạo về nghiên cứu lịch sử nghệ thuật Việt Nam và Đông Nam Á ở Đại học Fulbright Việt Nam. “Nhưng càng học nhiều về chiến tranh và cách ký ức cộng đồng được tạo ra trong thời hậu chiến, tôi càng cảm thấy mình như rời khỏi câu chuyện. Nhiều chuyện trước đây tôi nghĩ thuộc về thế hệ mình dần trở nên xa lạ.”

Trân Trần (29 tuổi), sống ở Sài Gòn, kể về thời gian cô đi du học đại học ở Mỹ: “Một người bạn Mỹ gốc Việt dặn em làm gì thì làm, ở đây đừng mang cờ đỏ sao vàng ra treo hay khoe, đặc biệt nếu có đến khu nhiều người gốc Việt ở. Em cũng có nghe là người Mỹ gốc Việt bên này có khi không ưa người Việt.”

Cũng ở năm nhất đại học tại Mỹ, Trân biết về “thuyền nhân” và những cuộc vượt biên, một khái niệm cô chỉ được nghe mơ hồ khi còn ở Việt Nam và mọi người nhắc tới một cách chung chung và không có ai kể lại. “Trước đó gần như em không quan tâm và đặt câu hỏi về những gì xảy ra trong quá khứ, chỉ biết là ba mẹ mình đã sống trong chiến tranh và chịu cảnh đói nghèo.” Trân bắt đầu hỏi cha mẹ nhiều hơn, và cô được biết bên ngoại có người “theo ngụy”, cũng có người định vượt biên nhưng rồi không đi, có người đi và không về nữa, có người đã đến được Mỹ và xây dựng cuộc sống mới.

Lịch sử đã đi tìm Trân và bắt đầu tự ghép lại chính nó trong cuộc sống của cô, như cô chia sẻ là như "Hansel và Gretel đi theo những mẩu vụn bánh mì tìm về nhà - nhà ở đây là những mảng kí ức vỡ vụn từ nhiều người trong gia đình, mỗi người một câu chuyện, một trải nghiệm, nhưng đều có một sợi dây xuyên suốt về mất mát – mất người thân, mất nhà, mất nước – một sợi đau buồn qua nhiều thế hệ đã được truyền lại cho em."

‘Còn rất xa mới có thể hòa giải’

Nguyễn Thành Minh Tâm dùng cả tiếng Anh và Việt để lắng nghe cách chiến tranh được “tạo hình” trong suốt quá trình lớn lên và khi làm nghiên cứu lịch sử nghệ thuật. Cậu ngờ vực khi nghĩ về hòa giải: “Chúng ta vẫn còn ở rất xa điểm có thể hòa giải, vì ngày 30/4 vẫn là thời điểm mà nỗi đau và sự thù hận bị nhầm lẫn với nhau từ tất cả tất cả các phía của cuộc chiến.”

Minh Tâm làm một so sánh về cách người trẻ ở tuổi của cậu nhìn ngày 30/4 với ngày 11/9 [ngày khủng bố tòa tháp đôi ở Mỹ]: “Đã 49 năm trôi qua từ khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc, và 22 năm sau cuộc khủng bố 11/9/2001. Với [cuộc chiến], nhiều chi tiết đã bị rơi rớt qua nhiều lượt kể chuyện, và trở thành bóng ma ẩn hiện, thì [cuộc khủng bố] vẫn còn rất rõ nét. Nhiều người trẻ Việt biết rành về 11/9 hơn hẳn, ví dụ như khi họ chế meme trên mạng về lịch sử.”

Sự đứt gãy cảm nhận về chiến tranh này khiến Minh Tâm quan ngại thông tin tràn ngập sẽ khiến người ta càng cảm thấy khó mà thấu hiểu được nỗi đau của người khác, nhưng lại rất tiện lợi cho những kẻ cần tuyên truyền và gieo ý tưởng vào đầu công chúng.

“Tôi vẫn giữ hi vọng đến ngày nào đó chúng ta sẽ có hòa giải thực sự. Nhưng bây giờ, những gì ta có thể làm là chữa lành vết thương chiến tranh ở nhiều không gian khác nhau, từ chính trị, nghệ thuật, nghiên cứu; nhiệm vụ này không hề dễ dàng.”


Nguồn hình ảnh, Getty Images
Cổng Dinh Độc Lập bị húc đổ vào ngày 30/4/1975

Họ hàng bên cha của Emily Nguyen đã định cư ở Mỹ sau chiến tranh, nhưng gia đình của mẹ vẫn ở Việt Nam. Emily nhớ lại cách cha mẹ nhìn cuộc chiến: “Mẹ tôi ghét cộng sản và những gì họ gây ra, nhưng tôi không hiểu lắm. Câu chuyện quen thuộc nhất với tôi là chiến tranh đầy sự chia rẽ, hủy hoại và cái giá phải trả là quá lớn. Ở trường, tôi được học là người Mỹ đã rất bất mãn với chiến tranh Việt Nam. Người Mỹ không ủng hộ sự can thiệp của Mỹ, và đây cũng là quan điểm gần với cách nhìn của tôi nhất.”

“Còn quan điểm của người Việt ở Việt Nam và người Mỹ gốc Việt thuộc thế hệ trước, cả hai quan điểm đều xứng đáng tồn tại. Đây không phải kiểu bên này đúng thì bên kia nhất định phải bị chối bỏ. Những cách nhìn này đến từ người có thể ở lại và người buộc phải ra đi. Ngay cả với thế hệ của tôi, chúng tôi phải lắng nghe để hiểu chính xác chiến tranh đã ảnh hưởng đến chính mình thế nào. Dù sao thì tất cả chúng ta đều là người Việt, ai cũng có một gia đình.”

Không quan tâm đến 30/4?

“Em không quan tâm đến việc ghi nhớ ngày 30/4, vì với cá nhân em thấy là dù ‘thắng’ hay ‘thua’, ai ở trong chiến tranh cũng thua, ai cũng mang trong mình nhiều tổn thương.” Trân Trần quan sát cách chiến tranh dịch chuyển trong cô sau nhiều năm đi học và trò chuyện với những người cô gặp.

“Người Việt ở Việt Nam, với cái danh của kẻ thắng cuộc, lại dễ bị bỏ quên những nỗi đau của mình, như mẹ em hay nói ‘không muốn nhắc đến nữa vì thời đó khổ quá’. Còn nếu có đau thương thì những mất mát đó lại được tuyên truyền như một thứ vỏ bọc vinh quang, hi sinh vì nước.”

“Còn người Mỹ gốc Việt mà em gặp lại khó quên được quá khứ đó, họ mắc kẹt trong cách suy nghĩ là ‘bên thua cuộc’ và mắc kẹt trong cách xã hội Mỹ nhìn họ.”

Trân tự nhận mình là đứa con của cha mẹ sinh ra từ chiến tranh. Cô nhìn sự hòa giải là “hiểu những tàn tích chiến tranh đang sống trong mình, truyền lại từ những thế hệ đi qua chiến tranh trước đó, nhìn từ những hạt giống tâm thức, như cảm giác bị bỏ rơi vì người thân ra đi, luôn sống dè xẻn lo cho sự sinh tồn. Em muốn học cách thấu hiểu những hạt giống này, nhìn nó với thật nhiều yêu thương và để chuyển hóa thành cảm xúc tích cực, như lòng biết ơn, học cách biết ơn với mọi người ở tất cả các bên trong cuộc chiến đó”.


Nguồn hình ảnh, Getty Images
Cảnh một gia đình thuyền nhân Việt Nam tại trại tị nạn Songkhla (miền nam Thái Lan) vào tháng 10/1981

Emily chia sẻ cách nhìn của Trân, cô nói: “Thế hệ trước khó mà tha thứ được vì họ mang theo ký ức phải bỏ nước ra đi và mất người thân yêu. Nhưng tôi sinh ra và lớn lên ở Mỹ, tôi chỉ có thể cố gắng tưởng tượng về mất mát khi phải từ bỏ gốc rễ quê nhà mình và mắc kẹt ở nơi xa lạ. Nhưng tôi khó mà có thể lấy sự căm hận đó làm của mình, vì đã rất nhiều năm trôi qua và rào cản ngôn ngữ không cho phép tôi tham dự vào những đối thoại như vậy với ông bà mình.”

“Nhưng tôi muốn hiểu hơn nữa về chiến tranh Việt Nam và những cảm xúc còn chờn vờn ở cả hai phe. Tôi muốn hiểu cha mẹ và biết họ nghĩ gì khi buộc phải tháo chạy khỏi quê hương, dù rằng tôi không biết đặt câu hỏi thế nào cả.” Emily kể cô luôn muốn được hỏi ông nội của cô, một giáo viên lịch sử: “Ông ơi, lịch sử mà ông từng dạy là gì? Khi nào ông biết mình phải ra đi? Chiến tranh đã lấy mất gì của ông; ông đã bỏ lại ai ở quê nhà?” Cô nói đó là những câu hỏi từ bé cô luôn thắc mắc nhưng không bao giờ hỏi được. Cô đã không còn nói tiếng Việt.

Trong một đợt tham dự nghiên cứu và sáng tác ở Thụy Sĩ đầu năm 2024, Minh Tâm được mời đến ăn ở một nhà hàng Việt Nam tại Morges. Cậu kể lại: “Tất cả nhân viên trong quán, từ chủ tiệm, đầu bếp, bồi bàn đều là người Việt tị nạn. Họ đã xây dựng một cộng đồng hải ngoại khắp nơi ở Thụy Sĩ, họ tự hào có thể giúp đỡ và hỗ trợ nhau khi xa quê hương. Lúc đó đã gần 30/4, nhưng không ai nói gì về nỗi đau hay sự tàn khốc của chiến tranh, mà họ chỉ buôn chuyện làm ăn, đời sống của người gốc Việt ở Morges.”

“Trong khoảnh khắc đó, tôi nhận ra họ đã rời xa bóng ma chiến tranh. Họ sống tiếp,” Tâm nhớ lại.

***

Bài viết của tác giả Khải Đơn, một nhà thơ, nhà văn Việt Nam.