24/04/2024 - VOA
Hình ảnh quảng bá của Campuchia về dự án kênh đào Phù Nam-Techo.
Các chuyên gia Việt Nam đưa ra những ước tính khác nhau rằng kênh đào Phù Nam-Techo sắp được thi công ở nước láng giềng Campuchia có thể làm giảm mất từ 30-50% lượng nước chảy vào Việt Nam, hai trang tin tức Thanh Niên và VnExpress dẫn thông tin từ một hội thảo cho hay hôm 23/4.
Như VOA đã đưa tin, Campuchia tuyên bố mở tuyến đường thủy nhân tạo dài 180 km, rộng 80-100 m, sâu 5,4 m, nối thủ đô Phnom Penh với tỉnh Kep, thông ra Vịnh Thái Lan, với vốn đầu tư của Trung Quốc, nhằm giảm lệ thuộc vào đường thủy và cảng biển của Việt Nam.
Dự án tốn 1,7 tỷ đô la này dự kiến sẽ khởi công cuối năm nay và đi vào hoạt động trong năm 2028.
Ủy ban sông Mekong Việt Nam tổ chức hội thảo ở thành phố Cần Thơ hôm 23/4 để bàn về kênh này, Thanh Niên và VnExpress tường thuật.
Thanh Niên trích dẫn một báo cáo của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam gửi Cục Thủy lợi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra đánh giá ban đầu rằng nếu Campuchia sử dụng kênh đào không chỉ cho giao thông đường thủy mà còn phục vụ đa mục tiêu phát triển nông nghiệp, công nghiệp dịch vụ và thương mại, ước tính sơ bộ lưu lượng nước khai thác có thể lên đến 150 m3/giây.
Con số đó đồng nghĩa là lưu lượng nước về sông Hậu bị mất đi 30% trong mùa kiệt. “Điều này có thể tác động nghiêm trọng đến tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”, Thanh Niên viết, dẫn lại bản báo cáo.
Ngược lại, báo cáo cho rằng nếu kênh chỉ đơn thuần dùng cho giao thông thủy và các cống âu được vận hành, nguy cơ tác động đến diễn biến dòng chảy về ĐBSCL là “không lớn”. Tuy nhiên, trong trường hợp bất lợi, nếu các cống âu được mở tự do, khả năng mất nước trong mùa kiệt chiếm khoảng trên dưới 2% lưu lượng về ĐBSCL.
Cũng tại hội thảo, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Giảng viên chính Khoa Môi trường và Tài nguyên, Đại học Cần Thơ, đưa ra ước tính về lượng nước bị kênh đào của Campuchia lấy đi có thể còn cao hơn, theo tường thuật của VnExpress.
Ts. Tuấn lưu ý rằng con kênh đào sẽ chảy qua vùng đất có khoảng 1,6 triệu dân sinh sống và đưa ra cảnh báo: "Nếu tính đầy đủ, thêm lượng nước phục vụ sinh hoạt và công nghiệp, đô thị từ dự án này, nước trên sông Tiền và sông Hậu - hai phân lưu của sông Mekong - về đến ĐBSCL có thể sẽ giảm khoảng 50%. Vào những năm khô hạn, sự thiếu hụt nước sẽ trầm trọng hơn".
VnExpress trích dẫn ông Tuấn đưa ra dự báo u ám rằng mực nước các nhánh sông suy giảm và khả năng xâm nhập mặn sâu hơn có thể ảnh hưởng tới “hơn nửa diện tích canh tác vùng châu thổ Cửu Long trong tương lai vào mùa khô và trong các giai đoạn triều cường”.
Giảng viên này của Đại học Cần Thơ cũng báo động rằng Chương trình một triệu ha lúa chất lượng cao của chính phủ Việt Nam có thể bị ảnh hưởng do nguồn nước thiếu hụt, ngoài ra, tình trạng thiếu nước ngọt ở ĐBSCL sẽ tác động đến hàng chục dự án ứng phó biến đổi khí hậu và xóa đói giảm nghèo đã và đang triển khai.
“Một bộ phận người dân đã thoát nghèo có nguy cơ tái nghèo và có thể gia tăng lượng di cư khỏi đồng bằng”, ông nói trong bản tin của VnExpress.
Ts. Tuấn nêu đề xuất rằng trước mắt Ủy ban sông Mekong Việt Nam cần “đề nghị Campuchia tạm dừng dự án này thêm một thời gian để có những nghiên cứu, đối thoại sâu hơn với sự hợp tác của các chuyên gia".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét