26.4.2024 - BBC
Ông Vương Đình Huệ (bìa trái) đã được Đảng Cộng sản Việt Nam cho thôi chức
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã được Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý cho thôi chức. Quyết định chấn động này vừa được đưa ra trong cuộc họp bất thường vào hôm nay (26/4).
Theo đó, ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, đã được Đảng đồng ý cho thôi tất cả các chức vụ về mặt đảng và nhà nước.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đồng ý cho Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, Chủ tịch Quốc hội khóa 15, nhiệm kỳ 2021-2026.
Theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, ông Vương Đình Huệ đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Thông báo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng sau cuộc họp ngày 26/4 đăng trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ nêu rõ: “Đồng chí Vương Đình Huệ là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, được đào tạo cơ bản, trưởng thành từ cơ sở; được phân công giữ nhiều chức vụ lãnh đạo quan trọng của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, theo báo cáo của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, Đồng chí đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Những vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Vương Đình Huệ đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân Đồng chí. Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, Đồng chí đã có Đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công và nghỉ công tác.
"Căn cứ quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và xem xét nguyện vọng của đồng chí Vương Đình Huệ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để đồng chí Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.”
Thông báo không cho biết ông Huệ “chịu trách nhiệm người đứng đầu” do sai phạm nào và của ai.
Tuy nhiên, mới đây, vào ngày 21/4, ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý của của ông Huệ, đã bị bắt, khởi tố về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” có liên quan đến vụ án tại Tập đoàn Thuận An.
Khoảng một tháng trước, cựu Chủ Tịch nước Võ Văn Thưởng cũng đã bị miễn nhiệm. Khi đó, ông Huệ là một trong số ít ủy viên Bộ Chính trị đủ tiêu chuẩn theo Quy định 214-QĐ/TW cho vị trí chủ tịch nước kế nhiệm.
Nhưng hơn một tháng sau đó, ông Huệ cũng “nối gót" ông Thưởng khi “xin thôi" các chức vụ. Bộ Chính trị khóa 13 đầu khóa có 18 người, nay thêm sự ra đi của ông Huệ, con số này chỉ còn 13.
Trước đó, BBC đã đưa tin về việc có khả năng ông Vương Đình Huệ mất chức theo Quy định 41 của Bộ Chính trị.
Ông Vương Đình Huệ từng là một ứng cử viên sáng giá cho vị trí chủ tịch nước sau khi ông Võ Văn Thưởng từ chức
Nguyên nhân từ chức?
Việc ông Phạm Thái Hà, trợ lý thân cận của ông Huệ bị bắt, khởi tố có thể là một trong những nguyên nhân khiến ông Huệ phải “xin thôi".
Tới đây, cùng mối quan hệ giữa ông Huệ và ông Hà - người được cho là thân tín của ông Huệ.
Trước khi làm trợ lý cho ông Vương Đình Huệ tại Quốc hội, ông Phạm Thái Hà từng theo ông Huệ qua nhiều cơ quan.
Theo thông tin của VOV, trong thời gian ông Vương Đình Huệ làm Tổng kiểm toán Nhà nước từ năm 2006 đến 2011, ông Phạm Thái Hà đã là trợ lý của ông.
Sau đó, khi ông Huệ trải qua các chức vụ quan trọng như Bộ trưởng Tài chính giai đoạn 2011-2012, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương giai đoạn 2012-2016, Phó Thủ tướng giai đoạn 2016-2020, ông Phạm Thái Hà vẫn là người trợ lý thân cận của ông Huệ.
Kể cả khi ông Vương Đình Huệ chuyển sang làm Bí thư Thành ủy Hà Nội (2020-2021), ông Phạm Thái Hà vẫn theo chân ông.
Tháng 4/2021, ông Huệ trở thành Chủ tịch Quốc hội, một trong “Tứ Trụ” của Việt Nam, ông Hà cũng chuyển sang làm trợ lý Chủ tịch Quốc hội.
Và chỉ sau đó hơn một năm, vào tháng 5/2022, ông Phạm Thái Hà chính thức được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Như vậy, mối quan hệ gần gũi giữa ông Vương Đình Huệ và ông Phạm Thái Hà là rất rõ ràng và chính thức, chứ không phải là chuyện nhận định hay đồn thổi..
Ông Vương Đình Huệ và ông Phạm Thái Hà có mối quan hệ gần gũi trong nhiều năm
Nếu chiếu theo Quy định số 41-QĐ/TW năm 2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, ông Vương Đình Huệ có thể đã bị xử lý do những sai phạm của ông Phạm Thái Hà.
Điều 7 của quy định này nêu rõ:
1. Miễn nhiệm đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng.
2. Người đứng đầu lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực thì tuỳ tính chất, mức độ sai phạm để xem xét cho từ chức.
3. Cho từ chức đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng.
Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, phân tích với BBC rằng, về bản chất, tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” mà ông Hà bị khởi tố thuộc nhóm các tội tham nhũng.
"Do đó, căn cứ vào Khoản 1 Điều 7 Quy định 41-QĐ/TW ngày 3/11/2021 của Bộ Chính Trị là miễn nhiệm đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng, thì đủ điều kiện để xem xét miễn nhiệm đối với ông Vương Đình Huệ," luật sư đánh giá.
- Những dấu hiệu lạ sau vụ bắt ông Phạm Thái Hà, trợ lý của ông Vương Đình Huệ - 25 tháng 4 năm 2024
- Quy định 41 của Bộ Chính trị giúp cán bộ cấp cao 'hạ cánh an toàn'? - 25 tháng 4 năm 2024
- Trợ lý Phạm Thái Hà bị bắt, ông Vương Đình Huệ có 'chịu trách nhiệm người đứng đầu'? - 23 tháng 4 năm 2024
Theo Luật sư Phùng Thanh Sơn, ngay cả khi cho rằng tội danh mà ông Hà bị khởi tố không phải là tội danh thuộc nhóm các tội danh tham nhũng thì cũng đủ điều kiện để xem xét miễn nhiệm đối với ông Vương Đình Huệ.
Bởi lẽ, Khoản 1 Điều 7 này không quy định phải xảy ra đồng thời tham nhũng và tiêu cực rất nghiêm trọng thì mới bị xem xét miễn nhiệm.
Tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” có khung hình phạt lên đến mức chung thân, được xếp vào nhóm “đặc biệt nghiêm trọng”, theo Luật sư Sơn.
Như vậy, có khả năng, ông Huệ đã thôi chức khi chịu trách nhiệm người đứng đầu vì sai phạm của cấp dưới là ông Phạm Thái Hà.
Những tiền lệ ‘chịu trách nhiệm người đứng đầu'
Trước ông Vương Đình Huệ, đã có hàng loạt cán bộ cấp cao ở Việt Nam xin thôi chức với lý do "trách nhiệm người đứng đầu".
Ngày 20/3, ông Võ Văn Thưởng đã xin thôi giữ các chức vụ trong đảng và nhà nước vì đã có "những vi phạm, khuyết điểm gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân ông".
Đầu năm nay, ngày 31/1/2024, ông Trần Tuấn Anh đã bị cho thôi các chức vụ ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Tháng 1/2023, ông Nguyễn Xuân Phúc, người tiền nhiệm của ông Thưởng, đã phải thôi chức khi "chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có 2 đồng chí phó thủ tướng, 3 bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng".
Hai phó thủ tướng nói trên là ông Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam.
Trong một bài viết trên trang VOV có nhan đề Từ chức, miễn nhiệm theo Quy định 41: Giá trị của đạo làm quan, tên của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và hai Phó Thủ tướng là Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam đã được nêu ra làm ví dụ.
Trước ông Vương Đình Huệ, đã có bốn ủy viên Bộ Chính trị của khóa hiện tại, gồm (từ trái qua) Phạm Bình Minh, Trần Tuấn Anh, Võ Văn Thưởng, Nguyễn Xuân Phúc mất chức. Có thể những người này đã bị miễn nhiệm theo Quy định 41.
Với trường hợp ông Phạm Bình Minh, vào tháng 9/2022, cựu trợ lý của ông Minh là ông Nguyễn Quang Linh đã bị cơ quan an ninh điều tra khởi tố, bắt giam về tội nhận hối lộ hơn 4,2 tỷ đồng trong đại án “chuyến bay giải cứu”.
Ông Nguyễn Quang Linh được bổ nhiệm làm trợ lý cho Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh gần 10 năm, từ ngày 31/12/2013 cho đến khi bị bắt. Vào tháng 4/2023, ông Linh đã bị tuyên 7 năm tù.
Thời điểm truy tố và tuyên án ông Nguyễn Quang Linh xảy ra sau thời điểm ông Phạm Bình Minh bị miễn nhiệm (1/2023).
Tuy nhiên, ngay sau khi ông Linh bị khởi tố, bắt tạm giam với tội danh “Nhận hối lộ”, là một trong tội phạm thuộc về nhóm tội tham nhũng, thì về mặt Đảng, đã có thể đưa vấn đề trách nhiệm người đứng đầu ra xem xét rồi.
Do đó, lãnh đạo trực tiếp của ông Linh là Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh có thể đã bị xem xét kỷ luật theo Khoản 3 Điều 7 của Quy định 41, dù Đảng Cộng sản Việt Nam chưa từng công bố rõ ràng điều này.
Từ các phân tích trên, có thể thấy thực chất thì trước ông Vương Đình Huệ, đã có bốn ủy viên Bộ Chính trị của khóa hiện tại gồm Võ Văn Thưởng, Trần Tuấn Anh, Nguyễn Xuân Phúc và Phạm Bình Minh bị miễn nhiệm theo Quy định 41, dù thông báo của Trung ương Đảng không đề cập đến Quy định này.
Sự nghiệp ông Vương Đình Huệ
Ông Vương Đình Huệ sinh năm 1957 tại xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Ông là Ủy viên Bộ Chính trị khóa 12, 13 và là Chủ tịch Quốc hội khóa 15 từ ngày 20/7/2021.
Ông có học hàm, học vị giáo sư, tiến sĩ kinh tế, từng là nghiên cứu sinh tại Đại học Kinh tế Bratislava, Cộng hòa Slovakia.
Ông từng là giảng viên, rồi phó trưởng khoa, trưởng khoa Kế toán, rồi phó hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính-Kế toán Hà Nội.
Từ năm 2001 đến 2013, ông Huệ đảm nhận các chức vụ: Phó Tổng Kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng Tài chính.
Ông Huệ là Trưởng Ban Kinh tế Trung ương giai đoạn 2012 - 2016.
Tại Đại hội Đảng 12 vào tháng 1 năm 2016, ông được bầu vào Bộ Chính trị, nhóm các nhân vật quyền lực nhất của Việt Nam.
Sau đó, vào tháng 4/2016 ông Vương Đình Huệ trở thành Phó Thủ tướng Chính phủ dưới thời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Tháng 2/2020, sau khi ông Hoàng Trung Hải bị kỷ luật, Bộ Chính trị đã đưa ông Huệ về làm Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Tại Đại hội Đảng 13, ông Huệ tiếp tục vào Ban chấp hành Trung ương khóa 13 và Bộ Chính trị.
Tới ngày 31/3/2021, ông Vương Đình Huệ chính thức trở thành Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia thay bà Nguyễn Thị Kim Ngân.
Hồi năm 2011, khi ông Huệ trở thành Bộ trưởng Tài chính, một số tờ báo tại Việt Nam đã kể câu chuyện rằng: Thuở nhỏ, những lần đèn cạn dầu, ông Huệ từng bắt đom đóm bỏ vào quả cà rỗng để học bài.
Báo chí cũng từng viết câu chuyện tương tự về ông Trần Đại Quang khi ông này làm chủ tịch nước.
Nói đến ông Vương Đình Huệ, công chúng còn nhớ câu nói lúc còn làm Bộ trưởng Tài chính khi phê bình báo Sài Gòn Tiếp Thị rằng: “Vì sao báo tiếp thị mà lại đi viết chuyện chính trị?”
Chuyến công du cuối cùng
Hoạt động nổi bật gần đây của ông Huệ là chuyến công du kéo dài năm ngày tới Trung Quốc, từ ngày 7/4 tới ngày 12/4.
Do chuyến thăm diễn ra chỉ khoảng nửa tháng sau khi ông Võ Văn Thưởng bị miễn nhiệm chức vụ chủ tịch nước và Việt Nam bị đánh giá là “bất ổn chính trị”, chuyến đi của ông Huệ đã trở thành tâm điểm chú ý.
Về chuyến đi này, báo chí Việt Nam và Trung Quốc đã có cách tường thuật khác biệt.
Theo Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), ông Huệ khẳng định “Việt Nam kiên quyết thực hiện chính sách ‘Một Trung Quốc’, tin rằng Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc và kiên quyết phản đối mọi hình thức của các hoạt động ly khai ‘Đài Loan độc lập’.”
CCTV còn dẫn lời ông Huệ rằng “vấn đề Hong Kong, Tân Cương và Tây Tạng cũng là vấn đề nội bộ của Trung Quốc và Trung Quốc chắc chắn sẽ duy trì ổn định và thịnh vượng dài lâu”.
Trong khi đó, cổng thông tin điện tử của Chính phủ Việt Nam chỉ thuật lại chỗ này bằng một câu ngắn gọn rằng ông Vương Đình Huệ khẳng định Việt Nam nhất quán thực hiện chính sách “Một Trung Quốc”.
Các trang báo chính thống tại Việt Nam cũng có nội dung đồng nhất như vậy, có thể hiểu là đã có một sự “quán triệt” về cách đưa tin.
Đây không phải là lần đầu tiên cách truyền thông của nhà nước Trung Quốc và Việt Nam có độ vênh rõ rệt về ngôn ngữ.
Ông Phạm Thái Hà đã tháp tùng ông Vương Đình Huệ trong chuyến công du trên. Sau khi về Việt Nam, ông Phạm Thái Hà đã bị “công an hỏi thăm”, trước khi thông tin ông bị khởi tố được công bố vào ngày 22/4.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét