25 tháng 4 2024

Những dấu hiệu lạ sau vụ bắt ông Phạm Thái Hà, trợ lý của ông Vương Đình Huệ

25.4.2024 - BBC

Trang Thông tin Chính phủ trên Facebook đột ngột biến mất trong hai ngày 24 và 25/4. Cổng thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam đang trong tình trạng bảo trì vào chiều 25/4 giữa những đồn đoán về thay đổi nhân sự cấp cao.

Lịch làm việc mới được cập nhật của một ủy viên Trung ương Đảng cho thấy người này sẽ đi công tác vào ngày 26/4 tại Hà Nội.

Hơn một tháng trước, vào ngày 20/3, Trung ương Đảng đã họp bất thường để quyết định cho ông Võ Văn Thưởng thôi chức chủ tịch nước. Cuộc họp này không hề được thông báo ra bên ngoài. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, BBC News Tiếng Việt đã dựa vào lịch họp của một số quan chức cấp tỉnh và cấp bộ là ủy viên Trung ương Đảng để xác định vào buổi chiều hôm đó, tại trụ sở Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ có cuộc họp.

Đúng như thông tin mà chúng tôi đã đưa, Trung ương Đảng đã họp vào buổi chiều 20/3 và đồng ý cho ông Thưởng “thôi chức”.

Giờ đây, sau vụ bắt giữ ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, trách nhiệm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã được đặt ra.

Trong bài viết trước, BBC News Tiếng Việt đã chỉ rõ quy định của Đảng Cộng sản Việt Nam (Quy định 41-QĐ/TW 2021) về việc lãnh đạo phải từ chức hoặc bị miễn nhiệm trong trường hợp để xảy ra sai phạm, tiêu cực trong cơ quan do mình lãnh đạo.

Nhắc lại, vào ngày 22/4, Bộ Công an thông báo đã khởi tố, bắt giam ông Phạm Thái Hà về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" theo quy định tại Khoản 4, Điều 358, Bộ Luật Hình sự.

Ông Phạm Thái Hà là nhân vật thân cận với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, là nhân viên thuộc quyền quản lý của ông Vương Đình Huệ tại Quốc hội, nên việc đặt ra trách nhiệm của ông Huệ là cần thiết và đúng với quy định của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chuyển biến lạ trên mạng

Trang Thông tin Chính phủ trên Facebook đột nhiên biến mất khỏi nền tảng này từ ngày 24/4.

Tới ngày 25/4, Cổng thông tin Điện tử Quốc hội thông báo đang bảo trì, không thể cập nhật. Vào cuối buổi chiều, một phần trang này đã được khôi phục, nhưng hoạt động không ổn định.

Về lịch làm việc của cán bộ là ủy viên Trung ương Đảng, chúng tôi nhận thấy ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư tỉnh ủy Hậu Giang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (BCHTW), có lịch "đi công tác tại Hà Nội" vào thứ Sáu ngày 26/4/2024.

Cụ thể, lịch làm việc trên Cổng thông tin Tỉnh ủy Hậu Giang và Cổng thông tin UBND tỉnh Hậu Giang ở mục ngày 26/4 có ghi:

"Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đi công tác Hà Nội."

Tháng 3 vừa rồi, BCHTW cũng có cuộc họp bất thường để miễn nhiệm Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vào ngày 20/3, Cổng thông tin Tỉnh ủy Hậu Giang cũng thông báo lịch làm việc:

"Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy dự Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Điểm tại Trụ sở Trung ương Đảng, số 1 Hùng Vương, Ba Đình Hà Nội."

Lúc bấy giờ, sau khi BBC đưa tin về việc Trung ương Đảng họp bất thường, Cổng thông tin của chính quyền tỉnh Hậu Giang đã chỉnh sửa nội dung thành "Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đi công tác Hà Nội".

Giờ đây, việc ông Nghiêm Xuân Thành có lịch công tác tại Hà Nội vào ngày 26/4 cũng đang làm dấy lên nhận định Trung ương Đảng sẽ có cuộc họp bất thường vào ngày này.


Lịch làm việc ngày 20/3 của Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang được chỉnh sửa sau khi BBC đưa tin về BCHTW có hội nghị bất thường


Lịch làm việc của Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang vào ngày 26/4 có sự tương đồng với ngày 20/3 khi Trung ương Đảng có hội nghị bất thường

Hồi tháng 3, Cổng thông tin điện tử Ủy ban Dân tộc từng đăng lịch làm việc cho thấy Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Hầu A Lềnh (ủy viên Trung ương Đảng) và Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr (ủy viên dự khuyết) có lịch dự hội nghị Trung ương Đảng, trùng với lịch của ông Nghiêm Xuân Thành.

Tuy nhiên, vào chiều 24/4, khi BBC vào lại trang này thì gặp được thông báo về việc "bảo vệ bí mật Nhà nước" nên "dừng cập nhật Lịch công tác của Lãnh đạo Ủy ban trên Cổng thông tin điện tử". Chủ trương này bắt đầu triển khai từ tuần làm việc 14 (từ ngày 1/4/2024).

Với lý do "bảo vệ bí mật Nhà nước" như vậy, người dân khó có thể tiếp cận những thông tin về lịch làm việc vốn dĩ nên công khai.

Hình thức hoạt động của BCHTW là hội nghị. Các hội nghị được tổ chức theo chương trình toàn khóa này và ngoài ra còn có chương trình hằng năm do Bộ Chính trị triệu tập.

Thông thường, BCHTW họp trực tiếp định kỳ 6 tháng một lần.

Lần gần nhất Trung ương Đảng có cuộc họp bất thường là vào ngày 20/3 để cho ý kiến về việc cho thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác đối với ông Võ Văn Thưởng.

Kết quả, ông Thưởng “chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.” Trung ương Đảng đã đồng ý để ông Võ Văn Thưởng thôi giữ các chức vụ trong Đảng và Nhà nước.

Sau khi ông Thưởng từ chức, Bộ Chính trị khóa 13 chỉ còn 14 người, trong khi đầu khóa, con số này là 18.

Việc BCHTW có thể sắp họp bất thường cho thấy khả năng nhân sự Đảng có biến chuyển.

Vì sao Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bị nêu tên?

Ông Vương Đình Huệ là Ủy viên Bộ Chính trị khóa 13, Chủ tịch Quốc hội khóa 15 (nhiệm kỳ 2021-2026).

Trợ lý thân cận của ông Vương Đình Huệ là ông Phạm Thái Hà vừa bị khởi tố, bắt giam về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" liên quan đến vụ án Thuận An.

Theo báo chí, ông Phạm Thái Hà "đã trải qua nhiều cương vị công tác với thời gian dài gắn bó, tham mưu, phục vụ Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại các cơ quan Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài chính, Ban Kinh tế Trung ương, Chính phủ, Thành ủy Hà Nội và Quốc hội."

Nghĩa là khi ông Huệ đảm nhận chức vụ Tổng kiểm toán Nhà nước từ năm 2006 đến 2011, ông Phạm Thái Hà đã là trợ lý của ông Huệ.

Sau đó, khi ông Huệ trải qua các chức vụ quan trọng như Bộ trưởng Tài chính giai đoạn 2011-2012, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương giai đoạn 2012-2016, Phó Thủ tướng giai đoạn 2016-2020, ông Phạm Thái Hà vẫn là người trợ lý thân cận của ông Huệ.

Kể cả khi ông Vương Đình Huệ chuyển sang làm Bí thư Thành ủy Hà Nội (2020-2021), ông Phạm Thái Hà vẫn theo chân ông.

Đến tháng 4/2021, ông Huệ trở thành Chủ tịch Quốc hội, một trong “Tứ Trụ” của Việt Nam. Ông Hà tiếp tục theo làm trợ lý Chủ tịch Quốc hội, trước khi được bổ nhiệm thêm chức Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội vào năm 2022.

Như vậy, có thể nói trong quá trình công tác nhiều năm, ông Vương Đình Huệ và ông Phạm Thái Hà luôn như hình với bóng.

Giờ đây, khi ông Hà vướng vào lao lý, câu hỏi về "trách nhiệm người đứng đầu" cần được đặt ra.


Khi ông Phạm Thái Hà bị bắt, ông Vương Đình Huệ bị đặt câu hỏi về "chịu trách nhiệm người đứng đầu"

Điều 7, Quy định 41-QĐ/TW 2021 ghi:

1. Miễn nhiệm đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng.

2. Người đứng đầu lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực thì tuỳ tính chất, mức độ sai phạm để xem xét cho từ chức.

3. Cho từ chức đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng.

Tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" mà ông Phạm Thái Hà là tội danh thuộc nhóm các tội tham nhũng và thuộc loại tội phạm "đặc biệt nghiêm trọng" khi có khung hình phạt lên đến mức chung thân.

Như vậy, theo quy định, ông Vương Đình Huệ sẽ phải "chịu trách nhiệm người đứng đầu" khi để cấp dưới của mình là ông Phạm Thái Hà xảy ra tiêu cực nghiêm trọng.

Hồi tháng 1/2023, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã phải "chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có 2 đồng chí phó thủ tướng, 3 bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng; 2 phó thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ, 2 bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự".

Hai phó thủ tướng nói trên là ông Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam. Trong đó, ông Minh cũng là Ủy viên Bộ Chính trị khóa 13.


Từ trái qua: các ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 Phạm Bình Minh, Trần Tuấn Anh, Võ Văn Thưởng, Nguyễn Xuân Phúc

Tháng 1/2023, Phó Thủ tướng, Ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 ông Phạm Bình Minh đã bị miễn nhiệm các chức vụ.

Đáng lưu ý, vào tháng 9/2022, cựu trợ lý của ông Phạm Bình Minh - ông Nguyễn Quang Linh - bị cơ quan an ninh điều tra khởi tố, bắt giam về tội nhận hối lộ hơn 4,2 tỷ đồng trong đại án “chuyến bay giải cứu”.

Ông Nguyễn Quang Linh được bổ nhiệm làm trợ lý cho Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh gần 10 năm, từ ngày 31/12/2013 cho đến khi bị bắt. Vào tháng 4/2023, ông Linh đã bị tuyên 7 năm tù.

Trong cuộc họp báo của Quốc hội ngày 9/1/2023, báo Thanh Niên đã đặt câu hỏi:

"Vậy có thể xem ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam từ chức hay không? Quy định 41 về từ chức, miễn nhiệm quy định nhiều căn cứ từ chức, vậy các ông Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam từ chức vì lý do gì?"

Trả lời, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho hay các quyết định đều dựa trên quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy trình được tuân thủ theo đúng quy định pháp luật. Ông Nguyễn Tuấn Anh nói thêm rằng Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm các ông Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam là dựa trên cơ sở nguyện vọng cá nhân.

Câu trả lời chính thức vẫn không rõ ràng, nhưng có thể hiểu ông Phạm Bình Minh cũng bị miễn nhiệm theo Quy định 41 dù không rõ là theo điều nào, khoản nào.

Đầu năm nay, một ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 là ông Trần Tuấn Anh cũng phải "chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để xảy ra nhiều vi phạm tại Bộ Công Thương, nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, bị xử lý hình sự, xử lý kỷ luật Đảng, hành chính".

Như vậy, khi xâu chuỗi những thông tin trên, có thể thấy có bốn ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 gồm Võ Văn Thưởng, Nguyễn Xuân Phúc và Phạm Bình Minh và Trần Tuấn Anh "xin thôi" chức và được "miễn nhiệm" theo Quy định 41.


Ông Vương Đình Huệ từng được coi là ứng cử viên cho vị trí chủ tịch nước

Ủy viên Bộ Chính trị là những nhân vật quyền lực nhất trong Đảng, việc những ủy viên này "xin thôi" có thể thấy Đảng đã cho phép những người này "hạ cánh an toàn", tức không chịu bất kỳ hình thức kỷ luật Đảng dù là khiển trách, cảnh cáo, cách chức hay khai trừ.

Quan trọng hơn, những người này cũng tránh được việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thời điểm ông Thưởng "xin thôi", Tiến sĩ khoa học chính trị Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu viên khách mời thuộc Viện ISEAS (Singapore), lý giải với BBC rằng, tất cả những ngôn ngữ nói về sai phạm của ông Thưởng, hay trước đó là ông Phúc, đều chung chung, mơ hồ.

"Việc không đưa ra sai phạm ở đâu, vị trí nào là để tránh việc khi đưa ra thông tin ấy, thì người gắn liền với thông tin ấy không chỉ chịu xử lý về mặt Đảng mà còn về hình sự. Nó sẽ khiến cho Đảng rơi vào tình thế rất lưỡng nan: đã là lãnh đạo cấp cao, tới cấp 'Tứ Trụ', mà bị xử lý thì ảnh hưởng rất nhiều uy tín của Đảng," ông Giang nhận xét.

Theo Quy định 214 Đảng, ông Vương Đình Huệ là một trong những người có đủ điều kiện cho vị trí chủ tịch nước, bên cạnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Công an Tô Lâm và Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai. Ông Huệ cũng từng là người được đánh giá có tiềm năng trở thành tổng bí thư.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét