Thứ Hai, 04/22/2024 - 16:39 — Gió Bấc
Suy cho cùng thì mỗi kỳ đại hội đảng giống như cuộc luận kiếm trong chuyện chưởng Kim Dung. Các cao thủ dù là đồng môn hay khác phải cũng phải lấy hết sức bình sinh thỉ triển tuyệt học võ công loại trừ nhau để tranh ngôi minh chủ,
Tuy nhiên, lần này luận kiếm diễn ra khá sớm. Trước đại hội từ một hai năm, cái lò chống tham nhũng cháy rừng rực đốt cả củi tươi, cổ thụ. Ngày 13-5-2023, tiếp xúc cử tri Đông Anh, Hà Nội trả lời về xử lý cán bộ tham nhũng, người đốt lò vĩ đại đã mở ra bước ngoặt mới cho các đối tượng đã bị lộ hoặc sa cơ thất thế được rời sàn đấu an toàn đồng thời kích hoạt công cuộc thanh trừng.
"Khuyến khích là thôi. Nếu đã vi phạm rồi, thấy tay nhúng chàm rồi tốt nhất là xin thôi. Thế là nhẹ nhàng, nhân văn nhất. Ta đã xử rồi. Lúc đầu có người xuyên tạc bảo phe nọ, cánh kia đánh nhau, nhưng càng ngày càng thấy đó là nhân văn, nhân ái, nhân tình, mở đường cho mà tiến bộ, đâu phải cứ cốt xử cho thật nặng". Ông Trọng còn nhấn mạnh thêm: "Anh nào địa phương không làm được thì xử lý, thay anh ấy đi. Đã không xứng đáng thì thôi từ chức đi. Đó là nhân đạo, nhân ái, nhân tình. Gần đây, rất nhiều trường hợp thế rồi và đang còn nữa, các đồng chí cứ chờ xem. Nếu địa phương không làm được, trên này T.Ư làm hộ". (1)
Chỉ trong vòng mấy tháng, đã có 4/18 đại cao thủ của Bộ Chính Trị phải ngậm ngùi rời khỏi đấu trường. Phạm Bình Minh, Nguyễn Xuân Phúc, Trần Tuấn Anh dù vị trí hiện nay có khác nhau nhưng đều có điểm chung là ứng cử viên sáng giá của tứ trụ trong đại hội 14. Cả bốn đều rời sàn đấu bằng con đường tự nguyện xin từ chức theo cánh cửa khoan hồng, nhân văn của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng.
Công khai trên hệ thống tuyên truyền của đảng, bốn đại cao thủ này đều tự xin gác kiếm vì “trách nhiệm người đứng đầu” để cấp dưới làm sai.
Với Nguyễn Xuân Phúc là “chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có 2 phó thủ tướng, 3 bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng; 2 phó thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ, 2 bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự” (2)
Với Trần Tuấn Anh là “chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều tổ chức Đảng, đảng viên cấp dưới vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, bị xử lý kỷ luật, có trường hợp bị xử lý hình sự.” (3)
Với Võ Văn Thưởng là: “vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.”(4)
Nói mất chức vì trách nhiệm người đứng đầu chẳng qua chỉ là cái cớ, cái bình phong che chắn, lớp hóa chất tẩy rửa cho bàn tay nhúng chàm. Vì nếu thật sự chỉ vì cấp dưới sai phạm người đứng đầu xứng đáng phải từ chức hơn ai hết phải là Nguyễn Phú Trọng. Từ trước đến nay chưa có Tổng Bí Thư nào mới hơn nửa nhiệm kỳ đã có hơn 20 Ủy Viên Trung Ương, 4 Ủy Viên Bộ Chính Trị đương nhiệm phải mất chức, thậm chí nhiều người phải vào tù.
Về quy trình, tất cả bốn trường hợp trên đều theo kịch bản chung: từ kết luận, đề xuất của Ủy Ban Kiểm Tra, Ban Chấp Hành Trung Ương họp bất thường ra quyết định. Thế nhưng có một sự thật, sau mỗi đại cao thủ này đều có bang hội, cái vòi bạch tuộc tham nhũng, bóc lột xương máu người dân đến tận xương tủy, giá trị tài sản chiếm đoạt hàng ngàn tỉ. Sau lưng Phúc là Việt Á. Sau lưng Phạm Bình Minh là chuyến bay giải cứu. Sau lưng Trần Tuấn Anh là tập đoàn tham nhũng ở Bộ Công Thương, Điện Lực, Xăng Dầu. Sau lưng Võ Văn Thưởng là tập đoàn Phúc Sơn.
Cái Ủy Ban Kiểm Tra sang trọng ngồi duyệt xét, kết luận, báo cáo đề nghị Trung ương kỷ luật những củi gộc này cũng chỉ là một cấp thẩm quyền theo thủ tục đánh giá lại hồ sơ đánh án của công an. Cả bốn thanh củi trên đều gục ngã bởi tuyệt kỹ công phu “Tô Nhất Chỉ”của Tô Đại Tướng. Yếu quyết của công phu này là đánh sập doanh nghiệp sân sau, tóm gáy chân rết trung gian thân tín. Dù là cổ thụ bị chặt hết rễ, cành cũng phải cúi đầu quy phục. “Tô Nhất Chỉ” sức mạnh vô song như Cửu Dương Thần Công và Nhất Dương Chỉ của Vương Trùng Dương, Đoàn Dự, bốn đại cao thủ đều quy phục không dám phản đòn.
Ấy vậy mà trong cuộc chiến mới đây, “Tô Nhất Chỉ” đã xuất chiêu nhưng va phải “Nghệ Vương Công” và trong thế bất phân thắng bại.
Tin đồn về cuộc chiến Tô Đại Tướng cưa ghế Huệ Vương lan tràn trên mạng xã hội như sấm động trời nam. Cả báo chí quốc tế cũng xa gần lưu ý. Diễn biến đã qua cho thấy: tin đồn từ chuyện khởi tố tập đoàn Thuận An sân sau, bắt giam đệ ruột Phạm Thái Hà … hầu hết đều đúng và đi trước tin chính thống của lề đảng hàng tuần hàng tháng. Thế nhưng tin đồn và dự đoán kết quả thì con lùng nhùng. Lúc cho rằng Huệ Vương đã buông gươm, khi thông tin Huệ Vương không nhân tội và “yêu cầu làm rõ, có hay không một thế lực lộng quyền, tiếm quyền trong đảng, âm mưu hạ bệ ông, thao túng chính trường”. Quả bóng đang còn trong chân của Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương. Phải lập đoàn kiểm tra trong vòng 60 ngày để kết luận báo cáo Bộ Chính Trị.
Phối kiểm lại các thông tin chính thống của đảng, có thể thấy Huệ Vương thật sự chưa thúc thủ. Với bốn đại cao thủ trước đây, khi đàn em thân tín được công bố đã bắt giam, hầu hết đều im tiếng rời khỏi chính trường. Huệ Vương hoàn toàn ngược lại. Dư luận cho rằng Phạm Thái Hà (thư lý xuyên suốt cho Huệ Vương từ thời làm kiểm toán, Bộ Tài Chính, Thành Ủy Hà Nội và hiện nay), bị bắt từ ngày 15-4. Đánh chó không kiêng chủ nhà, không nêu chức danh chung chung như các ông Thư Ký khác bị bắt, ngày 22-4 báo chí công bố thông tin của tướng Tô Ân Xô nêu đích danh “Bắt ông Phạm Thái Hà, phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, trợ lý Chủ tịch Quốc hội” như lời đe dọa. (5)
Hơn ai hết Huệ Vương biết những điều này. Thế nhưng chiều cùng ngày, trên báo chí Huệ Vương vẫn bản lĩnh vững vàng dự họp Thường Vụ Quốc Hội góp ý dự Luật Địa chất và Khoáng sản. (6)
Sự bình tĩnh, tự tin đối đầu với cơ quan điều tra không chỉ thể hiện ở Huệ Vương mà còn cả ở chân rết cấp dưới. Sau khi khởi tố vụ án ở tập đoàn Thuận An, cơ quan điều tra C03 có văn bản yêu cầu một số địa phương báo cáo thông tin về các dự án của Thuận An đang thi công tại địa phương, trong đó có tỉnh ĐăkLăk. Một lãnh đạo của tỉnh này đã hiên ngang trả lời báo chí. "Sau khi Bộ Công an có văn bản, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo đơn vị sự nghiệp của tỉnh là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và Nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cung cấp hồ sơ theo yêu cầu. Còn báo cáo thế nào là việc của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và Nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk và Bộ GTVT. Tỉnh Đắk Lắk không có văn bản nào". (7)
Cần nhớ rằng Bí thư Đắk Lắk tiền nhiệm là ông “tiến sĩ chân vịt” Bùi Văn Cường nổi tiếng, hiện là Tổng Thư Ký Quốc Hội, cánh tay phải của Huệ Vương. Nếu không có sự chống lưng này thì bố bảo ông lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk cũng không dám trả lời ngang ngạnh như vậy.
Những tình tiết ấy cho thấy Huệ Vương chưa dễ dàng thúc thủ. Công phu “Nghệ Vương Công” có thể cầm cự “Tô Nhất Chỉ” trong vòng 60 ngày mà còn có thể đảo ngược thế cờ.
“Nghệ Vương Công” là gì? Ai cũng biết Huệ Vương phát tích và cầm đầu phe cánh Nghệ An đang có 14 Uỷ viên Trung ương đảng, 4 Uỷ viên Bộ Chính trị tại khóa 13. Nếu liên kết với Hà Tỉnh và một số địa phương, các đại cao thủ còn lại, Bộ Chính Trị sẽ là thành trì vững chắc bảo vệ Huệ Vương.
Theo quy trình của đảng, nếu Huệ Vương không tự buông gươm, quần hùng sẽ xử lý bằng bỏ phiếu. Yếu tố phe cánh, thế lực, tiền bạc trong bỏ phiếu cực kỳ quan trọng. Nguyễn Phú Trọng từng thất bại trong xử lý đồng chí X thậm chí cả tiểu tốt như Tất Thành Cang cũng không thể khai trừ. Vì vậy, dù kết luận kiểm tra có khách quan, Tô Đại Tướng vẫn chưa chắc thắng.
Để buộc Huệ Vương quy hàng, e rằng không thể chỉ dùng mỗi chiêu “Tô Nhất Chỉ” với cường độ nhẹ nhàng này. Tướng Nguyễn Việt Thành phải mất nhiều tháng trời mất ngủ, phải đưa Hải Bánh về Tiền Giang chăm sóc mới lấy đươc lời khai giết Dung Hà. Tô Đại Tướng sẽ phải dùng binh lực để quy phục thêm cao thủ. Không tạo phe bằng tiền thì phải tạo bằng quyền. Sẽ có nhiều doanh nghiệp sân sau lên thớt. Người ta đã nghe điểm danh một số tên tuổi lẫy lừng. 60 ngày sắp tới đấu trường sẽ có thêm nhiều diễn biến bất ngờ.
Ngoài ra, Huệ Vương còn có ân sủng vừa triều kiến Tập Hoàng, được ban cho nụ cười tươi hiếm có. Không rõ vô tình hay hữu ý, ngay trong lúc đấu trường đang bất phân thắng bại, Bộ Trưởng Tư Pháp Trung Quốc đến thăm Việt Nam gặp cả Thủ Tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Nội chính Phan Đình Trạc và cả Tô Lâm, đây cũng là biến số đầy bí ẩn. Đương nhiên tác động, sự lựa chọn của Tập Đế hoàn toàn không vì lợi ích của người dân Việt.
Yếu tố quan trọng khác là sức khỏe, niềm tin của người đốt lò. Đã thật sự muốn truyền ngôi Minh Chủ hay vẫn muốn là ứng viên giấu mặt?
Nói theo nhà thơ Nguyễn Duy, trong cuộc luận kiếm này dù Tô Nhất Chỉ hay Nghệ Vương Công chiến thắng thì nhân dân đều thất bại. Mục tiêu của họ vẫn chỉ là ngôi Minh Chủ, đặc quyền đặc lợi cho cá nhân, phe nhóm.Tài nguyên đất nước, nhân lực, chủ quyền quốc gia sẽ bị vắt kiệt trong thể chế hỗn mang này.
4-https://vnexpress.net/trung-uong-dong-y-ong-vo-van-thuong-thoi-chuc-chu-tich-nuoc-4722542.html
5-https://tuoitre.vn/bat-ong-pham-thai-ha-pho-chu-nhiem-van-phong-quoc-hoi...
8-https://tuoitre.vn/chu-tich-quoc-hoi-vuong-dinh-hue-gop-y-du-luat-dia-ch...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét