24/04/2024 Trần Đông A - VOA
Kênh Truyền hình Nhân dân ngày 20/4/2024 xuất hiện một clip với tựa đề: ‘Kiểm soát quyền lực, ngăn chặn vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ’. Clip này nhắc tới các sai phạm của Lê Thanh Hải tại khu Thủ Thiêm. (Hình: Trích xuất từ kênh YouTube "Đảng với Dân".
Phát biểu của ông Lê Thanh Hải trong tiếp xúc cử tri ngay từ năm 2019 từng làm cho nhiều người dân bức xúc, vì nó trái với thực tế diễn ra mà người dân Thủ Thiêm là nạn nhân…
Trả lời phỏng vấn báo Thanh Niên hôm 27/6/2019 về các sai phạm của Ủy ban Nhân dân TP.Hồ Chí Minh khi thực hiện dự án Thủ Thiêm, cựu bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải nói: ‘Giờ tôi hưu rồi, có làm được gì mà trả lời’ (1). Lời chống chế ấy của ông Hải, theo giới quan sát, chỉ tác dụng trì hoãn được thời gian ‘khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét’. Từ năm 2021, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận thanh tra số 757 về việc chuyển đổi nhà đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TP.HCM có nhiều sai phạm. Đáng nói, phần lớn số nhà đất này đã về tay Tập đoàn Vạn Thịnh Phát từ nhiều năm trước (2). Mối liên đới giữa Lê Thanh Hải với Trương Mỹ Lan, người sáng lập Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, lại rộ lên ở Việt Nam những ngày này. Quan hệ làm ăn giữa Lê Thanh Hải với bà trùm Trương Mỹ Lan được báo chí nước ngoài từ cách đây nhiều năm đề cập khá trực tiếp. The Daily Guardian viết ngày 22/10/2022: ‘Việc bắt giữ nữ Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát… một lần nữa khiến mối liên hệ giữa Trung Quốc với các trùm kinh doanh ở Việt Nam bị chú ý’ (3).
Cũng chính vì một phần có yếu tố nước ngoài (chồng bà Lan là Chu Nap Kee Eric – Chu Lập Cơ là người Hong Kong, Trung Quốc) nên toàn bộ các mối liên hệ mờ ám giữa Hai Nhật với Mỹ Lan được ‘chìm xuồng’ khá lâu. Nay tuy vụ án Vạn Thịnh Phát dù tạm coi là đã xử xong, nhưng đó vẫn là một ‘sự bẽ bàng’ cho Việt Nam, vì vẫn còn khá nhiều khuất tất. Điều khuất tất nhất là cho tới nay, chưa có một chính trị gia hay quan chức cấp cao nào đứng đầu ở địa phương (TP.HCM) hay Trung ương phải chịu trách nhiệm cho vụ bê bối này. Sai phạm đã diễn ra hơn mười mấy năm trời, có nghĩa là nhiều quan chức các cấp có thể đã dính dáng hoặc phải chịu trách nhiệm (4). Cách đây 5 năm, Đài VOA cũng từng có phóng sự ‘Vòng vây ngày càng siết chặt quanh Lê Thanh Hải?’ Lúc bấy giờ, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng còn là nhà quan sát tự do từ Sài Gòn đã cảnh báo sớm việc ông Lê Thanh Hải sắp bị ‘sờ gáy’. Đặc biệt lời cảnh báo nhằm vào việc Hai Nhật có sự ưu ái rất rõ ràng đối với Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Nhưng ngoài liên hệ với Vạn Thịnh Phát, nhà báo Phạm Chí Dũng còn dẫn chứng ‘dấu hiệu rõ ràng nhất’ về chiếc thòng lọng đang siết chặt đối với Lê Thanh Hải là bản báo cáo kết luận của Thanh tra Chính phủ về Thủ Thiêm mà trong đó lần đầu tiên nêu lên con số 26.300 tỷ đồng yêu cầu Thành phố Hồ Chí Minh phải hoàn trả ngân sách trung ương (5).
Trong 15 năm vừa là Chủ tịch UBND vừa là Bí thư Thành ủy, ông Lê Thanh Hải đã có hàng loạt chỉ đạo làm cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm hoàn toàn ‘biến dạng’. Ngay từ tháng 1/2020, báo chí Việt Nam đã từng đánh động: ‘Cựu Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Hải nhiệm kỳ 2001– 2006, được xem là ‘người khởi nguồn’ cho những sai phạm nghiêm trọng trong quá trình triển khai thực hiện dự án khu Đô thị mới Thủ Thiêm, đặc biệt là đã chỉ đạo ‘xé nát’ 160 ha đất tái định cư của người dân bị giải tỏa’ (6). Ngay sau đó, Ủy ban Kiểm tra trung ương trong họp kỳ 42 (diễn ra từ 3 – 8/1/2020) đã kết luận, Ban Thường vụ Thành ủy và Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện dự án đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế – xã hội và đời sống của một bộ phận nhân dân Thành phố, gây bức xúc trong xã hội. Kết luận cũng chỉ rõ, đồng chí Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy phải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy (7).
Bốn năm sau ‘cáo trạng’ trên, mãi tới những ngày này, Đảng lại gọi tên ông! Trên kênh Truyền hình Nhân dân ngày 20/4/2024 xuất hiện một clip với tựa đề: ‘Kiểm soát quyền lực, ngăn chặn vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ’. Clip này nhắc tới các sai phạm của Lê Thanh Hải và nhiều vị từng là ‘tai to mặt lớn’ khác (8). Liệu ông và các ‘đồng chí’ còn có thể ngụy biện, mình làm theo đường lối? Sau thời gian đất nước hội nhập, nhận thức của chính quyền, từ trung ương đến địa phương, về nguồn lực quốc gia và ưu thế thể chế, đã dẫn đến sự thay đổi căn bản trong chính sách pháp luật về đất đai. Đúng như phân tích của Luật sư Ngô Ngọc Trai, theo đó, tất cả các vấn đề khác chỉ là phụ, việc thu hồi đất trở thành vấn đề trọng tâm, được quan tâm nhất, và trở thành vấn đề nóng bỏng nhất trong đời sống xã hội. Luật đất đai năm 2003 sử dụng đến 72 lần từ ‘thu hồi đất’, phát triển nhảy vọt từ 11 lần được sử dụng ở Luật đất đai năm 1993. Nhưng nó vẫn thua xa so với Luật đất đai năm 2013 sử dụng đến 167 lần thuật ngữ ‘thu hồi đất’. Tần suất mức độ sử dụng thuật ngữ này cho thấy tính quan trọng và tầm ảnh hưởng chi phối của vấn đề trong toàn bộ văn bản pháp luật về đất đai (9).
Giờ đây có ai dám đứng ra làm giảm nhẹ tội trạng ‘ba năm rõ mười’ của Lê Thanh Hải? Bởi vì, thời còn là lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh, Lê Thanh Hải đều lợi dụng kẻ hở của Luật đất đai, và luôn kiếm được một Nghị quyết phê duyệt của tổ chức Đảng cấp trên, đi kèm theo Quyết định ‘thu hồi đất’ mỗi lần thực hiện cưỡng chế đất đai. Lần này nếu Đảng ‘thí xe’, liệu ông có dám gia nhập vào hàng ngàn hộ dân oan Thủ Thiêm bị tha hương ngay trên mảnh đất ‘chôn nhau cắt rốn’ để đi kêu oan? Với những lời chống chế thượng dẫn, liệu Lê Thanh Hải có thể trở thành một loại ‘dân oan đặc biệt’, ra tận Ba Đình đi khiếu kiện tập thể? Mà ‘tập thể’ của ông đâu còn ai nữa? Ban Thường vụ Thành ủy hầu như đã vào tù gần hết, kể cả người phó trung thành và tận tụy của ông. Cuối 2022, cựu Phó Bí thư Tất Thành Cang đã phải chấp nhận 14 năm 6 tháng tù mà không dám kháng cáo. Còn ông, suốt 5 năm 55 ngày, với cương vị Chủ tịch UBND TP.HCM, ông đã từng cố tình sai phạm trong Dự án quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm. Cố tình tiếp tục dấn sâu vào tội ác trong thời gian ‘lên ngôi’ Bí thư Thành ủy kéo dài 9 năm 222 ngày. Tại vị gần 15 năm trời, Đảng đã ‘biệt đãi’ ông đủ thời gian để phá nát ‘thành Hồ’ (10). Sau những rón rén cả chục năm trời, giờ này liệu TBT Nguyễn Phú Trọng sẽ dám đưa ra ‘phán quyết cuối cùng’?
Từ sai phạm trong việc ‘xé nát’ 160 ha đất tái định cư của người dân bị giải tỏa ở Thủ Thiêm đến lời cảnh báo chống lưng cho Trương Mỹ Lan tham ô ‘một triệu tỷ VND’… một phần từ các ‘cáo trạng’ ấy đã được nêu rõ trên hệ thống truyền thông của Đảng. Liệu Đại tướng Tô Lâm đang tính toán những gì với Lê Thanh Hải và mối quan hệ với ‘các đồng chí’ đã cố ý bao che trong suốt cả thời gian dài đối với các vụ án khủng ở Việt Nam? Sự đời này có vay có trả! Lỗ Tấn, ‘thánh nhân số một’ của Trung Quốc có lần từng phán, ‘xã hội… là một bữa tiệc ăn thịt người, ông Vua béo và anh hành khất gầy cũng chỉ là những món nhậu khác nhau trên cùng bàn tiệc của lũ giòi bọ… Kẻ bị ăn thịt hôm nay cũng từng đã ăn thịt người khác và kẻ hôm nay đang chén thịt ấy rồi sẽ bị người khác ăn tươi nuốt sống’ (11). Chỉ mong rằng, sau khi Đảng gọi ông, thì tên ông đừng trở thành tên đất nước! Xứ Đông Lào này sẽ đến lúc người dân được chọn những ‘người đầy tớ’ xứng đáng với nghĩa của từ này!
Tham khảo:
(1) https://thanhnien.vn/ong-le-thanh-hai-tu-choi-noi-ve-du-an-thu-thiem-gio-toi-huu-roi-185862202.htm
(3) https://thedailyguardian.com/arrest-of-vietnamese-businesswoman-reveals-shady-links-with-china/
(4) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cd10e5e937do
(5) https://www.voatiengviet.com/a/vong-vay-ngay-cang-siet-chat-quanh-le-thanh-hai-/5004769.html
(8) https://nhandantv.vn/kiem-soat-quyen-luc-ngan-chan-vi-pham-nguyen-tac-tap-trung-dan-chu-d249013.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét