29/04/2024 - VOA
Thông báo truy nã của Bộ Công an Việt Nam đối với Chủ tịch AIC nguyễn thị Thanh Nhàn đề ngày 10/5/2022.
Bộ Công an vừa đề nghị truy tố thêm tội danh đối với Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn, hiện đang bị Việt Nam truy nã, và cáo buộc bà đã thông đồng với lãnh đạo công ty Việt Á trong vụ án liên quan đến đấu thầu mua sắm thiết bị cho 12 phòng thí nghiệm ở TPHCM, theo truyền thông trong nước.
Ghi nhận của VietNamNet và Thanh Niên hôm 27/4 cho biết Cơ quan Cảnh sát Điều tra của Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án vi phạm quy định đấu thầu, đưa nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ khi thi hành công vụ xảy ra tại Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và Trung tâm Công nghệ sinh học (CNSH) TPHCM của nhà nước Việt Nam.
Trong vụ án này, Cục Cảnh sát kinh tế (C03) của Bộ Công an đề nghị truy tố bà Nhàn, người đã bị xét xử vắng mặt trong 2 vụ án trước với mức án tổng cộng lên đến hàng chục năm tù, cùng 13 người khác, trong đó có nhiều lãnh đạo của AIC và các quan chức nhà nước.
Kết luận điều tra được Thanh Niên trích dẫn cho biết Trung tâm CNSH được phê duyệt kế hoạch chọn nhà thầu cung cấp thiết bị dự án trị giá khoảng 424 tỷ đồng vào năm 2014. Bà Nhàn, theo kết luận, đã đề nghị và được Giám đốc Trung tâm CNSH Dương Hoa Xô đồng ý cho AIC tham gia cũng như tạo điều kiện để công ty này trúng thầu.
Vẫn theo kết luận của Công an, cũng được VietNamNet trích dẫn, bà Nhàn đồng ý cho Công ty Cổ phần Việt Á, do ông Phan Quốc Việt là tổng giám đốc, cùng một công ty y dược phẩm khác lập nhóm “quân xanh” tham gia đấu thầu.
Kết luận nói rằng do đã thông đồng với bà Nhàn, ông Xô thuê công ty định giá các thiết bị cần mua ở mức 169 tỷ đồng, trong khi dự kiến ban đầu là 149 tỷ đồng, theo Thanh Niên. Các bị can bị cáo buộc đã thông thầu trong nhiều gói thầu của 3 giai đoạn của dự án. Cơ quan điều tra xác định ông Xô đã làm sai quy định, gây thiệt hại hơn 94 tỷ đồng tại 8 gói thầu và nhận hối lộ 6 lần với tổng số tiền là hơn 14 tỷ đồng từ AIC.
Trong quá trình điều tra, theo Thanh Niên, ông Việt khai rằng ông đưa công ty của ông tham gia vào liên danh với AIC và chỉ đạo cấp dưới tìm cách xây dựng hồ sơ mời thầu theo hướng có lợi cho cả nhóm. Tuy nhiên, ông Việt – người đã bị tuyên 54 năm tù trong hai vụ án trước đây liên quan đến vụ thổi phồng giá kit xét nghiệm của Việt Á – không bị xử hình sự trong vụ án này.
Trong 2 vụ án trước đây được xét xử vào năm ngoái, bà Nhàn, người được cho là một “nhân vật quan trọng” trong việc thúc đẩy và môi giới các hợp đồng mua bán vũ khí giữa Israel và Việt Nam, đã bị kết án tổng cộng 30 năm tù vì những tội vi phạm quy định đấu thầu và đưa hối lộ liên quan đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh. Cũng trong năm 2023, bà Nhàn bị khởi tố về tội vi phạm quy định đấu thầu trong vụ án xảy ra tại Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.
Vụ án tham nhũng mà bà Nhàn, hiện đang sinh sống ở Đức theo như tiết lộ của báo Taz, bị xét xử ở Quảng Ninh, xảy ra trong thời gian ông Phạm Minh Chính giữ chức Bí thư Tỉnh ủy của tỉnh.
Theo quan sát của VOA tiếng Việt, tới nay, bà Nhàn chưa có tuyên bố công khai nào về các cáo buộc đối với bà. Bộ Công an đưa ra lệnh truy nã quốc tế đối với bà từ ngày 10/5/2022.
Việc đề nghị truy tố thêm tội danh đối với bà Nhàn của bộ Công an, do ông Tô Lâm lãnh đạo, được đưa ra trong bối cảnh cuộc chiến chống tham nhũng tiếp tục mở rộng.
Sau khi Bộ Công an bắt các lãnh đạo bị cáo buộc “vi phạm về quy định đấu thầu” và “đưa nhận hối lộ” tại các tập đoàn xây dựng Phúc Sơn và Thuận An, hai lãnh đạo trong “tứ trụ” của Việt Nam đã phải xin thôi chức giữa nhiệm kỳ.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đều xin thôi chức trong vòng chỉ hơn 1 tháng qua vì cùng “vi phạm những điều Đảng viên không được làm.”
Ông Thưởng bị miễn nhiệm chức vụ sau khi Bộ Công an khởi tố vụ án Phúc Sơn và ông Huệ xin thôi chức sau khi trợ lý của ông, Phạm Thái Hà, bị bắt giữ để điều tra liên quan đến vụ Thuận An.
Ông Nguyễn Xuân Phúc, người tiền nhiệm của ông Thưởng, cũng bị cho thôi chức giữa nhiệm kỳ vì trách nhiệm đối với những sai phạm của cấp dưới vào đầu năm ngoái. Hai phó thủ tướng, Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam, trước đó cũng bị buộc phải từ nhiệm vì trách nhiệm liên quan đến các đại án tham nhũng xảy ra trong thời gian đại dịch.
Chiến dịch chống tham nhũng, do Tổng bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng phát động, đã đưa nhiều quan chức, gồm cả Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng, vào tù nhưng cũng bị giới quan sát và báo chí nước ngoài cho là cuộc đấu đá giành quyền lực trong nội bộ Đảng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét