08 tháng 4 2024

Sạn chữ (kỳ 4): Từ một câu văn sai ngữ pháp – 'Ai là người ăn xin?'

3.04.2024 - Thái Hạo

ThaiHao-02-3

Trong hình là ảnh chụp bài viết có tên “Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: 350.000 tỉ đồng chấn hưng văn hóa vẫn là con số rất ít” đăng trên trang vanvn của Hội Nhà văn Việt Nam, có link gốc thuộc Báo Tuổi Trẻ. Câu văn được đóng khung đỏ là một câu sai ngữ pháp, dẫn đến những cách hiểu khác nhau, mơ hồ và không thể rối rắm hơn.

“Tôi nghĩ Nhà nước sẽ đầu tư hợp lý, chính xác cho văn hóa”, ông Thiều nêu và chia sẻ thêm từ khi làm chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã trở thành “người ăn xin… đầy kiên nhẫn, đầy cảm hứng”. Cái được “nêu và chia sẻ thêm” là nội dung ở trước hay sau cụm từ này? Nếu cái “chia sẻ thêm” ấy là ở trước [“Tôi nghĩ Nhà nước sẽ đầu tư hợp lý, chính xác cho văn hóa”] thì nội dung phía sau nó trở thành vô lý. Vì thực tế ông chỉ “chia sẻ thêm” ngay trong bài “phát biểu tại buổi gặp mặt giữa Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước với trí thức, nhà khoa học, văn nghệ xuân Giáp Thìn 2024”, chứ không thể có cái “chia sẻ thêm” nào từ khi “làm chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam”, vì nó là một khoảng thời gian quá dài, và vì thế không ai “chia sẻ” liên tục không ngừng nghỉ suốt hàng nhiều năm trời như thế cả.

Còn nếu cái “chia sẻ thêm” này là nội dung thuộc phần phía sau nó thì ai là “người ăn xin… đầy kiên nhẫn, đầy cảm hứng”, ông Thiều hay Hội Nhà văn Việt Nam? 

“từ khi làm chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã trở thành “người ăn xin… đầy kiên nhẫn, đầy cảm hứng”, viết thế này thì có buộc phải hiểu rằng chính ông Thiều đã làm cho Hội Nhà văn Việt Nam “trở thành “người ăn xin… đầy kiên nhẫn, đầy cảm hứng” hay không? Chiếu vào thực tế thì có vẻ không đúng, vì người đó, nếu có, phải là người tiền nhiệm của ông, nhà thơ Hữu Thỉnh, với câu nói nổi tiếng “Nhà nước vẫn nuôi anh em chúng ta”. Hay, cái “chia sẻ thêm” này của ông Thiều là chia sẻ chỉ từ lúc ông làm Chủ tịch Hội Nhà văn – cái hội “đã trở thành “người ăn xin… đầy kiên nhẫn, đầy cảm hứng” [còn trước đó, khi chưa làm Chủ tịch thì ông không có cái “chia sẻ thêm” này]? Nhưng ý này cũng vô lý không kém, như đã chỉ ra ở trên.

Viết một câu văn mà người đọc phải đoán mò ý tác giả để rồi rốt cuộc cũng không biết là phải hiểu thế nào cho đúng, thì đó là một hạt sạn quá lớn.

Tôi thử sửa lại câu trên, về mặt ngữ pháp thôi, theo các cách khác nhau để có được những câu văn gãy gọn và rõ nghĩa. Riêng ý của tác giả bài báo thì có thể là 1 trong các câu đó:

- “Tôi nghĩ Nhà nước sẽ đầu tư hợp lý, chính xác cho văn hóa”, ông Thiều nêu và chia sẻ thêm, từ khi ông làm chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – cái hội đã trở thành “người ăn xin… đầy kiên nhẫn, đầy cảm hứng”.

- “Tôi nghĩ Nhà nước sẽ đầu tư hợp lý, chính xác cho văn hóa”, ông Thiều nêu và chia sẻ thêm với tư cách chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cái hội đã trở thành “người ăn xin… đầy kiên nhẫn, đầy cảm hứng”.

- “Tôi nghĩ Nhà nước sẽ đầu tư hợp lý, chính xác cho văn hóa”, ông Thiều nêu và chia sẻ thêm từ khi làm cho Hội Nhà văn Việt Nam trở thành “người ăn xin… đầy kiên nhẫn, đầy cảm hứng”.

- “Tôi nghĩ Nhà nước sẽ đầu tư hợp lý, chính xác cho văn hóa”, đó là điều ông Thiều nêu và chia sẻ thêm về Hội Nhà văn Việt Nam, cái hội đã trở thành “người ăn xin… đầy kiên nhẫn, đầy cảm hứng”.

- “Tôi nghĩ Nhà nước sẽ đầu tư hợp lý, chính xác cho văn hóa”. Ông Thiều nêu và chia sẻ thêm rằng từ khi ông làm chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam thì Hội đã trở thành “người ăn xin… đầy kiên nhẫn, đầy cảm hứng”.

...

P/S: Câu văn liền trước câu trong khung đỏ này cũng mắc một lỗi ngữ pháp nghiêm trọng, làm cho ý nghĩa của câu trở nên trái ngược hẳn với điều mà tác giả bài báo muốn diễn tả. Xin dành cho các bạn tự phân tích.

*Đọc bài đầy đủ trên vanvn: https://vanvn.vn/nha-tho-nguyen-quang-thieu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét