22/04/2024 Trân Văn - VOA
Ông Phạm Thái Hà lúc còn là Phó Chủ Nhiệm Văn Phòng Quốc Hội. Hình chụp ngày 21 tháng Hai, 2024. (Hình: Quochoi.vn)
Cuối cùng, Bộ Công an Việt Nam cũng xác nhận tin... đồn ông Phạm Thái Hà - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội kiêm trợ lý ông Vương Đình Huệ (Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội) là chính xác!
Theo Bộ Công an, trong quá trình điều tra sai phạm xảy ra tại Công ty Thuận An, họ phát giác ông Hà có dấu hiệu phạm tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” [1].
Thuận An là doanh nghiệp tư nhân được thành lập vào năm 2004. Trong mười năm đầu tiên, Thuận An chỉ là một doanh nghiệp bình thường, đến 2014 mới xin tăng vốn điều lệ lên 300 tỉ (hơn 75 lần so với ban đầu) và bắt đầu lột xác vì liên tục thắng các gói thầu liên quan đến phát triển hạ tầng giao thông (cầu, đường) trên toàn quốc (Hà Nội, TP.HCM, Ninh Thuận, Bắc Giang, Quảng Nam, Cần Thơ, Thái Nguyên, Bình Dương, An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Hà Giang, Tuyên Quang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Lạng Sơn...) với giá trị càng ngày càng lớn (từ vài trăm tỉ đến hàng ngàn tỉ). Trong năm năm vừa qua, Thuận An tranh 51 gói thầu, thắng 39/51, trong đó có bốn gói thầu đang chờ kết quả. Tổng giá trị các gói thầu đã thắng được ước đoán hơn 22.000 tỉ [2].
Song song với quá trình lột xác, Thuận An liên tục xin điều chỉnh vốn điều lệ, tăng từ 300 tỉ đồng lên 500 tỉ đồng, rồi 800 tỉ đồng nhưng không công bố cơ cấu cổ đông và bắt đầu vói tay sang nhiều lĩnh vực khác (du lịch, bất động sản,...).
Đầu tuần trước, Bộ Công an Việt Nam công bố quyết định khởi tố ba nhân vật chủ chốt của Thuận An là ông Nguyễn Duy Hưng (Chủ tịch HĐQT), ông Trần Anh Quang (Tổng giám đốc), ông Nguyễn Khắc Mẫn (Phó Tổng giám đốc) và loan báo đã tạm giam cả ba để điều tra vì có dấu hiệu “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “đưa hối lộ”. Ngoài ba ông này còn có ba viên chức làm việc trong Ban Quản lý các dự án của tỉnh Bắc Giang bị tống giam để điều tra vì “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “nhận hối lộ”. Ông Phạm Thái Hà là viên chức thứ tư bị bắt trong vụ án này. Căn cứ vào tội danh mà Bộ Công an Việt Nam áp vào ông Hà, dường như ông Hà là nhân vật sắp đặt việc tổ chức thầu, dự thầu và chọn thầu!
***
Thuận An chỉ là một tập trong bộ phim nhiều tập do đảng CSVN viết kịch bản, tổ chức sản xuất và dàn dựng để thực hiện kinh tế thị trường theo “định hướng XHCN”. Trước Thuận An là Phúc Sơn.
Giống như Thuận An, Phúc Sơn cũng được thành lập vào năm 2004 và trong mười năm đầu cũng chỉ là một doanh nghiệp tư nhân bình thường. Sau đó Phúc Sơn xin tăng vốn điều lệ từ 100 tỉ lên 2000 tỉ, thậm chí 4000 tỉ và kể từ đó, cơ cấu cổ đông trở thành ẩn số!
Phúc Sơn liên tục giành được các gói thầu có giá trị cực lớn tại Vĩnh Phúc (nơi đặt trụ sở), ở Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Nội, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Khánh Hòa,... Ngoài việc được chọn để phát triển hạ tầng giao thông, Phúc Sơn còn được chọn để thực hiện các dự án phát triển đô thị từ Bắc vào Nam. Đa số công trình, dự án đã giao cho Phúc Sơn đều dở dang bởi nếu không phải Phúc Sơn thì cũng là chính quyền các địa phương vi phạm qui định pháp luật trong chỉ định thầu, giao đất. Tại Vĩnh Phúc là Khu đô thị mới Tứ Trưng – Vĩnh Tường, Khu Trung tâm thương mại và nhà ở Phúc Sơn... Ở Quảng Ngãi là Khu đô thị công nghiệp Dung Quất, Khu đô thị Bàu Giang... Ở Khánh Hòa là việc nhận đất để thực hiện ba dự án về đường sá, nút giao thông...
Chỉ trong một thời gian ngắn, Phúc Sơn nhận được 21 dự án đủ loại, trị giá khoảng 41.000 tỉ đồng, kèm theo quỹ đất có diện tích cả trăm héc ta [3]. Tuy chưa có số liệu chính thức nhưng thiệt hại do Phúc Sơn gây ra được ước đoán phải hàng chục ngàn tỉ!
Ngoài năm nhân vật chủ chốt của Phúc Sơn (ông Nguyễn Văn Hậu – Chủ tịch HĐQT, ông Phạm Ngọc Cương – Phó Tổng giám đốc, bà Nguyễn Thị Hằng – Phó Tổng giám đốc, Đỗ Thị Mai – Kế toán trưởng,...) đã bị tạm giam để điều tra vì “vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, còn có hàng chục viên chức bị bắt vì “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, vì “lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi” và vì “nhận hối lộ”, trong đó có cả những cá nhân đang là hoặc đã từng là Bí thư tỉnh (bà Hoàng Thị Thúy Lan – Vĩnh Phúc, ông Lê Viết Chữ - Quảng Ngãi), Phó Bí thư kiêm Chủ tịch tỉnh (ông Lê Duy Thành – Vĩnh Phúc, ông Đặng Văn Minh – Quảng Ngãi),...
***
Một viên tướng công an phụ trách điều tra vụ án xảy ra tại Phúc Sơn bảo với công chúng, đại ý: Công an vừa khám phá một loại tội phạm mới. Theo đó Chủ tịch HĐQT Phúc Sơn đã dựa vào các mối quan hệ với người có quyền lực nhằm chi phối, lũng đoạn, “gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hệ thống chính trị ở cơ sở” và “làm xấu hình ảnh của đảng cũng như chính quyền nhân dân”. Tuyên bố như thế là... nói lấy được! Phúc Sơn chẳng có gì mới, Thuận An cũng vậy. Trong thực tế, khó mà đếm xuể những đại án do một số cá nhân tuy chỉ điều hành một số doanh nghiệp nhưng có thể “chi phối, lũng đoạn” toàn bộ hoạt động của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương, chứ chẳng phải chỉ cấp... “cơ sở”.
(còn tiếp)
Chú thích
[1] https://vnexpress.net/tro-ly-chu-tich-quoc-hoi-pham-thai-ha-bi-bat-4735613.html
[2] https://plo.vn/tap-doan-thuan-an-trung-thau-nhieu-du-an-giao-thong-lon-post785815.html
[4] https://hanoionline.vn/hau-phao-va-loat-can-bo-bi-khoi-to-230875.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét