31 tháng 5 2024

Thanh trừng chính trị: Vai trò giới hạn của Bộ Công an

Thứ Sáu, 05/31/2024 - 07:55 — blog nguyenanhtuan

Khi ba trong năm nhân vật quyền lực nhất chính trường Việt Nam, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ và Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai bị thanh trừng, mọi ánh mắt đều đổ dồn vào Bộ trưởng Công an Tô Lâm.

Có vài lý do cho điều này.

Đầu tiên, xét về tuổi tác, Bộ trưởng Công an Tô Lâm sẽ phải về hưu vào đầu năm 2026, khi Đại hội XIV khai mạc. Chiếm lấy một trong những chiếc ghế “tứ trụ” là điều kiện tiên quyết để ông có thể vượt qua giới hạn tuổi tác cho việc ở lại Trung ương một nhiệm kỳ nữa, chiếu theo đảng quy hiện hành. Quả thật, ít lâu sau những vụ thanh trừng vô tiền khoáng hậu, ông Tô Lâm đã được “đôn” lên làm Chủ tịch nước.

Một lý do khác, quan trọng hơn, là vai trò của Bộ Công an trong chiến dịch đốt lò mười năm qua. Dư luận tin rằng Bộ Công an, với độc quyền điều tra theo luật định, đã khống chế chiến dịch đốt lò. Theo đó, người đứng đầu Bộ Công an, Tô Lâm, đương nhiên trở thành thế lực nắm quyền sinh sát trong đảng. Giáo sư Abuza Zachary, một nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm, còn đưa ra cáo buộc cụ thể là Bộ trưởng Tô Lâm đang “vũ khí hóa” chiến dịch chống tham nhũng để nuôi tham vọng chính trị cá nhân.

Dư luận có xu hướng tin vào cáo buộc này bởi ấn tượng của họ về Bộ Công an trong đời sống thường nhật. Chưa bao giờ công chúng thấy thấy Bộ Công an nhiều quyền lực đến vậy. Với ngân sách tăng không ngừng, Bộ Công an không chỉ giới hạn mình trong các công tác trị an thông thường, mà còn dài tay chiếm giữ nhiều lãnh vực vốn thuộc cơ quan khác, tạo ra cảm giác rõ ràng của công chúng về một xã hội công an trị ở Việt Nam.

Vừa sợ vừa ghét, công chúng có xu hướng tin vào những cáo buộc tham vọng quyền lực cá nhân của bất kỳ ai đến từ Bộ Công an, dĩ nhiên là bao gồm cả người đứng đầu.

Tuy nhiên, liệu điều này có phản ánh đúng những gì xảy ra trên chính trường Việt Nam?

Đúng là ông Tô Lâm có thể ở lại thêm một nhiệm kỳ nữa khi ngồi một trong những ghế tứ trụ. Nhưng nếu thế thì ông đâu cần phải loại bỏ cùng lúc ba trong năm nhân vật quyền lực nhất. Chưa kể, ghế Chủ tịch nước gần mười năm nay mang cái dớp khiến bất kỳ ai ngồi vào cũng gặp điều không may, bao gồm cả tiền nhiệm Bộ trưởng Công an của ông là ông Trần Đại Quang, ông Tô Lâm không lẽ không mảy may cân nhắc? Cũng có thể như một số người nói, ông Tô Lâm chấp nhận ghế Chủ tịch nước để nhiệm kỳ tới có thể kế nhiệm ông Trọng làm Tổng Bí thư. Nhưng cơ sở nào cho thấy ông có thể trở thành Tổng Bí thư khi ông Trọng chưa tỏ ra bất kỳ ý định nào sẽ bước xuống? Nếu ông Trọng có ý định rời ghế Tổng Bí thư, vì sao ông lại quyết định tới đây sửa Điều lệ Đảng?

Ngộ nhận tiếp theo quan trọng hơn liên quan đến vai trò của Bộ Công an trong chiến dịch đốt lò.

Đúng là Bộ Công an đang hiện diện ngày một sâu rộng hơn trong đời sống xã hội thường nhật trong bối cảnh Đảng Cộng sản Việt Nam, học theo Đảng Cộng sản Trung Quốc, tăng cường xu hướng an ninh hóa nhằm ứng phó với những thách thức của bối cảnh quốc tế đang thay đổi. Cũng đúng là chưa bao giờ công an bắt bớ cán bộ nhiều như những năm gần đây.

Tuy nhiên, những vụ ông Thưởng, ông Huệ, bà Mai không phải là án tham nhũng thông thường mà là các vụ thanh trừng chính trị, là kết quả của những tranh chấp chính trị thượng tầng. Trong cuộc chơi này, Bộ Công an không hẳn đã có nhiều quyền lực như những gì công chúng hình dung.

Cụ thể, ngay từ trước khi thâu tóm quyền hành, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kéo từ Chính phủ về một cơ quan mà sau này trở thành vũ khí chiến lược của ông - Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng Chống Tham nhũng (Ban Chỉ đạo). Cơ quan này đóng vai trò như một tiểu tổ lãnh đạo (lingdao xiaozu) theo kiểu Tập Cận Bình, một cơ chế mà lãnh đạo hạt nhân dùng để điều phối và chỉ đạo một loạt các cơ quan đảng và chính quyền nhằm thực hiện một công tác nhất định. Tiểu tổ lãnh đạo giúp lãnh đạo hạt nhân vừa chỉ đạo được một loạt các cơ quan, vừa khiến các cơ quan giám sát chéo lẫn nhau, và quan trọng nhất là không phụ thuộc vào riêng một cơ quan nào đối với công tác quan trọng.

Chẳng hạn, trong chiến dịch đốt lò, thay vì phụ thuộc vào chỉ một cơ quan, như Bộ Công an, hoặc Ủy ban Kiểm tra Trung ương, hoặc Ban Nội chính Trung ương trong công tác chống tham nhũng tiêu cực, bằng cơ chế Ban Chỉ đạo, ông Trọng vừa có thể điều phối hoạt động giữa các cơ quan vừa để chúng giám sát lẫn nhau. Vừa đạt được mục tiêu “đốt lò”, mà không lo có anh “thợ lò” nào thành kiêu binh quay lại chiếm đoạt “cái lò” của mình, đó là lý do tồn tại của các tiểu tổ lãnh đạo.

Lưu ý là trong Ban Chỉ đạo của ông Trọng không chỉ có Bộ Công an, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ban Nội chính, mà còn gồm đại diện nhiều cơ quan khác. Với 8 Ủy viên Bộ Chính trị, và nguyên tắc làm việc nhấn mạnh sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và vai trò của Trưởng ban, thật khó để nói rằng một mình ông Tô Lâm, bất luận ở vị trí Bộ trưởng Công an hay Chủ tịch nước, có khả năng chi phối toàn bộ Ban Chỉ đạo.

Riêng cái được cho giúp tạo ra sức mạnh của Bộ Công an là độc quyền điều tra của cơ quan này cũng là điều cần xem xét lại. Trong mô hình Ban Chỉ đạo, báo cáo về sai phạm của một quan chức nào đó không nhất thiết chỉ đến từ Bộ Công an mà còn có thể từ các cơ quan riêng biệt nhau như Ủy ban Kiểm tra, Ban Nội chính, Ban Tổ chức, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, và còn có thể là Tổng Cục II - Bộ Quốc phòng. Với vai trò là cơ quan tố tụng theo luật định, Bộ Công an có thể được Ban Chỉ đạo “giao” một vụ việc phát xuất từ báo cáo, công khai hoặc bí mật, của một cơ quan khác, và rồi phải xuất hiện trước công chúng như thể đã khởi sự điều tra vụ việc đó, trong khi thực tế họ chỉ đang làm một vụ được “giao”.

Tóm lại, trong mô hình Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng Chống Tham nhũng, một bản sao của tiểu tổ lãnh đạo kiểu Tập Cận Bình ở Việt Nam, Bộ trưởng Công an chỉ là một thành viên, và vì thế không có khả năng chi phối Ban Chỉ đạo cũng như toàn bộ chiến dịch đốt lò. Người chủ lò quyền uy thực sự và nắm quyền sinh sát đồng chí trong tay vẫn là Đảng trưởng, tức Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Kêu Than Như Vô Can

31.5.2024 - Huy Đức

HuyDuc-01-12

Hôm trước, nghe Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói trên tivi tôi phải chạy vào coi có đúng ổng không. Từ 2008 - 2014, các bộ ngành Việt Nam đẻ thêm khoảng 7.000 giấy phép con và điều kiện kinh doanh. Nhưng, theo tôi, chỉ cần Bộ Kế hoạch Đầu tư bỏ Luật Quy Hoạch và Luật Đầu Tư là đã đủ để người Việt Nam "làm như vũ bão".

Trong thời đại ngày nay, chậm đầu tư vài tuần đã là có thể mất cơ hội, thế nhưng ở Việt Nam, chỉ riêng xin chủ trương, các nhà đầu tư đã có thể đợi hàng năm.

Nhà nước làm sao nhạy bén thị trường bằng doanh nhân mà lên quy hoạch với phê duyệt đầu tư. Thay vì quy hoạch nhà nước chỉ được đưa ra các nguyên tắc, ví dụ: Cấm làm nhà bám mặt tiền những con đường liên huyện, liên tỉnh; Cấm chuyển sang đất xây dựng ở những vùng "bờ xôi ruộng mật" nhằm đảm bảo an ninh lương thực; Câm công nghiệp gây ở nhiễm ở đầu nguồn nước, gần khu dân cư...

Tách bạch đất đai thành tài sản công, tài sản tư. Đất công, thì nhà nước đấu giá [kèm theo điều kiện sử dụng đất]. Đất tư thì để doanh nghiệp tự nhận chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng xong là "đầu tư". Nhà nước không thu hồi đất và giao đất, không cấp giấy phép xây dựng mà những công ty tư vấn thiết kế, giám sát đủ điều kiện hành nghề tự làm, chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ đầu tư.

Giảm bớt tối đa những ngành kinh doanh có điều kiện mà nhà nước có thể quản lý bằng một số thủ tục.

Chỉ có cải cách theo hướng này thì mới có thể giải phóng môi trường đầu tư, cắt giảm biên chế, tăng lương và ngăn chặn sự nhũng nhiễu của bộ máy.

PS: Chỉ nửa tiếng sau khi tôi post bài này, một nhà đầu tư trong ngành hàng không gửi cho tôi ý kiến sau đây:

LUẬT ĐẦU TƯ ĐEO GÔNG CHO HÀNG KHÔNG

Trước đây, để thành lập, xin giấy phép hàng không, doanh nghiệp chỉ phải thực hiện theo một luật là Luật Hàng không, do Bộ GTVT là cơ quan chủ trì và cấp giấy phép. Năm 2016 Luật Đầu tư sửa đổi đã đưa giấy phép hàng không thành đối tượng của Luật Đầu tư, mặc dù hãng hàng không không sử dụng tý tài nguyên đất đai nào.

Từ đó đến nay để thành lập hãng hàng không phải thực hiện theo 2 luật: đầu tiên theo Luật Đầu tư, rồi sau đó theo Luật Hàng không.

Cả 2 quy trình thủ tục đều phải lên đến tận Thủ tướng để được chấp thuận chủ trương. Lần thứ nhất, Thủ tướng chấp thuận theo kiến nghị của Bộ KHĐT, rồi Bộ KHĐT cấp giấy chứng nhận đầu tư. Lần thứ hai, Thủ tướng chấp thuận theo kiến nghị của Bộ GTVT, rồi Bộ GTVT cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.

Ở lần đầu, Bộ KHĐT lấy ý kiến của Bộ GTVT trước khi báo cáo Thủ tướng. Ở lần hai, Bộ GTVT lấy ý kiến của Bộ KHĐT trước khi báo cáo Thủ tướng.

Ở Việt Nam, 3 hãng hàng không Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vietjet chỉ có giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không vì khi họ thành lập thì Luật Đầu tư chưa "quản" việc cấp phép hãng hàng không. Hai hãng sinh sau đẻ muộn là Bamboo Airways, Vietravel Airlines có "những" 2 giấy phép: giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không do Bộ GTVT cấp (giống 3 hãng kia), cộng giấy chứng nhận đầu tư do Bộ KHĐT cấp.

Mặc dù có nhiều hơn các hãng cũ một giấy phép cho Bộ KHĐT cấp, nhưng giấy phép này không tạo lợi ích gì cho các chủ nhân của giấy phép này, mà về bản chất là họ bị một vòng kim cô quàng lên đầu.

Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không vô thời hạn, còn giấy chứng nhận đầu tư phải có thời hạn theo dự án đầu tư xin phép (30 năm, 50 năm), làm cho các hãng có giấy phép này bị "mất giá" so với các hãng không có nó.

Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không không giới hạn số lượng máy bay, còn giấy chứng nhận đầu tư giới hạn số lượng máy bay, hãng sử dụng hết quota lại phải xin giấy chứng nhận đầu tư mới rồi mới được tăng máy bay.

Luật Đầu tư làm khổ các hãng thành lập sau rất nhiều so với các hãng thành lập trước ngày Luật Đầu tư "ôm" cấp phép hãng hàng không.

Câu hỏi là 3 hãng hàng không không có giấy chứng nhận đầu tư vẫn hoạt động bình thường, trong đó có hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, vậy Luật Đầu tư "quản" cấp phép thành lập hãng hàng không để làm gì???

https://tuoitre.vn/dau-tu-tai-viet-nam-con-xin-cho-con...

HuyDuc-01-13

Những Suy Nghĩ Không Rời Rạc

28.5.2024 - Huy Đức

I. TINH THẦN PHÁP QUYỀN ĐÃ CHẾT

Sáng qua, một vị tướng lão thành từng giữ một vị trí đầy quyền lực trong ngành công an điện thoại nói chuyện rất lâu sau khi đọc bài của tôi. Ông cho rằng, nếu như tinh thần xây dựng một nhà nước pháp quyền từng thắng thế trong thập niên 2000s thì nay, tinh thần đó đã bị bóp chết.

Trước Hiến pháp 1992, nhà nước của chúng ta là nhà nước chuyên chính vô sản. “Pháp luật là ý chí của giai cấp thống trị hay lực lượng cầm quyền”. Cho dù không tuyên bố thì sau Hiến pháp 1992, từ hình luật, dân luật cho đến các luật chuyên ngành khác đều được Việt Nam xây dựng trên tinh thần hướng tới nhà nước pháp quyền. Đặc biệt, Quốc hội đã phải sửa hàng trăm điều luật cho tương thích dần với các quốc gia mà ta làm ăn với họ [BTA với Mỹ, WTO…].

Những nỗ lực này kết thúc từ 2006 và những gì ta đang chứng kiến cho thấy, hồn ma “pháp luật là ý chí của giai cấp cầm quyền” đang dần hiện về.

II. ĐỨC TRỊ HAY PHÁP TRỊ

Ngày 14-4-2016, tôi viết:

Hiến pháp 1992, tuy còn dùng dằng giữa "hai con đường" đã vẽ cho Việt Nam một nền cộng hòa trên giấy. Ngay cả những tổng bí thư bị coi là bảo thủ nhất như Đỗ Mười hay Lê Khả Phiêu, sau Hiến pháp 1992, cũng đã phải chuyển dần từ một chế độ đảng trực trị sang một chế độ đảng cầm quyền thông qua nhà nước.

Việc tái lập các ban Đảng thời ông Nguyễn Phú Trọng là một bước lùi về chính trị. Sinh thời, Nguyễn Bá Thanh là một người rất được công chúng tung hô nhưng nếu những người am hiểu nhà nước pháp quyền biết cách ông Trưởng ban Nội chính Nguyễn Bá Thanh ngồi sau cánh gà các phiên tòa "lãnh đạo án" như thế nào chắc chắn họ sẽ vô cùng thất vọng.

Chống tham nhũng bằng Ban Nội chính [và các ban đảng] thay vì gỡ bỏ "vòng kim cô nội chính" cho các cơ quan tư pháp, để họ tiến hành tố tụng theo các nguyên tắc dân chủ, pháp quyền, thì không chóng thì chày sẽ có Ba X tân thời thay cho Ba X cũ.

…..

Những người biết chuyện cung đình đánh giá cao sự giữ gìn của ông Nguyễn Phú Trọng và vợ con ông [ít nhất là cho đến nay]. Nhưng, quản trị quốc gia [trong đó có chống tham nhũng] phải bằng thể chế chứ không thể trông chờ vào "tấm gương đạo đức" của một vài cá nhân hay việc bắt bớ, loại bỏ một vài con sâu chúa.

Tuy cảm phục mức độ liêm chính, về mặt vật chất, của ông Nguyễn Phú Trọng, dân chúng vẫn chưa thấy các dấu hiệu chứng tỏ sẽ có "đổi mới II" trong nhiệm kỳ cuối của ông. Nếu cho đến ngày nghỉ hưu, ông không đưa ra được một lộ trình chính trị để đất nước dân chủ hơn, sự sạch sẽ của ông sẽ là vô nghĩa.

https://www.facebook.com/Osinhuyduc/posts/pfbid037Whwpw9JweEF1BktCNizeRJoYncFx1mxr4pEibfHQ7P2PM2yZ9w6WddahkLnzQnAl

III. ĐƯỜNG XA PHẢI NGHĨ NỖI SAU NÀY

Trong bài CÔNG LÝ post ngày 28-5-2015, tôi đã viết:

Đừng sợ mất vai trò của Đảng. Một đảng tốt là một đảng đảm bảo có một hệ thống tư pháp có thể cung cấp công lý chứ không phải là một đảng khi muốn thì thọc tay vào vụ án. Các tướng lĩnh cũng không nên cố công bảo vệ đặc quyền cho công an. Quan nhất thời. Hãy nhìn gương tướng Quắc, tướng Trần Văn Thanh. Rất có thể có ngày quý vị trở thành nạn nhân của hệ thống tư pháp mà quý vị đang thiết kế.

https://www.facebook.com/Osinhuyduc/posts/821267307908452

Tất nhiên, cũng như nhiều trường hợp khác, ý kiến của thường dân như chúng ta, thường rơi vào hư không.

IV. HIỆN TƯỢNG THẦY THÍCH MINH TUỆ

Tuy nhiên, vị tướng sáng qua gọi điện cho tôi nói rằng, ông không quá bi quan vì những ngày gần đây, ông dành khá nhiều thời gian theo dõi hiện tượng thầy Thích Minh Tuệ. Theo ông, cái tốt luôn được nuôi dưỡng và khi đạo đức xã hội tưởng như đã mục ruỗng những nhân tố như thầy Thích Minh Tuệ sẽ xuất hiện [không chỉ trong tôn giáo].

V. TỪ HIỆN TƯỢNG THÍCH MINH TUỆ NHỚ LÊ QUANG THUNG & BẮC HÀ

Những người nắm quyền lực quốc gia thì phải nghĩ đến muôn dân chứ không phải thu vén cho mình hay cánh hẩu.

Phải tích đức thì mới có thể hưởng phúc. Phúc có 6, 7 thì cũng chỉ nên hưởng 5; hưởng hết thì con cháu không còn mà hưởng quá thì đời mình phải trả. Khi nhiều quyền lực nhất hay nhiều tiền bạc nhất mà chỉ cậy quyền, cậy tiền thì cũng coi như đang làm những việc thất đức, tổn phúc là điều không tránh khỏi.

LÊ QUANG THUNG

Mấy hôm nay, tôi cứ phải suy nghĩ tới trường hợp của ông Lê Quang Thung. Ông lại bị bắt khi vừa mới ra tù ít lâu và nay đã 78 tuổi [Năm 2019, ông Lê Quang Thung đã nhận án tù 4 năm].

Ông Ba Thung với ông Mười Rua là hai “đại ca” của ông Ba Dũng. Họ thân nhau ở trường Đảng khi đó Nguyễn Tấn Dũng đang là một sĩ quan được đưa đi đào tạo nguồn, còn Ba Thung và Mười Rua đã tiếng tăm lừng lẩy. Sẽ không có Trương Mỹ Lan và SCB nếu không có những cuộc gặp ở nhà Mười Rua. Ba Thung cũng sẽ có những ngày cuối đời giàu có thanh bình nếu không phải là đại ca của người từng quyền lực nhất.

Khi lên Thủ tướng, Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định, cán bộ cứ đúng 60 tuổi là hưu trí. Và người bị ông ta cho hưu trí đầu tiên là tướng Quắc, khi ấy, tướng Quắc đang là Trưởng ban chuyên án PMU18. Nhưng, ngay sau khi cho tướng Quắc nghỉ hưu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký tái bổ nhiệm ông Thung làm Tổng Giám đốc tập đoàn Cao Su dù năm ấy ông Thung đã 60 tuổi.

Ông Thung sau đó đã loại bỏ một người phó trưởng thành kỳ cựu ở đây, hạ bệ đương kim Chủ tịch là một người trẻ hơn mình. Và, khi một thứ trưởng được cử vào kiêm chủ tịch, Ba Thung cũng đã khiến ông phải xách cặp về.

Tất cả những việc làm sai trái, không chỉ tự kết thúc cuộc đời mình trong lao lý mà còn đưa rất nhiều thuộc cấp vào tù, đều được Ba Thung thực hiện trong thời gian nhận ân sủng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, kéo dài tuổi hưu thêm 6 năm.

BẮC HÀ

Tôi viết ngày 9-8-2017

Trong bức ảnh này (Bogaya, Ấn Độ), khi xếp bằng dưới gốc bồ đề nơi được cho là phật tổ từng ngồi, Bắc Hà (phải cùng) là người duy nhất có dáng điệu rúm ró khác thường. Đây là giai đoạn mà ở quốc gia này, Bắc Hà chỉ "dưới Ba Dũng" và hách dịch với phần còn lại, vậy nhưng khi đối diện với thần linh nhìn ông ta vô cùng sợ hãi.

Không chỉ có Bắc Hà, rất nhiều quan chức tối cao cứ sắp bước chân ra khỏi nhà là thỉnh ý các thầy tâm linh, đổ không biết cơ man nào tiền để xây chùa, xây đền... Họ nên đọc lại "Chuyện Thủ Huồng" để thấy rằng, khi sợ trời phật thì cách tốt nhất là ngưng làm điều ác để bắt đầu các việc thiện. Đừng vì tâm quá hoảng loạn mà vội vàng truyền bá cái văn hóa hối lộ trần tục đến cõi thiêng liêng: vẫn thỏa sức vơ vét của dân rồi mong gỡ tội bằng cách cuống cuồng mua trời, bán phật.

https://www.facebook.com/Osinhuyduc/posts/pfbid0HSnsdDXh7tCMufbzxmLeZU9WfPjjYEBa4CmJbSPuc2DJiT38DeCUioYqqAJXVzhtl

HuyDuc-01-11

Vì Cái Gì…?

30/5/2024 - Mạc Văn Trang

MacVanTrang-01-08

Luật sư Dũng nói, về mặt pháp luật ông Kiêm chủ tịch UBND xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị không có quyền đuổi sư Thích Minh Tuệ và đoàn tòng tu ra khỏi địa bàn…

Nhưng tại sao ông ta lại cứ đuổi?

Một câu hỏi phân tích tâm lý thú vị.

- Nếu vì lý do an ninh trật tự, không muốn tụ tập đông người ở địa phương thì ông ta ra lệnh cho trưởng công an rồi dân phòng làm nhiệm vụ, chứ ông ta không xuất hiện làm gì.

- Nếu vì lý do ông ta theo Mác - Lê vô thần hoặc theo đạo khác mà ghét đạo Phật thì cũng cho tay chân ra xua đuổi, chứ không xuất hiện.

- Ông ta hùng hổ xuất hiện, khuỳnh tay, quát nạt, vung tay chỉ trỏ trước sư Thích Minh Tuệ và đông đảo người dân để … chứng tỏ oai quyền của ông Chủ tịch: Mày có là Thánh thần gì, được bao nhiêu người dân sùng bái, TAO cũng coi là muỗi! Còn nhân dân nhìn đây, ở đất này TAO mới là kẻ có QUYỀN, chứ không phải “thằng ba trợn” kia! Tất cả hiểu chửa!

Nhìn cái mặt ông Chủ tịch (áo trắng) rất hách dịch, thể hiện kiểu bản chất “đại ca”, xã hội đen.

Cái cơ chế Đảng cử, Dân không được tự do ứng cử, bầu cử cứ đẻ ra các loại quan chức kiểu đó thôi. Nếu có tự do ứng cử, bầu cử, liệu rằng nhiệm kỳ sau có người dân nào bầu cho ông này?

Xét ở góc độ Phật pháp, hành động đó của ông ta là vô minh vì cái tâm Tham (tham quyền lực), Sân (ganh ghét, đố kỵ), Ngã Mạn, Ngã tướng khởi lên, che lấp tâm Từ bi, Trí tuệ, nên hành động mù quáng…

Nhưng đối với Ngài Thích Minh Tuệ thì đó chỉ là chuyện thường tình của thế gian, là những chướng ngại cho hành trì tu tập. Người ta xua đuổi thì mình đi chỗ khác, không nói chuyện với người sân si. Con thấy người hoan hỉ bố thí cho mình thì mặt họ tươi vui, hạnh phúc; người cáu giận với mình thì mặt họ không an vui, họ không có hạnh phúc. Con vẫn cầu mong cho họ hạnh phúc.

Quan trí và Dân trí ngày càng cách xa nhau! Quan Đức và Dân Đức lại càng cách xa nhau lắm lắm!

30/5/2024

MVT

MacVanTrang-01-09

MacVanTrang-01-10

31/5/2024 - Mạc Văn Trang

5 năm trước sư Minh Tuệ đi một mình lên Điện Biên, chẳng ai chú ý. Càng thấy Ngài tu THẬT!

30/5/2024 - Vivian Pham

Tháng 5/2019 trong một chuyến đi thiện nguyện kết hợp với phượt bằng xe máy từ Hanoi lên Điện Biên Phủ, khi đi qua đèo Pha Đin, mình và bạn bè khá mệt nên cố gắng tìm 1 trạm dừng chân. Chiều tà buông xuống, đường đèo ngoằn ngoèo, trạm dừng chân không thấy đâu, chỉ thấy một Thầy tu đang ngồi ( như kiểu thiền) trên mỏm đá ngay ở một góc đường mà bọn mình có thể tạt xe vào nghỉ… Cả nhóm nhìn Thầy mà ngần ngừ không muốn vào vì không muốn làm phiền Thầy. Tuy nhiên, vì mình đã quá mỏi, mình quyết định xuống xe, lại gần xin phép được ngồi nghỉ cạnh Thầy:

-“ Chúng con xin lỗi vì đã phá đi sự tĩnh lặng của Thầy, chúng con có thể ngồi nghỉ ngay ở đây không ạ, đường xa quá mà chúng con tìm mãi không có chỗ nào có thể dừng chân…”

- Thầy nhìn mình hồ hởi mỉm cười “ Oh không sao ạ, con cũng chỉ đang nghỉ chân thôi mà…”

Thoáng ngạc nhiên về cách xưng hô của Thầy nhưng vì thấy Thầy cười rất tươi, rất thân thiện gần gũi nên mình mạnh dạn ngồi cạnh hỏi han Thầy đủ chuyện. Thầy kể Thầy đi khất thực từ Nam ra, giờ Thầy đang đi xuống Ninh Bình rồi sẽ ở lại Ninh Bình ít ngày - sau đó lại đi tiếp. Ngày Thầy chỉ xin ăn 1 bữa, cũng có ngày Thầy đi mãi không gặp được ai để xin thì nhịn thôi, lấy nước suối sống qua ngày…, đêm Thầy ngủ ngồi dưới gốc cây hoặc trên các mỏm đá. Ngày nào cũng miệt mài đi từ 4h sáng đến tối khuya, mệt đâu thì nghỉ đó…

Mình quan sát thấy Thầy đi chân trần, mặc đúng chiếc áo tu mỏng manh, cạnh Thầy là 1 chiếc túi vải, mình hỏi Thầy có cần gì không để mình giúp, thì Thầy nói “ hôm nay con đã được ăn rồi, cho con xin một ít nước uống thôi ạ” Mình tặng Thầy 2 chai nước thì Thầy chỉ nhận 1 chai “ con chỉ cần đủ uống thôi ạ”…

Tạm biệt Thầy sau gần 1 tiếng trò chuyện, tự nhiên trong mình dấy lên cảm giác vừa khâm phục vừa lưu luyến đến kỳ lạ…

Đó là ngày 12/5/2019 ( đúng ngày sinh nhật của người Bố đã mất của mình)

Cả đêm ở Điện Biên Phủ mình đã không ngủ được, nằm tính toán xem nếu Thầy dậy từ 4h sáng đi bộ xuống đèo, thì khi mình dậy đi xe máy xuống phía xuôi, liệu mình có còn duyên được gặp Thầy lần nữa không… ý nghĩ đó cứ ám ảnh mình mãi đêm đó…

Và thật kỳ diệu, trên đường vượt đèo xuống xuôi, mình đã được gặp Thầy lần nữa, nhưng lần này Thầy đang đi bộ rất nhanh, nên mình không muốn làm phiền Thầy, mình chỉ đi chậm lại chào Thầy rồi đi tiếp…

Thời gian trôi đi, nhưng ký ức về buổi chiều kỳ diệu đẹp đẽ đó với Thầy mình luôn giữ chặt trong lòng.

Sống ở Mỹ nên mình không đọc tin tức gì nhiều ở Việt Nam, cũng không hay xem tiktok hay các video trên mạng XH… Gần đây một số bạn bè thân thiết post nhiều về một người Thầy tên Thích Minh Tuệ, mình đọc nhưng cũng không chú tâm nhiều. Tự nhiên đêm qua mình vô tình đọc 1 bài share của người bạn nói về chặng đường 6 năm Thầy Thích Minh Tuệ đi khất thực từ Nam ra Bắc và ngược lại, kèm với ảnh của Thầy, thì mình mới giật mình nhớ lại ngày mùa hè năm 2019 đó, mình đã được ngồi dưới tán cây mát mẻ, chuyện trò với Thầy gần 1 tiếng về Phật pháp và tu tập…,
…nước mắt mình cứ thế tuôn rơi…

Thầy ơi, mong Thầy luôn khoẻ mạnh, chân cứng đá mềm nhé…


Nghĩ Vội: Chúng Ta Thấy Gì Từ Hiện Tượng Thầy Thích Minh Tuệ

 31.5.2024 - Lê Nguyễn

LeNguyen-01-02

Sau mấy tháng dư luận dậy sóng, cho đến nay, hiện tượng thầy Thích Minh Tuệ vẫn tiếp tục lôi cuốn sự quan tâm của người dân cả nước, mang lại cho chúng ta nhiều cảm nghĩ khác nhau, vui có, buồn có, tích cực có, tiêu cực có, song nhìn chung, đó là những bài học kinh nghiệm quý giá giúp ta rèn luyện bản thân, sống tốt hơn, trong đời sống xã hội cũng như đời sống gia đình.

 Bằng một cái nhìn hạn hẹp, người viết bài này nhận thấy hiện tượng thầy Thích Minh Tuệ gợi ra một số nét như sau:

- Tâm hướng thiện là nét cơ bản trong đời sống tinh thần của người Việt. Hình ảnh hàng trăm, hàng ngàn người chờ đợi, đón tiếp thầy Minh Tuệ bằng tấm lòng ngưỡng mộ, cử chỉ thành kính là một thực tế xuất phát từ cái Tâm hướng thiện tiềm tàng trong lòng mỗi người. Nó không cho các xàm tăng và bọn ăn theo một cơ hội nào để lật ngược tình thế, nó dập tắt ngay tức khắc mọi mưu toan phá bỉnh cuộc hành thiền vĩ đại của các bậc chân tu. Nhiều trang mạng giở trò phá bỉnh đã phải vội vã gỡ bài trước phản ứng cuồng nhiệt của những người có lương tri.

Tuy nhiên, tinh thần hướng thiện của người dân mình chưa có dịp được nhiều bậc chân tu uốn nắn, hướng dẫn, nên đôi khi họ bị lợi dụng vào những trò nhảm nhí của giới xàm tăng. Hình ảnh một xàm tăng thuyết giảng bằng sự tấu hài thô tục mà công chúng vẫn cười lăn, cười bò, cười hả hê, là một trong những hình ảnh đau lòng về nhận thức của người Phật tử trước cái đúng, cái sai của sự tu hành.

- Hiện tượng Thích Minh Tuệ làm lộ rõ sự ngộ nhận cho rằng một nhà tu hành khổ hạnh chỉ lo cho mình, không trực tiếp đóng góp gì cho xã hội. Hình ảnh khắc khổ, đầu trần chân đất của thầy Minh Tuệ, nét khiêm cung trong thái độ, lời nói, sự buông bỏ mọi giá trị vật chất ở đời, đã giáo dục nhiều người trong chúng ta về đạo hạnh của người sống tốt, góp phần giúp công chúng nhận ra đâu là chánh pháp, đâu là tà đạo. Kết quả “thất thu” 75.000 người chiêm bái và cúng dường tại hai chùa Phật Quang và Ba Vàng trong mùa Phật đản năm nay, so với tổng số 125.000 người trong mùa Phật đản 2023, cho thấy hiệu ứng tích cực đó.

- Hiện tượng Thích Minh Tuệ làm lộ mặt hàng ngũ xàm tăng. Có lẽ đến bây giờ nhiều Phật tử mới bật ngữa, hiểu ra rằng đồng hồ Rolex sư đeo, điện thoại Vertu sư cầm, xe hơi Audi sư đi là kết quả của những đồng tiền cúng dường mồ hôi nước mắt của họ. Họ sẽ mang cảm giác của người bị lừa đảo và sẽ tìm đến những nẻo tu mang lại cho họ sự giác ngộ đích thực, thay vì đã làm con tin u mê của bọn lừa dối, phĩnh phờ.

Những xàm tăng dù sân hận đến đâu cũng phải cúi đầu trước lẽ phải. Họ tìm cách cắt xén những buổi thuyết giảng kêu gọi cúng dường, những lời tuyên truyền một thứ “đạo pháp” không có trong bất cứ sách vở nào. Song công chúng cũng cần phải cảnh giác trước phản ứng trả đũa nhắm vào người lương thiện của những kẻ cảm thấy bị mất mát cả vật chất lẫn tinh thần, và hèn hạ nhất là sự trả đũa chính đồng đạo của họ.

- Sự giám sát của công chúng đối với hành tung của giới xàm tăng ngày một chặt chẽ hơn, giúp hạn chế được những toan tính sử dụng sai mục đích tiền cúng dường, từ đó, cơ hội làm những việc công ích cho chùa chiền, quảng bá đạo pháp chân chính sẽ nhiều hơn. Mấy ngày qua, sự kiện “bom hàng” một chiếc xe trị giá hàng tỷ của một kẻ tiêu biểu cho giới xàm tăng, bị dư luận mang ra chế giễu, cho thấy sự khác biệt như nước với lửa giữa vị chân tu theo hạnh đầu đà với những kẻ mượn danh tu hành để sống thừa mứa, ăn trên ngồi trước thiên hạ.

- Hiện tượng Thích Minh Tuệ cho thấy sự bất ổn của một tổ chức Phật giáo chịu sự chi phối của nhiều thế lực trong xã hội. Tổ chức này có những dấu hiệu bao che cho những xàm tăng ma mị, lừa gạt công chúng bằng cách kêu gọi cúng dường để mưu cầu lợi lộc ở kiếp sau. Lớp công chúng bị ma mị đó bị coi như những nhà đầu tư, bỏ vốn ra, nhưng lợi nhuận chỉ là những lời hứa hẹn láo lếu. Những bài giảng xàm xí, đi ngược lại đạo pháp của Phật giáo, được dung túng ngày này qua tháng nọ, trong khi một bậc chân tu nói lời ngay thẳng như thầy Thích Minh Đạo bị kỷ luật ngay chỉ vì một lời nói chưa đủ nghĩa. Người ta có cảm giác là bài nói chuyện của sư Minh Đạo nhằm tán thán sư Minh Tuệ, đã làm phật lòng những kẻ ghen ăn tức ở và họ chực chờ một cơ hội dù là nhỏ nhất để trả đũa.

- Từ sự kiện thầy Minh Đạo, ta đau lòng nhìn thấy nỗi cô đơn của những nhà tu chân chính. Họ không mồm loa mép giải, dụ dỗ, dọa nạt công chúng bằng những bài giảng chỉ nhắm vào “công đức” cúng dường. Họ tu âm thầm, hoạt động Phật sự bằng những đồng tiền cúng dường khiêm tốn của lớp Phật tử cũng thiếu thốn như họ, nhưng tấm lòng trọng nghĩa của họ vô cùng to lớn.

   Cho đến ngày thầy Minh Đạo bị “kỷ luật”, hầu hết trong chúng ta mới biết được rằng thầy đang nuôi dưỡng nhiều trẻ em mồ côi, nhiều người già yếu, bệnh hoạn. Thầy không lu loa kêu gọi cúng dường, thầy âm thầm làm những việc có ích cho đời, vì thế “kiếp nạn” thầy vừa trải qua khiến chúng ta ứa nước mắt nghĩ đến sự cô đơn của bậc chân tu. Cũng từ đó, ta tin rằng còn có nhiều thầy Minh Đạo khác đang âm thầm lo cho đạo pháp, vẫn an bần lạc đạo trong nỗi cô đơn của mình. Họ đáng được chúng ta tìm đến, chia sẻ những nhọc nhằn, giúp họ có điều kiện tối thiểu để hoằng dương đạo pháp.

- Trong giới doanh nghiệp làm ăn chân chính, đã có nơi “quay xe”, quyết định dùng những đồng tiền cúng dường vô bổ trước đây để cứu giúp những phận đời bất hạnh trong xã hội, những em bé mồ côi, những người già neo đơn, những người tàn phế bị vứt ra ngoài xã hội sau khi chiến tranh kết thúc. Sự lan tỏa những cảm nghĩ và việc làm chính đáng trong giới doanh nghiệp sẽ có hiệu ứng xã hội vô cùng to lớn, góp phần giáo dục thế hệ trẻ trước những vấn đề quan trọng của đất nước.

- Hạnh tu của thầy Minh Tuệ đã lan tỏa sang các tôn giáo khác, nhiều linh mục Công giáo, tu sĩ Phật giáo Hòa Hảo, tán thán bậc chân tu Phật giáo bằng những nhận định sâu sắc, có tác dụng kết nối niềm tin của tín đồ nhiều tôn giáo khác nhau, gia tăng sự hiểu biết và cảm thông giữa con người với con người, bất luận họ thuộc về tôn giáo nào

- Hiện tượng thầy Thích Minh Tuệ cũng bắt đầu lan tỏa ra ngoài nước. Đó là cơ hội cho thế giới thấy được chân giá trị của một cộng đồng những người Việt Nam tu theo Phật giáo, làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan đến Phật giáo tại Việt Nam. Mặt khác, nó cũng gián tiếp cho thấy một khía cạnh tích cực trong chính sách về tôn giáo của nhà nước Việt Nam, đối với lòng tín ngưỡng thuần thành của công chúng. Đây là một cơ hội, và cũng là thách thức, cho những người phụ trách về tôn giáo trong bộ máy nhà nước.

Lê Nguyễn

31.5.2024

Chien Nguyen
Tranh của La Thanh Hiền

LeNguyen-01-03

Thích Minh Tuệ - người được chọn?

31 tháng 5 2024, 10:23 +07 - BBC

Trên mạng, hành trình tu tập của Thích Minh Tuệ và “tăng đoàn” được cập nhật từng ngày.

  • Tác giả, Nguyễn Mạnh Hà

Hằng ngày lên mạng theo dõi hành trình của Thích Minh Tuệ có lẽ đã trở thành thói quen của không ít người Việt. Một phiên livestream về ông có 1 vạn người xem trực tiếp là bình thường.

Trên mạng, hành trình tu tập của Thích Minh Tuệ và “tăng đoàn” được cập nhật từng ngày. Xem ra không kém phần kịch tính. Mỗi ngày lại có một vài “biến” bõ công đại chúng dõi theo và bàn tán.

Tường thuật trực tiếp đến hết đời?

Hằng ngày lên mạng theo dõi hành trình của sư Thích Minh Tuệ có lẽ đã trở thành thói quen của không ít người Việt.

Với việc quanh mình lúc nào cũng có vài trăm khán giả hiếu kỳ, vài chục đại diện truyền thông mạng và đặc biệt trên dưới 30 “đệ tử” kề cận 24/7, rõ ràng đã hình thành một tăng đoàn và sư Thích Minh Tuệ bất đắc dĩ phải nhận vai “trụ trì” ngôi chùa di động. Trước đây, có clip ghi lại quan điểm của ông cho rằng đã làm trụ trì thì đừng mong giải thoát. Đúng là “ghét” của nào nhận ngay của ấy.

Việc tu của ông từ đó cũng khó khăn gấp bội. Trước đây chỉ có một mình, ông dễ dàng tìm nơi nghỉ ngơi và tu tập hằng đêm, nay phải kiếm chỗ nào đủ rộng để mọi người cùng được an vị. Đi khất thực có khi ông cũng phải nhận thêm đồ ăn đựng trong các túi lúc lỉu như mẹ đi chợ mua thực phẩm cho đàn con thơ dại đang chờ, vây quanh nơi ông ngồi thường có hàng chục chai nước tinh khiết. Để ngăn những con mắt tọc mạch hằng đêm, một số địa phương phải căng bạt cho ông và cả đoàn ngồi.

Trước đây, nhiều người (đặc biệt là các Phật tử nữ) bày tỏ sự thương xót khi thấy ông Minh Tuệ đầu trần, chân đất, ngủ ngồi hoặc một thân một mình nơi hoang lạnh… Nghĩa là họ lấy thước đo của bản thân đem áp cho người tu. Mà không biết hoặc không để ý nếu ông Minh Tuệ không tìm thấy sự an lạc trong những hành động đó thì ông đã lăn ra ốm, phải đi cấp cứu từ lâu. Sự khổ đáng kể hơn là phải đối diện đám đông hỗn tạp như lúc này. Có thể thấy tạm thời ông kém tươi hơn và có lúc phải xưng “chúng tôi” thay vì “con” khi muốn giải tán đám đông trong vô vọng.

Ai thực sự hướng Phật sẽ hồi hộp thay cho đường tu đương đại của một hành giả. Còn dân thường thì đã có vô số chủ đề bày ra hằng ngày để kháo nhau như hôm nay “sư” nào bị mời về, có nhóm nào đi theo để phá “thầy”, người nhà nào đi theo níu kéo, nghĩa trang nào đã từ chối “thầy”... Một số thuyết âm mưu cũng được đưa ra, như có người được cài vào tăng đoàn để theo dõi và phá hoại hay các xích mích, phân cấp không tránh khỏi khi một tập thể hình thành. Có ý kiến cho rằng sau khi giải quyết xong những nan đề trên thì ông Minh Tuệ chứng đắc là vừa.

Đây là những áp lực chưa từng có đối với một tu sĩ. Chưa ai tu dưới sự quan sát tới chân tơ kẽ tóc của đại chúng như vậy. Các kênh thông tin mạng xã hội đi sâu vào lý giải thầy đi vệ sinh thế nào, kiểu gì; sao hai tuần mới tắm một lần mà vẫn tỏa hương thơm tự nhiên… Nói chung cũng là một cuộc thi đua tự giác tìm hiểu Phật học sâu rộng trong quần chúng.

Thích Minh Tuệ đang trên đường học theo hạnh Phật đã được tường thuật trực tiếp om sòm, không biết tới lúc đắc đạo, chứng quả… còn rầm rộ cỡ nào. Đây không chỉ là xu hướng dài hơi nhất mà cũng khó đoán diễn biến nhất trên mạng xã hội.

Thương hiệu ngàn tỉ

Sư Thích Minh Tuệ đã trở thành một hiện tượng tu hành tại Việt Nam

Người thường nếu tạo được xu hướng như Thích Minh Tuệ hẳn đã giàu to. Khi sở hữu nhân hiệu mà không tận dụng, tức khắc sẽ có nhiều đối tượng lao vào khai thác. Người ta ước tính mỗi ngày các YouTuber, TikToker có thể thu về hàng chục triệu đồng từ các sản phẩm xoay quanh hành trình Thích Minh Tuệ. Đó là lý do vì sao họ bám theo “nhà máy in tiền” đầy nhiệt huyết như vậy.

Tất nhiên, các “đồ đệ” cũng sẽ ngay lập tức được hưởng hào quang từ Thích Minh Tuệ. Dù trước đó họ là ai thì sau khi được chấp nhận vào đoàn của Thích Minh Tuệ lập tức có danh, được tôn xưng và thậm chí được đảnh lễ. Trong khi họ thường chỉ tuyên bố đi theo để học hỏi và bảo vệ “thầy” chứ không đặt mục tiêu đi đến chết, đi để đạt giải thoát… như Thích Minh Tuệ. Nhưng so với dân chúng, họ được xếp vào dạng “dám nghĩ dám làm” nên cũng được cổ vũ, coi như đi được ngày nào tốt ngày đấy.

Một số thương hiệu thời trang đưa ra các mẫu quần áo cho cả nam lẫn nữ phối màu theo phong cách Minh Tuệ. Gần đây, một nữ ca sĩ đã khoe mua chiếc váy như thế với giá 2,5 triệu. Tranh tượng, ca khúc, thơ… về Thích Minh Tuệ cũng được mùa. Thậm chí thấy bảo ông Minh Tuệ nhắc đến cuốn kinh nào thì chủ kênh cũng dẫn link bán kinh luôn. Có người tính ra mỗi khi ông đi qua địa phương nào sẽ thu hút người từ khắp nơi, kể cả nước ngoài đổ về. Coi như cú hích du lịch hiệu quả. Mà chi phí mỗi ngày cho đội quân của “đại sứ du lịch” chỉ là mấy chục bữa chay, lại do dân tình nguyện tài trợ.

Tu vì môi trường?

Một lực lượng đông đảo với đủ thành phần luôn theo sát nhà sư Thích Minh Tuệ

Bằng quy định mới đến tận nhà dân khất thực, ông Minh Tuệ đã hãm lại sự nhiệt tình thái quá thành lãng phí của người dân khi họ thường mang đồ ăn nước uống đến chất đống tại mỗi nơi đoàn dừng chân.

Nhiều người vui mừng vì sư Minh Tuệ và lối tu dường như ai cũng có thể chứng thực là báo hiệu cho sự trở lại của đạo pháp chân chính, làm lu mờ những “pháp tu” mê mị dân chúng chủ yếu để thu tiền cúng thời gian gần đây. Nhưng quan sát rộng ra có thể thấy sự tái xuất của pháp tu hạnh đầu đà có nhân duyên sâu rộng hơn. Xã hội rõ ràng phát triển về vật chất. Nhà nào cũng sẵn vài lõi nồi cơm điện dùng không hết. Và giờ đây nó bỗng trở thành biểu tượng của sự giải thoát, được đưa vào tủ kính trưng bày hoặc làm thành trang sức đeo cổ.

Nhiều tỉnh thành chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự khi có đoàn đi qua. Ảnh chụp đoàn đi qua tỉnh Quảng Trị hôm 29/5.

Tiện nghi vật chất ngày càng tiện lợi hơn, hàng hóa rẻ hơn, quảng cáo thông minh hơn khiến người tiêu dùng rơi vào vòng xoáy mua sắm không ngừng.

Đây là một trong những nguyên nhân gây biến đổi khí hậu, khiến Trái Đất tăng nhiệt độ đến mức không thể đảo ngược.

Thực phẩm cũng ê hề nhưng an toàn vệ sinh thì… không biết thế nào. Con người có thể hình thành miễn dịch với COVID nhưng ung thư thì không. Và nó đang lan tràn không kém gì bệnh dịch.

Có thể thấy nhân loại đang đi đến ngõ cụt nhưng theo quán tính cứ thế lao tới.

Con người bất lực nên càng tìm đến bám víu vào tôn giáo nhiều hơn. Các chùa được xây dựng với quy mô ngày càng hoành tráng với “doanh thu” khổng lồ. Đâu đó có công nghiệp showbiz thu lợi nhuận khủng thì Việt Nam có “công nghiệp cúng dường”.

Dù không coi đạo Phật là quốc giáo nhưng Việt Nam tự hào sở hữu những tượng Phật, những chùa to nhất khu vực, thậm chí thế giới.

Và sẵn sàng hy sinh danh lam thắng cảnh hay diện tích đất nông nghiệp để có được những kỷ lục đó. Kể cả số tiền đầu tư xây chùa có thể dùng vào nhiều việc khác có ích cho xã hội.

Trong hình dung của nhiều người “có tầm” thì đầu tư vào chùa lúc này là an tâm nhất.

Sư Thích Minh Tuệ luôn ở giữa đám đông

Trong tình thế đó, sự xuất hiện của Thích Minh Tuệ vô tình là một chiếc phanh hãm, một sự cảnh tỉnh về mặt tinh thần.

Giải pháp không phải là tất cả nên ôm ruột nồi cơm điện ra đường mà là cần thực hành tiết kiệm, “thiểu dục tri túc”. Và cũng nên tỉnh táo trước những lời “đường mật” dù là của thầy tu.

Quan điểm của ông Minh Tuệ là không rao giảng nhưng chính cách tu của ông là một bài giảng hùng hồn.

Ngày nay các chùa, các sư phải đầu tư tổ chức những pháp hội lớn mong thu hút dân chúng tới nghe giảng.

Đằng này, Thích Minh Tuệ chỉ ra đường và đi, không tốn tiền đã tạo nên một “pháp hội” (dù có vô tổ chức tí) rộng khắp.

Mỗi sư thầy sẽ có một phong cách hoằng pháp thu hút từng đối tượng riêng.

Còn Thích Minh Tuệ vì không dùng lời, khỏi cắt nghĩa nên càng dễ thu phục rộng rãi quần chúng.

Thậm chí không ít tín đồ Công giáo cũng cảm nhận được sự “khao khát tâm linh”, “khao khát Nước Trời” nơi Thích Minh Tuệ và dành cho ông những lời ca tụng.

Nồi cơm điện mà ông mang theo để khách thực đã trở thành "xu hướng"

Do sư Thích Minh Đạo trót có lời tán thán Thích Minh Tuệ (nguyên văn: “Nhân đây cũng xin đại diện cho Phật giáo tỏ lòng thương mến một nhà sư lặng lẽ một mình đi hành đạo đã làm cho Phật giáo Việt Nam sống lại trong lòng của Phật tử năm châu”) nên bị Giáo hội quở phạt. Do đó mà linh mục đã gọi điện vấn an sư.

Trong lời dạy Phật tử, sư Thích Minh Đạo cũng nhắc đến Tổ sư của phái khất sĩ ở miền Nam là Minh Đăng Quang (1923- 1954) - người đã bị mất tích mà Thích Minh Đạo nói luôn là bị giết.

Và từ phân tích của ông mà suy ra thì cái cung cách mà dân chúng đang đối xử với Thích Minh Tuệ như hiện nay cũng nguy hiểm không kém… một tổ chức ám sát nào đó.

Vì khi quá ngưỡng chịu đựng sự xoi mói của người đời, ông Minh Tuệ sẽ lánh vào rừng sâu để ẩn tu hoàn toàn.

Ở đó, không còn cơ hội khất thực nên rất có thể ông sẽ nhập diệt trước hạn.

Khả năng đó xem ra còn dễ xảy đến hơn việc ông được thong dong tự tại đi trên khắp những nẻo đường Việt Nam mà không bị quấy rầy. Hơn ai hết Thích Minh Tuệ cảm nhận rõ cái giá của sự nổi tiếng.

Vì các ngôi sao hết sô diễn có thể về nhà. Còn ông - cả cuộc đời bày ra cho thiên hạ ngó.

Hiện ông không phải vị đầu đà duy nhất đang du tu trên đất Việt nhưng lại có số phải nổi tiếng.

Nhưng biết đâu ông được chọn vì đã sẵn đủ những phẩm hạnh để vượt qua sóng gió này?!

---
* Bài viết được tác giả nhà báo Nguyễn Mạnh Hà từ Hà Nội gửi tới BBC.

Của Quý Sao Bằng Củi Quý?

30.5.2024 - Mai Bá Kiếm

MaiBaKiem-01-01

Dư luận xã hội đang phẫn nộ, chửi vô mặt Phạm Văn Hòa - đại biểu QH tỉnh Đồng Tháp, vì nói câu "Củi đưa vào lò hiện nay toàn là gỗ quý" cho nên:

"Cần quy định bằng văn bản rằng trước đây cán bộ, doanh nghiệp đã có việc làm không đúng quy định của pháp luật như thu lợi bất chính từ đấu thầu, giao đất không thông qua đấu giá, bắt tay nhau để đấu thầu, lợi dụng chức vụ quyền hạn tác động để tiêu cực... tự giác khai báo và hoàn trả lại nguồn tiền bất hợp pháp cho Nhà nước sẽ được bảo vệ bí mật và được khép lại hồ sơ, tiếp tục công tác".

Nhưng, tôi rất thông cảm cho "biểu đại" Phạm Văn Hòa. Nguyễn Thanh Long bộ trưởng Bộ Y là gỗ quý chứ còn gì? Cho dù nó ăn hối lộ 2,25 triệu USD của chú em dễ thương Việt Á thì vẫn là gỗ Hương, còn 42.201 người dân chết vì Covid rồi đưa vào Bình Hưng Hòa thiêu chỉ là gỗ tạp, thương tiếc cái quần què gì?

Gỗ quý Nguyễn Thanh Long đưa vào lò sơ thẩm bị 18 năm tù, chuyển lên lò phúc thẩm còn 17 năm tù, Phạm Văn Hòa không đau.. điếng sao được? Chưa hết, Hoàng Thị Thúy Lan, bí thư Vĩnh Phúc nhận hối lộ của tập đoàn Phúc Sơn và Dương Văn Thái, bí thư Bắc Giang lợi dụng chức vụ và quyền hạn, cấp đất cho tập đoàn Thuận An, nếu không là gỗ Hương, họ cũng là gỗ Mun, gỗ Sưa chớ bộ!

Phạm Văn Hòa lo sợ cho gỗ quý vào lò vì chưa có Quốc hội khóa nào XÀI HAO ĐẠI BIỂU bằng khóa 15. Phạm Văn Hòa từng run tay bỏ phiếu bãi miễn chức danh ĐBQH cho: Nguyễn Thanh Long, Hoàng Thị Thúy Lan, Dương Văn Thái để thành 3 khúc gỗ quý chụm lò.

Phạm Văn Hòa cũng đã run tay, lạnh cẳng khi bấm nút chấp thuận cho thôi giữ chức danh ĐBQH đối với 3 chủ tịch: Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ; đối với "nhất phẩm triều đình": Trương Thị Mai, Phạm Bình Minh, Trần Tuấn Anh...

Không sợ sao được, khi Hội đồng Bầu cử quốc gia không công nhận tư cách ĐBQH của một người đắc cử ở đơn vị bầu cử số 1, Bình Dương. Chủ tịch Vương Đình Huệ gọi 499 đại biểu khóa 15 là đỉnh cao trí tuệ, nhưng đến nay hơn nửa nhiệm kỳ chỉ còn 487 đại biểu, hao hụt 12, mà 12 đều nằm trong "gỗ nhóm 1".

Bỗng nhớ Thanh Tuấn và Thanh Kim Huệ ca bài "Hoa Tím Bằng Lăng": "Qua ngõ nhà em, anh kéo nghiêng vành nón, giả bộ vô tình làm ló khúc bằng lăng". Bằng lăng không trong nhóm 1, nhưng cũng là gỗ quý, xin em đừng đút vô lò!

Quốc hội và... ‘gỗ quý’

31/05/2024 Thiên Hạ Luận - VOA

VOA-10-07

Hình minh họa. Một phiên họp Quốc hội Việt Nam, tháng Giêng 2022. Photo Quochoi.

Trân Văn

Tuần này, thiên hạ tỏ ra hết sức bất bình khi ông Phạm Văn Hòa (Phó Đoàn đại biểu của tỉnh Đồng Tháp tại Quốc hội, kiêm Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) đề nghị dùng luật pháp vạch “lằn ranh đỏ” để “cán bộ, doanh nghiệp đã có những việc làm không đúng quy định pháp luật, thu lợi bất chính từ đấu thầu, giao đất không qua đấu giá, bắt tay nhau để đấu thầu, lợi dụng chức vụ quyền hạn tác động để tiêu cực” dừng lại, tự thú và hoàn trả những khoản tiền đã chiếm đoạt.

Để khuyến khích cán bộ, doanh nghiệp tự thú và tự nguyện hoàn trả những khoản tiền đã chiếm đoạt, ông Hòa cho rằng, chính quyền nên dùng luật pháp, cam kết che đậy hành vi phạm tội của những người này và tạo điều kiện cho họ “hoạt động, công tác bình thường” [1].

Ông Hòa giải thích, sở dĩ ông đệ đạt như vậy vì “củi đưa vào lò toàn loại gỗ quý, gỗ rất quý hiếm, rất xót xa”, vì “tiền nhân đã dạy đánh người chạy đi, chứ không đánh người trở lại”, vì “chính sách khoan hồng nhân đạo, nhân văn của đảng, nhà nước”, vì “cơ chế, chính sách” thành ra mới dẫn đến suy nghĩ “có làm thì có sai, nếu sai thì bị xử lý, còn không làm không sai” và cuối cùng, toàn bộ hệ thống tê liệt, phải liên tục khuyến khích viên chức “dám nghĩ, dám làm” nhưng chưa đạt hiệu quả mong đợi...

***

Nguyễn Thông kể, sau khi biết ông Hòa xót xa vì “củi đưa vào lò toàn loại gỗ quý, gỗ rất quý hiếm”, hàng xóm của ông đã rủa ông Hòa vì... từ cổ chi kim, thiên hạ chỉ đốt gỗ tạp, rất dại mới đốt gỗ quý hiếm! Bên cạnh thắc mắc, phải chăng tư duy của ông Hòa “có vấn đề”, vị hàng xóm này liên tưởng tới chuyện khác: Hay là lão ấy bóng gió về kẻ đốt lò kém đến mức không phân biệt được gỗ quý hiếm, hoặc muốn nịnh chủ lò thẳng tay đốt tuốt ‘không có vùng cấm’ nhưng không biết cách diễn đạt và bị tẩu hỏa nhập ma?..

Cũng vì vậy, Nguyễn Thông thắc mắc: Đó có phải là lý do phần lớn ‘dân biểu’ im re, không nói năng gì vì nhỡ sảy mồm thiên hạ sẽ biết trình độ mình thế nào?.. Trong khi Trần Thanh Phúc bình: Nguy! ổng không phân biệt được tốt với xấu?... thì Toàn Văn Ngọc: Lạy các bố nghị sĩ thời nay. Dốt lại hay ví von. Thua toàn tập! Anh Cương Võ bỡn cợt: Toàn bọn ‘tinh hoa’ nhưng phải thêm chữ ‘ba’ ở giữa mới đủ bộ. Loi Tran lưu ý: Chen vào ngồi trong cái nghị trường ấy chắc chẳng có tên nào ‘trong veo’ [2].

Tuy đề nghị của ông Hòa khiến công chúng phẫn nộ nhưng Kiem Mai Ba cho biết ông “rất thông cảm cho ‘biểu đại’ Phạm Văn Hòa”. Sau khi liệt kê vài “danh mộc” như Nguyễn Thanh Long Bộ trưởng Y tế, đến giờ vẫn còn được tiếc thương, trong khi hơn 40.000 nạn dân thiệt mạng vì COVID-19 bị thiêu như gỗ tạp chẳng còn ai bận tâm, Kiem Mai Ba phỏng đoán: Ông Hòa xót xa cho gỗ quý vì chưa có Quốc hội khóa nào XÀI HAO ĐẠI BIỂU bằng khóa 15Có thể ổng ‘run tay, lạnh cẳng’ khi phải bấm nút loại bỏ cả ‘gỗ nhóm một’ như: Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ, Trương Thị Mai, Phạm Bình Minh, Trần Tuấn Anh,...

Giống như thân hữu của Nguyễn Thông, nhiều thân hữu của Kiem Mai Ba không giấu diếm băn khoăn, bất bình. Chẳng hạn Hoang Nguyen Minh trầm tư: Suy nghĩ như ông Hòa có khác gì bao nhiêu năm đổ xương máu kháng chiến chỉ để dựng lên một tầng lớp quý tộc có đặc quyền đặc lợi và cha truyền con nối như thời phong kiến? Khánh Tuyền Tuyền thì tin rằng: Còn nhiều tên thương tiếc đồng đảng bị BÃI, bị tống ngục. Ông Hoà đánh giá củi vào LÒ là gỗ quí hiếm vì đó là ‘trụ cái’ đỡ triều đình. Nên xử lý ông Hoà vì nói vậy khác nào phủ nhận chống tham nhũng.

Tương tự, theo Erika Nguyen: Xưa nay chưa từng thấy ai lấy gỗ quý hiếm đưa vào lò ngoại trừ những người không bình thường! Bác này nói thế khác nào nói cụ Tổng bị….điên! Minh Tâm Lê cũng nghĩ như vậy: Ý ông Hòa hẳn là muốn nói chủ lò khùng nặng hay lú lẫn rồi , chụm củi bằng gỗ quý hiếm là phá gia chi tử. Song Trịnh Dương không tán thành bởi: Toàn là cây do bác Cả trồng nên toàn là gỗ quý hiếm thôi. Ổng nói đúng đấy ạ! Hoai Anh LE cũng tin những cá nhân ông Hòa cho là “gỗ quý” chính là “củi quý”, chỉ có điều: Nếu cứ để những khúc củi ấy tiếp tục làm việc thì chả mấy chốc nhân dân không còn cả quần để mặc. Non sông cẩm tú giờ toàn bị bọn ‘tặc’ này phá nát [3]!

***

Đề nghị của ông Phạm Văn Hòa cũng là lý do nhắc công chúng phải ngẫm nghĩ nhiều hơn về quốc hội – cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của dân chúng. Sau khi Canh Tranthanh đưa ra đề nghị: Quốc hội nên làm một cái phòng ‘tự răn’, nghị nào nói nhăng, nói nhảm cho vào đấy, dội nước lạnh vào đầu, rồi tự vả ba bảy hăm mốt cái, để tỉnh trí ra! - Phạm Lan Hương không tán thành do: Thế thì thời gian ‘tự răn’ nhiều hơn thời gian họp. Trần Thanh Phúc cũng cho rằng không nên bởi: Như vậy thì còn lại mấy vị ngồi họp, hoặc sẽ không có ai phát biểu! Đó cũng là lý do Yến Ngọc chỉ có thể thốt: Đại diện cho trí tuệ của nhân dân mà ăn nói loạn chuẩn!

Sau khi than “chịu”, Lương Thắng – thân hữu của Canh Tranthanh – nói thêm: Tại sao đại biểu ngồi bên cạnh ông ấy không vả vào mồm ông ấy môt cái? Song Phạm Minh Đạo không... nhất trí bởi: Dù phát ngôn vi phạm cả luật pháp nhưng cả quốc hội đều không thấy đó là nhảm thì sao. Tuyen Nguyen lưu ý: Đến chủ lò còn nói nhảm, trách gì đám lâu la! Chủ lò chẳng đã từng nói cương lĩnh của Đảng còn cao hơn hiến pháp mà. Nguyen Tran nhận định: Phần lớn toàn dạng này, nếu thật sự dân cử, dân bầu thì đâu đến nỗi! Hung Ngtu trăn trở: Quá là nhăng cuội. Để loại này ngồi trong nghị trường quả là tai họa cho quốc gia, dân tộc [4].

Sau khi Lông Bút nêu thắc mắc trên Group Nhà báo và Công luận về ý tưởng của ông Hòa (nên ban hành quy định nếu cán bộ tự thú và tự nguyện hoàn trả tiền đã chiếm đoạt thì sẽ bảo mật hành vi phạm tội của họ và để họ tiếp tục công tác): Liệu các đồng chí đã ‘rụng’ trước có chịu không? - Phạm Chinh nhấn mạnh: Tư duy của đại biểu đại diện cho nhân dân thế này thì làm sao chống được tham nhũng? Phải chăng cứ vơ vét thật nhiều rồi thành thật nhận lỗi là có thể về hưu an hưởng thành quả cướp từ dân, của nước? Saigon Xanh gọi đó là: Nửa mùa. Cứ tham nhũng xong hoàn tiền thì thằng nào cũng muốn tham nhũng. Vậy thường dân ăn cắp xong trả tiền thì có phải ngồi tù không [5]?

Chú thích

[1] https://tienphong.vn/de-xuat-co-lan-ranh-do-de-can-bo-tu-giac-hoan-tra-lai-nguon-tien-bat-hop-phap-post1641430.tpo

[2] https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02ZvMhxt1XkYvzXhMvwMQ2gK4gozBABNkQLGBW7b4AjGPkMam98qKb7vH7MRFQLcGCl&id=100024722048900

[3] https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid021Un1d7gUsWLzkPWFSVPbfMU5XMYZmtFAazfEPrLp1yBRikxsjVZ7n11Zc4a9SdWil&id=100089087646024

[4] https://www.facebook.com/canh.tranthanh.90/posts/pfbid031FfrDaDN2zdY6h2WeVXzCEeyMka2VNAu2fpNRucqhRdiJc6oDtx25VFLHZ7CGDmcl

[5] https://www.facebook.com/groups/nhabaocongdan/posts/2490193698037053/

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa gọi kẻ tham nhũng là “gỗ quý”!

2024.05.30 - RFA

Phiên tòa “chuyến bay giải cứu” với 54 bị cáo bao gồm nhiều cựu quan chức Chính phủ hôm 28/7/2023 (minh hoạ). AFP

Mới đây, tại một buổi thảo luận của các thành viên trong tổ, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa ở Đồng Tháp phát biểu rằng: “Củi đưa vào lò hiện nay toàn là loại gỗ quý hiếm, rất xót xa”.

Phát biểu của ông Hòa vấp phải nhiều phản ứng. Những người không đồng ý cho rằng kẻ đục khoét tài sản của nhân dân và tham nhũng tiền của của đất nước không thể được coi là loại gỗ quý hiếm.

Luật sư Đặng Đình Mạnh nhận định với RFA:

“Quốc hội, nếu được hình thành từ bầu cử tự do, dân chủ thì sẽ trở thành nơi tập trung trí tuệ của nhân dân để đưa ra các quyết sách xây dựng đất nước, nhưng rất tiếc, đảng Cộng sản đã lũng đoạn việc bầu cử, khiến cho phẩm chất đại biểu quốc hội quá tệ. Như đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) là một ví dụ điển hình, đến mức ông ấy không phân biệt được tội phạm và công chức lương thiện khi cho rằng: “Củi đưa vào lò hiện nay toàn là loại gỗ quý hiếm”. Phải chăng, do tình trạng công chức đồng thời là tội phạm quá phổ biến nên ông ấy đồng hóa chúng tương đương với nhau và cho là bình thường(?!)”

Một nhà quan sát tình hình chính trị trong nước nêu quan điểm của ông với RFA:

“Ông Hòa ví von “gỗ quý hiếm” là cách ví von sai, bởi ông Trọng gọi những người này là “củi” trong công cuộc đốt lò. Làm gì có “gỗ quý” ở đây, mà toàn là thành phần sâu dân mọt nước mà chính ĐCSVN nói là phải tiêu diệt không có vùng cấm, không có ngoại lệ mà. Như vậy, ông Hòa đã làm méo mó chủ trương chống tham nhũng của ĐCSVN. Ông Trọng từng nói lò đã nóng thì củi tươi cũng cháy. Cách nói của ông Hòa bộc lộ sự đồng lõa và tiếp tay bao che cho bọn tham nhũng. Làm gì có gỗ quý ở đây!

Còn nói về cán bộ sợ sai, không dám làm vì người ta sợ làm sai luật thì phải coi lại cách ban hành luật. Luật ở Việt Nam từ hàng chục năm qua đều là ý của đảng được luật hóa, chứ không phải từ thực tế cuộc sống và phục vụ cho cuộc sống người dân”.

Chuyện ông Phạm Văn Hòa gọi những người bị đưa vào lò là gỗ quý hiếm cũng đi ngược với cách gọi của chính truyền thông Nhà nước. Báo Long An online, cơ quan của đảng bộ ĐCSVN tỉnh Long An hôm 27 tháng 5 có bài viết “Lại rộ thông tin xuyên tạc về cuộc chiến chống 'giặc nội xâm' của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta”. Mở đầu bài viết, tác giả gọi những kẻ tham nhũng là những thanh củi sâu mục.

Ông Trọng từng nói lò đã nóng thì củi tươi cũng cháy. Cách nói của ông Hòa bộc lộ sự đồng lõa và tiếp tay bao che cho bọn tham nhũng. Làm gì có gỗ quý ở đây! - Nhà quan sát

Không những gọi những kẻ tham nhũng là những thanh gỗ quý hiếm, đại biểu Phạm Văn Hòa còn cho rằng nếu truy cứu các vụ việc trước đây thì bất cứ cá nhân nào cũng phải vào lò, bởi theo ông, những sai phạm trước đây một phần cũng do cơ chế, chính sách và mong muốn phát triển của các địa phương.

Ông Hòa đề nghị cấp có thẩm quyền nên bảo vệ những cán bộ sai phạm bằng cách ra quy định bằng văn bản nêu rõ, nếu cán bộ có những việc làm không đúng pháp luật, lợi dụng chức vụ, quyền hạn thu lợi bất chính mà tự giác khai báo và hoàn trả nguồn tiền bất hợp pháp cho Nhà nước thì sẽ được bảo vệ bí mật và được khép lại hồ sơ từ năm 2023 trở về trước, hoạt động, công tác bình thường.

Một nhà quan sát tình hình chính trị trong nước nói với RFA suy nghĩ của ông:

“Nói như thế là chơi kiểu “xóa bàn làm lại”. Đó là hình thức luật rừng chống lại chính chủ trương đốt lò của ông Nguyễn Phú Trọng. Đây là một phát ngôn bừa bãi của một vị đại biểu quốc hội. Và trong phát ngôn đó cho thấy, ông Hòa công khai thừa nhận hầu hết đảng viên đều tham nhũng, thôi thì bảo vệ bí mật cho nhau, khép lại hồ sơ và công tác bình thường. Như thế tôi dám chắc, không có cán bộ đảng viên nào không tham nhũng hết. Nếu không có cơ hội tham nhũng thì chẳng ông nào vào đảng rồi đấu đá nhau để lên chức này chức nọ cả. Leo càng cao thì ăn càng nhiều”.

Luật sư Mạnh thì cho đây là một điều nguy hiểm khi tạo cơ hội cho những người tham nhũng không bị xử lý hình sự. Ông nói:

“Ông Hòa còn định giải cứu cho tội phạm tham nhũng khi đề nghị giữa quốc hội rằng những người này sẽ được bảo vệ bí mật và được khép lại hồ sơ từ năm 2023 trở về trước, hoạt động, công tác bình thường. Đó là điều nguy hiểm.

Qua đó, cho thấy, nếu vẫn còn những đại biểu như thế tồn tại trong cơ quan quyền lực nhà nước, thì mọi nỗ lực trong cuộc chiến chống tham nhũng đều trở nên công cốc. Đất nước, nhân dân vẫn phải tiếp tục trả giá cho những điều như thế. Chỉ có bầu cử tự do, dân chủ mới là giải pháp để tiến cử người có tài năng và đạo đức vào các cơ quan chính quyền, trong đó có quốc hội.”

Đề nghị của đại biểu Phạm Văn Hòa khiến dư luận nhớ lại một nội dung được quy định trong Nghị quyết 03/2020 về thu hồi tài sản tham nhũng của Hội đồng thẩm phán tòa án Nhân dân tối cao, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 2 năm 2021: “Nếu người phạm tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ trong quá trình tố tụng chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ... sẽ không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử, kể cả mức án tử hình cũng sẽ được hạ xuống chung thân”.

Ông Hòa còn định giải cứu cho tội phạm tham nhũng khi đề nghị giữa quốc hội rằng những người này sẽ được bảo vệ bí mật và được khép lại hồ sơ từ năm 2023 trở về trước, hoạt động, công tác bình thường. Đó là điều nguy hiểm. - Luật sư Đặng Đình Mạnh

Theo quy định này, một loạt các quan chức nhà nước trong các vụ đại án tham nhũng đã nộp tiền khắc phục hậu quả, lấy đó làm tình tiết giảm nhẹ án phạt tù. Ví dụ, trong phiên xét xử sáng ngày 20 tháng 12 năm 2019, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội đã đề nghị mức án tử hình đối với cựu Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Nguyễn Bắc Son về tội nhận hối lộ trong thương vụ MobiFone mua 95% AVG. Gia đình ông Nguyễn Bắc Son sau đó đã nộp lại tổng cộng 66 tỷ đồng trong hai lần, tương đương với số tiền ba triệu USD nhận được từ cựu Chủ tịch Hội đồng Quản Trị AVG, ông Phạm Nhật Vũ. Ông Son được tòa giảm từ mức án tử hình xuống còn chung thân.

Một số chuyên gia trong lĩnh vực tư pháp gọi Nghị quyết 03/2020 là "Nghị quyết mua bán công lý".

Thu tiền ‘khắc phục’ và hệ thống vô phương ‘khắc phục’ (P2)

31/05/2024 Trân Văn - VOA

VOA-10-06

Hình minh họa: Sinh viên xếp đội hình thành quốc kỳ Việt Nam ở thành phố Hồ Chí Minh, tháng Tư, 2015.

Cách nay đúng một năm, trong báo cáo gửi Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam, ông Lê Minh Trí – Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao – kiến nghị cơ quan này “chỉ đạo nghiên cứu xây dựng chính sách xử lý tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, tham nhũng, chức vụ, bảo đảm yêu cầu vừa nghiêm trị, vừa khoan hồng”, đặc biệt là “cân nhắc sửa đổi mức hình phạt, mức tính hậu quả thiệt hại hiện nay và tăng chế tài phạt tiền, giảm chế tài phạt tù để có chính sách xử lý hiệu quả hơn, vừa nghiêm trị, vừa nhân văn, thuyết phục” [1].

Trước đó chừng một năm, ông Trí cũng là người khuấy động dư luận khi đề nghị “giảm phạt tù, tăng phạt tiền” [2], song một đại diện Bộ Tư pháp bảo rằng: “Đề xuất cho tội phạm tham nhũng nộp tiền thay cho trách nhiệm hình sự mà Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao Lê Minh Trí đưa ra không phải là quan điểm mới” vì “Nghị quyết Trung ương 3 khoá 10 đã nêu rõ: Chú trọng thu hồi tài sản tham nhũng; áp dụng chính sách khoan hồng đối với những người phạm tội nhưng có thái độ thành khẩn, đã bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả kinh tế, hợp tác tốt với cơ quan chức năng; nghiên cứu sửa đổi pháp luật hình sự theo hướng khoan hồng hơn đối với những người đưa hoặc người nhận hối lộ nhưng đã tự giác khai báo và nộp lại tài sản trước khi bị phát hiện; chú trọng tới các chế tài phạt tiền nhằm tăng khả năng thu hồi tài sản tham nhũng” [2]. Nhiệm kỳ của BCH TƯ đảng CSVN khóa 10 từ 2026 đến 2011. Khi ấy, ông Nguyễn Phú Trọng là thành viên Bộ Chính trị đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Quốc hội.

Nói cách khác, tuy xác định tham nhũng là quốc nạn, phải “quyết liệt” phòng chống nhưng từ lúc khởi đầu công cuộc này đến nay, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam không bận tâm đến chuyện làm sao ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực từ gốc mà chỉ chuyên chú thu hồi tiền bị tham nhũng. Kết quả của công cuộc phòng chống tham nhũng tiêu cực trong vài thập niên chỉ là viên chức vơ vét mạnh tay hơn, trắng trợn hơn còn các hệ thống thì hoan hỉ hơn bởi đã thu hồi khoản “khắc phục hậu quả” khổng lồ [4].

Nếu công cuộc phòng chống tham nhũng tại Việt Nam đừng tiến hành theo kiểu mà ông Nguyễn Phú Trọng tuyên bố cách nay mười năm: Chống tham nhũng là công việc phức tạp và rất khó. Đây là công việc đòi hỏi sự khôn ngoan, có con mắt chiến lược. Chống tham nhũng không phải là xới tung tất cả, gây mất niềm tin, nghi kỵ lẫn nhau, rối loạn sẽ rất nguy hiểm. Đánh chuột đừng để vỡ bình, làm sao diệt được chuột mà bảo vệ được bình, tức là phải giữ cho được sự ổn định [5], chỉ thực hiện phòng chống tham nhũng như thiên hạ, chắc chắn các hệ thống sẽ không có cơ hội để khoe: “Trong vòng hai năm đã thu hồi hơn 386.000 tỷ đồng từ các vụ án tham nhũng, kinh tế; kê biên 249 bất động sản và hơn 56 triệu cổ phần, cổ phiếu” và không phải bạc mặt vì các hệ thống tê liệt, viên chức “tụ thủ bàng quan” bất chấp hậu quả đối với kinh tế - xã hội thế nào!

Dẫu Bộ Chính trị loan báo “chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”, rồi chính phủ ban hành “quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung” [5] nhưng các hệ thống vẫn không nhúc nhích và giờ, tới lượt quốc hội dự tính ban hành nghị quyết để khắc phục chuyện viên chức “không dám hành động do sợ sai” [6], một vài cá nhân như ông Phạm Văn Hòa kiến nghị vạch “lằn ranh đỏ”.

***

Đã có lúc, thiên hạ từng thắc mắc, tại sao xác định tham nhũng là quốc nạn nhưng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam lại bất chấp khuyến cáo của nhiều chính phủ, sự hỗ trợ của nhiều tổ chức quốc tế, đề nghị của nhiều chuyên gia cả trong lẫn ngoài Việt Nam, cương quyết gạt bỏ nỗ lực hình sự hóa “giàu có bất thường” (điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự, tịch thu tài sản của những viên chức không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản của họ) ra khỏi Luật Hình sự khi sửa vào các năm 2015 và 2017 [7] và Luật Phòng – chống tham nhũng vào năm 2018 [8] nhưng ông Trọng - người giương cao ngọn cờ phòng chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, vì sự nghiệp chung bất kể đó là ai” [9] - đã giải đáp thắc mắc này: Phòng chống tham nhũng phải bảo đảm nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình” [10].

Đề nghị của ông Phạm Văn Hòa (ban hành các quy phạm pháp luật để tha bổng những tham quan ô lại tự nguyên khai báo, nộp lại tài sản, che đậy hành vi phạm tội và tiếp tục lưu dụng những tham quan ô lại này) chỉ là một bước trong kế hoạch thực thi nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình”. Trong kế hoạch đó chỉ có một vấn đề mà giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam xem là chuyện nhỏ nên không bận tâm, đó là không có chỗ cho “nhân dân” dù “nhân dân” mới thực sự là chủ thể và “nhân dân” đang là đối tượng trực tiếp gánh chịu đủ loại hậu quả từ tham nhũng. Trong nhận thức của những người như ông Hòa, “nhân dân” không “quý” như tham quan, ô lại nên ông và các đồng chí của ông không hề cảm thấy “xót xa” như đã và đang “xót xa” cho các tham quan ô lại.

Trăn trở của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam về việc viên chức “không nghĩ, không làm, không hành động” cho nên phải chiêu dụ tham quan ô lại để kích thích “dám nghĩ, dám làm, dám hành động” chính là một trong những bằng chứng hết sức cụ thể cho thấy, xứ sở này, dân tộc này chỉ là tài sản của một nhúm người không thể thay thế, thành ra việc lựa chọn, sắp đặt và trọng dụng dứt khoát chỉ có thể nhắm vào những thành viên thuộc nhúm người ấy bất kể tài, đức ra sao!

Chú thích

[1]https://thanhnien.vn/ong-le-minh-tri-tang-che-tai-phat-tien-giam-phat-tu-voi-toi-tham-nhung-185230516144125848.htm

[2] https://vnexpress.net/ong-le-minh-tri-de-nghi-giam-phat-tu-tang-phat-tien-nguoi-vi-pham-khong-vu-loi-4583386-tong-thuat.html

[3] https://soha.vn/de-xuat-toi-pham-tham-nhung-nop-tien-duoc-giam-an-tu-bo-tu-phap-noi-gi-20220719203256814.htm

[4] https://vnexpress.net/thu-hoi-hon-386-000-ty-dong-trong-cac-vu-an-tham-nhung-kinh-te-4661671.html

[5] https://dangcongsan.vn/tieu-diem/bai-4-dai-bao-hiem-cho-can-bo-dam-nghi-dam-lam-648686.html

[6] https://vnexpress.net/kien-nghi-quoc-hoi-ra-nghi-quyet-rieng-de-khac-phuc-can-bo-so-trach-nhiem-4750460.html

[7] http://dantri.com.vn/phap-luat/giau-bat-thuong-co-the-bi-tich-thu-tai-san-1386181152.htm

[8] https://tuoitre.vn/chong-tham-nhung-van-bo-tay-voi-tai-san-bat-minh-20171121095053431.htm

[9] https://tuoitre.vn/tong-bi-thu-khong-co-vung-cam-khong-co-ngoai-le-vi-su-nghiep-chung-bat-ke-do-la-ai-20221207141122219.htm

[10] https://laodong.vn/thoi-su/quyet-liet-nghiem-minh-nhung-rat-nhan-van-nhan-ai-nhan-nghia-nhan-tinh-1202106.ldo

So Sánh Đểu!

28.5.2024 - Mai Bá Kiếm

MaiBaKiem-01-02

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại tổ chiều nay. Ảnh: Phạm Thắng

Nhiều lãnh đạo VN khoái so sánh nước mình với nước ngoài. Phép so sánh có 3 bậc: bằng, hơn - thua và nhất, nhưng lãnh đạo chỉ thích so sánh bằng (TPHCM sẽ bằng Singapore) không so sánh hơn – thua (ex: VN sẽ hơn hoặc thua Thái Lan) và không so sánh nhất (ex: GDP VN sẽ cao nhất Đông Nam Á). Tuy lãnh đạo dùng phép so sánh bằng nhưng không so cùng thời điểm. Thí dụ “Đến năm 2029, GDP VN sẽ bằng Indonesia”, hoặc “Phải xây dựng Q.1 như Singapore” (chủ tịch Phan Văn Mãi không chỉ đạo đến năm nào, chỉ nói hướng tới…).

Cách so sánh không cùng điều kiện (bối cảnh, thời điểm, đơn vị tính...) gọi là “so sánh không cùng đại lượng”, hay “so không cùng mẫu số”! Mới đây, khi QH chất vấn về trạm dừng nghỉ trên cao tốc, bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng  khái quát: “Nước ngoài có gì, Châu Âu, Mỹ, Trung Quốc có gì, chúng ta có đầy đủ”. Không đợi nhiều năm nữa, mà ngay bây giờ: “Cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) sẽ xây 36 trạm dừng nghỉ”. Tui khoái anh Thắng “so sánh cùng đại lượng”, đúng là “dân chơi Cầu Bến Nọc”.

Năm 2016, cháu tôi chở tôi đi - về đoạn Dallas - Houston (Texas) và bạn tôi chở tôi đi - về đoạn Jacksonville (Florida) – Atlanta (Georgia) ghé 4 trạm nghỉ (Rest Area). Còn ở Úc, nhiều lần con tôi ghé trạm nghỉ (Service Center). Cả hai nước, trạm nghỉ đầy đủ tiện nghi: toilet, nhà tắm, kiosque có bàn ăn, bếp nướng, bồn rửa chén; thùng rác; bãi đậu xe con và xe container… Khách tự phục vụ, không thu bất cứ phí gì. Trạm nghỉ không có nhân viên trừ những người vệ sinh toilet. Tôi thần tượng anh Thắng vì lời anh hứa “Nước ngoài có gì ta có nấy”. 

Rồi, tôi phải xin nghỉ tu 5 phút để chửi khi anh nói: “Các dự án xây dựng trạm dừng nghỉ nhận được sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư. Khi đấu thầu thử, có trạm thu hút 40 đơn vị tham gia. Có một trạm định giá khởi điểm khoảng 120 tỷ đồng nhưng đấu thầu lên hơn 200 tỷ đồng. Đó cũng sẽ là nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước”. Đù má, 36 trạm dừng nghỉ sẽ trúng thầu 7.200 tỷ đồng, các nhà thầu thu phí dừng nghỉ 15.000 tỷ đồng của dân. 

Anh Nguyễn Văn Thắng  nói “Nước ngoài có gì ta có nấy”, nhưng “đồng liêu” Nguyễn  Mạnh  Hùng nói "Người Việt Nam sẽ làm ra những thứ mà thế giới chưa từng làm", trạm dừng nghỉ thế giới không thu phí, anh Thắng thu 200 tỷ/trạm! Thế giới “free” chuyện AN SINH XÃ HỘI, còn VN thu phí “ĂN XIN XÃ XỆ”! 

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ hồi nhỏ nghèo, bắt đom đóm làm đèn học đến GS. TS, nhưng chỉ chăm chăm dòm vô túi tiền của dân, rồi chép miệng: “TIỀN TRONG DÂN CÒN NHIỀU”. Nhớ lại tuồng “Nửa đời hương... chức”, Thanh Nga ca “Còn dượng ba đây là một thanh niên có học thức lại dòm tiền”. Chủ tịch QH, bộ trưởng cái giống gì mà mở miệng ra là nghe mùi tiền?

Rồi đây, trạm dừng nghỉ sẽ được giao đất để xây nhiều dịch vụ tận  thu: siêu thị, nhà hàng, resort, casino, sân golf… nếu ế thì điều chỉnh quy hoạch cho chủ đầu tư phân lô bán nền!

Phán quyết về ông Trump: Điện Kremlin nói ‘đối thủ dùng mọi cách để loại bỏ ông’, người ủng hộ kêu gọi bạo loạn

31/05/2024 Reuters - VOA

VOA-10-05

Cựu Tổng thống Donald Trump đi đến cuộc họp báo tại Trump Tower ở New York vào ngày 31/5/2024.

Điện Kremlin hôm 31/5 nói bản án kết tội ông Donald Trump cho thấy tất cả các biện pháp hợp pháp và bất hợp pháp đang được sử dụng ở Hoa Kỳ để loại bỏ các đối thủ chính trị.

Ông Donald Trump đã trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên bị kết tội hôm 30/5 khi bồi thẩm đoàn ở New York buộc tội ông làm giả tài liệu để che đậy khoản thanh toán nhằm bịt miệng một ngôi sao khiêu dâm trước cuộc bầu cử năm 2016.

“Nếu chúng ta nói về ông Trump, thì thực tế là việc loại bỏ các đối thủ chính trị bằng mọi biện pháp có thể, hợp pháp và bất hợp pháp, là điều hiển nhiên,” người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov, nói trong một cuộc họp báo.

Ông Trump, 77 tuổi, sẽ bị kết án vào ngày 11/7.

Ban vận động tranh cử của Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng phán quyết chứng minh rằng “không ai đứng trên luật pháp”, nhưng nó sẽ không làm thay đổi nhiều động lực của cuộc bầu cử ngày 5/11.

Trong khi đó, những người ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump, tức giận trước việc ông bị bồi thẩm đoàn New York kết án 34 trọng tội, đã bày tỏ tràn ngập các trang web ủng hộ ông với những lời kêu gọi bạo loạn, cách mạng và trừng phạt bằng bạo lực.

Đã có hàng chục bài đăng trực tuyến kêu gọi bạo lực, theo đánh giá của Reuters, trong các bình luận trên ba trang web liên kết với ông Trump: mạng xã hội Truth Social của chính cựu tổng thống, Patriots.Win và Gateway Pundit.

Một số kêu gọi tấn công các bồi thẩm viên, xử tử thẩm phán – Thẩm phán Juan Merchan – hay nội chiến tổng thể và nổi dậy bằng vũ trang.

Những đe dọa bạo lực và lời lẽ đe dọa đã tăng vọt sau khi ông Trump thua cuộc bầu cử năm 2020 và tuyên bố sai sự thật rằng cuộc bầu cử đã bị đánh cắp.

Trong khi vận động tranh cử nhiệm kỳ Nhà Trắng lần thứ hai, ông Trump đã gọi các thẩm phán và công tố viên trong các phiên tòa xét xử ông là công cụ tham nhũng của chính quyền Biden, có ý định phá hoại nỗ lực tranh cử vào Nhà Trắng của ông, mà không đưa ra bằng chứng.

Những người trung thành với ông đã đáp trả bằng một chiến dịch đe dọa nhắm vào các thẩm phán và quan chức tòa án.

“Đây là một sự ô nhục, đây là một phiên tòa gian lận bởi một thẩm phán tham nhũng đầy mâu thuẫn”, ông Trump nói với các phóng viên sau đó, lặp lại những bình luận mà ông thường đưa ra trong phiên tòa.

Việc tuyên án được ấn định sẽ diễn ra vài ngày trước khi Đảng Cộng hòa dự kiến chính thức đề cử ông Trump làm ứng viên tổng thống trước cuộc bầu cử ngày 5/11. Ông Trump đã phủ nhận hành vi sai trái và dự kiến sẽ kháng cáo.

Ông Jacob Ware, đồng tác giả cuốn sách “Chúa, súng và sự nổi loạn: Chủ nghĩa khủng bố cực hữu ở Mỹ”, cho rằng ngôn ngữ bạo lực mà những người ủng hộ ông Trump sử dụng là minh chứng cho “khả năng sắt đá của cựu tổng thống trong việc huy động những người ủng hộ cực đoan hơn để hành động, cả ở phòng phiếu và thông qua bạo lực.”

“Cho đến khi và trừ khi ông [Trump] chấp nhận quy trình này, thì phản ứng cực đoan đối với những rắc rối pháp lý của ông ấy sẽ vẫn còn mang tính chiến đấu,” ông Ware, cũng là một nhà nghiên cứu tại trung tâm nghiên cứu Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, nói.

Một người phát ngôn của Truth Social cho biết: “Thật khó để tin rằng Reuters, từng là một hãng tin được kính trọng, lại sa sút đến mức cho đăng một bài báo mang tính lôi kéo, sai sự thật, phỉ báng và ngu ngốc một cách hiên nhiên như bài báo hoàn toàn nhằm mục đích chính trị này.”

Cả ba trang web nêu trên đều có chính sách chống ngôn ngữ bạo lực và một số bài đăng sau đó đã bị xóa. Đại diện của Patriots.Win và Gateway Pundit đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters. Người phát ngôn của ông Trump cũng không trả lời email yêu cầu bình luận.