22/05/2024 Trân Văn - VOA
Hình minh họa. Quốc hội Việt Nam tại phiên bế mạc ngày 11/1/2022. Photo Quochoi.
Hội nghị lần thứ chín của Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng CSVN kết thúc vào thứ bảy 18/5/2024 thì ngày chủ nhật 19/5/2024, ông Bùi Văn Cường (Tổng Thư ký Quốc hội) tổ chức họp báo về Nghị trình kỳ họp thứ bảy của Quốc hội khóa 15 khai mạc vào ngày hôm sau (20/5/2024).
Ở cuộc họp báo ấy, ông Cường cho biết, tại kỳ họp lần này, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) sẽ bầu cả Chủ tịch Quốc hội (CTQH) lẫn Chủ tịch Nhà nước (CTNN) mới, thay cho ông Vương Đình Huệ vừa bị các ĐBQH nhất trí miễn nhiệm vai trò CTQH qua một... “phiên họp bất thường” cách nay chưa đầy ba tuần [1] và ông Võ Văn Thưởng người cũng bị các ĐBQH nhất trí miễn nhiệm vai trò CTNN qua một... “phiên họp bất thường” cách nay hai tháng [2]!
***
Theo hiến pháp [3], CTQH và CTNN là những người được các ĐBQH – những cá nhân đại diện cho “ý chí, nguyện vọng của nhân dân” - bầu chọn và quyết định có miễn nhiệm hoặc bãi nhiệm hay không (Điều 70 – Khoản 7). Tuy nhiên trên thực tế, các ĐBQH chỉ bầu và miễn nhiệm CTQH, CTNN theo quyết định của BCH TƯ đảng CSVN.
Việc ông Vương Đình Huệ “thôi” làm CTQH được quyết định ở kỳ họp bất thường lần thứ bảy của BCH TƯ đảng CSVN khóa 13 hôm 26/4/2024 và vài ngày sau (2/5/2024), các ĐBQH Quốc hội khóa 15 hội họp bất thường lần thứ bảy chỉ để hoàn tất quyết định này của BCH TƯ đảng CSVN.
Tương tự, việc ông Võ Văn Thưởng “thôi” làm CTNN được quyết định ở kỳ họp bất thường lần thứ sáu của BCH TƯ đảng CSVN khóa 13 hôm 20/3/2024 và ngay trong ngày hôm sau (21/3/2024), các ĐBQH Quốc hội khóa 15 cũng hội họp bất thường lần thứ sáu nhằm thực thi ý chí của BCH TƯ đảng.
BCH TƯ đảng nhiệm kỳ này tụ tập bất thường bao nhiêu lần thì Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam hội họp bất thường bấy nhiêu lần bởi những cá nhân là Ủy viên BCH TƯ đảng khóa này bị đồng đảng xử lý cũng là những cá nhân từng được đảng sắp xếp để đại diện cho “ý chí, nguyện vọng của nhân dân”.
***
Trở lại với cuộc họp báo diễn ra vào ngày chủ nhật 19/5/2024 để thông tin về nghị trình kỳ họp thứ bảy của Quốc hội khóa 15, ông Cường (một Ủy viên BCH TƯ đảng khóa 13) hồn nhiên tuyên bố, ở hội nghị lần thứ chín, BCH TƯ đảng CSVN khóa này “thống nhất rất cao” để “giới thiệu” ông Trần Thanh Mẫn (Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực của Quốc hội) làm CTQH mới và ông Tô Lâm (Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng Bộ trưởng Công an) làm CTNN mới.
Bởi Quốc hội có nghĩa vụ thi hành quyết định của BCH TƯ đảng nên ông Bùi Văn Cường mới hồn nhiên trả lời báo giới: “Trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương chín chưa giới thiệu Bộ trưởng Bộ Công an vì thế Quốc hội chưa phe chuẩn hoặc miễn nhiệm chức danh này”. Thậm chí Tổng Thư ký của cơ quan lập hiến và lập pháp còn viện dẫn trường hợp ông Trần Hồng Hà (Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường – TNMT) sau khi được Quốc hội phê chuẩn làm Phó Thủ tướng vẫn kiêm nhiệm vai trò Bộ trưởng TNMT một thời gian để trấn an việc ông Tô Lâm vừa làm CTNN, vừa đảm nhận vai trò Bộ trưởng Công an là bình thường [4].
Người viết bài này đã phân tích ở phần trước việc ông Tô Lâm vừa đảm nhiệm vai trò CTNN vừa kiêm nhiệm vai trò Bộ trưởng Công an không chỉ vi hiến mà còn tạo ra sự hỗn loạn khó lường về hậu quả đối với chính trị - kinh tế - xã hội nhưng độc diễn chính trị đã khiến giới lãnh đạo đảng CSVN trở thành tùy tiện đến mức không thể tưởng tượng.
Tại sao chỉ hai ngày sau, hôm 21/5/2024, cũng chính ông Bùi Văn Cường lại công bố Tờ trình về điều chỉnh nghị trình, đưa thêm việc miễn nhiệm Bộ trưởng Công an vào hoạt động nghị trường lần này trước khi các ĐBQH bỏ phiếu bầu CTNN? Tại sao phút chót lại xảy ra hàng loạt chuyện ngoài dự kiến: Cấp có thẩm quyền đề nghị, Thủ tướng đề nghị nên đề nghị các ĐBQH đồng ý “bổ sung nội dung miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an”? Vì sao từng bị xem như một mớ giấy lộn, đột nhiên “pháp luật” lại trở thành một yếu tố quan trọng để trở thành... “căn cứ”? Vì lẽ gì một Ủy viên BCH TƯ đảng giữ trọng trách Tổng Thư ký Quốc hội phải tự “bôi tro, trát trấu” vào mặt ông ta?
***
Tháng 10 năm ngoái, ở kỳ họp thứ sáu của Quốc hội khóa 15, các ĐBQH khóa này đã bỏ phiếu xác định sự tín nhiệm đối với những cá nhân đã được họ bầu vào những chức vụ cần phiếu của họ. Ông Vương Đình Huệ, lúc ấy là CTQH nhận được 90,85% phiếu tín nhiệm cao/tổng số phiếu [6]. Chỉ sáu tháng sau, theo quyết định của đảng, cũng những ĐBQH này nhất trí bỏ phiếu cho ông “lên đường”. Cũng tháng 10 năm ngoái, ông Trần Thanh Mẫn, lúc ấy là Phó Chủ tịch Thường trực của Quốc hội chỉ nhận được 86,07% phiếu tín nhiệm cao/tổng số phiếu nhưng giờ, sau quyết định của đảng, ông nhận được 100% phiếu tín nhiệm với đề nghị để ông đảm trách vai trò CTQH [7].
Trong đợt bỏ phiếu tín nhiệm đối với những cá nhân đã được các ĐBQH bầu vào những chức vụ cần phiếu của họ hồi tháng 10 năm ngoái, ông Tô Lâm (Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng, Bộ trưởng Công an) chỉ nhận được 68,40% phiếu tín nhiệm cao/tổng số phiếu nên chỉ đứng thứ 25 trong số 30 cá nhân được các ĐBQH đánh giá cao. Lần này, khi các ĐBQH quyết định về việc có chọn ông Tô Lâm làm CTNN hay không, ông sẽ nhận được bao nhiêu phần trăm phiếu? Nếu phiếu tín nhiệm là đáng tin, tại sao số ĐBQH tín nhiệm ông Tô Lâm ở mức cao lại thấp hơn ông Vương Đình Huệ nhưng “sự nghiệp chính trị” của cả hai lại khác biệt như vậy?
Nếu “BCH TƯ đảng đã dân chủ thảo luận, kỹ lưỡng xem xét và thống nhất cao về phương án kiện toàn chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội” như ông Nguyễn Phú Trọng tuyên bố khi loan báo về kết quả hội nghị lần thứ chín [8], vì sao Quốc hội lại quay 180 độ về chuyện ông Tô Lâm vừa là CTNN, vừa kiêm nhiệm Bộ trưởng Công an?
***
Cách nay vài ngày, dựa trên thư cảnh báo của Liên Hiệp Quốc, Ngân hàng Thế giới và một số quốc gia, tổ chức ngoại quốc gửi Thủ tướng Việt Nam, Reuters cho biết, trong ba năm vừa qua, Việt Nam đã mất khoản tài trợ ít nhất là 2,5 tỷ Mỹ kim và có thể sẽ mất thêm chừng một tỷ Mỹ kim tài trợ nữa vì bộ máy công quyền tê liệt do hoạt động “chống tham nhũng” [9]. Nếu chịu khó ngẫm nghĩ ắt sẽ thấy việc độc diễn chính trị mới là nguyên nhân chính và thảm họa kinh tế - xã hội từ đó mà ra.
Chú thích
[3] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Hien-phap-nam-2013-215627.aspx
[7] https://vnexpress.net/ong-tran-thanh-man-lam-chu-tich-quoc-hoi-4748005.html
[9] https://www.voatiengviet.com/a/7616855.html
Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét