2024.05.28 - RFA
Trẻ em đi sở thú ở Hà Nội. Ảnh minh họa. AFP
“Đóng tiền thì được ăn liên hoan không đóng tiền thì nhịn”; “Cháu bé không được tham gia liên hoan với lớp chỉ vì mẹ không đóng tiền, đáng bị trách là các cô giáo và mấy phụ huynh” … là những bình luận trên mạng xã hội về câu chuyện một học sinh lớp 1 không được ăn liên hoan do phụ huynh không đóng quỹ, trong một lớp học có 32 học sinh, tại Trường Tiểu học Gia Lương Tỉnh Hải Dương.
Luật sư Ngô Anh Tuấn viết trên facebook cá nhân của ông, RFA đã được phép trích đăng:
“Thôi thì chúng ta chấp nhận cuộc chơi của phụ huynh, ai góp tiền thì được ăn, không góp tiền, nhịn; công bằng! Thế nhưng, việc này nên diễn ra ở các cuộc vui ngoài khuôn viên trường, lớp như các cuộc đi dã ngoại, thăm thú đâu đó; còn một khi đang ở nhà trường, nhân danh lớp học, điều đó là không nên, đúng hơn là không được phép.
Khi cô giáo cũng đồng tình và chấp nhận “luật chơi” của các phụ huynh một cách ráo hoảnh, thiếu nhân văn, không có tình người thì cần nghiêm túc xem lại đạo đức người giáo viên. Phụ huynh có thể không thích nhau, thậm chí có thể ghét nhau, nhưng đây là nhà trường, nơi giáo viên là người có quyền và trách nhiệm nhất liên quan tới học tập và đời sống tinh thần của các cháu nhưng giáo viên chủ nhiệm phó thác trách nhiệm cho phụ huynh như vậy thì thật là không còn gì để nói cả… Bản thân tôi cho rằng người cô giáo chủ nhiệm kia không xứng đáng và không nên làm giáo dục!”
Thôi thì chúng ta chấp nhận cuộc chơi của phụ huynh, ai góp tiền thì được ăn, không góp tiền, nhịn; công bằng! Thế nhưng, việc này nên diễn ra ở các cuộc vui ngoài khuôn viên trường, lớp như các cuộc đi dã ngoại, thăm thú đâu đó; còn một khi đang ở nhà trường, nhân danh lớp học, điều đó là không nên, đúng hơn là không được phép. - Ls. Ngô Anh Tuấn
Sau khi sự việc xảy ra, Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh Hải Dương lên tiếng cho rằng đây là vụ việc đáng tiếc và yêu cầu tổ chức rút kinh nghiệm chung trong công tác quản lý, tránh để xảy ra các vụ việc tương tự. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Gia Lương cho rằng giáo viên còn thiếu kinh nghiệm trong xử lý tình huống nên đã yêu cầu rút kinh nghiệm sâu sắc trong toàn trường nhằm đảm bảo không xảy ra những sự việc tương tự trong thời gian tới.
Giáo sư Mạc Văn Trang nêu quan điểm của ông với RFA:
“Ở đây nó có hai chuyện. Chuyện thứ nhất là chuyện các người lớn cãi nhau, lý lẽ với nhau thì đúng sai tôi không cần biết. Tôi chỉ biết là 31 cháu, 2 cô giáo và 3 vị phụ huynh ngồi ăn liên hoan vui vẻ, còn một cháu bé ngồi đấy là điều tôi không thể tưởng tượng được. Cháu bé sẽ cảm thấy rất là tủi thân, cảm thấy bị bỏ rơi.
Cái sự tủi thân đó đối với đứa trẻ sẽ ghi dấu ấn suốt cả cuộc đời trẻ. Nó làm cho đứa trẻ thiếu tự tin. Đối với cháu đó là sự xúc phạm và một sự tổn thương về tâm lý.
Chuyện thứ hai là đối với 31 cháu được ăn vui vẻ, cười đùa nhìn thấy một bạn không được ăn thì 31 cháu này cũng bị ảnh hưởng. Các cháu không được giáo dục sự đồng cảm, sự chia sẻ với bạn của mình. Đó cũng là một cái vô giáo dục; một cái rất tác hại đối với các cháu. Nó cho thấy các cháu rất ích kỷ, rất vô cảm, không có sự chia sẻ và đồng cảm với bạn. Thế cho nên, về mặt giáo dục thì việc nhỏ như thế nhưng ảnh hưởng tâm lý các cháu rất lớn mà cô giáo và phụ huynh không ý thức được điều đó thì thật đáng buồn!”
Quyền của trẻ em được quy định trong Luật Trẻ Em 2016 có ghi: Trẻ em có quyền vui chơi, giải trí; được bình đẳng về cơ hội tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch phù hợp với độ tuổi; Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc làm tổn hại đến sự phát triển toàn diện của trẻ em.
Một số người cho rằng, câu chuyện trên cho thấy những người lớn liên quan trong câu chuyện, bao gồm cả giáo viên lẫn phụ huynh cháu bé, đều vi phạm vào quyền của trẻ em. Rằng người ta nhân danh sự đóng góp công bằng mà quên đi quyền lợi của trẻ; quên đi ký ức tuổi thơ của những đứa trẻ hồn nhiên về bạn bè, về sự chia sẻ vô tư, không tính toán
Nếu xét trên phương diện Quyền Trẻ em, thì cả người mẹ, giáo viên chủ nhiệm và ban đại diện cha mẹ học sinh có thể phải hầu tòa vì làm tồn tương một đứa trẻ như thế. Nhưng ở Việt Nam thì việc đó có xảy ra hay không lại là một chuyện khác. - Ông Liêu Thái
Ông Liêu Thái, hiện có hai con nhỏ đang độ tuổi đến trường, bày tỏ suy nghĩ của ông với RFA:
“Theo Thông tư 55 của Bộ Giáo dục thì người mẹ không có lỗi, nhưng với em bé, con của cô ấy, thì cô rất lỗi!
Cũng theo thông tư này, Ban đại diện cha mẹ học sinh và cô giáo chủ nhiệm không có lỗi. Nhưng xét trên phương diện con người, họ quá vô cảm. Nó làm tổn thương sâu xa cho đứa trẻ.
Nếu xét trên phương diện Quyền Trẻ em, thì cả người mẹ, giáo viên chủ nhiệm và ban đại diện cha mẹ học sinh có thể phải hầu tòa vì làm tồn tương một đứa trẻ như thế. Nhưng ở Việt Nam thì việc đó có xảy ra hay không lại là một chuyện khác”.
Giáo sư Mạc Văn Trang kết luận, những người lớn trong câu chuyện đã quên dạy trẻ tính nhân văn, bởi câu chuyện diễn ra trước mặt chúng hoàn toàn vô cảm, không cho trẻ thấy lòng nhân ái khi cư xử với nhau. Các giá trị nhân văn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội, nơi mà mọi người được đối xử công bằng. Do đó, có thể nói, những đứa trẻ này đã bị tước mất quyền được giáo dục nhân bản.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét