Hình minh họa: Sinh viên xếp đội hình thành quốc kỳ Việt Nam ở thành phố Hồ Chí Minh, tháng Tư, 2015.
Cách nay đúng một năm, trong báo cáo gửi Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam, ông Lê Minh Trí – Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao – kiến nghị cơ quan này “chỉ đạo nghiên cứu xây dựng chính sách xử lý tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, tham nhũng, chức vụ, bảo đảm yêu cầu vừa nghiêm trị, vừa khoan hồng”, đặc biệt là “cân nhắc sửa đổi mức hình phạt, mức tính hậu quả thiệt hại hiện nay và tăng chế tài phạt tiền, giảm chế tài phạt tù để có chính sách xử lý hiệu quả hơn, vừa nghiêm trị, vừa nhân văn, thuyết phục” [1].
Trước đó chừng một năm, ông Trí cũng là người khuấy động dư luận khi đề nghị “giảm phạt tù, tăng phạt tiền” [2], song một đại diện Bộ Tư pháp bảo rằng: “Đề xuất cho tội phạm tham nhũng nộp tiền thay cho trách nhiệm hình sự mà Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao Lê Minh Trí đưa ra không phải là quan điểm mới” vì “Nghị quyết Trung ương 3 khoá 10 đã nêu rõ: Chú trọng thu hồi tài sản tham nhũng; áp dụng chính sách khoan hồng đối với những người phạm tội nhưng có thái độ thành khẩn, đã bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả kinh tế, hợp tác tốt với cơ quan chức năng; nghiên cứu sửa đổi pháp luật hình sự theo hướng khoan hồng hơn đối với những người đưa hoặc người nhận hối lộ nhưng đã tự giác khai báo và nộp lại tài sản trước khi bị phát hiện; chú trọng tới các chế tài phạt tiền nhằm tăng khả năng thu hồi tài sản tham nhũng” [2]. Nhiệm kỳ của BCH TƯ đảng CSVN khóa 10 từ 2026 đến 2011. Khi ấy, ông Nguyễn Phú Trọng là thành viên Bộ Chính trị đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Quốc hội.
Nói cách khác, tuy xác định tham nhũng là quốc nạn, phải “quyết liệt” phòng chống nhưng từ lúc khởi đầu công cuộc này đến nay, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam không bận tâm đến chuyện làm sao ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực từ gốc mà chỉ chuyên chú thu hồi tiền bị tham nhũng. Kết quả của công cuộc phòng chống tham nhũng tiêu cực trong vài thập niên chỉ là viên chức vơ vét mạnh tay hơn, trắng trợn hơn còn các hệ thống thì hoan hỉ hơn bởi đã thu hồi khoản “khắc phục hậu quả” khổng lồ [4].
Nếu công cuộc phòng chống tham nhũng tại Việt Nam đừng tiến hành theo kiểu mà ông Nguyễn Phú Trọng tuyên bố cách nay mười năm: Chống tham nhũng là công việc phức tạp và rất khó. Đây là công việc đòi hỏi sự khôn ngoan, có con mắt chiến lược. Chống tham nhũng không phải là xới tung tất cả, gây mất niềm tin, nghi kỵ lẫn nhau, rối loạn sẽ rất nguy hiểm. Đánh chuột đừng để vỡ bình, làm sao diệt được chuột mà bảo vệ được bình, tức là phải giữ cho được sự ổn định [5], chỉ thực hiện phòng chống tham nhũng như thiên hạ, chắc chắn các hệ thống sẽ không có cơ hội để khoe: “Trong vòng hai năm đã thu hồi hơn 386.000 tỷ đồng từ các vụ án tham nhũng, kinh tế; kê biên 249 bất động sản và hơn 56 triệu cổ phần, cổ phiếu” và không phải bạc mặt vì các hệ thống tê liệt, viên chức “tụ thủ bàng quan” bất chấp hậu quả đối với kinh tế - xã hội thế nào!
Dẫu Bộ Chính trị loan báo “chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”, rồi chính phủ ban hành “quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung” [5] nhưng các hệ thống vẫn không nhúc nhích và giờ, tới lượt quốc hội dự tính ban hành nghị quyết để khắc phục chuyện viên chức “không dám hành động do sợ sai” [6], một vài cá nhân như ông Phạm Văn Hòa kiến nghị vạch “lằn ranh đỏ”.
***
Đã có lúc, thiên hạ từng thắc mắc, tại sao xác định tham nhũng là quốc nạn nhưng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam lại bất chấp khuyến cáo của nhiều chính phủ, sự hỗ trợ của nhiều tổ chức quốc tế, đề nghị của nhiều chuyên gia cả trong lẫn ngoài Việt Nam, cương quyết gạt bỏ nỗ lực hình sự hóa “giàu có bất thường” (điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự, tịch thu tài sản của những viên chức không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản của họ) ra khỏi Luật Hình sự khi sửa vào các năm 2015 và 2017 [7] và Luật Phòng – chống tham nhũng vào năm 2018 [8] nhưng ông Trọng - người giương cao ngọn cờ phòng chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, vì sự nghiệp chung bất kể đó là ai” [9] - đã giải đáp thắc mắc này: Phòng chống tham nhũng phải bảo đảm “nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình” [10].
Đề nghị của ông Phạm Văn Hòa (ban hành các quy phạm pháp luật để tha bổng những tham quan ô lại tự nguyên khai báo, nộp lại tài sản, che đậy hành vi phạm tội và tiếp tục lưu dụng những tham quan ô lại này) chỉ là một bước trong kế hoạch thực thi “nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình”. Trong kế hoạch đó chỉ có một vấn đề mà giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam xem là chuyện nhỏ nên không bận tâm, đó là không có chỗ cho “nhân dân” dù “nhân dân” mới thực sự là chủ thể và “nhân dân” đang là đối tượng trực tiếp gánh chịu đủ loại hậu quả từ tham nhũng. Trong nhận thức của những người như ông Hòa, “nhân dân” không “quý” như tham quan, ô lại nên ông và các đồng chí của ông không hề cảm thấy “xót xa” như đã và đang “xót xa” cho các tham quan ô lại.
Trăn trở của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam về việc viên chức “không nghĩ, không làm, không hành động” cho nên phải chiêu dụ tham quan ô lại để kích thích “dám nghĩ, dám làm, dám hành động” chính là một trong những bằng chứng hết sức cụ thể cho thấy, xứ sở này, dân tộc này chỉ là tài sản của một nhúm người không thể thay thế, thành ra việc lựa chọn, sắp đặt và trọng dụng dứt khoát chỉ có thể nhắm vào những thành viên thuộc nhúm người ấy bất kể tài, đức ra sao!
Chú thích
[4] https://vnexpress.net/thu-hoi-hon-386-000-ty-dong-trong-cac-vu-an-tham-nhung-kinh-te-4661671.html
[5] https://dangcongsan.vn/tieu-diem/bai-4-dai-bao-hiem-cho-can-bo-dam-nghi-dam-lam-648686.html
[7] http://dantri.com.vn/phap-luat/giau-bat-thuong-co-the-bi-tich-thu-tai-san-1386181152.htm
[8] https://tuoitre.vn/chong-tham-nhung-van-bo-tay-voi-tai-san-bat-minh-20171121095053431.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét