24/05/2024 - VOA
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova.Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 23/5 nói Nga quyết tâm tiếp tục đối thoại thực chất thường xuyên với nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và cho rằng Hà Nội đã có cách tiếp cận cân bằng và có trách nhiệm về cuộc chiến ở Ukraine, Thông Tấn Nga TASS đưa tin.
“Việt Nam là đối tác lâu dài và đáng tin cậy của chúng tôi, mối quan hệ không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ ảnh hưởng bên ngoài nào. Chúng tôi duy trì đối thoại thường xuyên và thực chất giữa hai nước ở mức cao nhất. Chúng tôi quyết tâm tiếp tục như vậy”, TASS dẫn lời bà Zakharova nói.
Đại diện của Bộ Ngoại giao Nga cũng đề cập đến “quan điểm hợp lý” của Hà Nội về cuộc khủng hoảng Ukraine. Bà nói: “Lãnh đạo Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng ủng hộ giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Ukraine và cho đến nay vẫn tuân thủ cách tiếp cận cân bằng và có trách nhiệm”.
Ngay từ khi Nga bắt đầu xua quân vào Ukraine vào ngày 24/2/2022, Việt Nam vẫn luôn dùng từ “chiến dịch quân sự đặc biệt” trong các phát ngôn chính thức và trên truyền thông, theo cách gọi mà Moscow mô tả về cuộc chiến đã kéo dài hơn 2 năm và giết chết hàng ngàn thường dân ở Ukraine, trong khi các nước phương Tây gọi đây là một cuộc xâm lược vô cớ của Nga.
Trong các phản ứng chính thức, Việt Nam cũng thu hút sự chú ý của quốc tế khi tách mình khỏi quan điểm của số đông các quốc gia. Chẳng hạn, vào ngày 2/3/2022, Liên Hiệp Quốc tổ chức biểu quyết thông qua nghị quyết lên án “sự xâm lược của Liên bang Nga chống lại Ukraine” và kêu gọi Nga ngưng sử dụng vũ lực, ngay lập tức rút quân khỏi Ukraine. Nghị quyết này nhận được 141 phiếu thuận trong tổng số 193 nước thành viên LHQ, đạt tỉ lệ đồng thuận 73%. Có 5 thành viên bỏ phiếu chống là Nga, Syria, Belarus, Eritrea và Triều Tiên, trong khi 35 thành viên bỏ phiếu trắng, trong đó có Việt Nam.
Kế đó, vào ngày 23/3/2022, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đưa ra dự thảo nghị quyết về tình hình nhân đạo tại Ukraine, yêu cầu Nga chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch, đặc biệt là tấn công nhằm vào dân thường và các đối tượng dân sự. Nghị quyết này nhận được 140 phiếu thuận và 5 phiếu chống từ các nước Nga, Syria, Triều Tiên, Eritrea và Belarus vào ngày biểu quyết 24/3/2022, Việt Nam tiếp tục nằm trong số 38 quốc gia bỏ phiếu trắng.
Phản ứng trước những chỉ trích của truyền thông quốc tế về quan điểm “không rõ ràng” và “tránh đối đầu” với Moscow, Hà Nội khẳng định “không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hiệp Quốc” và chính sách quốc phòng “4 không” của mình, bao gồm không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Vào đầu tháng này, hôm 2/5, báo Tuổi Trẻ dẫn lời Đại sứ Nga tại Việt Nam cho biết Tổng thống Vladimir Putin đã nhận lời mời thăm Việt Nam của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc điện đàm hồi tháng 3 để “thúc đẩy mối quan hệ song phương ngày càng sâu sắc hơn”. Tuy nhiên, chưa có thời gian cụ thể cho chuyến thăm và việc này sẽ được xác định sau lễ nhậm chức của Tổng thống Vladimir Putin vào ngày 7/5.
Các quan chức Việt Nam đã hy vọng chuyến thăm không báo trước của nhà lãnh đạo Nga tới Hà Nội có thể được thực hiện sớm nhất là trong chuyến công du của ông tới Bắc Kinh để gặp các nhà lãnh đạo Trung Quốc vào ngày 16-17/5, theo Reuters.
Nhưng chuyến thăm Việt Nam của ông Putin vào thời điểm dự báo đã không được thực hiện, giữa bối cảnh Việt Nam, cho đến khi ông Putin kết thúc chuyến công du Trung Quốc, vẫn còn để trống 2 vị trí lãnh đạo là chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội. Đài DW của Đức dẫn lời một số nhà phân tích cho rằng đây có thể là nguyên nhân khiến chuyến thăm của nhà lãnh đạo Nga bị hoãn lại.
“Hỗn loạn chính trị ở Hà Nội còn tiếp tục, khó có khả năng ông Putin sẽ đến thăm Việt Nam”, DW dẫn lời ông Ian Storey, học giả tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, nhận định.
Ngay sau khi Việt Nam có tân chủ tịch nước và tân chủ tịch Quốc hội, ông Putin đã gửi lời chúc mừng đến Chủ tịch nước Tô Lâm hôm 23/5, nhấn mạnh quan hệ Việt Nam – Nga đang phát triển năng động trên tinh thần quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện và bày tỏ hy vọng rằng trên cương vị chủ tịch nước, “đồng chí Tô Lâm sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác song phương mang tính xây dựng trên mọi hướng, vì lợi ích của hai dân tộc, nhằm củng cố an ninh và ổn định tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương”, VOV và TASS đưa tin.
Chủ tịch Hạ viện Quốc hội Nga cũng chúc mừng tân Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, nhấn mạnh việc hợp tác giữa các đại biểu Quốc hội Nga và Việt Nam nhằm thúc đẩy củng cố quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Mỹ và EU đang cố gắng đẩy mạnh trừng phạt Nga và trấn áp những nước tìm cách lách các biện pháp trừng phạt để hỗ trợ Nga, nhất là những nước tái xuất khẩu thiết bị quân sự hoặc kỹ thuật cho Nga, trong đó có thể có cả Việt Nam, theo DW. Tuy nhiên, một nguồn tin ngoại giao châu Âu nói với đài này rằng các nước phương Tây rất khó đánh giá liệu Hà Nội có hỗ trợ gì cho Nga hay không.
Reuters hôm 9/5 đưa tin rằng Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã làm Liên minh châu Âu khó chịu khi hoãn cuộc họp dự kiến diễn ra vào ngày 13-14/5 của quan chức cấp cao của họ, ông David O’Sullivan, đặc phái viên EU về việc thực thi các biện pháp trừng phạt, chỉ vài ngày trước khi nó diễn ra.
Hãng thông tấn Anh dẫn lời một số nhà ngoại giao cho biết chuyến thăm dự kiến của ông O’Sullivan đã bị hủy bỏ vì nó có thể sẽ ‘làm hỏng’ chuyến công du của ông Putin. Việt Nam đã đề xuất thời điểm tháng 7 để thay thế.
Tổng thống Nga Putin từng đến thăm Việt Nam bốn lần. Chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông là vào tháng 2/2001, sau đó là vào tháng 11/2006 và tháng 11/2017 khi ông tham gia các Hội nghị cấp cao APEC do Việt Nam đăng cai tổ chức. Ông Putin cũng đã đến Hà Nội vào tháng 11/2013 và dự lễ khai mạc Những ngày văn hóa Nga tại Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét