Thứ Ba, 05/21/2024 - 04:37 — Nam Gia
Báo Tuổi Trẻ ra ngày 16 tháng Năm 2024 đưa tin: "Giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1 Trường THPT Nguyễn Thị Diệu, TP.HCM đã cho 6 học sinh đánh bạn ngay trong lớp vì đi học muộn"[1].
Trước đó không lâu, tháng Tám năm 2023, Sở Giáo dục - Đào tạo Tp.HCM phối hợp cùng Công đoàn Tp.HCM tổ chức hội thảo "Xây dựng trường hạnh phúc", với nhiều thầy và cô, từ đại học cho đến phổ thông trung học - cả trong và ngoài công lập - tham gia buổi hội thảo. Mục tiêu đặt ra "an toàn - lắng nghe - đoàn kết - yêu thương" cho cả trò và thầy [2], được dựa trên 21 tiêu chí "Trường hạnh phúc" theo tiêu chuẩn của UNESCO [3]. Đến tháng Mười năm 2023, Sở Giáo dục - Đào tạo đã ban hành chánh thức "Bộ Tiêu chí Trường học hạnh phúc và Kế hoạch thực hiện Trường học hạnh phúc" [4] với đại diện từ Bộ Giáo dục - Đào tạo, do Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc tham dự, cùng Công đoàn Giáo dục Việt Nam và nhiều ban ngành trung ương khác.
Một phụ huynh có con bị đánh tại trường THPT Nguyễn Thị Diệu, với giọng nghẹn ngào cho báo Tuổi Trẻ biết: "Tôi nghe con tôi kể mà không thể kiềm chế được sự tức giận. TP.HCM đang xây dựng trường học hạnh phúc mà tại sao giáo viên của một trường ở ngay trung tâm quận 3 lại hành xử phản sư phạm như thế. Chính giáo viên lại đi xúi giục học sinh thực hiện các hành vi bạo lực học đường. Như vậy thì làm sao phòng chống được bạo lực học đường?". Ngày 17 tháng Năm năm 2024, báo Thanh Niên cho biết: Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Thị Diệu quyết định tạm đình chỉ công tác giảng dạy nhằm để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của cô giáo nói trên [5].
Trước khi có chuyện cô giáo "dạy học trò đánh học trò", người dân vẫn không quên chuyện "học trò cùng nhau dạy hội đồng cô giáo". Chuyện xảy ra vào cuối năm ngoái, như báo Công An Nhân Dân tường thuật [6]: Sự việc diễn ra tại trường THCS Văn Phú thuộc tỉnh Tuyên Quang. Vào lúc khoảng 10h30 ngày 29 tháng Mười Một năm 2023, cô giáo Phan Thị H (38 tuổi) - giáo viên bộ môn âm nhạc - vừa hết tiết học thì bị một số học sinh lớp 7C và 6A bao vây và có lời nói cùng hành vi chửi bới, khiêu khích cô giáo H. Sau đó, có học sinh còn dùng dép chọi vào mặt, khiến cô giáo té xỉu. Cuối cùng, vị hiệu trưởng của trường THCS Văn Phú bị luân chuyển, còn cô giáo H. nhận kỷ luật cảnh cáo, từ chỉ đạo (tuốt luốt trên) Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang [7], vào ngày 3 tháng Giêng năm 2024.
Cùng với hai vụ việc kể trên, tuy trái ngược về nội dung cụ thể và vô số trường hợp học trò ẩu đả - cả đánh hội đồng và đánh tay đôi dữ dội nhưng chúng đều cùng chung một ý nghĩa: Hiệu trưởng - Giáo viên và học sinh không còn coi nhà trường là nơi để dạy và học với tiêu chí "Trường hạnh phúc" theo tiêu chuẩn UNESCO. Thay vào đó, học đường trở thành nơi để giải tỏa tâm trạng bực bội, hiềm khích; nuôi dưỡng sự căm hận và tư tưởng trả đũa sòng phẳng, dù giữa hiệu trưởng với thầy cô hay thầy cô với thầy cô hoặc học trò với thầy cô, dĩ nhiên bao gồm luôn học trò với học trò.
Mặc cho biết bao nhiêu lời than vãn, đi kèm tâm trạng bất an của hàng triệu phụ huynh, diễn ra trong nhiều năm qua, cùng những chỉ đạo và kỷ luật từ cơ quan hữu trách nhưng chuyện "thượng cẳng tay hạ cẳng chân" ầm ĩ và thậm chí án mạng đã xảy ra từ đó nhưng thảm nạn này vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm. Nhiều người cố gắng lý giải và đi tìm giải pháp, để học đường trở về đúng với vị trí xứng đáng của nó. Nhiều phụ huynh đã đề ra giải pháp: lắng nghe - đoàn kết - tôn sư trọng đạo - tăng lương giáo viên - kiên quyết loại bỏ những giáo viên không đủ phẩm chất và đạo đức - nghiêm khắc nhưng vị tha với học sinh v.v... như báo Tuổi Trẻ ra ngày 17 tháng Năm 2024 đưa tin [8].
Hầu hết người đời hiện nay đều dùng chữ "bạo lực học đường" - nghe trang trọng và văn minh, theo xu hướng thời đại. Tuy nhiên, chữ "đánh lộn", "đánh hội đồng", "mất dạy" - vốn là những từ ngữ rất thông dụng và bình thường trước 1975 - vẫn thích hợp và vẫn bảo đảm phản ánh đúng tình trạng hỗn loạn trong học đường ngày nay.
Tại sao gần nửa thế kỷ trôi qua, dưới sự lãnh đạo toàn diện và sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, vốn luôn luôn dẫn dắt toàn dân tộc đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác mà người Việt Nam - từ già đến trẻ; từ trai đến gái; từ thầy cô đến học trò; từ quan chức cao cấp nhứt cho đến quan chức thấp cấp nhứt ngày càng trở nên bệ rạc về "dáng đứng Việt Nam" đến như vậy?!
Chính trường Việt Nam - nơi các đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam đầy trí tuệ - đang chứng kiến sự xáo trộn dữ dội tại thượng tầng kiến trúc, với "hai trụ" Vương Đình Huệ - Võ Văn Thưởng rời ghế trong lặng lẽ, cùng với "hai trụ mới" được "gắn vô" Trần Thanh Mẫn - Tô Lâm. Thông tin mới nhứt từ báo Tuổi Trẻ ra ngày 21 tháng Năm 2024: "Quốc hội sẽ tiến hành thủ tục miễn nhiệm bộ trưởng Bộ Công an với ông Tô Lâm, ứng cử viên được Trung ương giới thiệu bầu làm Chủ tịch nước tại kỳ họp này", mặc dù trước đó hai ngày báo giới loan tin: Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết trong chương trình kỳ họp thứ 7 chưa có nội dung phê chuẩn, miễn nhiệm chức danh bộ trưởng Bộ Công an. Cách hành xử với dân chúng như vậy, ngoài chữ "mất dạy", nên gọi là gì cho nhẹ nhàng mà tương xứng (?).
Thảm nạn đánh lộn - đánh hội đồng - mất dạy từ hành xử của giáo viên đến học trò hiện nay, phải chăng là hình ảnh phóng to từ thượng tầng chính trị, với vỏn vẹn 16 nhân vật trong tư cách "Ủy viên Bộ Chính trị" ?
Văn hóa là cội rễ. Giáo dục là dưỡng chất. Văn hóa xứ thiên đàng đã bị băm vụn, còn giáo dục toàn hóa chất độc hại.
[1] https://tuoitre.vn/tp-hcm-giao-vien-cho-6-hoc-sinh-danh-ban-ngay-trong-lop-20240516190612073.htm
[2] https://tuoitre.vn/xay-dung-truong-hoc-hanh-phuc-tai-tp-hcm-20230809125944914.htm
[3] https://thedeweyschools.edu.vn/tieu-chi-xay-dung-truong-hoc-hanh-phuc/
[8] https://tuoitre.vn/giao-vien-cho-6-hoc-sinh-danh-ban-con-nhieu-cach-nhan...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét