24/05/2024 Thiên Hạ Luận - VOA
Ông Trần Thanh Mẫn tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch Quốc hội Việt Nam ngày 20 tháng Năm.
Trân Văn
Tuần này, những diễn biến xoay quanh việc bầu Chủ tịch Quốc hội (CTQH) và Chủ tịch Nhà nước (CTNN) Cộng hòa XHCN Việt Nam trở thành một trong những chủ đề nóng nhất trên mạng xã hội.
Kỳ họp thứ bảy của quốc hội khóa 15 khai mạc vào sáng 20/5/2024. Theo nghị trình được toàn thể quốc hội thông qua thì các đại biểu sẽ bầu tân Chủ tịch Quốc hội, thay thế cho ông Vương Đình Huệ vừa bị giải nhiệm.
Tuy quốc hội chưa bầu nhưng toàn đảng, toàn dân đã biết tân Chủ tịch Quốc hội là ông Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội – vì ông Mẫn là người duy nhất được BCH TƯ đảng khóa này giới thiệu.
Sau khi đắc cử CTQH với 100% số phiếu, ông Mẫn tuyên thệ và phát biểu nhậm chức. Dư luận trở thành hết sức rôm rả. Thay vì bàn luận về tiểu sử, năng lực của CTQH và triển vọng kinh tế - xã hội khi quốc hội khóa này được đặt dưới sự lãnh đạo của ông Mẫn thì nhiều người bình phẩm về... sự thay đổi nhóm tiêu binh hộ kỳ đứng phía sau ông Mẫn khi ông tuyên thệ.
Bởi trước đó, chỉ có một nhóm tiêu binh cùng hộ kỳ khi cả ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Vương Đình Huệ, lẫn ông Võ Văn Thưởng tuyên thệ nhậm chức và nhiều người đùa rằng, đó là lý do khiến cả ba ông cùng phải “tự nguyện từ chức” nên việc thay đổi nhóm tiêu binh hộ kỳ trong lần tuyên thệ nhậm chức của ông Mẫn trở thành... sự kiện. Đó cũng là lý do Chanh Tam nửa đùa, nửa thật: Khi lãnh đạo tuyên thệ, hàng triệu ánh mắt dồn vào ba tiêu binh. Đổi mới rồi! Còn Chau Nhi – một thân hữu của Chanh Tam – than: Chưa bao giờ thấy lời thề vô nghĩa như bây giờ [1]!
Khác với nhiều người, ông Kim Van Chinh lưu ý đến diễn văn nhậm chức của ông Mẫn. Theo ông: Việc ông Mẫn đề nghị Quốc hội xem xét, thảo luận kỹ về công tác nhân sự tuy đúng nhưng không hay vì đợt này Quốc hội bầu hai chức vụ, trong đó có chức vụ quan trọng mà chính ông là người duy nhất được đề cử, không có ai khác ngoài ông. Có rất nhiều thân hữu của ông Kim Van Chinh tham gia bình luận sau khi ông nêu nhận định vừa dẫn...
Một số người cùng nêu những ý chẳng khác gì nhau về “bầu chọn”. Chẳng hạn Nguyễn Bình nhấn mạnh: Đảng quyết chứ đâu phải quốc hội. Tương tự là An Vu: Bộ Chính trị đã quyết định rồi còn thảo luận làm gì nữa. Hung Vu Van giải thích chi tiết hơn một chút.: Cơ chế Việt Nam là đảng lãnh đạo toàn diện. Việc sắp xếp các vị trí lãnh đạo trong bộ máy do đảng chỉ định, chính phủ đề xuất, quốc hội chỉ làm thủ tục thông qua thôi, có bàn cũng chẳng tích sự gì. Hoang Hien thì nhận xét: Lần nào bầu cũng bảo lựa chọn kỹ càng lắm rồi nhưng rồi cũng như nhau rứa à!
Bên cạnh nhóm ý kiến vừa kể, trong số thân hữu của ông Kim Van Chinh, có những người như Bùi Bình Thế than: Đã bầu chọn thì danh sách phải có hai hay ba người cho một chức danh. Đằng này mỗi chức danh chỉ có một người để bầu thì chỉ có hoặc bầu, hoặc bỏ phiếu trắng. Quyền bầu cử và ứng cử tự do theo hiến pháp đâu còn giá trị! Tuy nhiên theo Hồng Thái: Dù sao chỉ có một ứng viên cũng thử thách bản lĩnh ĐBQH xem có ai không bầu chăng. Còn với Ba Long thì “bầu” chỉ là: Đồng ý hoặc không. Không thì lại tốn thêm thời gian, tiền bạc và nhiều thứ khác. Tốt nhất là gật đầu cái rụp cho xong!
Do vậy mới có người mỉa mai như Trần Le Phương: Đảng giới thiệu để quốc hội bầu, muốn ‘thảo luận kỹ’ là muốn gì đây hả ông Mẫn? Và Tom Nguyen tán thành: Ông Mẫn nói vớ vẩn. Đảng quyết định tất cả, kể cả kéo ông vào làm CTQH bù nhìn. Quốc hội còn không thể bầu chủ tịch của mình thì làm sao làm công tác nhân sự? Cái gì cũng chờ lấy ý kiến của đảng thì làm được gì? Trong khi Đỗ Quang Lợi ngậm ngùi: Vẫn nhớ trước đây mỗi lần bầu bán, người ta viết to, treo trang trọng khẩu hiệu ‘’sáng suốt lựa chọn’, giờ vẫn vậy mà mủi lòng! - thì Duong Nguyet Pham hoan hỉ: Chúc mừng bác ấy quay trúng ô “được hưởng chế độ quốc tang” [2].
***
Cho dù việc bầu CTQH được dân chúng thảo luận rôm rả nhưng chẳng thấm vào đâu so với việc bầu CTNN. Hồi đầu, giới hữu trách loan báo, tại hội nghị lần thứ chín, BCH TƯ đảng khóa 13 “thống nhất rất cao” trong việc giới thiệu ông Tô Lâm để quốc hội bầu ông làm CTNN. Bởi ông Tô Lâm đang là Bộ trưởng Công an nên thiên hạ thắc mắc, ai sẽ thay ông? Tổng Thư ký Quốc hội làm thiên hạ chưng hửng khi tuyên bố, BCH TƯ khóa 13 chưa chọn Bộ trưởng Công an mới. Nghĩa là ông Tô Lâm vừa là CTNN, vừa làm Bộ trưởng Công an...
Giữa lúc công chúng đang bàn ra, tán vào về việc CTNN kiêm Bộ trưởng Công an vừa vi hiến, vừa khiến hệ thống quyèn rối loạn thì chiều ngày họp thứ hai trong kỳ họp thứ bảy của quốc hội khóa 15, đột nhiên Thủ tướng Việt Nam dựa vào các “căn cứ pháp luật”, đề nghị quốc hội xem xét miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Công an của ông Tô Lâm và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đột nhiên đồng ý rồi đề nghị các ĐBQH phê chuẩn việc thay đổi nghị trình, thêm tiết mục “miễn nhiệm Bộ trưởng Công an” vào chương trình.
Trên mạng xã hội, không ít người khẳng định, ông Tô Lâm – nhân vật lâu nay bị công chúng cho rằng đang củng cố thế lực, lũng đoạn chính trường bị “gài” [3]. Khó mà đếm được số người bày tỏ sự hoan hỉ trên mạng xã hội. Nhiều người bày tỏ sự hoan hỉ này một cách kín đáo như Phạm Cầm Thu: Phút thứ 89. Cao cờ quá [3]! Song cũng có người thẳng tưng như Hue Chi Ha Thi: Tuần trước nghe tin xong cứ tưởng hắn sẽ một tay che trời, buồn rũ người. Hậu quả của việc mù phân tích là như vậy. Còn cả nhà tên dao thớt nữa, mong lắm thay ông Trời có mắt [4]!
Đó cũng là lý do có những người như Xuân Trung Võ nhận định: Đất nước kỳ lạ - việc miễn nhiệm chức thượng thư lại được quan tâm hơn sự kiện hoàng đế lên ngôi! Theo Danh Nguyen – một thân hữu của Xuan Trung Vo – sự kỳ lạ đó do: Thượng thư thứ dữ, còn hoàng đế là phế đế. Phuc Nguyen bảo rằng nguyên nhân của sự kỳ lạ ấy là: Lâu nay vẫn gật, giờ đột biến không gật nên mới... thú vị. Nguyen Truc không bình mà đùa: Đất nước có bao giờ được như thế này không! Mai Toan góp vào: Trông tới tương lai trào nước mắt, nhìn lại quá khứ toát mồ hôi [5]!
***
Liệu đảng có tự vấn: Mình như thế nào nên nhân tâm mới thế?
Chú thích
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét