23.5.2024 - Nguyễn Thông
Khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam (ông hàng xóm nhà tôi gọi là giáo hội quốc doanh) còn trưng câu đường lối "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội" thì chính họ đã hủy diệt đạo Phật chứ đâu phải ai phá.
Đã xác định tu hành, sải bước theo lối Phật mà còn lao vào mê muội chính trị chính em, tôn sùng điều hoang tưởng thì có tu ngàn kiếp cũng chẳng bao giờ đạt thành chính quả, về bến giác.
Thương thay cho thứ Phật giáo hình thức mà thiếu căn tu chính đạo ở xứ này.
Nhìn cái cảnh đại hội phật không khác gì đại hội đảng, đỏ lòe đỏ loẹt, hoa hoét tùm lum mà chán ặt.
Thông không cào
Đường lớn - 18.5.2024
Thật tình, tôi không bị cuốn vào sự kiện thầy Thích Minh Tuệ đang được rất, rất nhiều người chú ý, quan tâm suốt nửa tháng nay. Lý do đơn giản là tôi đang rất bận, vả lại kiến thức, hiểu biết của tôi về đạo Phật, phật pháp, tu hành... mỏng lắm. Mình nói ra, dù chỉ một chữ một nhời không đúng, dễ làm tổn hại người khác.
Nhưng sau khi đọc cái thông báo giọng chỉ thị của Giáo hội Phật giáo VN thì vừa buồn vừa giận. Danh nghĩa là tổ chức cao nhất của nhà Phật ở xứ này, vậy mà kiến thức không bằng đứa trẻ con vô đạo. Hình như họ nhiễm phải cái thói độc quyền của nhà cai trị. Cũng phải thôi, giáo hội quốc doanh với chùa to tượng lớn đặt nhan nhản thùng công đức thì làm sao thấu Phật được.
Xin thưa với giáo hội mậu dịch, "tu sĩ" không phải là danh hiệu, phẩm hàm, chức sắc, là thứ được xem xét, cấp phát, mà từ này có nghĩa để chỉ người (sĩ) đi tu (tu) thôi. Bất cứ ai đi tu đều là tu sĩ, không cần sự công nhận của tổ chức, đoàn thể nào. Ra một cái văn bản cấp trung ương mà từ ngữ tiếng Việt quá ú ớ, quả thật không còn gì để nói.
Thầy Thích Minh Tuệ (tục danh Lê Anh Tú) cũng như mọi người trong đám bình dân chúng ta, nhưng có lẽ thầy có những thứ những điều ta không có hoặc không thể nào có, các hòa thượng, thượng tọa, đại đức quốc doanh lại càng không có.
Ngó những bức ảnh, video clip thầy Minh Tuệ trên đường bê tông, nhựa đường nóng bỏng dưới trưa nắng gắt, tôi sực nhớ cụm từ "chân trần chí thép" rất hợp với nhà tu hành này, đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Mà không chỉ "chí", còn có cái gì đó khó cắt nghĩa, trong con người thầy, chỉ hiểu là mênh mông, cao xa vời vợi, vô cùng.
Nghĩ đến thầy, lại nhớ câu thơ của thi sĩ Tô Thùy Yên, "Ta về một bóng trên đường lớn/Thơ chẳng ai đề vạt áo phai". Đó là những người đã đạt được cảnh giới trên cõi đời. Người lớn đi trên đường lớn, con đường mà vô vàn người nhỏ muốn hành trình nhưng không đặt chân vào được.
Vài dòng mùa Phật đản
Thông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét