28 tháng 5 2024

Lại một con cừu không ngoan?

27.5.2024 - Thái Hạo

1. Đừng vội tin?

Về vụ việc một em bé lớp 1 phải ngồi nhìn các bạn ăn liên hoan mà mạng xã hội (và sau đó là báo chí) đưa lên, đến thời điểm này đã có 2 luồng ý kiến, một là tin và bức xúc; hai là nghi ngờ và cho rằng đó chỉ là thông tin một chiều, sai sự thật, và đừng vội tin. Nhưng lại tin ngay vào cái bình luận của một cái nick có tên Mưa Mùa Thu (xem hình 1).

Nick này có nói sự thật không? Tôi không check được tất cả các nội dung liên quan, nhưng trước hết xin chỉ ra một điểm sai sự thật trong cái bình luận của người này, đó là chi tiết “Hồi trung thu còn ý kiến sao cho con tôi ăn bánh nướng không tốt”. Bây giờ mời đọc hình 2, chính là lời của vị phụ huynh đã nói về những cái bánh nướng kia. Bánh không tem mác, không ghi thương hiệu, không ngày sản xuất, không hạn sử dụng, vậy chị ta ý kiến thì có chính đáng không? Không những thế, chị ta còn rất lịch sự, ăn nói từ tốn có trước có sau. Kết thúc ý kiến, chị ta còn nói “Vì sức khỏe của các con để đảm bảo đồ ăn em cũng mong rằng ban hội phụ huynh khi mua quà nên để ý giúp ạ. Em cảm ơn”. Ấy thế nhưng, khi qua lời của một người tự xưng là phụ huynh của lớp ấy, thì nó thành “sao cho con tôi ăn bánh nướng không tốt”, biến một người rất có trách nhiệm và lịch sự thành một loại lắm chuyện, hay đòi hỏi, thích gây sự và chuyên phá rối!

Chỉ mới kiểm tra một chi tiết mà đã thấy người này nói sai hoàn toàn và nói bằng một giọng khác hẳn, làm méo mó bản chất sự việc đến mức gần như đổi trắng thay đen, thì những chi tiết khác ta có thể tin được không? Đừng vội tin, đúng, nhưng cũng đừng vội tin bất cứ điều gì chỉ vì nó phù hợp với điều mình muốn thấy.

2. Sai ngay từ đầu

Như đã nói trong bài trước, bất luận thế nào, việc lớp và ban đại diện của lớp này tự ý đặt ra 2 loại quỹ là quỹ lớp và quỹ phụ huynh rồi bổ đầu cha mẹ để thu là sai quy định, cũng có nghĩa là vi phạm pháp luật. Theo Thông tư 55 của Bộ GD-ĐT, chỉ có một khoản duy nhất là “Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh” là được phép thành lập, và khoản tiền này có được là do đóng góp tự nguyện và những tài trợ hợp pháp (không được thu theo dạng bình quân); khoản tiền này cũng không phải được dùng để liên hoan, nó chỉ dùng cho hoạt động của Ban đại diện (hoạt động đó là gì, mời đọc Thông tư 55).

Việc các vị phụ huynh khác hoặc cộng đồng chỉ trích vị phụ huynh nọ là đã không đóng tiền quỹ còn la lối om sòm, đó điều là vô lý. Vị phụ huynh này không đóng là đúng, vì không ai cho phép thu sai pháp luật như thế cả, bất luận anh có dùng tiền ấy vào việc gì. Cũng cần nói rõ, vị này chỉ không đóng quỹ phụ huynh, còn quỹ lớp thì vẫn đóng, nhưng nó đã không làm cho những người muốn thu cả 2 loại quỹ bằng lòng.

Bạn hãy tưởng tượng: không phải là chuyện liên hoan mà là việc phụ huynh lớp này huy động quỹ để lắp điều hòa hoặc thay gạch nền, sửa chữa phòng học..., nếu vị phụ huynh kia không nộp (vì xây dựng cơ sở vật chất là việc của nhà nước, phụ huynh đã đóng thuế và đóng học phí rồi), thì con của chị ta phải ra hành lang ngồi, hay nhẹ hơn thì cũng bị phân biệt đối xử bằng những ánh mắt và câu nói mỉa mai? Rất nhiều thứ khác tương tự nữa mà bạn có thể hình dung ra hoặc đã từng đọc thấy trên truyền thông về những sự rối loạn này. Và bạn có muốn một xã hội vận hành theo cách ấy? Chúng ta muốn một xã hội rạch ròi về trách nhiệm hay lại hô hào nhau đi đóng tiền vì “nói có được gì đâu”?

Việc các phụ huynh của lớp này và một bộ phận dân chúng nhắm vào vị phụ huynh kia để phê phán tính “xét nét”, “keo kiệt”, “hay ý kiến”, là một thái độ rất không ổn. Tôi tưởng trước nay các vị vẫn bất bình với tình trạng lạm thu, loạn thu và việc sử dụng Ban đại diện làm cánh tay nối dài để thu các khoản tiền trên trời dưới đất? Nay, tại sao có một phụ huynh luôn dẫn Thông tư 55 ra để nói chuyện với những phụ huynh khác, và thực tế là chị ta đang làm đúng pháp luật, nhưng các vị lại không những không ủng hộ mà còn chỉ trích, đấu tố?

Quen lắm, tôi đọc các tin nhắn “lời qua tiếng lại” trong nhóm zalo của phụ huynh nọ thì không thấy ngạc nhiên, nào là tại sao 31 phụ huynh khác đóng được mà chị không đóng, nào là chăm lo cho con mình, nào là không để con thiệt thòi, nào là nhà chị giàu, nào là chị hay ý kiến, nào là tại sao không ai nói gì mà chị khi nào cũng xét nét, v.v. và v.v.. Đây có phải là vì một con đã không chịu làm cừu trong đàn cừu?

3. Vị phụ huynh kia có bịa đặt không?

Điều này thì chưa kết luận chắc chắn được về mọi chi tiết, nhưng đọc tin nhắn trong nhóm zalo của phụ huynh lớp ấy (xem hình 3 và 4), tôi nghĩ đây không hoàn toàn là chuyện không có thật. Sau khi vị phụ huynh thắc mắc/ chất vấn sau buổi liên hoan ấy thì Trưởng ban đại diện lớp này không hề phản bác, mà thay vào đó là lập luận, đại ý, rằng do chị không đóng quỹ phụ huynh. Theo logic thông thường, nếu vị phụ huynh này nói sai thì trưởng ban đại diện sẽ phủ nhận ngay và các phụ huynh khác cũng sẽ lên tiếng đính chính, cãi lại, nhưng đã không có lời nào như thế cả. Khả năng có sự phân biệt đối xử là đặc biệt cao, chỉ chưa rõ về mức độ và hình thức mà thôi.

Đọc những lời trao đổi trong nhóm zalo ấy tôi cũng thấy rằng vị trưởng ban đại diện của lớp này có một thái độ rất thiếu văn hóa, nếu không nói là mất dạy (xem hình các tin nhắn trong cmt), trong khi vị phụ huynh kia vẫn nói năng dựa trên lý lẽ và vẫn giữ được thái độ ôn hòa.

Xin nhắc lại, việc vị phụ huynh này không đóng các loại quỹ đó là đang làm đúng quy định, chính chị ta, bằng nhận thức và thái độ rạch ròi của mình, đang góp phần làm trong sạch môi trường giáo dục vốn rất bát nháo bởi các khoản thu và các hoạt động mang tính tự phát đã diễn ra sôi nổi suốt hàng chục năm qua.

Gần giống với nội dung ở hình 1, tôi còn đọc thấy một bài đăng của một vị phụ huynh khác, phốt vị này, cũng về vụ bánh trung thu. Vị phụ huynh thắc mắc rằng tại sao bánh lại không có tem mác, ngày sản xuất và hạn sử dụng cũng không có, “giải thích là bánh nhà chị Mai, 1 tiệm bánh nổi tiếng rồi vẫn không nghe”. Và coi rằng chị này quá quắt! Mọi người tự nghĩ đi, xem những thắc mắc của vị phụ huynh có chính đáng không, chị ta có phải là người lắm chuyện hay quá quắt không khi thắc mắc những việc liên quan rất hệ trọng đến sức khỏe của trẻ em như thế? Thế này là xấu xa sao? Một việc rõ ràng với những phản ánh chính đáng như thế mà còn bị những phụ huynh khác bẻ cong hoàn toàn để đấu tố, thì tôi cũng không ngạc nhiên về câu chuyện liên hoan đang nổi sóng trên mạng khi chị ta trở thành người bị chỉ trích.

Tôi nghĩ, cũng như hàng vạn câu chuyện vẫn lặp đi lặp lại trong cái gọi là “tập thể” ở khắp mọi nơi, bất cứ đâu có một kẻ “lắm lời”, “hay ý kiến”, thì kẻ đó là đáng ghét. Nó sẽ bị cô lập, bị coi là “thích gây rối”, “không có ý thức xây dựng”, “phá đám”, và nó nên được cho ra khỏi đàn. Tôi biết, ở đây không ít người đã thấm thía những trải nghiệm ấy khi đi họp phụ huynh hay lúc bàn bạc công việc chung trong các nhóm zalo của lớp. Không cẩn thận thì ngay cả việc anh nói đúng, nói để có lợi cho các cháu cũng sẽ bị cái tập thể ấy nhìn như một kẻ gây rối, họ chỉ mong anh biến đi cho rảnh mắt. Người không có thần kinh thép thì không thể chịu nổi những ánh mắt, những chỉ trích và sự cô lập của đám đông kiểu này đâu.

Tôi muốn nhắc lại một lần nữa rằng, những cái quỹ (quỹ lớp, quỹ phụ huynh) mà các vị phụ huynh của lớp ấy nêu ra hay đang được một bộ phận cộng đồng dùng như một thông tin để chứng minh rằng vị phụ huynh nọ đã không hoàn thành nghĩa vụ đóng góp nên mới xảy ra cơ sự này ấy, chính là minh chứng để cho thấy cái sai đã được chấp nhận. Một mặt ta lên án nạn lạm thu, thu sai quy định, mặt khác ta lên án một phụ huynh vì đã không đóng các khoản sai trái ấy. Thật lạ lùng! Comment ở hình 1 còn nói rằng vị phụ huynh kia “cả 5 đứa con từ mầm non lên cấp 2 đều không đóng” [quỹ phụ huynh], và ta liền thấy rằng đó là điều tồi tệ, thật là một người mẹ ghê gớm, khó lòng chấp nhận. Không biết thông tin này có chính xác không (hay cũng là bịa đặt như chuyện về chiếc bánh trung thu), nhưng nếu đúng thì tôi khâm phục người phụ huynh ấy, rất hiếm phụ huynh có thể “sống và làm việc theo pháp luật” giữa một rừng những phán xét đạo đức như ở ta.

Có nhiều cái đúng trong một hoàn cảnh cụ thể sẽ thành sai khi đặt vào những nền tảng lớn hơn. Trong trường hợp này là chị không đóng tiền nên tôi không mua đùi gà cho con chị là đúng, nhưng ai cho phép anh thu các khoản tiền ấy với tư cách là một loại quỹ để tổ chức liên hoan trong khung giờ chính khóa (?) – nghĩa là từ đúng đã thành sai, và đây là cái sai nền tảng. Ủng hộ hay cổ xúy cho cái đúng kiểu này là đang gián tiếp hủy hoại những nền tảng căn bản của một xã hội, đó là pháp luật và sự công bằng.

Chủ nghĩa tập thể vẫn là thứ đáng sợ nhất trong câu chuyện này, nó bất chấp đúng sai, bất chấp quy định của pháp luật, nó chỉ dùng các diễn ngôn như “vì con em chúng ta”, “có đáng bao nhiêu đâu”, “tại sao ai cũng...mà chị lại...”. Cá nhân tôi luôn kinh hãi trước những diễn ngôn loại này.

TB: Trước mắt, tôi chưa kết luận về tính chính xác của tất cả các chi tiết cụ thể trong câu chuyện liên hoan này, chờ những thông tin xác thực từ những người có trách nhiệm. Nhưng như đã nói, bất luận thế nào cái sai lớn sẽ tất yếu làm nảy sinh vô vàn cái sai nhỏ mà không ai có thể kiểm soát nổi, không phải buổi liên hoan này thì cũng sẽ là buổi liên hoan khác, không rơi vào người này thì cũng sẽ rơi vào người khác. Và trên thực tế nó đã xảy ra hàng chục năm nay rồi, với ngàn ngạt những câu chuyện gây bất bình trong xã hội, chỉ là do ta chóng quên mà thôi. Và tôi tin rằng, nó chỉ kết thúc khi phụ huynh nào cũng có được ý thức pháp luật và sự dũng cảm như vị phụ huynh kia. Tiếc rằng, quá ít, và sau vụ này có thể chị ta cũng sẽ không bao giờ dám ý kiến ý cò gì nữa.

Thái Hạo

Thái Hạo
Tôi đã nhắc đến Thông tư 55 nhưng hình có nhiều bạn vẫn không chịu đọc nên mới cố nói là có 2 loại quỹ (lớp và phụ huynh). Thế thì đọc báo vậy. Giám đốc Sở GD- ĐT TPHCM nói "Không có khái niệm quỹ lớp, quỹ trường. Tôi đề nghị Phòng Kế hoạch - Tài chính hướng dẫn để tất cả các khoản thu của nhà trường đều phải được thực hiện trên hệ thống, không dùng tiền mặt, để Sở quản lý được việc trường thu như thế nào".

Nguồn:
https://vietnamnet.vn/giam-doc-so-gd-dt-tp-hcm-khong-co...

28.5.2024 - Thái Hạo

Bài viết trong hình là của phóng viên Mỹ Quyên, báo Thanh Niên (hình như phụ trách mục giáo dục của báo).

Không rõ là phóng viên Mỹ Quyên không biết đầu đuôi sự việc mà nói những lời bịa đặt, cay nghiệt và đấu tố này, hay biết mà vẫn cố ý?

Tôi xin dẫn lại một lần nữa những chi tiết đã dẫn đến việc bị cho là "không đóng tiền nhưng đòi có suất ăn" mà nhiều người đang không hiểu hoặc cố ý không hiểu.

"Đầu năm học e đi họp lớp con nhà e có 2 khoản Quỹ cô giáo nêu ra :
1. QUỸ LỚP
2. QUỸ HỘI CHA MẸ HỌC SINH

E có hỏi 2 khoản Quỹ dùng vào việc gì thì dc cô hiệu trưởng và cô giáo chủ nhiệm tl như sau : QUỸ LỚP ( chi phô tô bài làm cuối tuần cho các con và tổ chức trung thu , liên hoan cuối năm học nếu thiếu sẽ đóng thêm , thừa thì mua sách vở tặng khích lệ cho các con , khoản Quỹ Lớp này cô giáo chủ nhiệm cầm để chi thu )

QUỸ HỘI ( LÀ THOẢ THUẬN GIỮA PHỤ HUYNH VÀ NHÀ TRƯỜNG KHOẢN NÀY KO ÉP BUỘC TRONG ĐÓ DÙNG VÀO VIỆC HOẠT ĐỘNG CHO CÁC CON 30% VÀ 70% VỀ NHÀ TRƯỜNG ) và ko có chuyện e ko nộp quỹ hội thì con e ko dc ăn liên hoan .

- Cái vấn đề nộp quỹ hội này e đã nói đầu năm học là e ko đóng khoản quỹ hội ( khoản này trên tinh thần tự nguyện )

Còn lại các khoản quỹ lớp e vẫn đóng .

"Vừa rùi liên hoan cuối năm con e lớp 1 e ko thấy cô giáo đăng lên nhóm thông báo là quỹ lớp còn ít hay hết nên vấn đề này e ko dc biết vì e nghĩ Quỹ Lớp vẫn đủ, nếu e biết ko đủ e sẽ ủng hộ thêm cho các con . Và cũng ko có tin nhắn riêng nào trao đổi cả".

Lưu ý, những trình bày trên đây là của vị phụ huynh có con không được ăn suất liên hoan, đăng công khai đã 2 ngày và không ai thuộc nhà trường hay Ban đại diện có ý kiến khác hay chứng minh được cô ấy nói sai sự thật. Cũng lưu ý là Báo cáo của Sở GD-ĐT Hải Dương cũng đã thừa nhận "sai sót" của giáo viên lớp này.

Nghĩa là gì? Là vị phụ huynh này đã đóng tiền liên hoan rồi (nó trong quỹ lớp) nhưng Ban đại diện và cô giáo lại dùng tiền từ nguồn khác (quỹ hội phụ huynh) để mua đồ ăn liên hoan, và không có thông báo gì trước về sự thay đổi này. Vị phụ huynh không biết đến sự thay đổi vô lý ấy nên cứ đinh ninh rằng con mình cũng có suất ăn như các bạn khác. Chứ không phải không đóng tiền mà đòi ăn.

Dân thường thì không nói, nhưng là phóng viên thì trước khi viết điều gì lên trước công chúng, phải tìm hiểu ngọn nguồn sự việc, không thể ăn nói hàm hồ.

Là phóng viên nghĩa là ngoài việc tuyệt đối phải tôn trọng sự thật thì còn phải đứng trên các giá trị khác nữa, như tính giáo dục, tinh thần nhân văn...để nhìn nhận sự việc, chứ không phải chỉ xét đến mỗi miếng ăn.

Nguồn bài của PV Mỹ Quyên: https://www.facebook.com/share/p/PCd4MkEuSfKX7m4N/?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét