30.11.2021 1:17 - VNTB
Đông Đô
(VNTB) – Thịt bò có vàng hay không có vàng ngon hơn?
Cộng đồng mạng về ẩm thực chưa thấy luận bàn sâu về chuyện ăn vàng vào thì liệu dịch vị trong bao tử người có thể tiêu hóa được không? Liệu có nhiễm độc gì không khi đưa kim loại là vàng vào người?
Phủ vài tấm vàng mỏng lên thức ăn là ‘trend’ bình thường thôi, nhưng bọc cả miếng thịt bằng lá vàng 24K thì lại là chuyện khác.
Trước hết nói về “steak”, một hình thức áp chảo hoặc nướng một miếng thịt dưới những nhiệt độ khác nhau, cho ra đời miếng steak có độ chín khác nhau tùy vào khẩu vị của từng người. Steak sẽ được phục vụ kèm nước xốt, các loại rau củ quả bổ dưỡng, do đó steak là món ăn đầy đủ dưỡng chất luôn được thực khách cân nhắc. Mỗi một loại thịt có cách xử lý và làm steak riêng, vì thế có rất nhiều món steak hấp dẫn ra đời.
Có một số ý kiến đưa ra thắc mắc về ảnh hưởng và vai trò của vàng lá trong hương vị của món steak. Một số đã ăn thử cho rằng những lá vàng không mang lại hương vị gì cho thịt Kobe ngoài việc phủ lên một lớp màng mỏng lạ miệng. Một số khác lại cho rằng việc này tương đối phí phạm, bởi bò Kobe vốn là “vua của các loại bò” nên không cần phải thêm thắt gì. Việc dát vàng bên ngoài cũng giống như “thêu hoa trên gấm” chứ không có nhiều ý nghĩa thực tế.
Bà H.D.H., một đầu bếp tu nghiệp từ Úc về, kể rằng xét về mặt sinh học, vàng có tính “trơ” do đó dễ dàng đi qua đường tiêu hóa mà không bị hấp thu.
Theo lời của bà H.D.H,. vàng được dùng để chế biến món ăn là vàng thật 100%, và đầu bếp luôn phải kiểm tra kỹ để đảm bảo vàng đủ độ tinh khiết mới được sử dụng trong ẩm thực. Loại vàng 22 – 24 carat và không lẫn tạp chất là phù hợp nhất, vì các loại tạp chất sẽ không an toàn để hấp thụ. Vàng để chế biến món ăn và vàng sử dụng làm trang sức không hề giống nhau, do vàng làm trang sức đã được trộn thêm nhiều loại kim loại khác, không còn tinh khiết như ban đầu.
Vị của vàng có gì đặc biệt? Vẫn theo bà H.D.H., chua, cay, mặn, ngọt, hay umami – đâu là hương vị của vàng? Sự thật là vàng chẳng có vị gì cả, thậm chí không có mùi hương tựa kim loại nào hết. Vàng không có vị, không có kết cấu đáng kể, chúng chỉ khiến món ăn thêm phần “lấp lánh” và giá trị hơn. Đó chính là lý do nhiều thực khách sau khi thưởng thức món thịt bò dát vàng chỉ bàn luận và khen ngợi độ mềm đặc biệt của thịt bò mà không hề nhắc đến vị vàng trong món ăn.
Dưới góc nhìn của một cử nhân hóa học, bà Nguyễn Thúy Loan lưu ý khi dùng các tinh thể vàng có khả năng kết hợp với protein trong hệ miễn dịch gây ra 2 hiệu ứng sau: Một, khiến cho hệ miễn dịch nặng hơn, đồng thời làm thay đổi cấu trúc của protein. Hệ miễn dịch khi đó sẽ xem những protein như tác nhân ngoại xâm, gây dị ứng, khiến cơ thể mẩn ngứa, kích ứng, thậm chí là khó thở.
Hai, ngoài ra nếu ăn phải vàng kém chất lượng thì thực sự tai hại. Vì một số lượng muối của vàng chứa các chất cực độc, có thể gây chết người nếu tích tụ liều lượng đủ lớn. Do đó nên cân nhắc trước khi có ý định thử một món ăn dát vàng.
Ở Hà Nội có một nơi bán món thịt bò dát vàng mang tên Golden Beef Restaurant, thuộc khu vực Giảng Võ. Theo quảng cáo thì chẳng nhọc công sang Anh Quốc chi để dễ tai bay vạ gió, mà ngay ở Hà Nội, “khi ăn, đầu bếp tự set-up mọi thứ ngay trên bàn ăn, từ thái thịt, rắc muối đều rất công phu. Phần thịt Wagyu Tomahawk Rib-eye ngoài việc siêu long lanh thì khi ăn sẽ đem lại cảm giác siêu mềm, thịt mọng. Khi ăn với sốt tiêu hay sốt nấm truffle đều ngon”…
Giá miếng bò dát vàng ở Hà Nội nghe đâu chỉ vào khoảng 7.5 triệu đồng, tuy nhiên đây là giá cho khoảng 7 – 8 người ăn trải nghiệm mùi vị, chưa gồm thuế, chính vì thế tính ra chỉ khoảng 1 triệu 1 người mà thôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét