Chủ Nhật, 05/19/2024 - 12:03 — DongPhungViet
Phần 2
Bên cạnh “tin chính thức” cho thấy ông Tô Lâm vẫn “bình an, vô sự” trong vụ Mobifone trả hớ 7.000 tỉ đồng khi mua 95% cổ phần của An Viên Group (AVG) là “chuyện khó tin nhưng có thật”, còn có một số “tin đồn” về Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Xuân Cầu (Xuân Cầu Holdings), có trụ sở chính tại phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội do các em, các cháu của ông Tô Lâm điều hành.
Theo đó, từ một doanh nghiệp chuyên kinh doanh xe hai bánh gắn máy nhãn hiệu Piaggio, Xuân Cầu Holdings đã trở thành chủ đầu tư nhiều dự án bất động sản cao cấp (nhà vườn, biệt thự) ở Hòa Bình, Hưng Yên, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Định,... Những dự án này có diện tích từ vài chục đến vài trăm héc ta và vốn đầu tư từ hàng trăm đến hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn tỉ. Xuân Cầu Holdings còn là chủ nhiều tổ hợp trung tâm thương mại – khách sạn, resort, sân golf,... và vói tay vào lĩnh vực năng lượng bằng cách liên kết với một số tập đoàn ngoại quốc để xây dựng hoặc chuẩn bị xây dựng các nhà máy điện mặt trời ở Tây Ninh, Sóc Trăng, Bình Thuận, Quảng Trị,...
“Tin đồn” nhấn mạnh chuyện thân nhân ông Tô Lâm chính là chủ Xuân Cầu Holdings, trong đó ông Tô Dũng (em trai Tô Lâm) nắm giữ 61,76% vốn điều lệ, bà Tô Thị Thu Hiền (em gái Tô Lâm) nắm giữ 16,15% vốn điều lệ, ông Tô Duy (con trai Tô Dũng) nắm giữ 11,1% vốn điều lệ, bà Tô Hồ Thu (con gái Tô Dũng) nắm giữ 7,77% vốn điều lệ,... và nếu không có ông Tô Lâm chống lưng, Xuân Cầu không thể lớn mạnh như vậy (1).
Dẫu “tin đồn” luôn có trước và hiếm khi sai, thậm chí khiến công chúng có cảm giác “tin đồn”... định hướng cho hoạt động của cả Ủy ban Kiểm tra thuộc BCH TƯ đảng lẫn các quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và toàn thể BCH TƯ đảng, thậm chí “tin đồn” là nguồn duy nhất thỏa mãn quyền được biết của công chúng nhưng phải lưu ý, “tin đồn” vẫn chỉ là tin đồn, cần chờ thực chứng.
***
Thử tìm kiếm thông tin về Xuân Cầu Holdings trên Internet thì đúng là sự nghiệp kinh doanh của Xuân Cầu Holdings rất đáng nể (2). Hiếm có doanh nghiệp tư nhân nào tại Việt Nam nuôi tham vọng trồng đủ thứ (lúa, bắp và các loại cây có hạt khác, cây lấy củ có chất bột, rau đậu các loại, hoa và cây cảnh, gia vị và dược liệu, cây giống, rừng, dịch vụ trồng trọt), nuôi đủ thứ (trâu, bò heo, gia cầm, chăn nuôi khác, thủy sản nội địa, dịch vụ chăn nuôi), khai thác đủ thứ (quặng sắt, quặng kim loại khác không chứa sắt, đá, cát, sỏi, đất sét, khoáng hoá chất và khoáng phân bón, lâm sản), xây dựng không chừa thứ gì (nhà để ở, nhà không để ở, công trình đường sắt, công trình đường bộ, công trình cấp thoát nước, công trình viễn thông và thông tin liên lạc, phá dỡ, chuẩn bị mặt bằng), bán đủ thứ (xe hai bánh gắn máy và phụ tùng, đồ ăn, đồ uống, thuốc lá. thuốc lào, bất động sản), muốn cung cấp đủ loại dịch vụ (vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, lưu trú, nhà hàng, du lịch, tư vấn quản lý, tư vấn kỹ thuật, vui chơi giải trí, cho thuê máy móc thiết bị, đào tạo) như... Xuân Cầu Holdings (3) và đến giờ dường như không những không gặp bất kỳ rắc rối nào từ thuế, thanh tra, chính quyền địa phương, chính quyền trung ương mà còn được ưu ái đặc biệt.
Chẳng hạn hồi tháng 9/2019, khi Công ty Cổ phần Năng lượng Dầu Tiếng Tây Ninh tổ chức khánh thành cụm nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng DT1 và DT2, ngoài ông Nguyễn Minh Triết, cựu CTNN, còn có “Trưởng ban Kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cùng nhiều lãnh đạo các các tỉnh, thành phía Nam” cùng tìm đến chúc mừng. Báo chí Việt Nam cho biết, Công ty Cổ phần Năng lượng Dầu Tiếng Tây Ninh là “liên doanh giữa Công ty TNHH Xuân Cầu (Việt Nam) và Công ty TNHH B. Grimm Power Public (Thái Lan) với số vốn đầu tư hơn 9.100 tỉ đồng” (4). Cho dù trên Internet có nhiều thông tin ấn tượng như chỉ tính riêng giá trị khối tài sản trong lĩnh vực bất động sản của Xuân Cầu Holdings đã là hàng tỷ USD (5), tính đến tháng 10/2023, vốn điều lệ của Xuân Cầu Holdings là 8.800 tỷ đồng (5) nhưng Xuân Cầu Holding vẫn được xếp vào loại “kín tiếng”. Sau 15 năm hoạt động (2000 – 2015), vốn điều lệ của Xuân Cầu Holdings nằm ở mức 150 tỷ đồng nhưng bảy năm sau (2022), con số này tăng lên, thành 4.580 tỷ đồng và thêm một năm nữa (2023) thì là 8.800 tỷ. Năm 2016, Thượng tướng Tô Lâm đặt chân vào BCH TƯ đảng, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Công an. Năm 2019, tướng Tô Lâm là Đại tướng và được bầu vào Bộ Chính trị.
***
Cứ như những gì đã biết và đang thấy, “tin đồn” có thể không tạo ra hậu quả nào cụ thể cho đến ngày... xấu trời, các đương sự vốn là đối tượng của những “tin đồn” ngậm ngùi xin “thôi tất cả chức vụ trong đảng và chính quyền”. Ông Võ Văn Thưởng - CTNN thứ 11 – đột nhiên “nhận thức rõ trách nhiệm trước đảng, nhà nước và nhân dân” vì những “vi phạm, khuyết điểm gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của đảng, nhà nước” cách nay... hơn một thập niên chính là ví dụ mới nhất! Ngày.... xấu trời ấy hoàn toàn có thể xảy ra với ông Tô Lâm bởi ngoài những “tin đồn”, còn có “tin chính thức” về trách nhiệm (không trực tiếp thì cũng là gián tiếp) của ông trong việc bơm...7.000 tỉ công quỹ vào AVG. Chắc chắn không phải ngẫu nhiên mà ông Tô Lâm vừa làm Chủ tịch Nhà nước, vừa kiêm nhiệm vai trò Bộ trưởng Công an, buộc ông Bùi Văn Cường – Tổng Thư ký Quốc hội, ấp úng: “Trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 chưa giới thiệu chức danh Bộ trưởng Bộ Công an. Vì thế tại Kỳ họp lần thứ bảy này, Quốc hội chưa phê chuẩn hoặc miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Bộ Công an” (7). Khi BCH TƯ đảng CSVN bất chấp điều lệ đảng của chính mình, nhất trí trong việc để ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ ba (8) thì việc bất kể Hiến pháp, “thống nhất rất cao” để CTNN kiêm nhiệm Bộ trưởng Công an là chuyện chẳng có gì đáng ngạc nhiên!
Tuy nhiên thực tế cho thấy, “thống nhất rất cao” vẫn không thể loại trừ vĩnh viễn... tai nạn chính trị. Tổ chức đã từng “thống nhất rất cao” trong việc đưa ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Võ Văn Thưởng, ông Vương Đình Huệ vào Bộ Chính trị, rồi “thống nhất rất cao” với đề nghị giới thiệu họ làm CTNN, Chủ tịch Quốc hội cũng đổi ý rất sớm và tiếp tục “thống nhất rất cao” trong việc gây áp lực để các ông này “tự nguyện” từ bỏ mọi thứ.
“Tin đồn” từ đâu mà ra? Chắc chắn không phải từ dân lại càng không phải từ “các thế lực thù địch, phản động”. Dân và “các thế lực thù địch, phản động” đâu có thạo tin và rành rẽ ngọn ngành đến mức đáng ngạc nhiên như vậy. “Tin đồn” đều từ “ruột gan” mà ra và “tin đồn” là tin báo cuồng phong. Cứ cho là ông Tô Lâm có thể kiêm nhiệm Bộ trưởng Công an đến hết nhiệm kỳ này nhưng sau đó thì sao? Chính trị sẽ.... ổn định? Ai tin?
Tham khảo
(1) https://baotiengdan.com/2024/05/12/tap-doan-xuan-cau-va-cac-dai-du-an-hang-chuc-ngan-ty/
(2) https://xuancau.com.vn/project-category/du-an-vi/
(3) https://masothue.com/0107821619-cong-ty-tnhh-thuong-mai-va-dich-vu-xuan-cau
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét