08.6.2024 - Kim Văn Chính
Chương trình Cà phê thứ Bảy với khách mời là nhà báo Huy Đức diễn ra vào ngày 1/6 nhưng ông Huy Đức đã không có mặt
1. Việc bắt giữ Huy Đức cách nay 6 ngày là một sự kiện lớn gây bàn luận trên công luận (mạng và các báo nước ngoài). Các báo trong nước thì chỉ đăng tải giống nhau những gì mà Bộ CA công bố.
Bắt giữ Huy Đức cùng ngày với bắt giữ người được xưng là luật sư Trần Đình Triển, và hôm nay, trong buộc tội và khởi tố, cơ quan CA cũng ghép chung 2 ông này với nhau. Điều đó có lý do của họ. Tuy nhiên, tôi chỉ bàn về Huy Đức vì anh là nhân vật chính trong vụ án này chứ ông Trần Đình Triển không có gì đáng quan tâm để bàn luận ở đây.
Huy Đức quá nổi tiếng cả về tài năng và những gì anh ấy cống hiến cho đất nước qua các tác phẩm, bài viết trên các loại diễn đàn công khai và không công khai. Quá nhiều người đã biết, đã đọc về “bên thắng cuộc” dù cho tác phẩm để đời đó chưa từng được xuất bản chính thức ở Việt nam và bất cứ lúc nào ngành an ninh họ cũng có thể xếp nó vào loại tác phẩm cấm lưu hành, không được bàn luận đến nó… Vậy mà ở VN ta hiện nay, ai cũng có thể bô bô nói về “bên thắng cuộc” và cả nội dung của nó một cách khá công khai… Rồi dùng thành công của nó để công khai đánh giá tác giả của nó là Huy Đức là nhà báo lớn, nhà báo vĩ đại, nhà báo nói lên tiếng nói của dân??? Riêng điều đó thôi cũng đủ nói lên tính chất của xã hội ta ngày nay dù chưa dân chủ và cởi mở như mong muốn của mọi người nhưng cũng là một xã hội mà những người sống ở Việt Nam, Liên Xô… cách nay khoảng trên 50 năm phải ước mơ về tính cởi mở và dân chủ trong quyền tiếp cận thông tin và thảo luận các chính kiến…
Dân chủ và pháp quyền nó là con quái vật gần như bất kham khó trị khi du nhập vào các mô hình xã hội Á châu như Việt Nam.
Các bước tiến của dân chủ, pháp quyền nó rất từ từ, chậm chạp, đến mức làm nhiều người tưởng nó đi giật lùi hay bò ngang trong khi trên thực tế nó vẫn đi về phía trước dù chậm chạp…
Huy Đức là người tôi cho là đủ thông minh để hiểu điều đó.
Nhưng tại sao anh lại có vẻ không hiểu? Hoặc là anh cố tình tỏ ra không hiểu thôi? Hoặc là anh lợi dụng vấn đề nhạy cảm này để đả phá các cá nhân, phe cánh theo mưu đồ chính trị, phe nhóm nào đó?
Tôi chịu không trả lời được vì không hiểu rõ Huy Đức và không sống gần anh ấy.
2. CÁC CHỨNG CỨ / HÀNH VI DẪN ĐẾN KẾT TỘI HUY ĐỨC
-Nhiều người nói Huy Đức đã vào tầm ngắm của ngành an ninh ngay từ sau khi học Mỹ về và xuất bản bên thắng cuộc bởi NXB “Người Việt” bên Mỹ. Và việc anh còn sống tự do hơn 30 năm qua là do anh có sự “bao che”, “bảo kê” của bạn bè, người cũng chí hướng có thế lực rất lớn… Điều đó rất có cơ sở. Việc anh bị cho thôi làm việc ở tất cả các báo mà anh cộng tác trước đây (không rõ nguyên nhân, rõ ràng là có can thiệp của ngành) là bằng chứng rõ ràng nhất vv anh thuộc đối tượng của ngành.
-Vậy mà anh vẫn viết bài và tham gia rất nhiều hoạt động mang tính xã hội rộng không có lợi cho anh như viết bài đả phá người phe này, doanh nghiệp này, bênh vực người phe kia, doanh nghiệp phe kia một cách lộ liễu. Anh còn viết bài, trả lời phỏng vấn nhiều báo nước ngoài khá công khai và trình bài “chính kiến” rất lộ liễu. Anh còn tham gia nhiều hoạt động xã hội và diễn đàn với tư cách là “nhà báo”, diễn giả. Điều này tôi cho là không có lợi cho anh về mặt an toàn tự do ở VN.
HAI BÀI VIẾT ĐỤNG CHẠM MẠNH GẦN ĐÂY NHẤT:
Hãy tìm hiểu kỹ hơn nội dung 2 bài viết dăng trên facebook cá nhân và trên các diễn đàn mạng nước ngoài của anh:
BÀI 1: công kích công khai TBT Nguyễn Phú Trọng và chế độ nói chung.
Vào ngày 28/5, anh có bài viết trong đó bình luận về các vấn đề pháp quyền tại Việt Nam và viết rằng:
+Việc tái lập các ban Đảng thời ông Nguyễn Phú Trọng là "một bước lùi về chính trị".
+Cho rằng đất nước đã tụt lùi về dân chủ, tự do và pháp quyền mà không có chứng minh cần thận: Anh mở đầu bài viết: “Sáng qua, một vị tướng lão thành từng giữ một vị trí đầy quyền lực trong ngành công an điện thoại nói chuyện rất lâu sau khi đọc bài của tôi. Ông cho rằng, nếu như tinh thần xây dựng một nhà nước pháp quyền từng thắng thế trong thập niên 2000 thì nay, tinh thần đó đã bị bóp chết.” (Không dẫn chứng cá nhân vị tướng đó là ai).
“Trước Hiến pháp 1992, nhà nước của chúng ta là nhà nước chuyên chính vô sản. ‘Pháp luật là ý chí của giai cấp thống trị hay lực lượng cầm quyền’. Cho dù không tuyên bố thì sau Hiến pháp 1992, từ hình luật, dân luật cho đến các luật chuyên ngành khác đều được Việt Nam xây dựng trên tinh thần hướng tới nhà nước pháp quyền. Những nỗ lực này kết thúc từ 2006 và những gì ta đang chứng kiến cho thấy, hồn ma ‘pháp luật là ý chí của giai cấp cầm quyền’ đang dần hiện về," - anh viết trên trang Truong Huy San.
+Anh còn vuốt râu hùm khi thẳng thắn chỉ ra những điểm mạnh và yếu của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam:
"Những người biết chuyện cung đình đánh giá cao sự giữ gìn của ông Nguyễn Phú Trọng và vợ con ông [ít nhất là cho đến nay]. Nhưng, quản trị quốc gia [trong đó có chống tham nhũng] phải bằng thể chế chứ không thể trông chờ vào 'tấm gương đạo đức' của một vài cá nhân hay việc bắt bớ, loại bỏ một vài con sâu chúa.
"Tuy cảm phục mức độ liêm chính, về mặt vật chất, của ông Nguyễn Phú Trọng, dân chúng vẫn chưa thấy các dấu hiệu chứng tỏ sẽ có 'Đổi mới II' trong nhiệm kỳ cuối của ông. Nếu cho đến ngày nghỉ hưu, ông không đưa ra được một lộ trình chính trị để đất nước dân chủ hơn, sự sạch sẽ của ông sẽ là vô nghĩa," dẫn bài viết trên Facebook Truong Huy San. Tôi cho là ở chỗ này, Huy Đức đã gần như mất trí khi dám “vuốt râu hùm” là châm biếm rõ rệt người đứng đầu ĐCSVN. Lập luận của anh dựa vào tư duy đất nước cần có “Đổi mới II”, dân chủ hóa, nhà nước pháp quyền… lắp vào đây nó rất kệch cỡm và vay mượn chứ không hẳn là phát hiện gì mới mẻ của anh.
Bài 2:
Một bài viết khác gần đây có nhan đề "Một quốc gia không thể phát triển dựa trên sự sợ hãi" trên Facebook Truong Huy San nói về quyền lực của Bộ Công an trong hệ thống chính trị và điều hành nhà nước hiện nay cũng đi quá đà. Bài có đoạn:
"Việt Nam đang duy trì một thể chế (ý nói mô hình Bộ Công an có vai trò gì và do ai làm bộ trưởng) tương đồng với Trung Quốc. Việt Nam nên học Trung Quốc ở những điều họ đúng: Bộ trưởng công an không phải là ủy viên bộ chính trị. Nhưng có lẽ Đảng Cộng sản Trung Quốc coi công an chỉ là công cụ của bộ chính trị chứ không để bộ chính trị trở thành con tin của công an."
"Bộ Công an cũng không nên cấu trúc như hiện nay mà nên tách chức năng điều tra khỏi lực lượng cảnh sát..."
"Thực tiễn nhiều năm qua cho thấy, không phải lực lượng công an đông mà đất nước an toàn hơn."
"Không có quốc gia nào có thể phát bền vững dựa trên sự sợ hãi. Tôi tin là giờ đây, Đại tướng Tô Lâm sẽ tư duy như một nguyên thủ chứ không phải tư duy như một người nắm chắc Bộ Công an, đặt quyền lợi quốc gia lên trên lợi ích của ngành,".
Cảnh sát nên có cảnh sát quốc gia và cảnh sát địa phương. Cảnh sát quốc gia, chủ yếu là lực lượng cảnh sát cơ động [chống bạo động và duy trì tính thống nhất]. Còn, đã là cảnh sát địa phương [nhằm đảm bảo an ninh và bảo vệ dân] thì phải do chính quyền địa phương quyền tuyển chọn, bổ nhiệm và điều động, phù hợp với ngân sách và đặc thù địa phương. Những địa phương an ninh tốt [do kinh tế phát triển, dân tin tưởng chính quyền] có thể biên chế một lực lược cảnh sát cực kỳ tinh gọn.
Tôi tin, nếu cắt giảm 2/3 và tăng lương lên gấp 3, không những an ninh sẽ được cải thiện mà hình ảnh người công an trong mắt người dân cũng sẽ đẹp hơn”.
3. KẾT LUẬN GÌ?
-Tranh luận, thảo luận về Huy Đức còn rất dài về sau. Chính cuộc thảo luận này cũng là 1 kênh áp lực dư luận xã hội lên việc xử án, kết tội chính thức Huy Đức.
-Mọi người đều có quyền bày tỏ chính kiến, tất nhiên tập trung vào chủ đề bàn về kết tội Huy Đức có xác đáng không, chỗ nào không xác đáng? Bàn luận ở đây phải trong khuôn khổ pháp luật VN không cấm vì chủ tút đang viết đây đang sống ở VN, trong không gian quyền lực pháp luật VN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét