07 tháng 6 2024

Tham nhũng hủy hoại chế độ toàn trị, cảnh báo đỏ về mô hình chuyên chế trở lại (Phần 1)

Bình luận của Huỳnh Trần 2024.06.06 - RFA

Hình minh hoạ. Photo: RFA

Chính sách Đổi mới giúp Việt Nam có một thời kỳ “vàng son”, trong đó kinh tế được mở rộng nhanh chóng kèm theo sự thái quá vật chất đồng thời với tham nhũng chính trị. Khác biệt với thời kỳ mạ vàng (Gilded age[1]) ở Mỹ vào từ khoảng những năm 1870 đến đầu những năm 1900, trong đó sự phát triển chủ nghĩa tư bản bùng nổ và hỗn loạn và, sau đó là hoàn thiện thể chế, luật pháp và dân chủ hoá đất nước, thì chế độ Đảng cộng sản (CS) toàn trị với sự tinh vi về hệ tư tưởng và bộ máy cai trị đặc quyền, không chỉ về cách tuyên truyền sai lệch nguyên nhân và động lực thật sự về tăng trưởng kinh tế mà còn diễn giải nạn tham nhũng và thực hành chống tham nhũng chỉ để duy trì chế độ. Hậu quả là tình hình ngày càng tồi tệ và chế độ đang đứng trước nguy cơ tồn vong ngày càng lớn. Thời kỳ mạ vàng qua đi, mô hình chuyên chế đã quay trở lại và cần được cảnh báo trước khi đặt vấn đề dân chủ hoá. Bài viết sẽ trình bày ba nội dung chủ yếu sau: (I)Tham nhũng đã huỷ hoại chế độ toàn trị; (II)Các kịch bản thay đổi; Và, (III)Cảnh báo đỏ về mô hình chuyên chế trở lại.

(I)

Tham nhũng đã huỷ hoại chế độ toàn trị

Thời kỳ “mạ vàng” ở Việt Nam khởi đầu từ đường lối Đổi mới của Đảng CS năm 1986 trước nguy cơ sụp đổ chế độ bởi những thách thức to lớn về thể chế chính trị, kinh tế và xã hội. Trụ cột của Đổi mới là những chính sách về xoá bỏ chế độ quản lý quan liêu bao cấp và kinh tế kế hoạch hoá tập trung, chuyển đổi sang cơ chế thị trường chủ yếu “từ dưới lên” đồng thời với mở cửa nền kinh tế hội nhập với thế giới và cải cách thể chế để thích ứng với bối cảnh mới. Sự thành công về kinh tế, tăng cường cơ sở vật chất và xoá đói giảm nghèo… đã làm thay đổi diện mạo đất nước. Giới lãnh đạo đã ngộ nhận và ‘ngạo mạn’ nói về công lao và năng lực của Đảng và Chính phủ trong khi lờ đi hay coi nhẹ động lực thị trường. Và, hệ quả hiển nhiên là cải cách chính trị dần trì trệ và chững lại ở thượng tầng, mà nguyên nhân bản chất là tha hoá quyền lực và vấn nạn tham nhũng là biểu hiện bề ngoài. Với bản chất đối nghịch với kinh tế thị trường, chủ nghĩa tư bản chế độ đảng CS toàn trị chỉ ‘lợi dụng’ nó như phương tiện tăng trưởng để đảm bảo tính chính danh mà không thể tự thay đổi.

Chế độ đảng toàn trị đang sụp đổ vì tham nhũng. Và, đây là con đường từ tham nhũng kinh tế đến tham nhũng chính trị. Trên đó từ những khoản tiền tham nhũng vặt, chúng cứ lớn dần do người dân và doanh nghiệp bị ép buộc hay đòi hỏi phải hối lộ, ‘chia chác’ cho quan chức, công chức để thực hiện dịch vụ hành chính công, công vụ hay tiếp cận các nguồn lực công, các dự án từ ngân sách, đất đai và tài nguyên. Những bất cập thể chế và chính sách cơ chế kiểm soát quyền lực trong nội bộ không hiệu quả khiến cho công dân muốn có tự do hơn trong cuộc sống buộc phải hối lộ và các doanh nghiệp muốn kinh doanh buộc phải chia sẻ lời lãi. Trong điều kiện khan hiếm một ‘cuộc đua’ vô hình như trên khiến các quan chức làm giàu nhanh và trắng trợn. Ngoài ra, nhiều chính sách, cải cách nửa vời hay không hiệu quả, núp bóng dưới các hình thức cổ phần hoá, xã hội hoá, các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, đầu tư công… che giấu lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ khiến tham nhũng trở thành quốc nạn, đang lan rộng và ngày càng nghiêm trọng.

Đảng Cộng sản (CS) chính thức thừa nhận tham nhũng là nguy cơ tồn vong chế độ tại Đại hội 11 (năm 2011), ban hành Nghị quyết TƯ 4 về chống tham nhũng. Ông Tổng bí thư phát động chiến dịch “đốt lò” và trực tiếp làm Trưởng ban chỉ đạo phòng chống năm 2012… Đảng đã tổng kết 10 năm[2] thực hiện chính sách này và, một trong những nhận định là “tình hình vẫn phức tạp” và “chưa đạt kết quả như mong muốn.” Và, mới đây, trong Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội khoá 15, tại kỳ họp thứ 7 ngày 20/5/2024 vẫn chỉ ra trong năm 2023: “Các cơ quan điều tra đã thụ lý điều tra hơn 1.100 vụ án với gần 3.000 bị can phạm tội về tham nhũng… So với năm 2022, các cơ quan thanh tra đã phát hiện, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước số tiền tăng 7,6%, chuyển cơ quan điều tra tăng 12,5% số vụ. Riêng sáu tháng đầu năm nay, các đơn vị đã khởi tố mới 468 vụ liên quan tội phạm về tham nhũng, chức vụ với nhiều vụ án lớn, tính chất tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp…”

Tình hình tham nhũng đã tồi tệ đến mức giới lãnh đạo không thể công khai trước toàn dân về trách nhiệm giải trình. Người dân tuy biết nhưng đứng ngoài “trò chơi cung đình”, trong đó sự theo đuổi, tranh giành quyền lực và thanh trừng nội bộ ở thượng tầng đang diễn ra khốc liệt. Trong vòng hơn một năm tính từ đầu năm 2023 đến thời điểm viết bài đã có năm trong số 18 Uỷ viên Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực tối cao của Đảng Cộng sản, đã có lần lượt hai ông Chủ tịch Nước, một Chủ tịch Quốc hội, một Thường trực Ban bí thư, một phó Thủ tướng thường trực phải từ chức vì “trách nhiệm chính trị” và nhiều quan chức cao cấp khác bị kỷ luật dưới các hình thức khác nhau… Và, Đảng buộc phải dàn xếp, thay thế, phân công… Người ta gọi đó là “kiện toàn nhân sự lãnh đạo đảng-nhà nước, trong đó có quy trình Đảng cử và Quốc hội bầu đã diễn ra tại kỳ họp thứ 7 nêu trên…

Chính trị là cách thức cai trị. Cụ thể, đây là tập hợp các hoạt động liên quan đến việc lãnh đạo, quản lý một quốc gia hoặc khu vực có chủ quyền. Các hoạt động này liên quan đến việc đưa ra quyết định theo nhóm hoặc các hình thức quan hệ quyền lực khác giữa các cá nhân, chẳng hạn như phân phối tài nguyên hoặc địa vị, đặc biệt là việc tranh giành hoặc xung đột giữa các cá nhân hoặc các bên có hoặc hy vọng đạt được quyền lực. Khái niệm chính trị có thể được sử dụng trong bối cảnh của một "giải pháp chính trị" đang thỏa hiệp và bất bạo động hoặc được mô tả là "nghệ thuật hoặc khoa học cai trị” của một chính thể, đảng hay nhà nước, như trong trường hợp ở thượng tầng chế độ đảng toàn trị ở Việt Nam hiện nay.

Quốc nạn tham nhũng đã huỷ hoại chế độ, khiến cho niềm tin vào chế độ giảm sút, chính trị khủng hoảng nghiêm trọng. Giới lãnh đạo đang nỗ lực cứu chế độ trước nguy cơ sụp đổ cận kề trong khi người dân đứng ngoài cuộc và, giới quan sát bàn luận về những sự kiện đang diễn ra, suy đoán theo các kịch bản coi đó là “trò chơi cung đình”…

(Còn tiếp)

Phần 2: Tham nhũng hủy hoại chế độ toàn trị, cảnh báo đỏ về mô hình chuyên chế trở lại (Phần 2)

Phần 3: Tham nhũng hủy hoại chế độ toàn trị, cảnh báo đỏ về mô hình chuyên chế trở lại (Phần 3)

--------------

*Chú thích:

Thời kỳ mạ vàng được đặt tên theo một cuốn tiểu thuyết “Thời đại mạ vàng: Câu chuyện ngày nay” (Tiếng Anh là The Gilded Age: A Tale of Today, 1873) của nhà văn Mỹ Mark Twain (1835 – 1910)

Tham khảo:

[1] https://en.wikipedia.org/wiki/Gilded_Age;

[2] https://ubkttw.vn/danh-muc/tin-tuc-thoi-su/hoi-nghi-toan-quoc-tong-ket-10-nam-cong-tac-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-giai-doan-2012-2022.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét