07 tháng 6 2024

Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang không thuộc Bộ Chính trị, quyền lực thế nào?

7 tháng 6 2024, 09:39 +07 - BBC

Tân Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang chưa đủ tiêu chuẩn vào Bộ Chính trị. BỘ CÔNG AN

Việc ông Lương Tam Quang chưa vào Bộ Chính trị mà đã thăng tiến lên làm bộ trưởng Công an là điều chưa từng có từ sau 1975. Điều này sẽ khiến ông đối mặt với nhiều thách thức.

BBC đã đưa tin trước đó, chiều 6/6, Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, đã trở thành tân bộ trưởng Bộ Công an nhiệm kỳ 2021-2026.

Một nhà quan sát chính trị bình luận với BBC rằng, cũng có thể đã có một vài ủy viên Bộ Chính trị cũng được xem xét để đề bạt, nhưng do chưa đủ điều kiện nên Bộ Chính trị chọn ông Lương Tam Quang.

Ông Carl Thayer, giáo sư danh dự về chính trị tại Đại học New South Wales, dự đoán với BBC vào ngày 6/6 rằng, ông Lương Tam Quang sẽ sớm vào Bộ Chính trị:

"Bộ trưởng Bộ Công an luôn là thành viên của Bộ Chính trị, nếu không vào Bộ Chính trị thì quyền lực của ông Quang sẽ bị giảm đi."

Hai thứ trưởng công an phá vỡ thông lệ

Xét các đời bộ trưởng Bộ Công an từ sau 1975 tới nay thì có một đặc thù là tất cả những nhân vật này đều đã được bầu vào Bộ Chính trị trước, sau đó mới lên làm bộ trưởng Công an.

Nhưng khi Bộ Chính trị bổ sung thêm bốn thành viên tại hội nghị Trung ương 9 vừa qua, ông Quang đã không có tên trong danh sách nên hiện ông không phải là ủy viên Bộ Chính trị.

Điều này cho thấy đã có những tính toán mới tại nhóm quyền lực nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam. Một nhà quan sát chính trị giấu tên nhận định với BBC rằng, việc ông Lương Tam Quang thay ông Tô Lâm khi chưa là ủy viên Bộ Chính trị là một "ngoại lệ chưa từng có" kể từ năm 1975.

Bộ trưởng Bộ Công an là chức danh quyền lực, nếu không có chân trong Bộ Chính trị thì sẽ không thể tham gia các cuộc họp quan trọng của nhóm lãnh đạo cao nhất của Đảng.

Chẳng hạn khi Bộ Chính trị họp bàn về các đại án, các án trọng điểm mà thiếu vắng bộ trưởng Bộ Công an là điều bất tiện. Chưa kể, việc cơ cấu đại diện của Bộ Công an (thuộc lĩnh vực trọng yếu) vào Bộ Chính trị và Trung ương Đảng là điều đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý khi chuẩn bị cho Đại hội khóa 13.

Hiện nay Bộ Chính trị với 16 ủy viên không có đại diện nào từ Bộ Công an kể từ khi ông Tô Lâm nhận nhiệm vụ mới, dù có nhiều người xuất thân từ ngành công an.

Nhà quan sát chính trị từ Hà Nội bình luận với điều kiện ẩn danh rằng, có khả năng khi Bộ Chính trị, Ban Bí thư họp về vấn đề mà cần có mặt Bộ Công an, có thể vẫn mời Ủy viên Trung ương Đảng Lương Tam Quang vào họp:

"Nguyên bộ trưởng, người đã nhận chức vụ mới là chủ tịch nước, cũng có thể cho ý kiến thêm, vì ông ấy đang là ủy viên Bộ Chính trị".

Ngoài ông Lương Tam Quang, một trường hợp được xem là phá vỡ thông lệ khác là Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc.

Từ trái qua: Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Đại tướng Tô Lâm, Thượng tướng Lương Tam Quang đều cùng quê Hưng Yên. BỘ CÔNG AN

Vào ngày 3/6, Thứ trưởng Bộ Công an, Ủy viên Trung ương Đảng Nguyễn Duy Ngọc đã được Bộ Chính trị phân công làm Chánh Văn phòng Trung ương Đảng khi chưa là ủy viên Ban Bí thư.

Theo thông lệ, người đảm trách chức vụ này thường nằm trong Ban Bí thư vì tính chất đòi hỏi của công việc.

Chánh Văn phòng Trung ương Đảng là đầu mối phối hợp chương trình công tác, các cuộc làm việc của những nhân vật chủ chốt trong Đảng, gồm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường và một số ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Chưa kể, vị trí này còn có nhiệm vụ giúp thường trực Ban Bí thư xử lý công việc hằng ngày của Đảng.

Vì vậy, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc không nằm trong Ban Ban Bí thư mà được phân công nhiệm vụ này cho thấy đây là điều "phá vỡ thông lệ", giống như Thượng tướng Lương Tam Quang chưa vào Bộ Chính trị đã thành Bộ trưởng Công an.

Một số ý kiến cho rằng, ông Nguyễn Duy Ngọc sẽ sớm được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Ban Bí thư và sự nghiệp ông sẽ tiếp tục thăng tiến.

Đáng chú ý, cả hai thượng tướng công an này đều là đồng hương Hưng Yên với ông Tô Lâm.

Cơ hội vào Bộ Chính trị?

Theo Quy định 214 năm 2020 của Bộ Chính trị, để trở thành ủy viên Bộ Chính trị thì cá nhân cần phải là ủy viên chính thức của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trọn một nhiệm kỳ trở lên, đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở các chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh hoặc trưởng các ban, bộ, ngành.

Đây là những tiêu chuẩn mà ông Lương Tam Quang còn thiếu, vì ông chưa làm trọn một nhiệm kỳ ủy viên Trung ương Đảng.

Ông cũng chưa kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở cương vị lãnh đạo cấp tỉnh, như bí thư tỉnh ủy, chủ tịch HĐND, UBND hoặc trưởng các ban, bộ, ngành như bộ trưởng, chủ nhiệm ủy ban trực thuộc Chính phủ.

Do đó, ông Lương Tam Quang sẽ khó vào Bộ Chính trị trước khi Đại hội Đảng 14 diễn ra, dự kiến vào đầu năm 2026.

Tuy nhiên, một số nhà quan sát chính trị lâu năm nói với BBC rằng, Quy định 214 có thể được điều chỉnh thông qua Ban Chấp hành Trung ương và từ đó tạo ra ngoại lệ.

"Việc ông Lương Tam Quang trở thành trường hợp ngoại lệ là điều có thể xảy ra, bởi lẽ nếu không vào Bộ Chính trị thì vào tháng 1/2026, ông sẽ quá tuổi tái ứng cử Ban Chấp hành Trung ương khóa 14," nhà quan sát chính trị từ Hà Nội nói với BBC.

Ông Lương Tam Quang sinh năm 1965, ông sẽ 61 tuổi vào năm 2026. Trong khi đó, quy định của Đảng về công tác nhân sự khóa 13 nêu rõ, ủy viên Ban chấp hành Trung ương tái cử không quá 60 tuổi.

Nếu Đại hội 14 không điều chỉnh về quy định độ tuổi, ông Quang sẽ không thể tái ứng cử vào Trung ương Đảng và sẽ không thể vào Bộ Chính trị. Khi không tiếp tục ở trong Trung ương Đảng thì sự nghiệp chính trị của ông coi như chấm dứt.

"Tôi nghĩ ông Quang sẽ cố làm tốt nhất để Đại hội 14 sẽ bầu ông ấy vào Bộ chính trị. Có thể trước Đại hội 14, ông ấy sẽ được bầu vào Ban Bí thư, để dọn đường vào Bộ chính trị ở đại hội 14. Kịch bản này có tính khả thi không nhỏ," nhà quan sát chính trị từ Hà Nội nói.

Còn Giáo sư Carl Thayer dự đoán với BBC rằng, ông Lương Tam Quang có thể sẽ được bầu vào Bộ Chính trị vào Hội nghị Trung ương 10 vào tháng 10 tới đây.

Tất nhiên là để thực hiện điều này - ông Quang vào Bộ Chính trị trước Đại hội 14 - thì cần sửa quy định của Đảng trước.

Bộ Quốc Phòng Vs Bộ Công An: Cán Cân Quyền Lực Chính Trị ▶️

Chuyển biến nhân sự trong Bộ Công an

Bộ Công an đã có tân bộ trưởng và có ba vị tướng rời Bộ Công an (ông Tô Lâm, ông Nguyễn Duy Ngọc và ông Tô Ân Xô) để nhận nhiệm vụ mới, dẫn đến những chuyển biến nhân sự đáng chú ý trong bộ đầy quyền lực này.

Đáng chú ý là việc Đại tướng Tô Lâm rời bộ này để làm chủ tịch nước, một trong "Tứ Trụ".

Người thay ông Tô Lâm ở ghế bộ trưởng là Thượng tướng Lương Tam Quang. Ở cương vị mới này, ông Quang sẽ điều hành trực tiếp bộ máy điều tra khổng lồ, vốn là công cụ chính của chiến dịch “đốt lò” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tiếp đến là Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc. Như đã đề cập ở trên, ông Ngọc được Bộ Chính trị phân công làm chánh Văn phòng Trung ương Đảng. Một số ý kiến cho rằng, đây là một cơ hội để ông có thể thăng tiến xa hơn.

Trước ông Ngọc, một số nhân vật giữ chức vụ này là ông Lê Minh Hưng (2020-2024), ông Nguyễn Văn Nên (2016-2020) và ông Trần Quốc Vượng (2011-2016). Những người này sau đó đều vào Bộ Chính trị.

Tuy nhiên, tương tự ông Lương Tam Quang, ông Nguyễn Duy Ngọc, sinh năm 1964 sẽ vấp phải quy định về tuổi và khó để ông thăng tiến vào Bộ Chính trị như những người tiền nhiệm của mình.

Ngày 1/6, Bộ Công an thông báo rằng do yêu cầu, nhận nhiệm vụ mới nên trước mắt, Trung tướng Tô Ân Xô sẽ tạm dừng nhiệm vụ là người phát ngôn của bộ này.

Tuổi Trẻ Online dẫn lời ông Tô Ân Xô xác nhận thông tin này và cho biết nhiệm vụ mới của ông là làm việc tại Văn phòng Chủ tịch nước.

Ông Tô Ân Xô từng là trợ lý của Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và đảm nhiệm nhiệm vụ người phát ngôn Bộ Công an. Như vậy, với vị trí mới ở Văn phòng Chủ tịch nước, ông sẽ tiếp tục phục vụ thủ trưởng (trước đây tại Bộ Công an) là ông Tô Lâm, nay là chủ tịch nước.

Đại tướng Tô Lâm làm Chủ tịch nước – Dọn đường cho chức Tổng bí thư? ▶️

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét