03 tháng 6 2024

Bộ Quốc phòng muốn lập thêm quỹ để chiếm đoạt ngân sách quốc gia?

Bình luận của Trần Anh Quân 2024.06.03 - RFA

Những người lính đứng trước các tên lửa được trưng bày tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế 2022 ở Hà Nội hôm 8/12/2022 (minh họa). Nhac NGUYEN / AFP

"Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh" sẽ chế tạo ra sản phẩm "mật", người dân không được biết thông tin, và nếu sản phẩm không có chất lượng thì đó là rủi ro, người dân không được lên tiếng ý kiến.

_______________________

Quỹ tài chính ngoài ngân sách nhưng vẫn sử dụng ngân sách

Bộ Quốc phòng vừa có đề xuất xây dựng Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh để thực hiện dự án cấp bách, nghiên cứu, chế tạo vũ khí trang bị chiến lược. Đây là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập ở Trung ương, do Chính phủ quản lý.

Theo đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thì quỹ này được lặp ra nhằm hỗ trợ triển khai thực hiện nhiệm vụ cấp bách hoặc nghiên cứu, phát triển sản phẩm quốc phòng, an ninh có ý nghĩa chiến lược, đặc biệt, có tính mới, rủi ro cao.

Ông Giang cho rằng việc chế tạo các sản phẩm công nghiệp quốc phòng có tính rủi ro cao nhưng kết quả "nhiều cái không như mong đợi". Ngoài ra, trong công nghiệp quốc phòng, an ninh nếu sử dụng ngân sách theo quy trình thì có trường hợp không đáp ứng được tính thời sự của nhiệm vụ quân sự quốc phòng cũng như "độ mật". (1)

Như vậy, việc lập Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh là để đảm bảo tính bảo mật đồng thời cũng là nguồn quỹ để chế tạo các sản phẩm có tính rủi ro cao, kết quả không như mong đợi. Đây là một lập luận mâu thuẫn khi phải lập quỹ riêng để chế tạo những "sản phẩm không đảm bảo chất lượng nhưng vẫn phải bảo mật thông tin".

Mặc dù theo Bộ Quốc phòng đây là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập ở Trung ương, do Chính phủ quản lý, nhưng cần phải hiểu rõ luật về quỹ ngoài ngân sách. Căn cứ theo quy định tại khoản 19, điều 4, Luật Ngân sách nhà nước 2015 (được hướng dẫn bởi điều 12, Nghị định 163/2016/NĐ-CP), thì "Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách là quỹ do cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập, hoạt động độc lập với ngân sách nhà nước, nguồn thu, nhiệm vụ chi của quỹ để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật". (2)

Nên nhớ rằng, mặc dù là quỹ tài chính ngoài ngân sách, loại quỹ này vẫn được hỗ trợ vốn ngân sách nhà nước. Theo quy định tại khoản 11, điều 8, Luật ngân sách nhà nước 2015: Căn cứ khả năng của ngân sách nhà nước, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được cơ quan có thẩm quyền xem xét hỗ trợ vốn điều lệ từ ngân sách nhà nước khi đáp ứng đủ các điều kiện:

  1. a) Được thành lập và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật;
  2. b) Có khả năng tài chính độc lập;
  3. c) Có nguồn thu, nhiệm vụ chi không trùng với nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước.

Tức là về nguyên tắc, những quỹ tài chính ngoài ngân sách sẽ không được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động. Nhưng, tùy vào khả năng của ngân sách nhà nước, tuỳ vào các trường hợp và hoàn cảnh mà cơ quan có thẩm quyền có thể xem xét hỗ trợ vốn điều lệ từ ngân sách nhà nước cho các quỹ tài chính ngoài ngân sách. Việc xem xét hỗ trợ vốn điều lệ cho các quỹ tài chính ngoài ngân sách phải đáp ứng đủ các điều kiện trên.

Không chỉ ngân sách nhà nước, "Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh" có thể sẽ kêu gọi đóng góp từ các nguồn giống như "Quỹ quốc phòng an ninh" trước đây. Đó là Bộ Quốc phòng sẽ kêu gọi người dân, cơ quan tổ chức tại các địa phương "tự nguyện đóng góp".

Cần nắm rõ khái niệm "tự nguyện một cách bắt buộc" trong từ điển cộng sản thì mới hiểu thế nào là tự nguyện đóng góp. Vì nếu cơ quan doanh nghiệp, hộ gia đình nào "bị" cán bộ tới "tiếp xúc" gây quỹ mà "không tự nguyện ủng hộ" thì sẽ khó sống và hoạt động tại địa phương. Nói trắng ra, các "quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách" hầu như đều vận động đóng góp theo kiểu trấn lột.

Bởi vậy, người dân sẽ bị thiệt hại hai lần khi Nhà nước lập ra các quỹ này. Một là phải "tự nguyện" nộp tiền cho cán bộ gây quỹ, hai là đóng thuế cho nhà nước để nhà nước chi ngân sách hỗ trợ khi quỹ bị thiếu tiền.

Sản phẩm "mật": không có chất lượng nhưng người dân không được quyền ý kiến

Như vậy, trên danh nghĩa là phía quân đội muốn lập quỹ ngoài ngân sách để thực hiện các dự án cấp bách, dự án "mật". Nhưng đây chỉ là hình thức đánh lận con đen. Người dân mù mờ không nhìn thấy được nội hàm bên trong, cứ tưởng là quỹ ngoài ngân sách thì không ảnh hưởng tới tiền thuế của dân. Nhưng thực tế lập quỹ ngoài ngân sách là hình thức lách luật bòn rút ngân sách lâu dài, có tính toán của phía quân đội.

Sản phẩm "mật" có tính rủi ro cao, chẳng khác nào là những sản phẩm không đảm bảo chất lượng nhưng vẫn phải bảo mật thông tin". Nghĩa là quỹ này sẽ chế tạo ra sản phẩm "mật", người dân không được biết thông tin, và nếu sản phẩm không có chất lượng thì đó là rủi ro, người dân không được lên tiếng ý kiến.

Việc quân đội lợi dụng chức vụ quyền hạn để bòn rút ngân sách đã diễn ra từ lâu chứ không phải tới khi lập quỹ này. Tuy nhiên không dễ để phát hiện vì quân đội là một hệ thống độc lập với các cơ quan nhà nước khác. Quân đội có toà án quân sự, kiểm soát quân sự riêng biệt so với toà án nhân dân, cảnh sát nhân dân.

Cho nên khi điều tra bên phía quân đội thì công an, toà án, viện kiểm soát không nhúng tay vào được. Chính vì vậy những vấn đề tham nhũng, sai phạm của quân đội thường khó bị phát hiện hơn. Đặc biệt là khi những sai phạm đó có sự chỉ đạo từ các cấp cao nhất trong quân đội.

Trừ khi có những đại án siêu lớn, có liên quan tới quân đội và nhiều bên, nhiều ngành khác thì người dân mới biết được một số thông tin. Ví dụ vụ án điển hình có liên quan tới các tướng lãnh quân đội lạm dụng chức vụ quyền hạn từng được nhắc tới nhiều nhất là đại án Việt Á. Trong đó, các cán bộ lãnh đạo Học Viện Quân Y (thuộc Bộ Quốc phòng) đã thông đồng với Phan Quốc Việt để làm công văn xin nghiên cứu, sản xuất kit test Việt Á. Hậu quả là đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngân sách và sức khoẻ người dân.

Từ đại án Việt Á và những sự lập lờ, lấp liếm, đánh lận con đen của bộ Quốc phòng, có thể thấy một tương lai tăm tối cho Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh. Khi một nhóm tướng lãnh tham nhũng lại muốn lập quỹ riêng để chế tạo những "sản phẩm không đảm bảo chất lượng nhưng vẫn phải bảo mật thông tin". Ngay trong phần giải trình đã thấy âm mưu chiếm đoạt tài sản người dân và ngân sách quốc gia.

_____________

Tham khảo:

(1) https://thanhnien.vn/bo-truong-quoc-phong-phan-van-giang-truoc-ta-nhap-ca-ao-giap-gio-tu-san-xuat-185240530174933559.htm

(2) https://thuvienphapluat.vn/phap-luat/ho-tro-phap-luat-moi/quy-tai-chinh-ngoai-ngan-sach-la-gi-quy-tai-chinh-ngoai-ngan-sach-co-duoc-ho-tro-kinh-phi-tu-ngan-s-33291.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét