13/06/2024 - VOA
Bà Đặng Thị Huệ.
Bà Đặng Thị Huệ, người từng bị chính quyền bỏ tù do phản đối các trạm thu phí BOT bất hợp lý tại Việt Nam, nói với VOA hôm 12/6 rằng bà bị công an Thái Bình truy tìm và dọa bắt do bà kêu gọi trả tự do cho các tù nhân chính trị.
Bà Huệ, 44 tuổi, từng bị tuyên 15 tháng tù hồi năm 2020 về tội “gây rối trật tự công cộng” sau các hoạt động phản đối nhiều trạm thu phí giao thông theo hình thức “Xây dựng-Kinh doanh-Chuyển giao” (BOT) đặt không đúng vị trí hoặc thu quá hạn, trong đó có trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long-Nội Bài.
“Sau khi ra trại, tôi tiếp tục lên tiếng và ủng hộ các tù nhân lương tâm nên chính quyền đã nhiều lần bắt cóc tôi, và mới đây nhất là ngày 13/5, khi tôi từ Hà Nội về đến địa phận tỉnh Thái Bình”, bà Đặng Thị Huệ, còn có tên khác là Như Huệ, thuật lại với VOA sự việc mà bà cáo buộc rằng an ninh tỉnh Thái Bình chặn giữ và câu lưu bà.
“Họ giữ tôi 24 tiếng ... và qua ngày 15/5 họ kêu làm việc tiếp và yêu cầu tôi ký cam kết ngưng lên tiếng trên mạng xã hội về việc vận động cho các tù nhân chính trị, trong đó có vận động chữ ký cho kiến nghị đòi trả tự do cho nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh”.
Nhà hoạt động Thúy Hạnh đang bị chính quyền Hà Nội tạm giam 3 năm qua với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” và gần đây bà Hạnh phát hiện đã bị ung thư cổ tử cung giai đoạn giữa.
Hồi tháng 5, tổ chức nhân quyền Dự án 88 (The 88 Project) có trụ sở tại Mỹ, đưa tin rằng bà Đặng Thị Huệ, một cựu tù nhân chính trị, đã bị công an tỉnh Thái Bình “bắt cóc” và thẩm vấn trong 24 giờ mà không có thông báo trước.
Bà Huệ cho biết thêm rằng chính quyền Thái Bình hôm 30/5 lại tiếp tục vây bắt bà nên bà buộc phải rời nơi cư trú và liên tục thay đổi chỗ ở để lánh nạn.
Viết trên Facebook cá nhân hôm 5/6 và kèm theo đó là đoạn ghi hình đề ngày 13/5, bà Huệ mô tả đây là cảnh các nam nữ viên chức an ninh, cả mặc đồng phục lẫn thường phục, đi trên một chiếc xe khách ùa xuống áp giải bà về trụ sở công an làm việc khi bà đang nghe điện thoại.
Bà Huệ, người mãn hạn tù đầu năm 2023, viết trên Facebook: “Hiện nay tôi đang giữ kỷ lục Việt Nam là người phụ nữ bị bắt cóc, đàn áp diện rộng nhiều lần nhất (3 lần), 2 lần của công an Thái Bình và 1 lần của công an Sóc Sơn, Hà Nội”.
Bà kêu gọi dư luận trong và ngoài quan tâm giúp bà để bà thoát cảnh “bất an”. Tuy nhiên, bà Huệ không tiết lộ nơi bà đang cư ngụ vì lý do an toàn.
“Đối với một người hoạt động ôn hòa như tôi, việc hành xử của công an Thái Bình và chính quyền cộng sản là hết sức phi lý. Họ sẵn sàng bắt cóc, giữ người mà không cần có bất kỳ giấy tờ nào”, bà Huệ nhận xét.
VOA đã liên lạc với hai cơ quan công an của Thái Bình và Hà Nội, đề nghị họ cho ý kiến về các cáo buộc của bà Huệ, nhưng chưa được trả lời.
Hồi tháng 7/2020, một tòa án ở Hà Nội tuyên phạt bà Đặng Thị Huệ 15 tháng tù về tội “gây rối trật tự công cộng” xảy ra tại Trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long-Nội Bài, theo Điều 318 Bộ luật Hình sự.
Trước đó, bà bị tuyên 24 tháng tù treo trong vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hồi năm 2016, nên tổng hợp hình phạt chung là 39 tháng tù.
Trên mạng xã hội, bà Huệ được biết như người đấu tranh phản đối các trạm BOT đặt sai vị trí hoặc thu phí giao thông quá thời hạn, thường được gọi là BOT “bẩn”.
Truyền thông Việt Nam dẫn cáo trạng khi ấy nói rằng bà Huệ cùng một số đối tượng đã “lập các nhóm phản đối Trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long-Nội Bài, trên nhiều trang mạng xã hội để kích động, kêu gọi mọi người tham gia phản đối...”, và cáo buộc rằng hành động của nhóm này đã “làm tê liệt hoạt động bình thường” của trạm thu phí.
Chính quyền Việt Nam vào các dịp khác nhau luôn bác bỏ các cáo buộc cho rằng nước này vi phạm nhân quyền hay giam giữ người bất đồng chính kiến, tù nhân chính trị.
Hà Nội nói rằng họ luôn đảm bảo các quyền căn bản của mọi công dân, và chỉ bắt giam và xét xử những ai “vi phạm pháp luật”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét