05 tháng 6 2024

Nhà Nước Quản Lý Tôn Giáo Bằng Luật Pháp Hay "Chánh Pháp"?

05.6.2024 - Chu Mộng Long

Có lần một cán bộ an ninh từng nói với tôi về tôn giáo với băn khoăn: Luật pháp nhà nước ta tôn trọng tự do tín ngưỡng. Cho nên quản lý tôn giáo là rất khó. Thầy có điều kiện nghiên cứu về tôn giáo mới phân biệt đâu là "chánh pháp" đâu là "tà pháp" chứ chúng em thì lơ mơ. Tôi cười: Nhà nước thì cứ quản bằng luật pháp chứ cần gì biết chánh pháp, tà pháp? Chẳng lẽ các bạn phải theo học tất cả các loại đạo mới quản được tôn giáo?

Nay nghe một quan quản lý tôn giáo yêu cầu Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải làm rõ chánh pháp với tà pháp, bèn viết bài này.

Phân biệt "chánh pháp", "tà pháp" là chuyện nội bộ của tổ chức tôn giáo. Nội bộ vì mỗi tổ chức tôn giáo có hiến chương, có giới luật riêng. Tất nhiên, hiến chương, giới luật đó phải đảm bảo: 1) không được có điều nào vi phạm pháp luật, 2) không thể lấy giới luật của tổ chức tôn giáo này áp đặt cho tôn giáo khác.

Sự thực, ngay trong một tôn giáo đã khó phân biệt "chánh pháp" với "tà pháp", bởi hiện tại không tôn giáo nào thuần gốc mà luôn bị phân hóa nhiều nhánh khác nhau với giáo pháp khác nhau. Chẳng hạn, gốc Thiên Chúa giáo mang nghĩa thờ chung Chúa Trời, trong lịch sử đã phân hóa đến mức xung đột, mâu thuẫn: Do Thái giáo, Hồi giáo, Kito giáo; và ngay trong Kito giáo phân hóa đến gần cả chục nhánh khác nhau. Riêng Phật giáo, tối thiểu đã phân hóa thành ba nhánh chính: Nam Tông, Bắc Tông, Mật Tông. Ở Việt Nam còn đẻ ra thêm Thiền tông và Phật giáo Hòa Hảo. Không thể lấy giới luật Bắc Tông của Giáo hội chính thống áp đặt cho Nam Tông hay Mật Tông và các chi nhánh khác.

Tôi đảm bảo để hai phe: nhà tu thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam và những người ủng hộ Thích Minh Tuệ cãi nhau, có thể hết ba ngàn năm vẫn không biết đâu là chánh pháp, đâu là tà pháp. Không chừng họ sẽ đánh nhau như Do Thái giáo, Hồi giáo và Kito giáo!

Dựa vào cái gọi là "chánh pháp" của Giáo hội Phật giáo Việt Nam áp đặt cho các tổ chức, cá nhân tu hành khác chẳng khác gì lấy khuôn mẫu cái thúng đem nhốt con voi. Không chừng tất cả những gì khác với "chánh pháp" mà Giáo hội đưa ra đều là tà giáo? Và như vậy khác gì kỳ thị tôn giáo?

Tôi nghe một clip Thích Chân Quang khuyên Phật tử gạt bàn thờ tổ tiên sang một phía, chỉ nên lạy Phật và "không để thầy tới nhà phải lạy bàn thờ tổ tiên" mà rùng mình. Còn nhớ thời cha cố phương Tây truyền đạo sang Việt Nam, yêu cầu con chiên vứt bỏ bàn thờ tổ tiên, chỉ thờ Chúa. Hậu quả, phong trào Văn thân "Bình Tây sát tả" đã bài trừ Công giáo một cách cực đoan, tàn sát bừa bãi người Công giáo. Đến Cụ Đồ Chiểu cũng còn căm giận khi viết Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc: "Hoả mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia"; "Sống làm chi theo quân tả đạo, quăng vùa hương xô bàn độc, thấy lại thêm buồn".

Thích Chân Quang mới yêu cầu đặt bàn thờ tổ tiên sang một phía chứ chưa tiến đến yêu cầu vứt bàn thờ tổ tiên. Nhưng đó đã là một thái độ kỳ thị, kỳ thị luôn với đạo thờ tổ tiên của cha ông. Thật khó hiểu là, ông khuyên bảo dân như vậy, trong khi chính ông lại về Nghệ An lạy bàn thờ tổ họ Hồ và tự xưng cháu ruột Bác Hồ? Phải chăng ông muốn dân chỉ lạy trên có Phật, dưới có ông thôi?

Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo có chế tài nghiêm cấm rõ ràng. Điều 5: 1. Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. 2. Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo. 4. Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo: a) Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường; b) Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; c) Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; d) Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. 5. Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi.

Xem chừng, không ít nhà sư của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tự do đến mức vi phạm gần hết các điều khoản trên.

Công văn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam xem Thích Minh Tuệ "không phải là tu sĩ Phật giáo", "người đàn ông mang hình dáng nhà tu", tức giả tu, là đã có dấu hiệu kỳ thị tôn giáo. Không ngẫu nhiên mà chính các nhà sư của Giáo hội gọi thẳng luôn đó là "thằng ba trợn", "ôm nồi cơm điện và khố rách ra đường"... Lối nói đó không chỉ xúc phạm cá nhân Thích Minh Tuệ mà còn xúc phạm tín ngưỡng của hàng triệu người trong nước và trên thế giới, kích động gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ của hàng triệu người, ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia.

Bao nhiêu lâu nay, Giáo hội không quản được nhà tu của mình để tệ nạn mượn danh tu Phật tuyên truyền ma quỷ, thực hiện cúng vong, trục vong giải nghiệp để thu tiền, trục lợi, đã là vi phạm Luật hình sự. Điều 320 Bộ Luật hình sự 2015 chế tài nghiêm cấm và xử phạt hoạt động mê tín dị đoan, lẽ nào trừ nhà chùa?

Đấy, các bạn an ninh văn hóa cứ chiếu luật mà làm, đặt ra vấn đề phân biệt chánh pháp/tà pháp làm gì? Lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan ắt gây họa khôn lường. Hoạt động ấy không chỉ làm ngu muội dân chúng để trục lợi mà nguy hiểm hơn, đến lúc những người đứng đầu tổ chức tôn giáo có thể kích động đám đông cuồng tín gây bạo loạn, kể cả khủng bố.

Chu Mộng Long

Video ▶️

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét