2024-06-06 - BBC
Thượng tướng Lương Tam Quang, tân Bộ trưởng Công an. VGP
Chiều 6/6, Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, đã trở thành tân bộ trưởng Bộ Công an nhiệm kỳ 2021-2026.
Vào buổi sáng cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trình Quốc hội danh sách đề nghị Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm bộ trưởng Bộ Công an nhiệm kỳ 2021-2026.
Nhân sự được Thủ tướng đề nghị là Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an.
Với tuyệt đại đa số đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành, Thượng tướng Lương Tam Quang đã trở thành tân bộ trưởng Bộ Công an nhiệm kỳ 2021-2026.
Trước đó, vào ngày 22/5, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc bầu Đại tướng Tô Lâm làm chủ tịch nước. Quốc hội cũng đã thông qua nghị quyết phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ bộ trưởng Bộ Công an đối với Đại tướng Tô Lâm.
Trước khi ông Lương Tam Quang trở thành bộ trưởng, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng thường trực Bộ Công an, đã được phân công điều hành bộ này.
Quy trình bổ nhiệm bộ trưởng được thực hiện theo trình tự: Thủ tướng Chính phủ đề xuất nhân sự, Quốc hội phê chuẩn.
Trên thực tế, sự sắp xếp của Bộ Chính trị mang tính quyết định.
Sự đề xuất của Thủ tướng Chính phủ cũng như việc phê chuẩn của Quốc hội là các bước thủ tục để hoàn thiện sự sắp xếp ấy của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Không thuộc Bộ Chính trị
Việc chọn Thượng tướng Lương Tam Quang, người chưa làm trọn một nhiệm kỳ ủy viên Trung ương Đảng và do đó chưa đủ tiêu chuẩn vào Bộ Chính trị, cho thấy đã có những tính toán mới tại nhóm quyền lực nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Theo Quy định 214 năm 2020 của Bộ Chính trị, để trở thành ủy viên Bộ Chính trị thì cá nhân cần phải là ủy viên chính thức của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trọn một nhiệm kỳ trở lên, đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở các chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh hoặc trưởng các ban, bộ, ngành.
Đây là những tiêu chuẩn mà ông Lương Tam Quang còn thiếu, vì ông chưa làm trọn một nhiệm kỳ ủy viên Trung ương Đảng, chưa kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở cương vị lãnh đạo cấp tỉnh, như bí thư tỉnh ủy, chủ tịch HĐND, UBND hoặc trưởng các ban, bộ, ngành như bộ trưởng, chủ nhiệm ủy ban trực thuộc Chính phủ.
Do đó, có thể thấy là ông Lương Tam Quang sẽ không thể vào Bộ Chính trị trước khi Đại hội Đảng 14 diễn ra, dự kiến vào đầu năm 2026.
Trong trường hợp này, ông Quang sẽ là một bộ trưởng Công an không phải là ủy viên Bộ Chính trị.
Việc không có chân trong Bộ Chính trị khiến người đứng đầu Bộ Công an không được tham gia các cuộc họp quan trọng của nhóm quyền lực nhất nước. Đây có thể được coi là một điểm bất lợi cho tân Bộ trưởng Lương Tam Quang.
Thông tin về các ứng viên cho chức bộ trưởng Công an đã được bàn tán từ nhiều ngày qua, nhưng chỉ sau khi Đảng Cộng sản lựa chọn xong và Quốc hội phê chuẩn thì người dân mới biết. GETTY IMAGES
Ông Lương Tam Quang là ai?
Thượng tướng Lương Tam Quang sinh năm 1965 tại xã Hiệp Cường, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên.
Ông là đồng hương của cựu Bộ trưởng Tô Lâm, người hiện đang là chủ tịch nước.
Ông được kết nạp đảng vào năm 1998.
Ông hiện là ủy viên Trung ương Đảng khóa 13.
Trước khi được phê chuẩn chức bộ trưởng, ông là ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương.
Ông có trình độ lý luận chính trị cao cấp, trình độ chuyên môn là cử nhân ngành điều tra tội phạm.
Sau thời gian công tác ở các vị trí cấp thấp trong ngành công an, ông Lương Tam Quang bắt đầu vươn lên các vị trí quyền lực hơn tại bộ này.
Năm 2012, ông trở thành trợ lý thứ trưởng Bộ Công an. Cùng năm, ông được bổ nhiệm phó chánh Văn phòng Bộ Công an.
Tới năm 2015, ông được thăng cấp bậc thiếu tướng.
Vào năm 2017, ông được bổ nhiệm chánh văn phòng Bộ Công an, kiêm người phát ngôn của bộ này.
Năm 2019, ông Lương Tam Quang được phong cấp hàm trung tướng. Tới tháng 8 cùng năm, ông được bổ nhiệm làm thứ trưởng Bộ Công an.
Tháng 5/2020, ông được phân công kiêm nhiệm chức thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an.
Tại Đại hội Đảng 13 vào tháng 1 năm 2021, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2021-2026.
Vào năm 2022, ông được thăng cấp hàm thượng tướng và tiếp tục cương vị thứ trưởng Bộ Công an.
Ngày 6/6/2024, ông được Quốc hội phê chuẩn chức danh bộ trưởng Bộ Công an.
Sau khi làm bộ trưởng, ông Lương Tam Quang dự kiến sẽ là bí thư Đảng ủy Công an Trung ương.
Theo thông lệ thì ông cũng sẽ sớm được thăng hàm đại tướng.
Quy mô Bộ Công an
Bộ Công an có một lực lượng khổng lồ. Ảnh: Công an đang làm nhiệm vụ trong một trận bóng đá ở sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội vào năm 2021. MINH HOANG/GETTY IMAGES
Về nhân lực, Bộ Công an chưa bao giờ công bố con số chính xác lực lượng chính quy.
Tuy nhiên, vào năm 2017, Giáo Sư Carl Thayer, nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm, đăng trên blog của mình con số ước lượng công an ở Việt Nam là khoảng 6,7 triệu người vào năm 2013.
Con số này bao gồm công an có thẻ ngành và các lực lượng bán quân sự trực thuộc sự chỉ huy và điều động của Bộ Công an.
Trong số đó, có 1,2 triệu công an chính quy.
Nhân lực Bộ Công an sẽ càng phình to vào ngày 1/7/2024, khi Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chính thức có hiệu lực.
Luật này được Quốc hội khóa 15 thông qua vào tháng 11/2023, sáp nhập các lực lượng tham gia bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách và đội trưởng, đội phó dân phòng vào thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, được coi là "cánh tay nối dài" của Bộ Công an.
Ước tính, Bộ Công an sẽ có thêm khoảng 300.000 nhân viên từ lực lượng này.
Công an là cánh tay đắc lực của Đảng Cộng sản Việt Nam, với phương châm "chỉ biết còn Đảng, còn mình". GETTY IMAGES
Dưới sự lãnh đạo của ông Tô Lâm trong tám năm qua, Bộ Công an Việt Nam đang ngày càng được củng cố và mở rộng với mức chi từ ngân sách trung ương ngày càng tăng.
Nghị quyết về Dự toán ngân sách 2024 được Quốc hội thông qua vào ngày 10/11/2023 cho thấy Bộ Công an sẽ được phân bổ ngân sách hơn 113.000 tỷ đồng, tăng từ mức hơn 99.000 tỷ đồng của năm 2023.
Như vậy, ngân sách cho ngành công an chỉ đứng thứ hai, sau ngân sách quốc phòng (hơn 207.000 tỷ đồng) và gấp đôi ngân sách dành cho ngành giáo dục và y tế cộng lại.
Một trong những lý do khiến Bộ Công an được rót thêm ngân sách được giới quan sát cho là do Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở nói trên.
Bên cạnh quân đội, Đảng Cộng sản Việt Nam coi Bộ Công an là cánh tay đắc lực của mình với nhiệm vụ: đảm bảo sự tồn tại của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trước mọi phe đối lập, trong và ngoài nước, theo nhận định của nghiên cứu sinh tiến sĩ Khang Vũ đăng ngày 5/4/2024 trên trang TheDiplomat.
Bộ Công an Việt Nam dưới thời ông Tô Lâm đang hiện đại hóa lực lượng để sẵn sàng đối phó "các hình thức lật đổ mới".
Bộ Chính trị Việt Nam đã thông qua Nghị quyết 12-NQ/TW vào tháng 3/2022 về việc hiện đại hóa lực lượng công an để đáp ứng tốt hơn yêu cầu và thực hiện nhiệm vụ “trong tình hình mới”.
Vào tháng 6/2022, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Cảnh sát Cơ động, một lần nữa khẳng định rằng lực lượng này có thẩm quyền sử dụng vũ lực để trấn áp tình trạng bất ổn trong nước và khủng bố. Luật này cũng mở đường cho việc mua sắm vũ khí, trang thiết bị hiện đại.
Hôm 11/3/2024, Reuters đưa tin rằng một số công ty Hoa Kỳ do Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN dẫn đầu đã đến thăm Hà Nội để môi giới một thỏa thuận nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp thiết bị cho cảnh sát Việt Nam.
Đảng Cộng sản Việt Nam lo lắng rằng khi đất nước ngày càng mở cửa với thế giới, các “thế lực thù địch” có thể lợi dụng sơ hở để làm suy yếu quyền lực của Đảng và nhiệm vụ đảm bảo an ninh nội bộ càng trở nên quan trọng hơn, theo nhận định của ông Khang Vũ.
Cảnh sát cơ động Việt Nam bảo vệ cuộc gặp thượng đỉnh Donald Trump - Kim Jong-un tại Hà Nội vào năm 2019. YE AUNG THU/AFP/GETTY IMAGES
Một số 'dấu ấn' của Bộ Công an
Vụ Trịnh Xuân Thanh
Bộ Công an dưới thời Bộ trưởng Tô Lâm bị Đức cáo buộc đã tổ chức bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh từ Berlin về Việt Nam vào năm 2017.
Vụ việc đã gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Việt Nam với Đức và Slovakia, mặc dù Hà Nội luôn phủ nhận vụ bắt cóc và nói rằng ông Thanh tự nguyện về nước đầu thú.
Đức sau đó đã điều tra việc phái đoàn do ông Tô Lâm dẫn đầu, nhân chuyến thăm Slovakia, đã mượn nước này một chiếc máy bay và sử dụng để chở ông Trịnh Xuân Thanh.
Một bức ảnh đăng trên Facebook cá nhân của ông Lê Thanh Hải, cựu cán bộ an ninh tại Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin, vào ngày 7/7/2020 khoe ông nhận được Huân chương Chiến công hạng Ba do Chủ tịch nước ký vì “có thành tích xuất sắc tham gia kế hoạch VT17”. Cùng nhận thưởng với ông có 11 cán bộ công an Việt Nam khác.
Tất cả 12 người nói trên đều đã đến Slovakia chỉ vài ngày trước khi ông Thanh bị đưa về nước.
Vụ việc liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh đã gây ra căng thẳng ngoại giao giữa Việt Nam và Đức. GETTY IMAGES
Luật An ninh mạng
Luật An ninh mạng gây tranh cãi do Bộ Công an soạn thảo được thông qua năm 2018.
Luật này trao cho chính quyền nhiều quyền hạn mới, cho phép họ yêu cầu các công ty công nghệ và nhà cung cấp dịch vụ phải chia sẻ dữ liệu máy tính, bao gồm thông tin cá nhân, hoặc phải từ chối dịch vụ và kiểm duyệt bài đăng của người sử dụng mà không cần có sự xem xét của nhánh tư pháp.
Cơ quan nhân quyền của Liên Hợp Quốc quan ngại rằng luật này có thể được sử dụng để trấn áp tiếng nói bất đồng ở Việt Nam.
Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động của Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố “bày tỏ sự thất vọng” về việc Quốc hội Việt Nam thông qua luật an ninh mạng.
Tổ chức Ân xá Quốc tế nói luật này “có nguy cơ gây hậu quả tàn khốc cho tự do ngôn luận ở Việt Nam” và với việc luật này có hiệu lực, “hiện nay ở Việt Nam không còn chỗ an toàn nào để mọi người tự do thảo luận".
Vụ Đồng Tâm
Rạng sáng ngày 9/1/2020, hơn 3.000 cảnh sát vũ trang được huy động đổ bộ vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
Cuộc đụng độ giữa lực lượng cảnh sát và người dân, xuất phát từ tranh chấp đất đai kéo dài nhiều năm, đã khiến bốn người thiệt mạng, gồm một dân thường và ba cảnh sát.
Ba công an thiệt mạng sau đó được phong liệt sĩ.
Khoảng 30 người dân Đồng Tâm đã hầu tòa, với hai án tử hình và một án chung thân được tuyên.
Dân làng tại Đồng Tâm dùng đất chặn đường trong cuộc tranh chấp đất đai. GETTY IMAGES
Trả lời BBC Tiếng Việt hồi tháng 8/2020, luật sư Lê Văn Hòa – người hỗ trợ pháp lý cho bốn người dân Đồng Tâm trong vụ án này - nói: “Đây là một vụ án để lại một nỗi đau cho dân tộc Việt Nam, xuất phát từ việc tranh chấp đất đai."
Liên minh Nhân quyền Quốc tế (FIDH) ra thông cáo báo chí trong đó viết: "Nhiều vi phạm nhân quyền ở Việt Nam được thực hiện trong bối cảnh tranh chấp đất đai."
Thông cáo còn cho rằng "chính quyền Việt Nam đã liên tục áp dụng cách tiếp cận độc ác và bạo lực để giải quyết các tranh chấp này".
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) sau thời điểm xảy ra vụ việc cũng thúc giục EU kêu gọi chính phủ Việt Nam "khởi động một cuộc điều tra công bằng và minh bạch về vụ đụng độ ở Đồng Tâm ngày 9/1 và buộc những người sử dụng bạo lực phải chịu trách nhiệm".
Hơn một năm sau, ông Tô Lâm, lúc bấy giờ là bộ trưởng Bộ Công an, đã điểm lại vụ Đồng Tâm trong lúc nói về “kết quả nổi bật” mà lực lượng công an đạt được trong năm 2020.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét