07.6.2024 - Kim Văn Chính
1. Tư duy địa phương chủ nghĩa, còn gọi là cục bộ bản vị, cục bộ địa phương là hiện tượng phổ biến ở Việt Nam với dân cư phát triển trên cơ sở làng xã bao đời và quá trình liên tục mở rộng bờ cõi, đến mức nó trở thành tư duy thường trực trong làm ăn, đời sống xã hội và đời sống chính trị.
Tuy nhiên, do tính cách, đặc điểm và văn hóa các vùng, miền, tỉnh thành khác nhau nên tính chất, mức độ, sắc thái địa phương chủ nghĩa của mỗi tỉnh, mỗi vùng có sự khác biệt, nhiều khi khác biệt rất lớn tạo nên tính cách, văn hóa rất khác nhau của các vùng miền, tỉnh thành.
Sức mạnh của cục bộ địa phương nhiều khi rất lớn, át hết tất cả các giá trị khác, tạo nên sức mạnh khủng khiếp của một cộng đồng người Việt, nhất là khi “giữ chuồng” tại quê nhà (chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng, cua cậy càng, cá cậy vây…), hoặc di tha phương phải “cạnh tranh” trong sự hợp tác với các cộng đồng khác.
Bên cạnh tư duy cục bộ địa phương, tư duy đoàn kết cầu thị cũng được người Việt tôn trọng, tạo nên sức mạnh chung của cộng đồng người Việt thường cũng phải dựa vào cộng đồng lớn để sinh tồn và phát triển…
Phủ nhận hoặc coi thường tính cục bộ địa phương là bỏ qua đặc điểm quan trọng của người Việt.
Bàn về nó nghiêm túc mới là khó.
Nhiều người nói đến chủ đề này đã sợ. Hoặc nhiều người luôn dè bỉu, chê bai, công kích các bài viết khơi dậy tư duy cục bộ.
Tôi cho rằng nếu nó là sự thật thì chả sợ gì mà không bàn đến nó. Bàn thấu đáo về nó sẽ giúp ta giải thích, kiến giải được nhiều điều trong quá trình phát triển các sự kiện chính trị, xã hội.
2. Tôi không muốn bàn quá chi tiết và cụ thể về từng tỉnh, từng vùng về điều này vì như vậy, dễ gây sóng gió tranh luận không cần thiết. ;Cục bộ địa phương là tập tính được coi là xấu nên nếu công khai nói ai đó, tỉnh nào đó có tính cục bộ cao thì dễ bị các cá nhân người tỉnh đó phản ứng thái quá ngay…
Tuy nhiên, bất cứ ai từng trải và hiểu biết về tập tính chính trị của người Việt, đều biết rõ rằng: người miền núi thường ít có tính cục bộ nhất khi về miền xuôi, thành phố làm việc.
Người Khu 3 (đồng bằng Bắc bộ) cũng có tính dung hòa mạnh hơn tính cục bộ địa phương.
Người Khu 4 có một số tỉnh phía bắc tính cục bộ khá cao, có tỉnh mang tính điển hình của khái niệm này.
Khu 5 lại có tính dung hòa cao hơn, ít cục bộ.
Đất Nam bộ có tính bao dung rất cao, nhưng tính cục bộ lại ở sắc thái rất riêng, khó phát hiện tính cục bộ theo tỉnh mà là tính cục bộ chung cho những người tự coi là “người Nam bộ”.
3. Trước vấn đề tính cục bộ đã phát triển lên cấp độ rất cao, rất mạnh, ảnh hưởng rõ rệt đến sự phát triển chung của đất nước, Đảng và nhà nước ta mới chỉ dừng ở mức độ hô hào chung chung không có tác dụng.
Hãy xem kết quả của tư duy này, ta sẽ thấy giật mình. Số sỹ quan cao cấp trong một quân khu, binh chủng, trong ngành công an 1 tỉnh, 1 cục… Rồi số ủy viên trung ương, ủy viên BCT và BBT có quê cùng 1 tỉnh…
Sự phân bổ không đều đến mức giật mình về quê quán hoàn toàn không phải do ngẫu nhiên hoặc do tài năng cá nhân. Nó có nguyên nhân rất lớn từ căn bệnh cục bộ địa phương đã phát triển đến tầm cao phe phái…
Quy luật của chính trị không cho phép như vậy. Nếu để tình trạng đó phát triển vô lối, sẽ dẫn đến nguy cơ phá vỡ cân bằng chính trị…
Nền chính trị của các nước có chế độ lưỡng viện đều quy định về số lượng thành viên thượng viện đại diện cho các địa phương là ngang nhau và duy nhất mỗi bang chỉ có 1 đại diện thôi.
Nền chính trị Việt nam cũng có “luật ngầm” rằng mỗi tỉnh đều phải có đại diện của mình trong BCH TW, và trừ 2 thành phố lớn, các tỉnh còn lại có số đại diện là ngang nhau và mỗi tỉnh chỉ 1 và chỉ 1 mà thôi. (bên cạnh đó, mỗi bộ - ngành 1 đại diện nữa – trừ 2 bộ đặc biệt là Công an và Quân đội có nhiều hơn) .
Luật ngầm này tuy chẳng có ai lý luận dài dòng nhưng nó rất có hiệu lực và nó chính là 1 trong những luật tạo nên sự bền vững của thể chế suốt mấy chục năm phát triển chế độ ở Việt nam…
Tuy nhiên, dần dần, luật ngầm đó cũng bị các thế lực lạm dụng, vi phạm và đến nay có nguy cơ bị phá vỡ.
Mục đích của các thế lực đứng đằng sau chính là các thế lực cục bộ ngành hoặc cục bộ địa phương, muốn người ngành mình, địa phương mình có nhiều “chân” trong cơ cấu quyền lực cao cấp như BCH TW, BBT, BCT. Biểu hiện bề ngoài là số ủy viên các cơ cấu quyền lực tăng liên tục và tăng mạnh, số cán bộ trong 1 địa phương trong 1 cơ cấu quyền lực tăng cũng mạnh (ví dụ có tỉnh thuộc loại bé, ít dân nhưng có đến 9 ủy viên TW đảng, 3 ủy viên BCT - BBT thì rõ ràng là quá nhiều và cần xem xét xem có dấu hiệu của sự thao túng của cục bộ địa phương hay không)
3. Chống cục bộ địa phương bằng gì?
Rất khó khi trả lời câu hỏi này.
Nó đã thành bệnh, mà cứ dùng các ngôn từ, lời khuyên chung chung mang tính đạo đức như phát huy đoàn kết, chống chủ nghĩa địa phương, phát huy chủ nghĩa quốc tế vô sản, học tập tấm gương Lenin… tôi cho là không được.
Khía cạnh nào đó thì phải dùng độc mới trị được độc. Chống chủ nghĩa bè cánh và cục bộ địa phương rất mạnh ở 1 vài tỉnh , nhất là trong quân đội, công an, chính trị... thì cái chủ nghĩa quốc tế vô sản và tình đoàn kết thống nhất viển vông không chống nổi đâu, thậm chí tạo thêm cơ hội cho các thế lực hắc ám lợi dụng điều đó.
Có khi phải dùng chính chủ nghĩa cục bộ để chống chủ nghĩa cục bộ.
Có thể ta sẽ có cục bộ hắc ám và cục bộ chính danh; cục bộ “xấu” và cục bộ “tốt”.
Dù sao khi tôi thấy, trong bối cảnh hiện nay, nếu như 1 vùng nào đó, 1 tỉnh nào đó không hề có truyền thống cục bộ, nay tự dưng lại nổi lên với những hành động nặng ký có tính cục bộ rõ rệt thì tôi mừng. Còn hơn là họ (và các tỉnh vẫn được coi là hiền lành khác) cứ cúc cung tôn thờ cn quốc tế vô sản để mặc các trào lưu các tỉnh có truyền thống cục bộ họ thao túng chính trường.
Bình luận của Nguyễn Bình
Cục bộ địa phương ở Việt Nam có từ lâu rồi bác ạ. Xưa đã có câu " một người làm quan cả Họ được nhờ". Cho nên một số tỉnh có người làm quan là họ dìu dắt nhau cùng làm quan. Những tỉnh đó còn được tiếng là " địa linh nhân kiệt " vì có nhiều quan, nhiều Trạng, nhiều tiến sĩ. Thực chất là nâng đỡ lẫn nhau chứ giỏi quái gì.
Thời nay họ cục bộ công khai luôn. Có tỉnh 6-7 thậm chí hơn các suất UVTW, có tỉnh 4 bộ trưởng. Trong khi đó có tỉnh lớn, kinh tế mạnh như Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai... chỉ có 1 suất ở Trung ương.
Tui mong xóa bỏ Cục bộ địa phương. Bất kể tỉnh nào có người tài , ko tham nhũng là được vào trung ương.
Bình luận của Nhu Tuan Vu
Nền chính trị của các nước có chế độ lưỡng viện đều quy định về số lượng thành viên thượng viện đại diện cho các địa phương là ngang nhau và duy nhất mỗi bang chỉ có 1 đại diện thôi.
Về thượng viện (Bundesrat): Điều này, không đúng ở Đức.
Đức có quốc hội (Hạ viện/Bundestag): Dân tất cả các bang, đi bầu trong 1 ngày, và bầu ra quốc hội.
Riêng mỗi bang, lại có bầu cử riêng, vào các thời điểm khác nhau. Sẽ hình thành Liên minh các đảng phái tại từng bang, để lập chính phủ.
Tức là dân ở 1 bang, tín nhiệm đảng A, C, không tín nhiệm đảng B
Dân ở bang khác, tín nhiệm đảng A, B, không tín nhiệm đảng C
Thượng viện (Bundesrat): là đại diện của các bang tham gia. Bang có nhiều dân, sẽ có nhiều ghế hơn.
Ví du: 1 bang có 12 ghế, phân cho đảng A và C (họ liên minh cầm quyền)
Bang khác, có 9 ghế, phân cho đảng A và B (họ liên minh cầm quyền)
Thượng viên ở Đức: mỗi bang bảo vệ quyền lợi của mình, mà quyền lợi đó, lại không giống quyền lợi của bang khác:, thể hiện ý kiến dân mỗi bang (bầu cho đảng A hay B)
Vi dụ: năm 2023, đã có thượng viện với các ghế.
Năm 2024, 1 bang bầu cử -> số lượng ghế của bang này, không thay đổi, nhưng số ghế, cho đảng A và B, trong toàn thượng viện lại thay đổi
Bình luận của Vuotquaviet Net
Trong chế độ phong kiến hay độc tài (đảng trị), việc chia quyền cho các địa phương (vùng, miền) nhằm cân bằng quyền lực và quyền lợi; tránh nạn sứ quân. Trong chế độ dân chủ, quyền lợi vùng, miền được giải quyết bằng thượng viện. Ngày nay, Tô Lâm với nhóm Hưng Yên của ông ta lên như diều. Phải chăng chế độ vùng miền sẽ bị xóa bỏ, Tô Lâm trở thành Putin (cựu KGB) thứ 2, với chế độ công an trị ? Ngược lại, đây là khởi điểm của nạn sứ quân ?!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét