13/06/2024 - VOA
Hải quân Philippines thu nhặt các gói hàng do máy bay thả xuống Bãi Cỏ Mây ngày 19/5/2024.
Các chuyên gia quân sự đang cảnh báo về nguy cơ chiến tranh gia tăng với Trung Quốc sau những thông báo gần đây của Bắc Kinh về việc thực thi mạnh mẽ hơn các yêu sách của họ đối với các khu vực tranh chấp ở Biển Đông.
Cuối tháng trước, Trung Quốc tuyên bố lực lượng tuần duyên của họ sẽ được trao quyền điều tra và giam giữ tới 60 ngày “những người nước ngoài gây nguy hiểm cho an ninh và lợi ích quốc gia của Trung Quốc” trong vùng biển tranh chấp. Chính sách này sẽ có hiệu lực vào ngày 15 tháng 6.
Và vào ngày 8 tháng 6, họ tuyên bố sẽ cho phép Philippines cung cấp vật tư và sơ tán nhân sự khỏi một tiền đồn của Philippines trên Bãi Cỏ Mây (Bãi cạn Second Thomas) đang tranh chấp, nơi được tòa án quốc tế xác định là nằm trong vùng biển của Philippines, chỉ khi nào Manila thông báo trước cho Bắc Kinh.
Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines khẳng định nước này sẽ tiếp tục duy trì và tiếp tế cho các tiền đồn của mình ở Biển Đông mà không cần xin phép bất kỳ quốc gia nào khác.
Trong một tuyên bố chính thức, cố vấn an ninh quốc gia Eduardo Ano nói khuyến nghị của Trung Quốc là “vô lý, lố bịch và không thể chấp nhận được”.
Theo bản tin ngày 10 tháng 6 trên tờ South China Morning Post, một cuộc khảo sát do cơ quan khảo sát độc lập OCTA Research công bố cho thấy 73% người Philippines ủng hộ có thêm hành động quân sự để bảo vệ quyền lãnh thổ của Philippines, bao gồm mở rộng tuần tra hải quân và điều động thêm quân.
Truyền thông Philippines tin rằng các đòi hỏi mới của Bắc Kinh sẽ trao quyền cho lực lượng tuần duyên Trung Quốc bắt giữ “tùy tiện” người Philippines trong vùng biển của họ. Tuyên bố của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ vùng biển này vươn tới các vùng đặc quyền kinh tế được quốc tế công nhận của một số nước Đông Nam Á.
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. gọi các quy định mới của Trung Quốc là “hoàn toàn không thể chấp nhận được” và cho biết ông sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để “bảo vệ công dân” và tiếp tục “bảo vệ lãnh thổ đất nước”.
Trong bài phát biểu quan trọng của mình tại Đối thoại An ninh Shangri-La ở Singapore vào ngày 31 tháng 5, Tổng thống đã chỉ ra rằng nếu một người Philippines thiệt mạng trong cuộc xung đột ở Biển Đông với Trung Quốc, điều đó “gần như chắc chắn” sẽ vượt qua ranh giới đỏ và “rất gần” với những gì Philippines định nghĩa là một hành động chiến tranh.
Ông John C. Aquilino, cựu Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, đã khai chứng trước Quốc hội Hoa Kỳ vào tháng trước rằng Manila có thể viện dẫn Hiệp ước phòng thủ chung Hoa Kỳ-Philippines năm 1951 trong trường hợp như vậy.
Ông Bob Savic, người đứng đầu thương mại quốc tế tại Viện Chính sách Toàn cầu ở London, tuần trước cho biết điều này có thể khiến Mỹ và Trung Quốc rơi vào xung đột trực tiếp.
“Ngòi nổ của Thế chiến thứ nhất xảy ra vào ngày 28/6/1914 với vụ ám sát Thái tử Áo Franz Ferdinand tại một quốc gia ở Đông Nam Âu. Lần này, ngòi nổ có thể là cái chết của một thủy thủ Philippines ở vùng biển nhiệt đới Đông Nam Á”, ông viết trong một bài báo đăng trên tờ Asia Times.
Ông tin rằng nếu Manila buộc phải yêu cầu sự hỗ trợ của Mỹ theo Hiệp ước phòng thủ chung, có thể hình dung rằng các tàu Tuần duyên Trung Quốc sẽ nhanh chóng đối đầu với các tàu chiến Mỹ đang duy trì tự do hàng hải trong khu vực. Ông Savic viết: “Mỹ và Trung Quốc phải đảm bảo rằng họ không mộng du lặp lại thảm kịch năm 1914 vào nửa cuối tháng 6 năm 2024 hoặc thực tế là vào bất kỳ thời điểm nào trong tương lai”.
‘Việc này có thể kích hoạt leo thang’
Bà Andrea Chloe Wong, một nhà nghiên cứu không thường trú tại Viện Các vấn đề Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nói với đài VOA tại hội thảo ngày 6 tháng 6 do Cục Nghiên cứu Châu Á của Quốc gia tổ chức rằng nếu Hiệp ước Phòng thủ Chung được viện dẫn, “nó có thể gây ra leo thang hoặc xung đột giữa các nước Philippines và Trung Quốc.”
Sự an toàn của nhân sự Philippines đã trở thành tâm điểm trong các vòng tranh chấp gần đây ở Biển Đông. Vào ngày 7 tháng 6, Philippines cáo buộc một tàu tuần duyên Trung Quốc đã đâm vào một tàu Philippines, ngăn cản việc sơ tán một bệnh binh khỏi một tàu chiến đang mắc cạn đóng vai trò là tiền đồn quân sự của Philippines trên Bãi Cỏ Mây (Bãi cạn Second Thomas.)
Ông Romeo Brawner, Tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Philippines, nói với các phóng viên ngày 4/6 rằng lực lượng tuần duyên Trung Quốc đã ‘cướp’ một số thực phẩm mà một máy bay thả xuống cho nhân viên hải quân Philippines trên chiếc tàu chiến cũ kỹ làm tiền đồn này. Ông cũng đã công bố video về vụ việc.
Bất chấp căng thẳng gia tăng, bà Oriana Skylar Mastro, thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli của Đại học Stanford, nói với VOA rằng khả năng Thế chiến III nổ ra ở Biển Đông là không cao.
Bà tin rằng Trung Quốc sẽ không lựa chọn phát động chiến tranh ở Biển Đông vào thời điểm này vì họ biết mình sẽ thua.
“Họ chưa thể triển khai sức mạnh ở những khoảng cách như vậy. Khi tôi nói chuyện với PLA [Quân đội Giải phóng Nhân dân, lực lượng quân sự chính của Trung Quốc], họ nói lý do duy nhất họ chưa tuyên bố vùng nội thủy ở [chuỗi] Trường Sa là bởi vì không có cách nào họ có thể thực thi điều đó."
Mỹ hứa hẹn khí tài
ABS-CBN News hôm 11/6 dẫn lời Tuần duyên Philippines cho biết Tuần duyên Hoa Kỳ đã hứa sẽ gửi khí tài tới Biển Đông để giúp Manila duy trì quyền chủ quyền trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Trong một tuyên bố, Lực lượng Tuần duyên Philippines cho biết Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ sẽ triển khai Lực lượng Tuần duyên Bắc Thái Bình Dương theo đề nghị của Đô đốc Philippines Ronnie Gil Gavan. Ông Gavan kêu gọi “việc triển khai nhiều hơn” ở vùng biển khơi “để giải quyết mối đe dọa sắp tới” do lời đe dọa của Trung Quốc nhằm bắt giữ người nước ngoài bên trong vùng mà họ tuyên bố là ranh giới biển của mình.
Trong một phúc trình nghiên cứu do Cục Nghiên cứu Châu Á của Quốc gia công bố vào tháng trước, ông Michael Shoebridge của Cơ quan Phân tích Chiến lược Úc đã chỉ ra rằng hành động tập thể của Philippines và các đồng minh có thể giảm thiểu rủi ro ở Biển Đông một cách hiệu quả.
Ông viết: “Nguy cơ hành động tập thể như vậy leo thang thành xung đột là có thật. Tuy nhiên, nó có thể được giảm thiểu bằng cách quân đội hành động rõ ràng theo luật pháp quốc tế và phối hợp một phản ứng chính trị thống nhất để thể hiện và truyền đạt điều này”. Việc này sẽ chống lại những nỗ lực của Trung Quốc “đe dọa các nước khác và xem những hành động hợp pháp như vậy là gây hấn.”
Ông Shoebridge, người cũng đã tham dự hội thảo ngày 6 tháng 6 của Cục Nghiên cứu Châu Á, đã phát biểu tại cuộc họp rằng “trừ khi chúng ta làm cho chính sách và hành động của Trung Quốc thất bại, chúng ta sẽ để lại tất cả đòn bẩy cho Bắc Kinh, và chúng ta đang chờ đợi các quân nhân của chúng ta bị PLA giết chết và đó không phải là tương lai mà tôi mong muốn.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét