05/06/2024 Lê Quốc Quân - VOA
Quốc kỳ và đảng kỳ. Hình chụp tại Hà Nội, tháng Giêng, 2016.
Quy định số 144 QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ đảng viên trong giai đoạn mới, được chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành vào ngày 9/5/2024 dự báo sẽ trở thành một “vũ khí mới” vô cùng nguy hiểm để các bên có thể sử dụng “thanh trừng” lẫn nhau.
Loại “vũ khí” mới này được bổ sung vào bộ sưu tập đảng quy mà đã được Đảng sử dụng một cách quyết liệt trên sàn đấu trong những trận tỷ thí xảy ra trong suốt hơn 2 năm qua, dự báo cả một khoảng trống quyền lực, hoặc độc tài sắt máu.
Tuyệt đối trung thành và kiên định
Quy định 144 QĐ/TW có 6 điều dài khoảng 4 trang giấy A4 về “Chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới” là sự “nâng cấp” Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban chấp hành TW Đảng về “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”.
Nội dung của Quy định gồm 5 điểm nằm ở 5 điều chính mà có thể gói gọn ở mấy chữ: Trung thành (Điều 1), Kiên định (Điều 2), Trong sạch (Điều 3), Đoàn kết (Điều 4), Gương mẫu (Điều 5) và Điều 6 quy định về việc tổ chức thực hiện.
Khoản 1, Điều 1 của Quy định nhấn mạnh đến sự trung thành với Đảng bằng một mệnh đề rõ ràng là đảng viên phải “Suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng”.
Đây là một khẳng định dứt khoát của đảng cộng sản về lý tưởng chủ nghĩa Cộng sản mà rất nhiều người, khi chứng kiến nền kinh tế thị trường đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam mà đã trở nên mơ hồ hoặc bị nhầm lẫn.
Không chỉ có người dân trong nước mà nhiều người hải ngoại từng “chống cộng” cũng đang bắt đầu tin về một Việt Nam đang thay đổi từng ngày và kỳ vọng những người cộng sản sẽ “buông bỏ” lý thuyết về Chủ nghĩa Cộng sản để tiến hành dân chủ hoá đất nước.
Không! Những người cộng sản chưa bao giờ ngừng đòi hỏi các đảng viên phải kiên định về mục đích và lý tưởng cộng sản. Họ vẫn liên tục hô hào tu dưỡng về đạo đức cách mạng một cách không ngơi nghỉ.
Chưa bao giờ đảng Cộng Sản Việt Nam lơ là trong việc bồi dưỡng lý tưởng và củng cố tinh thần cho các đảng viên của mình dù cho lý thuyết đó đã bị chối bỏ trên quê hương khai sinh ra nó và đang bị thách thức gay gắt bởi thực tiễn Việt Nam.
Cuộc tìm kiếm bài bản và sự tha hoá lâu dài
Mặc cho thực tế liên tục giáng những đòn cay đắng vào lý tưởng, Đảng Cộng sản vẫn liên tục tìm kiếm các bạn trẻ ở các trường trung học có năng lực và lý lịch trong sạch nhất để kết nạp vào trong hàng ngũ của họ, nâng tổng số đảng viên ngày một nhiều hơn với chất lượng đầu vào cao hơn.
Sau khi đã đưa chiêu mộ được những học sinh giỏi mà non nớt vào “tròng”, Đảng bắt đầu 2 nhiệm vụ quan trọng: Một là liên tục răn dạy những bài giảng về đạo đức, lối sống, tư tưởng và lòng yêu đảng mà họ đồng hoá là yêu nước . Hai là treo ngay trước mắt những quyền lợi về vật chất và chức vụ, gọi là được “quy hoạch”.
Đã có những người đợi cả đời vì một chữ “quy hoạch cán bộ”, bỏ qua vô vàn cơ hội để trở thành một con người tự do và giàu có một cách chính đáng ở ngoài kia. Họ được cơ cấu và sống trong niềm hy vọng của sự “cơ cấu” đó cho đến tận lúc về hưu.
Nhiều người biện minh cho việc vào Đảng là để “đem đến sự cải cách” hoặc “pha loãng sự ngu dốt” của những người đi trước. Thế nhưng, kể từ khi bước lên bục tuyên thệ, họ vĩnh viễn bước vào một trạng thái đầy mông lung và sợ hãi. Mông lung vì lý tưởng ngày càng xa vời, sợ hãi vì bất cứ khi nào các đồng chí cũng dựa vào sự “tự diễn biến, tự chuyển hoá” của mình để ra đòn triệt hạ.
Khi họ bắt đầu giơ tay hô to “Tuyệt đối trung thành với lý tưởng cộng sản”, đó là lúc họ bắt đầu tha hoá trong chuỗi, rễ và bè nhóm của mình.
Đó là lúc “giọt nước trong” với lòng tinh khiết bắt đầu hoà mình vào một lọ mực đen, là lúc Đảng bắt đầu nhốt các đảng viên của mình vào chiếc hộp Pandora Box với những phe nhóm và tai ương dẫn dụ, đẩy họ càng lên cao càng xa rời chính con người thật của mình, càng trở nên tha hoá.
Những người đeo mặt nạ
Ngày nay, những đảng viên cộng sản vẫn phải mang lý tưởng và chuẩn mực “đạo đức cách mạng” như một tấm bình phong nguỵ trang cho toàn bộ cuộc đời mình, phải thường xuyên phải đeo mặt nạ. Những đảng viên là quan chức đã phải trường kỳ nguỵ trang nhân cách cho chính mình theo cách nói một đàng làm một nẻo.
Loạt bài báo dài 4 kỳ được giải B Toàn quốc về xây dựng Đảng của nhà báo Nguyễn Hoà Văn, đã mô tả chân thực sự “giao tranh” quyết liệt giữa lý tưởng và thực tế cuộc sống, về sự giằng co trong tiến hoá và suy thoái đạo đức của các đảng viên. Tiếc rằng, bài báo không thể giải quyết được vấn đề vì bản thân cơ chế đó đã không tạo được động lực cho những thay đổi tốt đẹp phù hợp với thực tiễn khách quan.
Một mặt họ muốn sống thật với chính mình, một mặt bị đảng buộc phải “sinh hoạt” như một tổ chức tôn giáo nơi các tín đồ phải “nhóm” với nhau thường xuyên để nghe rao giảng về những lời của giáo chủ.
Tôn giáo thì chỉ khuyên răn những việc làm thiện hảo ở đời này để được hưởng hạnh phúc “đời sau”, trong khi đó, đảng áp đặt lợi ích quốc gia dân tộc vào chung với lợi ích chung của Đảng, trói chặt mọi đảng viên vào một bộ đồng phục lý tưởng may sẵn và giám sát nó trong các công việc hằng ngày.
Cụ thể, Điều 2 của Quy định nêu trên đề cập về “Bản Lĩnh, Đổi mới, sáng tạo và hội nhập” nhưng bản lĩnh có nghĩa là “Kiên quyết, kiên trì bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Thực hiện nghiêm Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, đường lối chủ trương của Đảng…”
Như vậy các đảng viên phải đeo mặt nạ và mặc áo giáp như những người máy với đồng phục của Đảng, trang bị bằng lý tưởng cộng sản và xông pha giữa sự đa dạng của nền kinh tế nhiều thành phần trong một đất nước đang hội nhập quốc tế sôi động.
Chính việc ép buộc tất cả mọi thành viên đều phải đi theo “tư tưởng của đảng” đã giết chết mọi “đổi mới, sáng tạo và hội nhập”.
Bất cứ đảng viên nào tiến hành việc “sáng tạo và hội nhập” vào với thế giới phương tây hoặc các quan điểm khác biệt thì đều có thể bị coi là vi phạm và Quy định 144/QĐ-TƯ này và là căn cứ để đối thủ tiêu diệt.
Đảng như một màn sương
Vào năm 1989, Đảng cộng sản Liên Xô có khoảng 20 triệu thành viên và tất cả đều được coi là “Tuyện đối trung thành” với lý tưởng cộng sản. Thế nhưng chưa đầy 2 năm sau, các đảng viên đã “bốc hơi” một cách kỳ lạ và không ai có thể vực dậy được một đảng cộng sản có tầm vóc ở Nước Nga sau này. Điều đó cho thấy rằng lý tưởng cộng sản đã thực sự chết khô trong tâm hồn của những người cộng sản.
Giờ đây, Ông Nguyễn Phú Trọng, đang cố níu kéo lại những lý tưởng cộng sản bằng cách đưa ra những quy định về “đạo đức, lối sống” và trói chặt các đảng viên vào những trách nhiệm “nêu gương” đầy tưởng tượng. Sự giằng co này đang làm đất nước suy giảm động lực phát triển do các véc tơ thuộc về các lực đẩy khác nhau.
Đó là điều vô cùng tai hại và tất cả các đảng viên đều biết điều đó, nhưng không ai có đủ sự dũng cảm để thoát ra khỏi những nhận thức của chính mình. Nếu khi có một biến cố đủ mạnh tạo nên ngọn triều lịch sử, sẽ xô đổ tất cả và đảng có thể biến mất một cách mau chóng, để lại cả một khoảng trống quyền lực rất lớn và cực kỳ nguy hiểm cho tương lai đất nước.
Bởi vậy, “vũ khí” mới về đạo đức cách mạng này, tưởng như củng cố thêm vai trò của đảng, nhưng thực chất chỉ khoét sâu thêm khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn, giữa lời nói và việc làm, tạo lý do cho những cuộc “tỷ thí” có một không hai trong thời gian sắp tới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét